“Bông cỏ mây” của Trúc Phương - Tình yêu thời chiến mãnh liệt và nồng cháy
Ca khúc “Bông cỏ mây” của nhạc sĩ Trúc Phương được sáng tác vào giữa thập niên 1960, khi ông đang là một người lính đóng quân ở Đồng Xoài.
CA KHÚC “BÔNG CỎ MÂY”
Tên các khúc: Bông cỏ mây
Nhạc sĩ: Trúc Phương
Năm phát thành: Giữa thập niên 1960
Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Duy Khánh
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Bông cỏ mây”
Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng miền Nam từ thập niên 1960. Những ca khúc của ông phần lớn là viết về tình cảm lứa đôi và tâm sự của người lính. Và một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Trúc Phương được sáng tác dựa trên chủ đề này chính là “Bông cỏ mây”, ca khúc được ra đời vào khoảng giữa thập niên 1960.
Theo một số tư liệu ghi lại, nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác bài hát này là lúc ông đang là một người lính đóng quân ở Đồng Xoài, tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước). Đây là vùng núi có khí hậu khắc nghiệt khi được ví đêm lạnh như cao nguyên và ngày nắng như Tây Ninh. Nên trong bài hát mới có câu “Đường hành quân nắng cháy da người”.
“Bông cỏ mây” của nhạc sĩ Trúc Phương nói về tình cảm đôi lứa và đời lính gian khổ thời chiến. Ở đoạn đầu ca khúc, nhạc sĩ kể về khoảng thời gian chưa vào quân ngũ, chàng hay dẫn nàng về vùng ngoại ô mênh mông cỏ mây để hẹn hò, tâm sự. Trong không gian vắng vẻ ấy, trời đất chỉ còn lại đôi ta đắm chìm vào trong tình yêu, đưa nhau đến vùng tuyệt vời quên ngày quên tháng. Nhưng rồi, theo tiếng gọi của non sông, chàng phải lên đường nhập ngũ, hành quân nay đây mai đó. Dù chiến trường có khắc nghiệt, gian khổ bao nhiêu, chỉ cần nghĩ đến nàng bao khó khăn đều tan biến. Nhớ đến nàng, nhớ trong từng khoảnh khắc và ngay cả trong giấc mộng. Ai khi yêu mà chẳng nơm nướp lo sợ, nhất là khi chàng lính còn quá trẻ, lại là lính nghèo, chỉ có một mối tình ở hậu phương làm vốn liếng. Nếu lỡ một mai tình tan vỡ, có lẽ chàng trai sẽ tuyệt vọng vô cùng. Thế nên, khi xa nhà, chàng liền dặn dò người yêu: “Những ngày anh đi khỏi xin em chớ đi lại/ Vùng tình yêu lắm bẫy nhân gian”.
Bài hát “Bông cỏ mây” sau khi ra mắt rất được công chúng yêu thích, mãi đến tận ngày nay khi nghe lại bài hát này của Trúc Phương nhiều khán giả cũng không tiếc lời khen tặng. Ca khúc được rất nhiều ca sĩ chọn để trình diễn trên sân khấu, nổi tiếng nhất có thể kể đến là: Chế Linh, Duy Khánh, Hương Lan,…
Đôi lời bình phẩm ca khúc “Bông cỏ mây” của nhạc sĩ Trúc Phương
Tuy là một bài hát có nội dung đơn thuần là chuyện tình yêu thời chiến, nhưng qua cách dùng từ tài tình của nhạc sĩ Trúc Phương, bài hát đã được nâng lên một tầm cao mới với những chi tiết mô tả tình yêu thời chiến vô cùng táo bạo, mãnh liệt và nồng nhiệt.
Những ngày chưa nhập ngũ
Anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may
Ở đây êm vắng thưa người, còn ta với trời
Thời gian vào đêm, rừng sao là nến
Khói sương giăng lối cỏ quen.
Những ngày chưa nhập ngũ, chàng trai thường đưa người yêu đến vùng ngoại ô để hẹn hò. Tại nơi đất trời hòa quyện ấy, cả hai quấn quýt đến tận đêm, rừng sao trên trời lung linh như những ngọn nến thắp sáng cho một cuộc tình nồng cháy. Ngày xưa chắc cô nàng phải “bạo” lắm mới đồng ý đi chơi với người yêu đến tận khuya, mà lại đi rất nhiều lần vì “lối cỏ quen”. Hỡi ơi tình yêu tuổi trẻ, lãng mạn và mãnh liệt đến vô cùng.
Tóc mây thơm mùi cỏ đưa anh thoát xa dần
Vùng trần gian với những ưu tư
Cỏ may đan gấu chân tròn đường tim bước mòn
Sợ khi người đi để thương, để nhớ
Tiếng yêu đương ai nỡ chối từ.
Hương tóc nàng hòa cùng với mùi hương cỏ mây, đưa chàng trai bước vào những cảm xúc ngọt ngào, đê mê nhất của đời người. Cách họ quấn quýt, âu yếm lấy nhau được Trúc Phương miêu tả rất khéo léo và tinh tế qua cụm từ “đưa anh thoát xa dần”. Cuộc đời ngoài kia dẫu có khổ đau, bi lụy ra sao thì giờ cũng chẳng còn quan trọng nữa, bởi trong khoảnh khắc này, tôi tình nhân chỉ mải mê quấn quýt lấy nhau, hòa vào nhau quên hết sự đời, cùng dẫn nhau đến chốn thiên đường của tình ái. Họ vồ vã lấy nhau, hăng say và cuồng nhiệt như thế, ngoài tình yêu tuổi trẻ còn là vì sợ ngày mai, chàng trai lên đường ra trận không thể chịu được nỗi nhớ nhung xa xôi, nên cô gái mới chấp nhận trao thân cho người tình: “Tiếng yêu đương ai nỡ chối từ”.
Đường hành quân nắng cháy da người
Tuổi vui thiếu vui, vẫn thương mình thương đời
Nhiều khi trong giấc mộng mồ hôi kêu tên em
Kêu chỉ một tên.
Sau này, khi đóng quân ở miền xa, nơi vùng đất “nắng cháy da người”, dù gian khổ, bộn bề là thế nhưng lòng người lính vẫn luôn thương nhớ, mong ngóng, nghĩ về người yêu nơi quê nhà. Có những đêm nhọc nhằn, giấc ngủ chập chờn không trọn vẹn, chàng trai lại mơ về cô gái, để rồi gọi tên người yêu trong khắc khoải.
Những ngày anh đi khỏi xin em chớ đi lại
Vùng tình yêu lắm bẫy nhân gian
Để đêm khói thuốc tay vàng, tìm nhau thấy gần
Ngủ trên cỏ may thường khi vào tối
Nhớ hương may nhớ cả người.
Tình yêu là thế, có rồi lại lo sợ mất đi, nhất là trong những ngày đôi ta không còn kề cạnh sớm chiều bên nhau. Ở nơi xa xôi, nghĩ đến người yêu xinh đẹp ở nhà lòng chàng trai lại lo lắng, sợ nàng vương phải “bẫy nhân gian”. Ôm nỗi tương tư, lo âu, nằm trên vùng cỏ may, nghe mùi hương cỏ mà cứ ngỡ là hương tóc nàng khuya hôm ấy. Rồi cứ vậy, mộng ảo đan xen, hình bóng nàng cứ ẩn hiện vào trong cả giấc chiêm bao.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận