“Bóng nhỏ đường chiều” của Trúc Phương: Mối tình lãng mạn thời ly loạn
Ca khúc “Bóng nhỏ đường chiều” sáng tác vào thập niên 1950 của Trúc Phương được xem như “tượng đài” của những bài hát viết về chuyện tình yêu thời ly loạn.
CA KHÚC “BÓNG NHỎ ĐƯỜNG CHIỀU”
- Tên các khúc: Bóng nhỏ đường chiều
- Nhạc sĩ: Trúc Phương
- Năm phát thành: thập niên 1950
- Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Thanh Thúy, Giao Linh,…
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Bóng nhỏ đường chiều” của nhạc sĩ Trúc Phương
Làng nhạc Sài Gòn xưa có đến hàng trăm nhạc sĩ sáng tác nhạc vàng với giai điệu bolero dễ nghe dễ cảm, nhưng chỉ có duy nhất nhạc sĩ Trúc Phương được xưng tụng là “ông hoàng nhạc bolero”. Sở dĩ Trúc Phương được tôn vinh như vậy là vì dù sáng tác nhạc cho đại chúng, nhưng nét nhạc của ông không hề “bình dân” như cách người ta vẫn nghĩ về dòng nhạc này. Ca từ trong những bài hát của Trúc Phương luôn được dùng rất trau chuốt, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Suốt 60 năm qua, dòng nhạc của Trúc Phương luôn được công chúng yêu mến, hầu những nhạc phẩm ông viết ra đều trở thành bất tử. Bởi những bài hát của người nhạc sĩ tài hoa này luôn thể hiện đúng tâm tư tình cảm của đông đảo đại chúng từ thôn quê đến thành thị, từ nỗi khắc khoải trong lòng người thiếu nữ đến những tâm tình của người lính chốn biên thùy xa xăm, từ những chuyện tình yêu thường tình cho đến những thói đời bạc bẽo,… Ngoài những chủ đề đó, cũng như nhiều nhạc sĩ đương thời, nhạc sĩ Trúc Phương cũng mang niềm trăn trở về mối tình của những đôi trai gái trong thời ly loạn. Và ca khúc “Bóng nhỏ đường chiều” được xem là “tượng đài” của kiểu nhạc này, được sáng tác vào thập niên 1950.
Bài hát “Bóng nhỏ đường chiều” của Trúc Phương có nội dung là câu chuyện tình mới chớm của đôi trẻ đang độ 18 – 20 xuân thì. Họ đã tình cờ gặp nhau khi chung lối trên đường đời, đem lòng cảm mến và trao cho nhau những phút giây hò hẹn trên phố nhỏ. Nhưng rồi như bao lớp trai khác, chàng thanh niên trong câu chuyện cũng lao vào chiến trường, ngày đêm đối diện với quân thù cùng với nỗi nhung nhớ người yêu nơi hậu tuyến. Sau một thời gian dài biệt vô âm tính, một ngày nọ cô gái vui mừng nhận được thư nói rằng người yêu sẽ được về nghỉ phép. Sau bao ngày xa cách, họ lại gặp nhau, cùng vui bước trên đường chiều nghiêng bóng nhỏ.
Trước năm 1975, ca khúc này rất được yêu thích qua tiếng hát của ca sĩ Thanh Thúy và Giao Linh. Sau năm 1975 thì có thêm ca sĩ Duy Khánh, Phương Dung, Hương Lan,.. trình bày.
Đôi lời bình phẩm ca khúc “Bóng nhỏ đường chiều”
Ai biết ai vì đời cùng ngược xuôi chung lối mòn
Ngày anh hai mươi tuổi, em đôi tám trăng tròn
Đêm lạnh còn chăn đơn gối lẻ
Chưa buồn khi canh vắng khép đôi mi
Ngày ấy anh vừa tuổi 20, em cũng vừa tròn 18, chúng mình đã tình cờ quen nhau khi cùng chung một lối ngược xuôi. Chẳng ai trong chúng mình nghĩ rằng cuộc gặp tình cờ ấy sẽ cả hai bước vào khung trời mộng mơ nên đêm lạnh về vẫn “chăn đơn gối lẻ”, không biết nỗi buồn là gì. Trong đoạn, nhạc sĩ đã sử dụng cụm từ “canh vắng đôi mi” rất nên thơ và tinh tế để diễn tả cho một hình ảnh rất đỗi bình thường là đi ngủ buổi tối, nhờ đó mà khiến bài hát bước lên một tầm cao mới, lãng mạn, trữ tình hơn rất nhiều.
Cho đến hơn một lần tuổi trẻ như qua mất rồi
Ngày tim lên tiếng gọi, thôi tôi mến một người
Tâm tình chiều nao trên phố nhỏ
Khi về lưu luyến mãi phút hẹn hò.
Tình yêu tuổi xuân thì cứ ngỡ chỉ là tiếng sét ái tình thoáng qua, nhưng không, tình yêu ấy vô cùng chân thật. Đó không phải là sự hời hợt, vồ vập, gặp nhau đã yêu ngay mà cả hai đã trải qua một thời gian thì con tim mới lên tiếng gọi. Để rồi khi bước chân vào tình yêu, sau những lần hò hẹn trên phố nhỏ ta lại về lưu luyến, bồi hồi mãi trong tim.
Nhưng chính trong khoảnh khắc thăng hoa của tình yêu ấy, khi cả hai bắt đầu hiểu nhau thì số phận lại bắt đôi ta phải xa cách. Một người đưa một người lên đường vui bước hành quân:
Bao thương nhớ từ độ anh vui bước quân hành
Nửa năm anh viết lá thư xanh bảo rằng: “Sẽ về phố phường”
Mừng rơi nước mắt ướt thư người tôi thương
Tôi đến nơi hẹn hò đường chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
Bàn tay thon ngón nhỏ đan tay rắn sông hồ
Ta nhẹ dìu nhau như tiếng thở
Thương này thương cho bỏ lúc đợi chờ.
Để rồi nửa năm sau đó, sau khoảng thời gian biền biệt chờ tin cuối cùng cô gái cũng nhận thư người yêu gửi về bảo rằng anh được nghỉ phép nên “sẽ về phố phường”. Cầm lá thứ xanh, cô gái mừng rơi nước mắt, chạy đến nơi hẹn hò khi xưa. Cả hai vui mừng khôn xiết khi gặp lại, đôi bàn tay đan vào nhau, chầm chậm bước đi trên đường chiều nghiêng nghiêng nắng đổ, nâng niu từng khoảnh khắc, từng giây phút hạnh phúc ở cạnh nhau.
Xem thêm: “24 giờ phép” – Ca khúc táo bạo và gợi tình nhất của nhạc sĩ Trúc Phương
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận