Nhạc sĩ Lê Uyên Phương và mối duyên tình với Đà Lạt: Nơi chắp cánh cho những nốt nhạc ngân vang!

Bài viết năm 1970, viết về nhạc sĩ Lê Uyên Phương và Đà Lạt, nơi ông sinh ra và lớn lên. Cái sự lãng đãng, trầm tư của xứ sở sương mù có lẽ đã ảnh hưởng phần nào đó tới tứ nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này…nét nhạc trẻ trung có nhuốm mùi nhục cảm.

Diệu Nguyễn
08:00 24/11/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Bài viết của nhà văn Song Thao đăng trên Nguyệt san Thời Nay số 266 ngày 15/11/1970.

Căn gác xép rộng như thấp, muốn đi phải cúi đầu xuống. Bên ngoài, những bông hoa trạng nguyên màu đỏ đu đưa lả lơi. Sàn gỗ bóng loáng. Vách và trần của căn gác xép được sơn đều màu tím hồng. Một chiếc màn voan trắng mỏng treo giữa hai cây cột. Chiếc nệm được đặt ngay trên sàn. Tủ sách trong phòng toàn những cuốn tiếng Anh, Pháp và Việt. Bàn viết nhỏ bừa bộn những dòng nhạc đang viết dở dang.

Đó là nơi nhạc sĩ Lê Uyên Phương trở về sau những ngày tháng mệt nhoài ở Sài Gòn. Anh như một con thú trốn chạy ánh đèn màu, dù đã từng chơi nhạc cho các hộp đêm anh vẫn thẳng thể quen được không khí nơi phòng trà. Đà Lạt với anh là chốn để nghỉ ngơi, đúng hơn là như một thánh địa. Cái xứ sở có khí hâu kỳ quái này màng khắng khít tình yêu và làm xót xa những tâm hồn lẻ bóng.

Trời cuối tháng 10 lành lạnh, phi cảng Liên Khương âm u trong chiều tà. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương với cây đàn trong tay như muốn ôm trọn Đà Lạt sau bao ngày xa cách. Anh ngửa mặt lên trời, xuýt xoa: “Dễ chịu quá!”. Đang hát mỗi đêm tại Queen Bee và Ritz, mỗi nơi anh nhận về 4 ngàn đồng cho một đêm trình diễn, nhưng anh bỏ lại tất cả đề về với Đà Lạt.

“Sống ở Sài Gòn tôi chịu không được, không viết được một dòng nhạc nào cả. Tôi gần như điên lên. Kiếm được chút tiền về Đà Lạt sống vài tháng đã”, anh nói.

nhac-si-le-uyen-phuong-va-moi-duyen-tinh-voi-da-lat (1)
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt

Chuyến này Lê Uyên Phương và Đà Lạt một mình để hoàn tất tập nhạc “Thở hơi dã thú”. Ca sĩ Lê Uyên ở lại Sài Gòn, một giờ trước đây cặp vợ chồng bịn rịn chia tay nhau như không muốn rời tại phi trường Tân Sơn Nhất. Tình yêu của họ chất ngất ngút ngàn. Họ chia nhau cả cái tên. Lê Uyên Phương là nghệ danh của Lê Văn Lộc, nay anh chia bớt cho người yêu một nữa. Thế là nữ sinh Lâm Phúc Anh nhận hai chữ đầu thành Lê Uyên, chàng dùng chữ cuối là Phương để lên sân khấu trình diễn. Tôi hỏi đùa anh: “Thế cho mượn hay cho đứt?”. Anh cười bảo: “Cho đứt chứ! Đời mình còn cho nữa là cái tên”. Chuyện tình của hai người họ cũng rắc rối không kém gì câu chuyện của những cái tên.

Lê Uyên Phương kể lại, anh sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, năm nay đã 29 tuổi. Năm 20 tuổi, anh bắt đầu viết nhạc. Những ngày lưu lạc từ Pleiku, Buôn Mê Thuột, Quy Nhơn tới Nha Trang, anh đã sống một cuộc sống rất cực nhọc, thiếu thốn. Để kiếm sống anh phải đi dạy, làm dinh điền, đi hát. Năm 1965, anh mới thực sự trở lại sống luôn ở Đà Lạt. Một năm sau đó, chuyện tình của anh và ca sĩ Lê Uyên bắt đầu. “Tôi không nhớ được lời nhạc do chính mình sáng tác ra nhưng bà xã thì thuộc lời lắm”, anh nói.

Hồi đó Lê Uyên lên Đà Lạt học, ở nội trú tại trường Virgo Maria. Nàng có người bà con ở gần nhà anh, nàng quen em gái anh, thỉnh thoảng vẫn lui tới nhà. Lúc đầu nói chuyện cũng thường thường rồi anh trở thành “người anh cố vấn” của nàng. Nàng hỏi ý kiến anh đủ thứ chuyện trên đời, kể cả chuyện yêu đương. Họ yêu nhau lúc nào không biết. Tôi hỏi anh ngỏ lời yêu ở đâu, anh bảo trên đồi. Đà Lạt có những ngọn đồi mộng mơ cho những đôi tình nhân quấn quýt.

Thế rồi gia đình nàng không chấp nhận. Họ mê say trong trốn chạy. Năm 1968, hai người sống ở Sài Gòn, nhưng không có một chỗ để gặp nhau. Suốt ngày hai người ngồi ở sân nhà ga Sài Gòn, thỉnh thoảng họ lại làm bộ ngoắc tay những hành khách ngồi trên xe ca của hãng hàng không Việt Nam cho ra vẻ chờ người nhà. Mỗi ngày họ chỉ có mẩu bánh mì nhỏ bỏ bụng. Cả hai sống như vậy suốt một tháng trời.

nhac-si-le-uyen-phuong-va-moi-duyen-tinh-voi-da-lat (2)
Đà Lạt là nơi Lê Uyên và Phương trao cho nhau những yêu thương nồng cháy

Tình yêu của họ hợp thành từ những ngày xa nhau. Chính những ngày xa cách nhớ thương ấy là khoảng thời gian Lê Uyên Phương sáng tác nhạc. Những bản nhạc là kết tinh của sự nhớ thương nên mang nặng sự chia phôi. Mười hai bài trong tập “Khi loài thú xa nhau” được nhạc sĩ viết trong thời kỳ này. Nó không còn mang tình yêu thơ mộng, huyền diệu như trong tập 10 bài “Yêu nhau khi còn thơ” được sáng tác trong thời kỳ trước khi gặp Lê Uyên.

Tiếng Lê Uyên và Phương vang lên từ chiếc máy cassette:

Giờ này còn gần nhau

Gần thắm thiết trong mối sầu

Gần bối rối biên giới từ lòng đau

Giờ này còn cầm tay

Cầm chắc mối duyên bẽ bàng

Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng

Cầm giá buốt thương đau

Ngày mai ta không còn thấy nhau…

(Cho lần cuối)

Anh bảo vì bài này mà người ta đồn rằng anh sắp chết. Bệnh tật của anh đã trở thành huyền thoại. Người ta bảo là anh chỉ sống được 1-2 năm nữa thôi. Tôi định hỏi chuyện này từ lâu như ng thật khó để bắt đầu. Lợi dụng cơ hội này, tôi hỏi cho kỹ càng. Anh đưa bàn tay trái cho tôi coi. Trên lưng ngón tay trỏ nổi lên một cục bằng trái cà chua nhỏ, đỏ au, mòng mọng, thấy rõ cả đường gân máu. “Bác sĩ cũng không biết đây là bệnh gì. Bây giờ nó đã nổi thêm trên mấy ngón khác và một vài chỗ trong người. Muốn chữa thì chỉ có cách cắt ngón tay này thôi, nhưng tôi chưa muốn cắt”, anh nói.

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương xác nhận là những bài hát anh viết về sự chia phôi không phải là do bị ám ảnh bởi cái chết nhìn thấy trước mà là do sự khó khăn và xa cách của mối tình đẹp nhất đời anh, khi được hạnh phúc anh luôn sợ ngày đó sẽ hết… Người nghệ sĩ không những sống cho mình mà còn sống cho cả người. Anh đã nhìn thấy cái chết và nghĩ nhiều về cái chết. Dân Đà Lạt hẳn vẫn chưa quên vụ án mạng vì tình ở quán Tình Nhớ ngày ấy. Người con gái duyên dáng đã nằm uống với những viên đạn trên người. Lê Uyên Phương đã nhìn thấy đám tang và nghĩ về cái chết Giờ này còn gần nhau

Một chiều mưa áo trắng đưa nhau

bên kia đời tình buông nửa vời

lần này đây đã hết cho nhau

thôi điên cuồng thịt da rã rời

người về đâu dứt hết thương đau cuộc tình mau...

(Đưa người tuyệt vọng)

Bệnh tật đối với Lê Uyên Phương là nỗi ám ảnh không rời. Chính cái ngón tay tội nghiệp ấy đã cản trở nhiều cho nghề nghiệp của anh. Anh chơi vĩ cầm rất khá nhưng nay phải bỏ hoàn toàn. Nhìn hộp vĩ cầm đóng bụi trên giá sách, anh cúi mặt trầm ngâm…

Tôi phá vỡ sự im lặng bằng câu hỏi về khoản tiền thu được khi thâu âm cuộn băng 12 tình khúc Lê Uyên Phương. “Tôi được chia 50% tiền lời. Tới bây giờ đã lấy về được 100 ngàn đồng”, anh nói.

Đà Lạt hoang sơ quyến rũ đã đưa anh trở về những rung cảm nguyên thủy của buổi hồng hoang. Không có Đà Lạt chắc khó có một thứ âm nhạc Lê Uyên Phương độc đáo đến vậy. Mỗi ngày anh thức dậy từ sớm, đi lang thang khắp núi đồi Đà Lạt tới khi nắng lên thì về nghỉ. Lúc mặt trời ngả bóng anh lại đi cho tới tối rồi về viết nhạc tới sáng. Anh sẽ trở lại Sài Gòn khi tập nhạc “Thở hơi dã thú” hoàn tất.

Trời cuối tháng 10 lành lạnh, tôi nhìn màu xanh Đà Lạt trong cơn mê ngủ.

“Em yêu dấu, anh một mình trở lại thành phố kỷ niệm này để lang thang trên những lối mòn đồi núi bị chặn lại bằng từng gốc cây ân tình. Anh như chênh vênh trong niềm hạnh phúc vẫn còn lãng đãng rơi rắc lại trên những ngọn cỏ non nớt”, Lê Uyên Phương viết.

Trời Đà Lạt lạnh tê tái.

Song Thao – 15/11/1970

Xem thêm: Phỏng vấn nhạc sĩ Lê Uyên Phương: “Cuộc đời tôi không có gì phải hối tiếc hết!”

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận