“Buồn trong kỷ niệm” của Trúc Phương: Lời dự cảm vận vào tình yêu
Ca khúc “Buồn trong kỷ niệm” được nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác năm 1963 lúc ông đang đắm chìm trong hạnh phúc của tình yêu, nào ngờ đó lại là lời dự cảm cho cuộc hôn nhân đau buồn của ông sau đó.
CA KHÚC “BUỒN TRONG KỶ NIỆM”
Tên các khúc: Buồn trong kỷ niệm
Nhạc sĩ: Trúc Phương
Năm phát thành: 1963
Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Thanh Thúy
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Buồn trong kỷ niệm” của nhạc sĩ Trúc Phương
Nhạc sĩ Trúc Phương được khán giả yêu mến xưng tụng là “ông hoàng nhạc bolero”, nhưng không có nghĩa ông chỉ sáng tác nhạc điệu bolero. Ca khúc “Buồn trong kỷ niệm” có thể xem là một trong những bài mang điệu slow hay nhất trong làng nhạc miền Nam trước năm 1975.
Nỗi buồn trong âm nhạc là đề tài muôn thuở. Với sự đa tình, đa cảm của mình, những người nhạc sĩ mỗi lần gặp chuyện buồn như nỗi buồn trong tình yêu, nỗi buồn vì cuộc đời thì lại cho ra một nhạc phẩm để đời. Tuy nhiên cũng có số ít những nhạc phẩm buồn được sáng tác khi người nhạc sĩ đang say sưa trong hạnh phúc. Hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Buồn trong kỷ niệm” của nhạc sĩ Trúc Phương là một trường hợp như thế.
Nhạc sĩ Tuấn Khánh đã từng nhắc đến nhạc sĩ Trúc Phương với hiện tượng “bài hát vận vào cuộc đời tác giả” như sau: “Phải chăng vì nhạc sĩ Lam Phương, Trúc Phương viết nhạc buồn quá nên cuộc đời của họ cũng buồn như bài hát vậy!”.
Cũng có ý kiến cho rằng, vốn dĩ cuộc đời Trúc Phương đã buồn rồi, nên ông chỉ viết nhạc dựa trên hoàn cảnh mà thôi. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng, nhất là đối với bài “Buồn trong kỷ niệm”, một sáng tác bất hủ nói về nỗi đau chia ly, tan vỡ, được Trúc Phương viết trong lúc ông đang đắm chìm vào hạnh phúc ngây ngất của hôn nhân, gia đình.
Chính nhạc sĩ Trúc Phương từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Bài “Buồn trong kỷ niệm” được tôi sáng tác trong lúc vô cùng hạnh phúc, khi ấy tôi mới lấy vợ và có đứa con đầu tiên, con bé chỉ mới có 2 -3 tháng tuổi. Tôi đang ngụp lặn trong hạnh phúc. Còn việc vì sao tôi sáng tác ca khúc đó thì tôi cũng không biết nữa. Sau này tôi nghĩ là bài hát này tiên tri cho mối tình của tôi. Tức là nó báo cho tôi biết rằng, sẽ có một ngày mà tôi nhìn về kỷ niệm, nhìn về nỗi buồn kia. Tôi cảm ơn các tác phẩm đã cho tôi những ngày biết trước cuộc đời tôi như thế”.
Qua lời tâm sự này, chính nhạc sĩ Trúc Phương cũng đã trực tiếp xác nhận những ca từ trong “Buồn trong kỷ niệm” là lời dự cảm cho cuộc hôn nhân đau buồn của ông sau đó.
Nhắc đến ca khúc này của nhạc sĩ Trúc Phương, người ta sẽ nhớ ngay đến tiếng hát của danh ca Thanh Thúy, người trình bày thành công nhất nhạc phẩm “Buồn trong kỷ niệm” cả trước và sau năm 1975. Cũng có lẽ vì thế mà dù rất nổi tiếng, nhưng bài hát này của “ông hoàng nhạc bolero” rất ít các ca sĩ hát lại. Với giọng hát liêu trai đặc trưng, những nốt luyến láy tài tình, Thanh Thúy đã truyền tải được một cách vô cùng trọn vẹn nỗi buồn, nỗi khắc khoải, bi thương trong ca khúc.
Đôi lời bình phẩm ca khúc “Buồn trong kỷ niệm” của Trúc Phương
Đường vào tình yêu, có trăm lần vui, có vạn lần buồn
Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ
Có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế
Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về
Mở đầu bài hát, bằng sự đa cảm của mình, nhạc sĩ đã gửi đôi lời nhắn nhủ đến với những người đang chìm đắm trong tình yêu rằng: Khi yêu người ta chỉ biết tới niềm vui, nhưng đâu biết rằng ẩn nấp sau đấy còn có cả nỗi buồn và nỗi buồn ấy có khi còn gấp cả trăm lần nỗi vui. Phải chăng ngay trong khoảnh khắc hạnh phúc, vui vẻ nhất trái tim nhạy cảm của người nhạc sĩ cũng cảm nhận đâu đó thấp thoáng những nỗi buồn vây kín trong tâm hồn.
Mình vào đời nhau lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn
Hương thơm làn tóc, nước mắt chưa lần khóc
Đến nay thì đã đắng cay nhiều quá
Thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay.
Cũng là tâm hồn ấy, trái tim ấy nhưng lại mang hai trạng thái khác nhau, trước và sau yêu. Khi mới yêu, ta bước vào đời nhau với bao mộng đẹp, mê say. Nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu, niềm vui chia xa, nỗi buồn ập đến, những thơ ngây thuở ban đầu đã biến mất, giờ chỉ còn đắng cay ở lại.
Bao năm qua rồi còn gối chiếc
Nghe lòng nhiều nối tiếc
Thương nhau rồi
Xa nhau rồi
Một lần dang dở ấy
Đêm lạnh vui với ai.
Làm sao nhạc sĩ lại có thể viết ra một ca khúc dự báo chính xác cho chính tình yêu của mình trong tương lai như vậy? Phải chăng tình yêu thường như thế, yêu nhau rồi xa nhau, ai mà chẳng một lần dang dở trong tình yêu. Hay nhạc sĩ chỉ mượn cảm xúc để viết cho bao mối tình ngoài kia rồi vô tình lại vận vào tình yêu của chính đời mình?
Nụ cười ngày xưa chết trên bờ môi héo mòn tuổi đời
Đi thêm một bước trót nhớ thêm một bước
Nếu ta còn nhớ mắt môi người cũ
Xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em.
Cuộc tình dần trở nên buồn bã. Mất đi tình yêu, nụ cười rạng rỡ ngày nào cũng vụt tắt, cuộc đời cũng trở nên héo mòn, u tối. Dù đau khổ là vậy, người nhạc sĩ vẫn không quên nhắn gửi đến tình yêu đã xa của mình, biết là từ nay đôi mình chẳng chung đường nữa, nhưng nếu còn nhớ về nhau xin hãy mang theo tiếng gọi của anh với em, để những yêu thương ngày nào không phai nhạt hết.
Xem thêm: “Bông cỏ mây” của Trúc Phương - Tình yêu thời chiến mãnh liệt và nồng cháy
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận