Bà tổ cải lương Phùng Há và cuộc hôn nhân như "bẫy tình" với Bạch công tử: Vinh hoa tột đỉnh, đau đớn khôn cùng

Cuộc hôn nhân với người đàn ông ăn chơi nức tiếng Lục tỉnh Nam Kỳ đã giúp NSND Phùng Há chạm đến đỉnh cao sự nghiệp. Nhưng chính nó đã đẩy bà xuống vực thẳm của sự đau khổ.

Đỗ Thu Nga
14:14 20/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

NSND Phùng Há (1911 - 2009) được xem là "bà tổ" của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam cùng với nghệ sĩ Bảy Nam. Cả cuộc đời bà gắn bó với bộ môn nghệ thuật này và đã để lại nhiều vai diễn ấn tượng. Bà cũng là người đào tạo ra nhiều môn sinh xuất sắc. Tuy nhiên, trong bài viết này chỉ tập trung đề cập đến đời tư của NSND Phùng Há, mà cụ thể là chuyện tình và cuộc hôn nhân tựa như "bẫy tình" của bà với Bạch công tử (Bạch công tử tức là "cậu tư" Lê Công Phước, thường gọi là George Phước; Hắc công tử tức là công tử Bạc Liêu, tức ông Trần Trinh Huy. Đây là hai người đàn ông ăn chơi nức tiếng Lục tỉnh Nam kỳ).

Cũng xin được tường minh hơn, Bạch công tử là người chồng thứ hai của NSND Phùng Há, sau cuộc hôn nhân không hạnh phúc với soạn giả Tư Chơi (tức Huỳnh Thủ Trung). Ở cuộc hôn nhân đầu tiên, bà và vị soạn giả tài hoa có một người con gái chung tên là Bửu Chánh. 

Vinh hoa tột đỉnh

Chuyện kể rằng, trong một đêm diễn vào năm 1929, sau khi vở tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài do bà thủ vai Mạnh Lệ Quân kết thúc, bà đi ra cửa sau để về thì bắt gặp Bạch công tử đứng đợi tự bao giờ. Người đàn ông ấy bắt tay cô đào xinh đẹp xin làm quen. Cũng kể từ cái bắt tay đó, Bạch công tử thường xuyên xuất hiện ở hàng ghế đầu tiên trong các đêm diễn để ngắm cô đào xinh đẹp, ca hay. Cái gì đến cũng phải đến, trước sự săn đón nhiệt tình của người đàn ông ấy, họ bén duyên, yêu thương nồng cháy và nên duyên vợ chồng.

ba-to-cai-luong-phung-ha-va-cuoc-hon-nhan-dau-kho-voi-bach-cong-tu-7
Bạch công tử Lê Công Phước thời trẻ

Khi vừa cưới được người đẹp, Bạch công tử từng bảo bà thôi đi hát và chấp nhận bồi đền gần 100 mẫu ruộng để thối giao kèo. Vừa về đến nhà, cậu cho thợ may đo cho Phùng Há đến 20 bộ đồ mới. Cậu còn dẫn vợ tới lò kim hoàn nức tiếng nhất Mỹ Tho để chọn nữ trang. Thấy vợ tỉ mỉ chọn hột xoàn, cậu bước tới, hốt cả bụm tay, đưa cho chủ lò, biểu đếm bao nhiêu hột rồi tính tiền. Phùng Há lúc ý ngỡ ngàng lắm.

Có một điều ít người biết, Bạch công tử say mê cải lương và từng theo học ngành sân khấu. Bạch công tử cũng giữ đúng lời hứa, lập cho cô Bảy (NSND Phùng Há) một gánh hát riêng. Vì thế, khi kết hôn với bà Phùng Há, Bạch công tử đã thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ và giao cho vợ làm bầu. Đây là gánh hát cải lương có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam kỳ. Bạch công tử đã cho xây dựng rạp hát lớn trong vùng cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi biểu diễn thường xuyên.

ba-to-cai-luong-phung-ha-va-cuoc-hon-nhan-dau-kho-voi-bach-cong-tu-6
Bạch công tử và NSND Phùng Há

Chiếc ghe thứ hai dành cho đào kép được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ. Ghe có đầy đủ bếp ăn, chỗ đi vệ sinh. Còn chiếc cuối cùng chờ thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng. Gánh hát đi đến một địa điểm nào đó, Bạch công tử đều cho đào kép lên bờ đứng vẫy tay chào chính quyền địa phương. 

Chưa dừng lại, Bạch công tử còn mạnh tay chi tiền dựng rạp hát cùng tên bên cạnh tư dinh tại Mỹ Tho, trở thành "thánh đường" của sân khấu cải lương, đưa gánh Huỳnh Kỳ nói riêng và sâu khấu cải lương nói chung đạt đến thời hoàng kim. Công bằng mà nói, Bạch công tử đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của cải lương trong thời kỳ phôi thai. 

Đau đớn khôn cùng

Vốn tính phóng khoáng, Bạch công tử chẳng màng đến lỗ lãi, cứ thiếu tiền là về Mỹ Tho bán đất. Nói về chuyện bán đất của chồng cũ, sau này, NSND Phùng Há có kể lại: "Cách bán đất của cậu không giống ai, không bao giờ đo diện tích bao nhiêu mà bán theo 'mớ', rồi làm giấy tờ sau. Người mua chỉ cần mang tiền đến chung đủ, cậu chỉ tay vào phần đất nào đó. Nếu người mua cảm thấy thiệt thòi, nói với cậu, cậu sẽ chỉ thêm một 'mớ' nữa. Thông thường, người mua rất lời, vì mua được miếng đất rộng gấp bốn, năm lần số tiền phải bỏ ra".

Chỉ trong 3 năm ngắn ngủi, kinh tế gia đình sa sút. Vì thiếu đầu tư nên gánh hát Huỳnh Kỳ rơi vào tình trạng không người cai quản khiến công việc kinh doanh ngày càng giảm sút, mọi người theo đoàn cũng dần dời đi. Bà Phùng Há nhìn gánh hát dần lụi tàn mà đau đớn vô cùng. 

Gần 7 năm sinh sống, hai người có với nhau 2 đứa con. Con đầu tên Paul Lộc, mất khi vừa lên hai do bệnh ban trắng. Lúc cô Bảy sinh con gái Suzane Lý là thời điểm gánh hát suy sụp. Mấy chiếc ghe chài hùng mạnh ngày nào giờ hư hỏng nằm chỏng chơ cạnh chợ ở cầu Ông Lãnh. Đến cận Tết 1934, bé Lý bệnh nặng, trong cảnh khốn cùng, bà Phùng Há cho người đi tìm Bạch công tử thì hay tin cậu đang hút thuốc phiện ở khách sạn Minh Tân. Cậu nhắn, nếu Phùng Há không có tiền thì bán áo mão gánh hát mà xài, còn ghe chài thì cậu cầm cố hết rồi. Trong đêm đó, bé Lý mất...

ba-to-cai-luong-phung-ha-va-cuoc-hon-nhan-dau-kho-voi-bach-cong-tu-0
Cuộc hôn nhân với Bạch công tử khiến NSND Phùng Há đi từ hạnh phúc ngập tràn đến đau khổ tột cùng

Có nỗi đau nào bằng nỗi đâu đứa con thân yêu chết mòn trong vòng tay mình. Cả hai đứa con đều mất khi không có bố bên cạnh. Cả khi con mất, cậu Tư cũng không thèm về nhìn mặt con lần cuối. Phùng Há từ cô đào son sắc ngày nào, luôn có người đưa kẻ đón, tay hầu tay hạ, nay phấn lạt son trôi, lẻ loi như chiếc ghe gánh hát mòn vẹt, cũ rách chòng chành trên sóng nước. 

Chồng hắt hủi, hai con đều ra đi, bi kịch này đã đẩy NSND Phùng Há đến tận cùng đau khổ. Nhiều người tưởng rằng, bà không thể thoát khỏi nỗi đau này, mãi mãi chìm trong uất hận. Nhưng không, chỉ một thời gian sau, bà đã mạnh mẽ đứng dậy, gây dựng lại từ đầu. Những cố gắng của bà đã được ghi nhận, thậm chí còn có nhiều thành công khiến không ít người ghen tỵ. Đến nay, hình ảnh và di sản mà bà để lại vẫn ngự trị trong lòng khán giả mến mộ cải lương. 

Với Bạch công tử, thói quen ăn chơi vô độ đã đẩy ông đến ngõ cụt. Tàu sản của ông lần lượt đội nón ra đi. Ông chìm đắm trong nghiện ngập và đói nghèo. Những năm tháng cuối đời, ông lang thang ở khu vực công viên Tao Đàn. Sau đó được một người thân đưa về nhà ở Chợ Gạo chăm sóc. Đầu năm 1950, ông qua đời và được an táng tại khu đất mà trước đây ông từng là chủ sở hữu. Khi ấy, người chôn ông chỉ kịp làm một nấm mồ đất, không bia. Đến năm 1999, bà Phùng Há nghĩ đến tình nghĩa năm xưa mà tìm lại ngôi mộ của chồng cũ, xây mộ, dựng bia cho ông.

Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn trước báo chí, mỗi khi nhắc đến Bạch công tử, bà Phùng Há đều rơm rớm nước mắt. Bà nhớ về những ngày Bạch công tử đã nâng niu, nuông chiều, hỗ trợ bà trong nghệ thuật để bà có những ngày tháng hạnh phúc. Nhưng cũng chính ông đã chà đạp, phá hủy những ngày tháng tươi đẹp của bà. Dẫu thế nào đi nữa thì cuộc tình ấy, đã trở thành huyền thoại, bởi nó nối liền hai con người có số phận biệt, lẫy lừng một thời; nó gắn liền với sự phát triển sâu rộng của sân khấu cải lương. Và một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, Bạch công tử chính là yếu nhân góp phần tạo nên diện mạo ấy. 

Xem thêm: Ly kỳ câu chuyện Dạ cổ hoài lang "ru ngủ" quân địch, cứu chiến sĩ cách mạng

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận