Phạm Duy - Khánh Ngọc và cuộc tình ngoài luồng bùng cháy từ phim?
Năm ấy, cả Phạm Duy và Khánh Ngọc đều "lâm nạn" vì cuộc tình ngược dòng "ăn chè Nhà Bè". Nhưng ít ai biết được, duyên ngược này bén lửa từ sau một cuốn phim...
Ca sĩ Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan ANh (SN 1937) tại Hà Nội. Bà là trái ngọt của mối tình mẹ Việt cha người Minh Hương. Từ nhỏ, bà đã được theo học trường Tàu, đến trung học thì quay qua học chữ Pháp.
Năm 1951, Lan Anh theo gia đình di cư vào Nam sinh sống. Nhờ học nhạc từ khi còn là nữ sinh và được thụ giáo môn dương cầm dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Võ Đức Thu nên Lan Anh đã đi sâu vào ngành âm nhạc. Bà được mời hát trên sóng điện của Đài phát thanh quốc gia và Đài Pháp Á Sài Gòn.
Nhờ sở hữu giọng ca nội lực mà bà dần ghi được dấu ấn trong lòng công chúng. Đồng thời, bà được mời gia nhập ban hợp ca Thăng Long (ban nhạc của anh chị em gia đình Thăng Long). Bà cũng may mắn có 2 lần theo ban hợp ca này ra Bắc trình diễn vào năm 1952 - 1953.
Dẫu tiếng hát chưa đạt đến độ có thể so sánh với danh ca Thái Thanh nhưng Khánh Ngọc cũng là giọng ca nữ có hạng. Tiếng hát của bà thu hút được một lượng công chúng nhất định. Đặc biệt, bà sở hữu nhan sắc trời phú khiến "hoa nhường nguyệt thẹn".
Tuy đang hoạt động với vai trò ca sĩ nhưng Khánh Ngọc lúc nào cũng khao khát, mơ ước về vòm trời điện ảnh đầy màu sắc. Có lần, Khánh Ngọc tâm sự trên báo đài rằng: "Tôi mê thành diễn viên màn bạc từ lâu lắm, chẳng nhớ là từ bao lâu, nhưng có điều chắc chắn là ngay từ hồi bé tí tôi đã mê những Shirley Temple, Mickey Rooney, Deanna Durbin. Tôi thường vẫn nói với tụi bạn bè “ôn con” của tôi hồi đó: 'Tao mê chúng nó quá biết bao giờ mình mới được đó xi nê như thế nhỉ'", (trích: Tuần báo Truyện phim số 46 - 1958).
Và giấc mơ điện ảnh đã mỉm cười với Khánh Ngọc vào một đêm cuối năm 1955. Sau khi trình diễn ca nhạc tại một rạp chiếu bóng ở Sài Gòn, Khánh Ngọc được các chuyên viên điện ảnh Mỹ và Philippines (đại diện một hãng điện ảnh Philippines hợp tác với Việt Nam sản xuất bộ phim Exdous) ngỏ ý mời thử tìm hiểu về phim. Sau đó, Khánh Ngọc được đạo diễn César Amigo chọn đóng chung với các nam tài tử Philippines. Trong phim này còn xuất hiện hai chị em Thái Hằng, Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Duy (lúc này, Phạm Duy đã kết hôn với Thái Hằng; Khánh Ngọc cũng đã về chung nhà với Phạm Đình Chương).
Từ bộ phim đến một cách ngẫu nhiên này, ca sĩ Khánh Ngọc chính thức rẽ hướng sang mảng phim ảnh. Bà được mời đóng vai chính trong phim "Đất lành" cùng nam tài tử Lê Quỳnh (chồng Thái Thanh), Lê Thương và Kiều Hạnh. Tiếp sau đó, bà thực hiện phim màu "Chim lồng" do nhạc sĩ Phạm Duy làm đạo diễn.
Từ vài dữ kiện trên có thể thấy, nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Khánh Ngọc bắt đầu có những tiếp xúc, có những câu chuyện chung từ việc đi đóng phim, làm. Trước đó, dù là dâu rể trong gia đình Thăng Long nhưng sự giao tiếp của họ không sâu sắc.
Theo tờ Thanh Niên (bài viết vào năm 2018), cuộc tình "ngược dòng" của Phạm Duy - Khánh Ngọc bùng cháy sau cuốn phim "Đất lành". Sau khi quay xong, nhạc sĩ Phạm Duy và Khánh Ngọc được hãng phim mời đi Hong Kong để chuyển âm. Tại nơi đất khách quê người, không gia đình dòm ngó, cuộc tình ê chề này đã bùng cháy...
Sự kiện chấn động "ăn chè Nhà Bà" đã khiến cuộc tình vụng trộm bị phanh phui. Danh ca Thái Hằng ngậm ngùi nén đau đớn trong lòng. Còn nhạc sĩ Phạm Đình Chương như chết lặng, không thể tin nổi sự thật kinh hoàng này... Sau tất cả những tổn thương, Phạm Đình Chương quyết định ly hôn và bắt đầu chuỗi ngày chìm sâu trong tuyệt vọng và men rượu.
Về phần Khánh Ngọc, sau ly hôn đã chuyển sang Mỹ sinh sống và tiếp tục theo học nghề điện ảnh và ca hát. Bà học tại trường Pasadena Playhouse College (California) và học thanh nhạc với ông Tuttle.
Trong lá thư đăng trên báo Kịch Ảnh năm 1962, Khánh Ngọc chia sẻ: "Tôi đã hát tại Los Angeles, Pasadena, San Francisco... trong những buổi trình diễn nhạc kịch và đã thâu một số dĩa như Danny boy, Smoke gets in your eyes, Never on Sunday… Tôi cũng có dịp hát tại Đài NBC bài Giấc mơ hồi hương của Vũ Thành…”.
Đến tháng 7/1962, Khánh Ngọc về thăm lại Sài Gòn và hát trong đại nhạc hội Kim - Vân - Khánh. Vào thời gian này, hình ảnh và câu chuyện xung quanh bà được báo chí viết một cách nhẹ nhàng và thân thiện hơn.
Còn với nhạc sĩ Phạm Duy, kỳ án "ăn chè Nhà Bè" như một cơn địa chấn đối với ông. Khi đó, cả làng báo Sài Gòn rộ lên làm một cuộc "bề hội đồng"không thương tiếc. Bởi ông là một tên tuổi lớn, được công chúng chú ý. Sự kiện ê chề này đã ít nhiều khiến Phạm Duy mất tinh thần. "Mặc dù sau khi tỉnh hồn, anh vẫn đáp trả lại công luận bằng sự đanh thép, gan lì của một nghệ sĩ không sợ gì ai cả, đó là bản nhạc Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!”, chia sẻ của nhạc sĩ Văn Lương về Phạm Duy trên Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.
Có thể cuộc tình Phạm Duy - Khánh Ngọc sẽ phôi phai theo thời gian nhưng vì bà đã dính vào tên của một nghệ sĩ mà “thiên tình cổ lụy” rất đa đoan. Mỗi khi nhắc đến đời tình ái nhiều tai tiếng, tréo ngoe cũng như bài hát Nửa hồn thương đau trong tam giác Phạm Duy - Khánh Ngọc - Phạm Đình Chương thì không ai lại không nhớ đến tên nữ ca sĩ và diễn viên điện ảnh tài hoa. Nhà văn Mai Thảo đã nhận định trong Báo Kịch Ảnh: “Tình yêu lớn đó gửi cho nghệ thuật cho quê hương nếu đích thực sâu rộng và đằm thắm ở Khánh Ngọc vẫn là những hiện tượng được che giấu kín đáo dưới bề ngoài lặng lờ gần như lạnh nhạt của một người trước hết đã dám sống đời sống của mình. Dầu phải đánh đổi bằng những cái gì thật quý giá, quý giá như chính lòng đam mê nghệ thuật và tình đất nước quê hương”.
Xem thêm: Kỳ án ăn chè Nhà Bè: Cuộc tình “oan nghiệt” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và ca sĩ Khánh Ngọc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận