Mối tình nghệ sĩ Thanh Thúy – Trúc Phương: Đưa nhau lên đỉnh cao âm nhạc, trở thành “ông hoàng – bà hoàng” bolero

Vào thập niên 1960, tên tuổi nhạc sĩ Trúc Phương và danh ca Thanh Thúy gắn với nhau như hình với bóng, trở thành sự kết hợp thành công nhất của nhạc vàng từ trước đến nay!

Diệu Nguyễn
14:00 03/10/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Nhắc đến nhạc sĩ Trúc Phương, ai cũng nhớ đến giọng hát Thanh Thúy và ngược lại. Từ cuối thập niên 1950, Thanh Thúy đã là một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất Sài Gòn. Tuy nhiên, lúc này nhạc vàng đại phúc vẫn còn ở buổi đầu sơ khai nên tiếng hát của nữ danh ca chủ yếu gắn với nhạc tiền chiến. Đến đầu thập niên 1960, những tuyệt khúc của Trúc Phương bắt đầu xuất hiện, đã nâng tầm tiếng hát liêu trai của Thanh Thúy. Sự kết hợp hoàn mỹ này được đánh giá là thành công nhất của thể loại nhạc vàng từ trước đến nay.

Trong một bài tưởng niệm nhạc sĩ Trúc Phương, ca sĩ Thanh Thúy viết: “Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tơ tằm. Anh trú tâm sự qua những cung đàn, còn tôi qua những tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi của anh và tôi gắn với nhau như hình với bóng: nhạc Trúc Phương – tiếng hát Thanh Thúy.

Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm anh đam mê sáng tác và tình cờ trở thành sứ giả gửi gắm tâm sự của anh đến với mọi người, những người không ít thì nhiều cũng mang một niềm tâm sự giống anh. Đó là nỗi niềm về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng đôi lứa, về chuyện tình dở dang, về cuộc đời,…”.

Tiếng hát của Thanh Thúy gắn với rất nhiều ca khúc nổi tiếng của Trúc Phương như: Tàu đêm năm cũ, Chiều cuối tuần, Chiều cao, Hai lối vào, Hình bóng cũ, Ai cho tôi tôi yêu,… Trong đó nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất là “Nửa đêm ngoài phố”. Đây là ca khúc hầu như giới mộ điệu nhạc vàng đều đã từng một lần thưởng thức qua.

moi-tinh-nghe-si-giua-danh-ca-thanh-thuy-va-nhac-si-truc-phuong (1)
Bìa ca khúc Trúc Phương sáng tác có qua sự thể hiện của danh ca Thanh Thúy

Ca khúc “Nửa đêm ngoài phố” của Trúc Phương kể về một đêm buồn, có một người trằn trọc nhớ về chuyện tình thuở xa xưa. Dù kết thúc đã lâu nhưng vào khoảnh khắc ấy chuyện như mới vừa diễn ra ngày hôm qua. Những kỷ niệm ùa về, khung cảnh ngày xưa hiện ra tựa như một thước phim quay chậm: “Đường phố vắng đêm nao quen một người…”.

Danh ca Thanh Thúy từng chia sẻ về ca khúc này như sau: “Đến khi nhạc phẩm “Nửa đêm ngoài phố” ra đời, tên tuổi anh Trúc Phương đã vang vọng khắp chốn. Với thể điệu rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, ca khúc đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ người lớn tuổi cho đến tầng lớp trẻ tuổi lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nào tôi xuất hiện cũng đều được yêu cầu trình bày bài “Nửa đêm ngoài phố”, từ phòng trà, vũ trường cho đến đại nhạc hội, từ thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài tiếng nói Quân đội, vào bất cứ chương trình âm nhạc nào tôi cũng hát bài này. Nỗi buồn không nguôi của một khách đa tình, cứ mãi đi tìm một người không đến. Bi đát vô cùng!

Tôi còn nhớ, có một lần lưu diễn ở Đà Lạt, hát xong phần mình tôi liền quay về khách sạn để nghỉ ngơi. Sau đó không lâu, chương trình biểu diễn kết thúc, khán giả kéo nhau ra về. Đứng trên lan can nhìn xuống đường tôi đã thấy mọi người tụ họp lại thành nhiều nhóm, cùng nhau vừa hát vừa huýt sáo bài “Nửa đêm ngoài phố”. Tôi nhìn mà cảm động, hai hàng nước mắt cứ vậy tuôn chảy. Tôi chỉ là một ca sĩ, hát lên nỗi niềm của anh mà còn xúc động như vậy nói gì đến anh Trúc Phương – người sáng tác, còn xúc động đến nhường nào!”.

Những ai yêu mến Trúc Phương đều nhận thấy âm nhạc của ông có một giai điệu rất đặc biệt, khó lầm lẫn với những nhạc sĩ khác bởi bài nào cũng ẩn chứa trầm buồn, ưu tư, phiền muộn vì những mối tình dang dở, trái ngang.

moi-tinh-nghe-si-giua-danh-ca-thanh-thuy-va-nhac-si-truc-phuong (2)
Chân dung danh ca Thanh Thúy và nhạc sĩ Trúc Phương

“Mỗi lần viết xong một bản nhạc mới, anh đều chạy đến nhà tôi vào sáng sớm, nhất định phải đánh thức tôi dậy cho bằng dược để dợt nhạc cùng nhau. Anh là một nhạc sĩ đầy tính nghệ sĩ, đầy mộng mơ. Âm nhạc của anh cũng rất giản dị, thân thiết và dịu dàng như chính con người anh vậy, ngay cả khi trách móc, giận hờn người yêu hoặc thói đời. Hình như cả đời anh chỉ sống với kỷ niệm, sống cho kỷ niệm. Qua bao nhiêu tác phẩm của anh, chúng ta lúc nào cũng thấy có kỷ niệm trong đó. Anh quý kỷ niệm, anh gìn giữ kỷ niệm rồi trân trọng trao gửi nó vào lời ca, tiếng nhạc. Chỉ cần đọc tên các bản nhạc, mọi người cũng có thể nhìn thấy rõ được điều này như: “Buồn trong kỷ niệm”, “Hình bóng cũ”, “Đêm tâm sự”,…” danh ca Thanh Thúy chia sẻ.

Cứ vậy, hơn 60 năm qua, cứ mỗi lần nhắc đến nhạc Trúc Phương người ta sẽ nhớ ngay đến giọng ca của Thanh Thúy.  Mối tình nghệ sĩ đã gắn kết, đưa cả hai lên đỉnh cao danh vọng, trở thành “ông hoàng – bà hoàng” của dòng nhạc bolero!

Xem thêm: “Nửa đêm ngoài phố”: Tuyệt phẩm về chuyện tình buồn của nhạc sĩ Trúc Phương

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận