Ly kỳ câu chuyện Dạ cổ hoài lang "ru ngủ" quân địch, cứu chiến sĩ cách mạng

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã dùng tiếng đàn, lời ca của bản "Dạ cổ hoài lang" đánh lạc hướng quân địch, giải cứu các chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm.

Đỗ Thu Nga
11:05 19/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

"Dạ cổ hoài lang" là bản nhạc lòng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), là di sản văn hóa phi vật thể của Bạc Liêu. Gần một trăm năm qua, những cội nguồn tinh túy của 20 câu trong "Dạ cổ hoài lang" vẫn còn nguyên giá trị. 

Từ câu chuyện tình yêu và nỗi khổ của cá nhân mình, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã nâng lên thành tâm trạng chung của dân tộc thời phong kiến để mọi người cùng thấu hiểu, chia sẻ. Trong thời gian dài phu thê cam chịu cảnh "đêm đông gối chiếc cô phòng", tâm tư trĩu nặng, ông Sáu Lầu đêm đêm mượn tiếng đờn kìm làm bạn tâm tình, nắn nót đôi câu để bớt muộn phiền. Ông thừa hiểu, người bạn đời cũng đau xót như ông. Ông liên tưởng đến tình cảnh thiếu phụ trông chồng như hòng vọng phu. Đêm khuya tĩnh lặng, ôm đờn với bao tâm sự, ông nhớ đến điệu Nam ai với bài Tô Hiệu Chức cầm hồi văn và dự theo tứ đó để cho ra đời bản "Dạ cổ hoài lang". 

ly-ky-cau-chuyen-da-co-hoai-lang-cuu-chien-si-cach-mang
Tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại khu tưởng niệm ở TP Bạc Liêu

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác "Dạ cổ hoài lang" khoảng cuối năm 1918, đến năm 1919 thì được phổ biến rộng rãi trong giới tài tử Bạc Liêu. Sau đó "Dạ cổ hoài lang" dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản vọng cổ, làm thay đổi một phần lớn bộ mặt của cải lương Nam Bộ. Đây cũng là ưu thế của "Dạ cổ hoài lang" giúp nó trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với người Nam Bộ. 

Lúc sinh thời, GS.TS Trần Văn Khê từng nhận xét: "Trong nền cổ nhạc Việt Nam, chưa có bản nào được như Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã trở thành sáng tác tập thể, sinh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống khỏe mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể".

Theo Báo Pháp Luật Việt Nam, bản "Dạ cổ hoài lang" của nhạc sĩ Cao Văn Lầu được trình diễn trong hầu hết các buổi văn nghệ, cải lương lớn nhỏ khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Cố nhạc sĩ từng được mời tham gia nhiều nhóm đờn ca tài tử địa phương, sau đó được mời vào vị trí trưởng đoàn hát. Sự nghiệp sáng tác của ông còn ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm khác, tuy nhiên, "Dạ cổ hoài lang" vẫn là bài hát gây tiếng vang mạnh mẽ nhất.

Có một câu chuyện khá đặc biệt liên quan đến "Dạ cổ hoài lang" đó là, ca khúc này từng cứu sống các chiến sĩ cách mạng sắp bị địch xử bắn. Trước năm 1945 đến thời kháng chiến chống Mỹ, Bạc Liêu là cái nôi hoạt động cách mạng. Bản thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu và gia đình cũng sớm giác ngộ cách mạng, hầu hết các con ông đều tham gia kháng chiến.

ly-ky-cau-chuyen-da-co-hoai-lang-cuu-chien-si-cach-mang-5
Bản gốc chép tay "Dạ cổ hoài lang"

Năm 1947, có không ít chiến sĩ cách mạng bị bắt và chuẩn bị chịu án tử/ Lúc này, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã nhận nhiệm vụ dùng tiếng đàn của mình để đánh lạc hướng quân định giúp giải cứu các chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm. Ông Sáu Lầu còn tổ chức ban nhạc vào buổi biểu diễn trong trại giam ở Bạc Liêu suốt 3 đêm liền.

Trong đêm cuối cùng, lúc bản "Dạ cổ hoài lang" được vang lên, hòa trong tiếng đờn kìm, sáo nhị, tiếng trống, lực lượng cách mạng đã tiến hành phá cửa nhà giam, nơi những tên lính địch đang đắm chìm trong âm nhạc của Cao Văn Lầu. 6 chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm đã được giải cứu thành công. Sau đó, bằng ngón đàn của mình, ông Sáu Lầu tổ chức các buổi lưu diễn ở khắp nơi, "ru ngủ" quân địch để lực lượng cách mạng hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng.

Câu chuyện "Dạ cổ hoài lang" cứu chiến sĩ cách mạng đã được xác thực bởi chính quyền Bạc Liêu, hiện nay Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu) có bản ghi câu chuyện này. Bộ nhạc cụ mà ban nhạc Cao Văn Lầu trình diễn đêm đó vẫn được trưng bày trang trọng tại nhà lưu niệm.

Dạ cổ hoài lang

1. Từ là từ phu tướng

2. Báu kiếm sắc phán lên đàng

3. Vào ra luống trông tin nhạn

4. Năm canh mơ màng

5. Em luống trông tin chàng

6. Ôi! Gan vàng thêm đau

7. Đường dầu xa ong bướm

8. Xin đó đừng phụ nghĩa tao khang

9. Còn đêm luống trông tin bạn

10. Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu

11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng

12. Lòng xin chớ phụ phàng

13. Chàng là chàng có hay

14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây

15. Biết bao thuở đó đây sum vầy

16. Duyên sắc cầm đừng lợt phai

17. Là nguyện - cho chàng

18. Hai chữ an - bình an

19. Trở lại - gia đàng

20. Cho én nhạn hiệp đôi.

Xem thêm: Nhạc sĩ Phạm Duy và những chia sẻ rất đời về cha - nhà văn Phạm Duy Tốn

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận