"Ông vua vọng cổ" Viễn Châu: Người khai phá tân cổ giao duyên, đến cuối đời vẫn thao thức vì nghệ thuật

Soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là “vua vọng cổ” không chỉ vì ông viết lời cho hơn 2000 bài vọng cổ và 70 vở cải lương, mà còn vì những bài vọng cổ của ông mang một dấu ấn rất riêng, rất lạ.

Diệu Nguyễn
17:25 26/08/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Soạn giả Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá, hay còn được gọi là Bảy Bá, quê ở xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Thuở còn đi học ở trường ông đã mê đờn ca tài tử. Viễn Châu có sự hiểu biết một cách bài bản về cải lương là nhờ học lỏm từ chương trình ca cổ nhạc ở đĩa nhựa và trên đài phát thanh. Ngoài ra, ông còn có dịp được làm quen và học hỏi về đờn ca với với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời đó như Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng,… mỗi khi đoàn đến địa phương lưu diễn. Từ nhỏ, Bảy Bá đã bộc lộ khiếu viết văn, làm thơ và cảm thụ âm nhạc. Đến năm 15 tuổi, ông đã tỏ ra xuất chúng về ngón đàn tranh.

Vở cải lương đầu tay của soạn giả Viễn Châu là bài “Hồn chiến sĩ” được viết năm 1945 với nội dung chống thực dân Pháp. Sau khi viết xong, bài hát này đã được tổ chức hát bán vé để góp cho quỹ kháng chiến. Năm 1946, sau khi người anh kế bị Pháp bắt và bức tử, ông Bảy Bá đã rời Đôn Châu lên Vĩnh Long, sau đó lại tiếp tục phiêu bạt lên Sài Gòn. Bút danh Viễn Châu được ông Bảy Bá lấy trong thời gian này như một cách nhớ về quê hương, nguồn cội.

Thời gian đầu ở Sài Gòn, ông mưu sinh bằng cách đi đờn cho các đám cưới, liên hoan,… nhiều khi đi về khuya quá, sợ phá giấc ngủ của bạn, ông lấy đàn làm gối kê đầu nằm ngủ bên ngoài tới sáng. Năm 1947, tên tuổi của Viễn Châu bắt đầu nổi lên với vở “Nát cánh hoa rừng”. Bài hát này được ông viết sau khi đi “an trí” ở Cẩm Giang (Tây Ninh) về, viết với mục đích tố cáo chế độ thực dân Pháp và sự bóc lột của chủ đồn điền Pháp. Đây là vở cải lương đầu tiên của soạn giả Viễn Châu được diễn trên sân khấu đại ban và cũng từ vở diễn này tên tuổi của ông được giới mộ điệu chú ý. Cũng trong khoảng thời gian này, tiếng đờn tranh của ông Bảy Bá được các hãng đĩa thu thanh và phát hành liên tục. Nói về ngón đàn của Viễn Châu, soạn giả Kiên Giang đã hết lời ca ngợi rằng: “Ngón đờn tranh điêu luyện của anh Bảy Bá như rót vào hồn vài vọng cổ những rung động con tim của người nghệ sĩ đã có nhiều vốn sống”.

soan-gia-vien-chau-nguoi-khai-sinh-ra-the-loai-tan-co-giao-duyen (1)
Năm 1947, tên tuổi của Viễn Châu bắt đầu nổi lên với vở “Nát cánh hoa rừng”

Ngoài đoàn Việt kịch Năm Châu, soạn giả Viễn Châu còn hợp tác với nhiều đoàn hát tên tuổi thời ấy như Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Thanh Út Trà Ôn,… Sau giải phóng, ông tiếp tục cộng tác với Đoàn Văn công thành phố, hãng băng Sài Gòn Audio,…

Những vở cải lương của Bảy Bá: Tình mẫu tử, Hoa mộc lan, Hai nụ cười xuân, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Sau bức màn chung,… đã tạo nên những dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Đặc biệt là vở “Ai điên ai tỉnh” đã được báo giới bình chọn là vở cải lương hay nhất miền Nam năm 1974.

Đặc biệt, soạn giả Viễn Châu còn là người có công cải biên cải lương khi kết hợp với làn điệu vọng cổ. Đó là một sắc thái mới lạ, khác biệt hoàn toàn so với cải lương lúc bấy giờ, chính vì thế mà thời ấy ông chịu rất nhiều chỉ trích khi và bị cho là kẻ phát nát nhạc truyền thống. Nhưng không vì thế mà Bảy Bá chùn bước, ông vẫn kiên trì theo đuổi việc kết hợp tân nhạc với cổ nhạc thành một thể loại vọng cổ mới ấy suốt hàng chục năm trời. Sau nhiều năm vất vả miệt mài, công sức của ông đã được đền đáp khi thể loại này đã được công chúng đón nhận và các nghệ sĩ cũng rất yêu thích khi trình diễn. Chính vì thế mà trong giới cải lương, soạn giả Viễn Châu được xem là cha đẻ của thể loại “tân cổ giao duyên”.

soan-gia-vien-chau-nguoi-khai-sinh-ra-the-loai-tan-co-giao-duyen (2)
Soạn giả Viễn Châu là người tiên phong của thể loại "tân cổ giao duyên"

Khi nhắc đến vọng cổ, người ta sẽ nghĩ ngay đến một cái gì đó buồn thảm, bi ai. thế nhưng soạn giả Viễn Châu lại không mặc định như vậy. Ông đã có một cú “lật ngược” ngoạn mục khi viết ra một thể loại vọng cổ hài mới lạ, độc đáo vô cùng. Năm 1960, Bảy Bá viết bài vọng cổ hài đầu tiên mang tên “Đêm tân hôn” cho danh hài Văn Hường ca. Bài hát này đã đưa Văn Hường đến với con đường chinh phục vọng cổ hài. Sau sự thành công ấy, Viễn Châu cho ra đời một loạt vọng cổ hài hước như “Vợ tôi nói tiếng Tây”, “Tôi mến làng tôi”, “Sợ vợ”, “Lá sớ táo quân”, “Tề thiên đại thánh”,… 

Có thể nói Viễn Châu là một nhà soạn giả ngoại hạng khi viết hơn 2000 bài vọng cổ và 70 vở cải lương trong chặng đường nghệ thuật của mình. Trong lịch sử hình thành và phát triển 90 năm nay, chưa có một soạn giả cổ nhạc nào đạt được nhiều thành công rực rỡ như ông. Chính vì thế mà năm 1988, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Đến năm 2012, Viễn Châu lại được đặc cách phong Nghệ sĩ nhân dân cùng với 3 cô học trò của mình là Ngọc Giàu, Bạch Tuyết và Lệ thủy.

Nhắc đến các học trò của Viễn Châu, có thể nói ông chính là người đã góp phần tạo nên tên tuổi cho các nghệ sĩ như: Tình anh bán chiếu – Út Trà Ôn, Hoa Lan trắng – Út Bạch Lan, Áo tình đắp mộ người yêu – Ngọc Giàu, Tiếng trống tàn canh – Thành Được, Lắng tiếng chuông ngân – Thanh Nga,…

NSƯT Ngọc Giàu cũng từng khẳng định rằng: “Không có soạn giả Viễn Châu là không có Ngọc Giàu cũng như gần hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng thời hoàng kim. Hồi mới 12 - 13 tuổi chính ông đã viết cho tôi bài “Áo tình đắp mộ người yêu” để tôi thu đĩa và nổi tiếng từ đấy. Nhiều nghệ sĩ khác thời còn con nít như tôi cũng được nổi tiếng nhờ những bài ca của chú Bảy Bá đo ni đóng giày cho…”.

Xem thêm: NSND Lệ Thủy: "Cô đào ngoại hạng" mới 15 tuổi đã lên hát chính, nức tiếng giới cải lương một thời

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận