Phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm: “Viết nhạc đã trở thành một nghiệp dĩ đối với tôi”

Sau hơn một phần tư thế kỷ sáng tác và hơn 60 nhạc phẩm đã viết, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã coi âm nhạc là định mệnh của cuộc đời mình, ông sẽ tiếp tục tận hiến cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.

Diệu Nguyễn
08:00 17/11/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Vào tháng 7/2008, Tuần báo Văn Nghệ đã có một buổi phỏng vấn với nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm. Trong buổi phỏng vấn này, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã có dịp trải lòng mình với những công chúng yêu mến âm nhạc của ông. Dưới đây là nội dung chi tiết của bài phỏng vấn!

Anh đã bắt đầu sự nghiệp sáng tác khi nào và trong hoàn cảnh nào? Nhạc phẩm nào là tác phẩm đầu tay của anh?

Nếu cho rằng sáng tác nhạc là sự sáng tạo được thể hiện bằng những cao độ của những nốt nhạc và lời, hát lên cho người khác nghe và chia sẻ được những cảm xúc của mình thì có thể nói rằng tôi đã bắt đầu sáng tác từ năm 1973 ở Việt Nam. Lúc đó tôi 13 tuổi, tôi phổ nhạc từ bài thơ “Cô gái mơ” của thi sĩ Nguyễn Bính. Nhưng nếu nói theo đúng nghĩa “viết nhạc”, thể hiện những nốt nhạc và lời trên trang giấy thì nhạc phẩm “Trả lại thoáng mây bay” viết tại Bruxelles năm 1980 do ca sĩ Lệ Thu thâu âm lần đầu trong album “Thu hát cho người” năm 1982 mới chính là nhạc phẩm đầu tay của tôi.

Bai-phong-van-nhac-si-Hoang-Thanh-Tam-nam-2008 (1)
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh năm 1960 tại Sài Gòn

Tôi bước vào con đường âm nhạc bằng một cách rất ngẫu nhiên và tình cờ. Bởi khi viết xong nhạc phẩm đầu tay cùng với một số bài hát khác, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ sáng tác, mà đó chỉ là phương tiện để tôi giải tỏa hết những ẩn ức, nỗ cô đơn, sự nhớ thương khi phải đột ngột thay đổi hoàn cảnh và môi trường sống. Nhất là khi phải rời xa quê hương, xa những người thân yêu, trong đó có những mối tình đầu học trò với nhiều kỷ niệm hoa mộng…

Nhưng khi tôi đưa “Trả lại thoáng mây bay” cho ca sĩ Lệ Thu thâu âm và nghe chị hát xong thì tôi cảm thấy tự tin và thêm hứng khởi sáng tác để bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Sau đó, tôi đã tự bay sang Mỹ để thực hiện album đầu tay của mình gồm những nhạc phẩm sáng tác trong thời gian ở Bỉ và Úc mang chủ đề “Lời tình buồn” do trung tâm Giáng Ngọc phát hành tại Mỹ vào năm 1986.

Cho đến nay anh đã viết được bao nhiêu nhạc phẩm, trong toàn bộ sáng tác của mình?

Trong 3 năm ở Bỉ, tôi sáng tác rất nhiều ca khúc, nói lên những cảm xúc rất riêng của mình, những nhớ thương, trăn trở trước những mất mát to lớn của cuộc đời như: “Trả lại thoáng mây bay”, “Dáng xưa”, “Lời cho người tình xa”, “Đêm tha hương”, “Đêm hoàng lan”,…

Năm 1982 tôi sang Úc, 6 năm đầu ở Canberra tôi vướng thêm nhiều hệ lụy của những mối tình ngang trái ở môi trường mới nên rất thơ, đó là khoảng thời gian cao điểm để tôi có nhiều cảm hứng viết thêm nhiều tình khúc, tôi cũng phổ nhạc cho nhiều bài thơ tiền chiến và cận đại. “Tháng sáu trời mưa”, “Lời tình buồn”, “Ngập ngừng”, “Dạ khúc cuối”, “Trong tay Thánh Nữ có đời tôi”,… ra đời.

Tính đến hôm nay tôi đã viết được hơn 60 ca khúc, đa số là những bản tình ca viết nên từ chính tâm sự của mình. Tôi luôn mang một nỗi ám ảnh về “một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và điều này đã thể hiện rõ trong nét nhạc của tôi như: “Như mây lênh đênh”, “Lời cho người tình xa”, “Một cõi tình xa”, “Xuân mơ”, “Hãy cho nhau tình yêu”,…

Nhiều thính giả đánh giá anh là một trong những nhạc sĩ rất thành công với lĩnh vực nhạc phổ thơ, điển hình là nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa”. Ca khúc này đã mang tên tuổi của anh đến với mọi tầng lớp thính giả ở khắp mọi nơi. Anh có ý kiến gì về nhận định này, cũng như động lực nào đã khiến anh làm nên những cuộc phối ngẫu giữa thơ và nhạc hay đến vậy?

Phải thành thật mà nói, khi tôi phổ nhạc bài thơ “Tháng sáu trời mưa” của thi sĩ Nguyên Sa tại Canberra năm 1987 tôi cũng không ngờ bài hát này được quần chúng đón nhận và yêu thích đến vậy. Vì nếu so với nhạc phẩm đầu tay “Trả lại thoáng mây bay” mà tôi viết trước đó 7 năm thì số lượng ca sĩ thâu âm bài hát này còn nhiều hơn. Nhưng khi nhắc đến Hoàng Thanh Tâm thì mọi người đều nhắc đến “Tháng sáu trời mưa”. Đúng như ca sĩ Lệ Thu đã từng đọc trong một cuốn băng của chị: “Mỗi tác phẩm đều có một định mệnh riêng, cái định mệnh rực rỡ của sự vinh quang hay cái định mệnh khốc liệt của sự lãng quên…”.

Bai-phong-van-nhac-si-Hoang-Thanh-Tam-nam-2008 (2)
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bắt đầu sáng tác vào năm 13 tuổi

Tôi rất thích phổ nhạc cho những bài thơ yêu thích, vì đối với tôi phổ nhạc một bài thơ sao cho “thoát” và đưa được những vẫn chữ bằng trắc có sẵn vào trong nhạc sao cho bản nhạc phát ra không bị gượng ép, người nghe nếu không biết trước bài thơ thì sẽ nghĩ rằng lời và nhạc là do cùng một người viết chính là một thử thách lớn. Bởi điều này không chỉ đòi hỏi ở kỹ thuật mà còn cần cả năng khiếu trời cho mới có thể chọn lựa những nốt nhạc hay cung bậc làm cho người nghe thích thú và khoải cảm được. Tôi đã rất may mắn khi đem được những bài thơ mình yêu thích vào trong âm nhạc và đa số những phi phẩm mà tôi phổ nhạc đều được khán giả đón nhận cũng như được các ca sĩ yêu thích trình diễn như: “Tháng sáu trời mưa”, “Ngập ngừng”, “Cô Hái Mơ”, “Đêm hoàng lan”, “Đây thôn vỹ dạ”,… Tôi chỉ phổ nhạc cho những bài thơ tôi “cảm” được chứ không viết nhạc theo đơn đặt hàng hay vì nể tình một người nào cả.

Với một “bề dầy” sáng tác như vậy nhưng ít khi nào thấy anh xuất hiện hay hoạt động văn nghệ ở xứ Úc này, anh có thể cho biết lý do không?

Tôi là một nghệ sĩ sáng tác chứ không phải là nghệ sĩ trình diễn, nên chuyện ít xuất hiện trước công chúng là lẽ tự nhiên. Hơn nữa tôi cũng là người có đời sống hơi trầm lặng và khép kín. Tôi chỉ âm thầm sáng tác và phổ biến những nhạc phẩm của mình đến với khán giả thông qua các phương tiện truyền thông và tôi nghĩ như vậy cũng là đủ cho tôi đến với những khán giả yêu mến mình và cũng bày tò được tâm tư tình cảm của mình qua âm nhạc, sẻ chia chúng với những khán giả đồng cảm.

Anh có còn tiếp tục sáng tác trong thời gian tới không?

Với quá trình sáng tác nhạc hơn một phần tư thế kỷ qua tôi nghĩ rằng việc viết nhạc đã trở thành một nghiệp dĩ đối với tôi và gắn liền với cuộc đời tôi nên tôi biết mình sẽ còn tiếp tục nghiệp dĩ này cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Xem thêm: “Trả lại thoáng mây bay” của Hoàng Thanh Tâm: Đến khi nào tình mới thôi xót xa?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận