Nỗi buồn ngấn lệ trần của Trúc Phương trong “Hai chuyến tàu đêm”
“Hai chuyến tàu đêm” là nhạc phẩm nổi tiếng được nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác trong thập niên 1960, dựa trên câu chuyện tình yêu ngắn ngủi của chính ông.
CA KHÚC “HAI CHUYẾN TÀU ĐÊM”
Tên các khúc: Hai chuyến tàu đêm
Nhạc sĩ: Trúc Phương
Năm phát thành: Thập niên 1960
Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Thanh Thúy
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Hai chuyến tàu đêm”
Trong nhạc vàng, hình ảnh sân ga với những chuyến tàu đã xuất hiện rất nhiều lần trong các bài hát nổi tiếng như: “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Tàu đêm năm cũ”, “Sầu lẻ bóng”,… Điểm chung của những ca khúc này đều buồn hoặc rất buồn. Bởi ngày xưa, nếu nhắc đến hình ảnh gợi nỗi buồn chia ly thì chắc chắn mọi người sẽ liên tưởng ngay đến đường ray, sân ga với những chuyến tàu. Vào những năm thập niên 1960, khi phương tiện giao thông liên tỉnh vẫn chưa có nhiều, các xe đò, xe khách đa số chỉ đi những quãng đường ngắn, nên mỗi khi mọi người cần đi xa như từ Sài Gòn về các tỉnh miền Trung thì xe lửa luôn là sự lựa chọn hàng đầu.
“Hai chuyến tàu đêm” là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương cũng sử dụng hình ảnh ga tàu, chuyến tàu đêm để nói về nỗi buồn chia ly. Nhắc đến hoàn cảnh ra đời ca khúc này, nhạc sĩ Thanh Sơn, một người bạn rất thân của Trúc Phương đã có dịp chia sẻ trong một chương trình rằng, cảm hứng để nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác ca khúc này là dựa trên câu chuyện tình yêu của chính ông.
Mối tình không thành tựa như phù dung sớm nở tối tàn. Ngày đó, trong một chuyến đi thăm bà con họ hàng và bạn bè ở Phan Thiết, trên chuyến tàu xuyên đêm nhạc sĩ Trúc Phương đã trúng tiếng sét ái tình với một cô gái tuổi tròn đôi mươi, vô cùng xinh đẹp. Chẳng ai biết hai người ngày ấy đã trò chuyện, chia sẻ những gì mà chàng nhạc sĩ đã đánh mất trái tim mình, tâm trí cũng bay theo bước chân của người thiếu nữ. Chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng Trúc Phương cảm thấy mình đã tương tư nàng, tình cảm trao đi rất mặn nồng, chỉ mong giờ giờ phút phút được kề cạnh, sánh bước bên nhau.
Khi tàu cập bến, hai người chia tay trong lưu luyến, hẹn 3 hôm sau sẽ gặp nhau tại ga Phan Thiết để cùng nhau trở lại Sài Gòn. Đến ngày hẹn, nhạc sĩ Trúc Phương mang theo trái tim nhung nhớ, đến ga từ rất sớm để chờ đợi. Nhưng rời chờ hoài, chờ mãi, 7 giờ, 8 giờ rồi 9 giờ nhưng mãi chẳng thấy cô Thắm đâu. Ôm trái tim buồn bã thất vọng, chàng nhạc sĩ lên tàu trở lại Sài Gòn. Ngồi trên chuyến tàu đêm, hình bóng của nàng thiếu nữ xinh đẹp cứ ẩn hiện, vấn vương trong lòng khiến ông phải đặt bút xuống viết ngay nên ca khúc “Hai chuyến tàu đêm” để tiếc nhớ về mối tình thoáng qua.
Sau khi sáng tác xong ca khúc này, nhạc sĩ Trúc Phương đã điền thêm tên nhạc sĩ Y Vân vào trong tờ nhạc để thuận tiện hơn trong việc phát hành và nhận tiền bản quyền. Cũng như hầu hết các ca khúc nổi tiếng khác của Trúc Phương, bài hát “Hai chuyến tàu đêm” đã gắn liền với giọng hát của nữ danh ca Thanh Thúy hơn 60 năm qua. Chất lọng liêu trai man mác buồn của nữ danh ca rất hợp với không khí xa vắng, cô đơn nơi sân ga và những chuyến tàu trong làng nhạc vàng.
Đôi lời bình phẩm ca khúc “Hai chuyến tàu đêm” của nhạc sĩ Trúc Phương
Lòng buồn dạt dào
Nhớ hôm nào xuôi miền trung
Chuyến xe đêm anh gặp em
Môi em đang xuân nhưng mắt buồn ngấn lệ trần
Chuyện đời sầu đắng vấn vương đôi má dịu hiền
Áo em màu tím
Ngồi trên chuyến tàu đêm, lòng buồn dạt dào, chàng nhạc sĩ bỗng nhớ về ngày hôm ấy, ngày xuôi về miền Trung, trên chuyến xe lửa định mệnh đã sắp đặt cho anh gặp được em. Một cô gái đang tuổi xuân thì nhưng đôi mắt lại “ngấn lệ trần”. Phải chăng lòng em đang có điều gì phiền muộn, mà khiến gương mặt xinh đẹp ấy vương nỗi buồn khó che giấu.
Đậm đà vì là buổi ban đầu ta gần nhau
Nói nhau nghe câu chuyện cũ
Tâm tư cho vơi bao nỗi buồn bước vào đời
Giờ gặp lại nét thắm môi em tiếng hẹn hò
Tìm lại ngày mơ.
Dù chỉ mới gặp nhau lần đầu, nhưng cả hai đã nhanh chóng thân thiết như quen từ thuở xa xưa nào ấy. Trong suốt cuộc hành trình ấy, đôi ta đã thoải mái tâm sự với nhau về cuộc đời, về những chuyện xưa trong lòng mà bấy lâu nay khó để mở lời cùng ai. Chắc tại vì anh và em có chung một nỗi buồn khi vừa bước chân vào đời đã gặp nhiều điều không như ý nguyện. Định mệnh se duyên cho đôi ta gặp gỡ, vừa quen mà đã muốn nhắc chuyện hẹn hò.
Khi chân đến quê em
Nắng ban mai hôn nhẹ lên khóm hoa tươi
Thoáng thấy em cười vì mùa thương vừa chắp nối
Vẫn biết phút bên nhau sẽ khơi buồn một ngày về
Anh vẫn nhớ rõ lắm khoảnh khắc bình minh ló dạng, tàu dừng lại, em đặt chân đến quê hương, gương mặt sầu lo lúc đầu đã trở nên rạng rỡ. “Nắng ban mai hôn nhẹ lên khóm hoa tươi” – cách dùng từ rất đỗi nên thơ, lãng mạn ấy cũng người nhạc sĩ như muốn nói rằng, vì lòng yêu nàng, nên yêu luôn cả quê hương của nàng. Vì đang lâng lâng trong niềm vui sướng, nên trong mắt chàng trai nhìn đâu cũng thấy cảnh đẹp, rực rỡ sắc màu. Tuy nhiên, trong lúc hy vọng nhất về một “mùa thương” mới, chàng nhạc sĩ cũng mơ hồ cảm nhận về một nỗi buồn man mác bởi dẫu sao tình cảm này cũng đang rất mỏng manh, chưa thể gọi tên hay có danh phận đàng hoàng.
Và cùng một tàu ấy anh về
Nhưng tìm đâu tiếng đêm qua cho lòng ấm
Đêm nay cô đơn nghe gió lạnh rót vào hồn
Tàu về đường cũ tiếng hai đêm vẫn còn chờ
Gặp lại người xưa.
Chia tay nhau trong lời hẹn thề gặp lại, thế mà đến ngày hẹn chờ mãi chẳng thấy nàng đầu. Định mệnh đã không cho đôi mình gặp lại lần hai. Ngồi trên chuyến tàu cũ, nghe gió lạnh rít qua, lòng chàng nhạc sĩ bỗng nhớ thương bóng dáng cô thiếu nữ da diết. Tàu vẫn chạy, vẫn đi trên đường cũ, nếu có duyên mong sẽ gặp lại được người xưa.
Xem thêm: “Bông cỏ mây” của Trúc Phương - Tình yêu thời chiến mãnh liệt và nồng cháy
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận