Kể chuyện về nhạc sĩ Lê Uyên Phương: Hoài niệm về một thiên đường đã qua

Ca sĩ Lê Uyên chia sẻ về những hồi ức, tình yêu, thời thanh xuân đã qua với nhạc sĩ Lê Uyên Phương – người chồng, người tình, người bạn đồng hành, người tri kỷ tựa như loài chim hót về một mùa ân ái cũ trong cánh rừng xưa.

Diệu Nguyễn
7 giờ trước Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Bài viết dưới đây là một cuộc phỏng vấn do Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện, được đăng tải trên tờ Người Đô Thị.

“Toàn bộ sự nghiệp của anh Phương chỉ khoảng 60 ca khúc. Nhưng mọi người biết đến chủ yếu là những bản tình ca trong giai đoạn chúng tôi còn ở Đà Lạt và một vài sáng tác trong thời gian đầu về Sài Gòn (1966 – 1972).  Đặc biệt 15 ca khúc trong 2 tập nhạc đầu tay của anh là “Khi loài thú xa nhau” năm 1970 và “Yêu nhau khi còn thơ” năm 1971 được mọi người rất yêu thích. Nhưng đó chỉ là một phận nhỏ trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương”, ca sĩ Lê Uyên đã bắt đầu câu chuyện như thế.

Rõ ràng với âm nhạc Lê Uyên Phương sẽ là sự khởi đầu của một phong cách đủ mạnh để xác định biểu tượng cho toàn bộ sự nghiệp. Nói đến Lê Uyên Phương chính là nói đến chất lãng tử, tự do và tinh thần hiến dâng trong tình yêu. Trong suy nghĩ của nhiều người, Lê Uyên Phương thuộc về mảnh đất Đà Lạt với sự lãng đãng, mộng mơ nên họ thường chỉ nhớ về những ca khúc của ông ở thời kỳ đầu.

Những biểu tượng quá sâu đã vô tình trở thành hào quang bao phủ lên hành trình sáng tạo về sau của nhạc sĩ Lê Uyên Phương.

Xin kể về giai đoạn sau năm 1975, khi anh chị đã rời xa Đà Lạt?

Đây là thời điểm quan trọng của anh Phương. Năm 1970, khi chúng tôi chuyển về Sài Gòn sống anh ấy vẫn sáng tác. Thời gian đầu sống tại Sài Gòn đối với anh Phương rất khó khăn, anh mãi không viết được, thế là một thời gian anh lại về Đà Lạt để tìm nguồn cảm hứng. Anh ấy chật vật lắm, tưởng chừng không thể dứt khỏi bầu sinh khí thiên nhiên, núi đồi đã quen thuộc bấy lâu nay. Nhưng về sau, khi thích ứng được với nhịp sống ở Sài Gòn rồi thì sáng tác của anh Phương có một màu sắc khác.

Sự kiện năm 1975 đã làm thay đổi cuộc sống sinh hoạt của rất nhiều văn nghệ sĩ. Điều đó được thể hiện rõ trong tinh thần các ca khúc anh ấy đã viết trong giai đoạn này 1975 – 1979. Đó là loạt ca khúc nhìn về thân phận con người với đôi mắt lo âu, buồn bã, như một cuốn nhật ký nội tâm giàu suy tưởng của chủ nghĩa hiện sinh.

ca-si-le-uyen-chuyen-ve-nhac-si-le-uyen-phuong-sau-nam-1975
Tập tùy bút Không có đám mây ngắn trên thành phố Los Angeles (1990) của Lê Uyên Phương

Ở giai đoạn thứ hai này, thiên nhiên đã thực sự lùi xa, dành chỗ cho những xúc cảm trần trụi nhất, vùi sâu vào tình yêu để quên đi thực tại.

Ngoài âm nhạc, mạch suy tư này cũng hiện diện trong các tác phẩm văn chương của Lê Uyên Phương như tập thơ Lục diệp thuốc (1977 – 1990), hay tập tùy bút Không có đám mây ngắn trên thành phố Los Angeles (1990).

Trong tập tùy bút Không có đám mây ngắn trên thành phố Los Angeles tôi đặc biệt chú ý đến tùy bút có tựa đề “Âm nhạc ở thiên đường”. Trong tùy bút này, Lê Uyên Phương đã kể về những trải nghiệm âm nhạc đầu đời: “Ít nhất là 4 lần, những lần tôi còn nhớ được, âm nhạc đến với tôi, đã xòe 10 ngón tay kỳ kỳ điều khiển nó vuốt ve trái tim tôi, để rồi từ đó tôi đã thả nổi cuộc đời mình theo những âm thanh trầm bổng, dài ngắn, to nhỏ của cuộc đời và đã vô tình bước vào định mệnh đầy những điều bất ngờ như những nốt nhạc bật lên từ một cảm xúc cực đến lạc nhịp trong đời sống”.

Đó là 4 lần mà cuốn sách cổ điển âm nhạc của Johann Strauss, của Mozart, của Mendelssohn, với Bach, với Schubert được phát ra từ những chiếc loa phát thanh hội chợ, từ những cuộn băng cassette thu thập được trong nhà thơ, hay từ những bạn nhạc Jazz được chơi bằng kèn đồng ngẫu nhiên phát ra từ chiếc loa nhà hàng xóm. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương viết: “Thời gian qua, đã trăm ngàn lần tôi được nghe mọi loại âm nhạc của người, từ một chiếc cassette giá rẻ cho đến giàn mát vô cùng quý giá. Tôi đã dự những buổi hòa nhạc với một số người cho đến những buổi hòa nhạc với hàng ngàn bạc. Tôi đã đi khắp nơi, nghe mọi loại nhạc trên đời. Nhưng đôi môi nóng bóng của âm nhạc đã hôn lên với tôi trong những ngày thơ nồng nàn ở vùng đất kỳ diệu xa xôi đó. Tôi biết rằng tôi đã thuộc về một nơi nào đó rất chênh vênh giữa tâm hồn của con người, linh hồn của thượng đế và hơi thở của tình yêu”.

Tất cả những hoài niệm về một thiên đường đã qua.

Ca sĩ Lê Uyên lại kể tiếp: “Những ngày tháng trên đất Mỹ, chúng tôi đã bắt đầu cuộc sống như bao người khác. Anh Phương vẫn viết nhạc với nỗi hoài vọng về thành phố thiên đường của mình. Nhưng dẫu vậy chúng tôi vẫn phải sống, mở quán cà phê và đi hát chỗ này chỗ kia để tồn tại. Thời kỳ này anh có viết một tập nhạc mang tựa là “Trái tim kẻ lạ”, đánh dấu một giai đoạn mới của sáng tác. Cảm hứng đến từ những xáo trộn trong đời sống tại một xứ sở xa lạ, con người và văn hóa xa lạ. Năm 1985, tai họa bất ngờ ập đến, tôi bị vạ đạn trong một vụ ẩu đả của băng đảng xã hội. Tôi hôn mê suốt 19 ngày, anh Phương đã ngồi bên giường bệnh của tôi với tâm trạng đau đớn như bài tình ca anh từng viết trước đó:

ca-si-le-uyen-chuyen-ve-nhac-si-le-uyen-phuong-sau-nam-1975 (1)
Vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương thời trẻ

“Giờ đây còn nhìn nhau

Nhìn chết  sống như kiên trì

Nhìn trong suốt như chết mòn

Mệt mỏi vết thương đau

Ngày mai ta không còn thấy nhau…”

Khi viết những ca từ đó, chúng tôi đâu ngờ rằng nó sẽ vận vào cuộc đời mình. Sau đó tôi mất 4 năm để dưỡng bệnh, không xuất hiện trên sân khấu nữa. Những thông tin bên ngoài đồn đoán rằng chúng tôi chia tay. Tính cách của anh ấy là ưa yên tĩnh nên không lên tiếng giải thích về việc này. Anh vẫn lặng thầm lo cho sức khỏe của tôi và chăm sóc hai cô con gái.

Như chị nói, ngay cả chuyện chia tay, nếu có thì điều đó cũng đã được dự cảm trong các bản tình ca trước đây do Lê Uyên Phương viết ra?

Khi anh Phương qua đời, 3 năm đầu tôi không thể chấp nhận sự thật, tôi bắt mình nghĩ rằng anh chỉ mang balo về Đà Lạt viết nhạc rồi sẽ quay lại. Tôi sống trong nỗi chờ đợi trong suốt vài năm như vậy. Tôi đã chuẩn bị thuốc ngủ cực mạnh để đi theo anh trong dịp 49 ngày của anh. Nhưng rồi tôi lại nhớ đến những lời anh nói: “Nếu anh có mệnh hệ nào thì em phải tiếp tục sống và hát để tình yêu chúng ta được lan tỏa khắp nơi, trong trái tim nhiều người, để mọi người yêu thương nhau nhiều hơn”.

Sau đó, bằng nỗ lực riêng, tôi đã vượt qua nỗi đau để sống tiếp, đứng một mình trên sân khấu, hát những ca khúc của anh. Tôi mua nhà ở Cali và bài trí như ở Đà Lạt. Hằng ngày tôi pha trà rồi ngồi trước bức tượng của anh, đối thoại với anh trong tĩnh lặng. Tôi cũng dành thời gian để chăm chút cho các bản thu âm và đưa những tác phẩm của anh đến với mọi người.

Giờ tôi nhận ra rằng, vì có tình yêu nên con người ta sẽ sống tốt với nhau, họ sẽ vượt qua đời sống hữu hạn để được bất tử.

Nguyễn Vĩnh Nguyên – Người Đô Thị

Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Uyên Phương và mối duyên tình với Đà Lạt: Nơi chắp cánh cho những nốt nhạc ngân vang!

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận