Nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân: Từ cô đào nức tiếng một thời đến tuổi già cô độc, bán vé số, nhặt ve chai, ăn bánh mì từ thiện

Bước qua ánh hào quang của sân khấu cải lương, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân trở về với đời thực với tuổi già bằng cảnh sống cơ cực, sáng bán vé số, chiều lượm ve chai, đôi vai gầy gánh đầy nợ...

Đỗ Thu Nga
12:06 22/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Đào chính nức tiếng một thời

Nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân tên thật là Đào Thị Thanh Xuân, sinh năm 1952 tại TP Hồ Chí Minh. Bà sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Từ nhỏ bà đã được học ca và diễn xuất bài bản. 

14 tuổi, Trang Thanh Xuân đã vào nghề và gây chú ý khi trở thành gương mặt nổi bật của ban Hoa Thế Hệ của soạn giả Quang Phục. Ban này chủ yếu hoạt động trên truyền hình, thu hút lượng khán giả xem đài rất đông. Khi đào chính - ca sĩ Phượng Mai rời đi, Trang Thanh Xuân được tín nhiệm thế chỗ và được khán giả yêu mến. Ngày nào bà cũng nhận được thư từ khán giả gửi về.  Năm 20 tuổi (1972), Trang Thanh Xuân trở thành đào chính quyến rũ trong nhiều vở diễn của đoàn Thái Dương, Việt Nam Minh Vương, Phương Bình... 

nghe-si-cai-luong-trang-thanh-xuan-la-ai-0
Chân dung nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân

Thời đó, nhờ sở hữu giọng hát hay bẩm sinh với làn hơi cao vút, truyền cảm cùng nét diễn chững chạc, Trang Thanh Xuân nhanh chóng có chỗ đứng vững chắc trong làng ca hát. Thậm chí, giọng hát của bà còn được nhận xét là có phảng phất cách phát âm của cô đào Lệ Thủy nức tiếng thời đó. Vì lẽ ấy mà có không ít người đặt cho bà cái tên "Xuân Lệ Thủy".

Ngoài giọng hát, Trang Thanh Xuân còn gây thương nhớ với vẻ bề ngoài xinh đẹp khiến "hoa nhường nguyệt thẹn". Thân hình của bà mảnh mai cân đối, khuôn mặt trái xoan thánh thiện, làn da trắng hồ rất ăn ảnh và bám ánh đèn sân khấu. Các đoàn hát năm ấy ra sức săn đón ngôi sao nữ Trang Thanh Xuân. Còn khán giả thì hò hét vỗ tay rần rần mỗi khi bà xuất hiện. Tất cả những điều này khiến bà vô cùng tự hào, hãnh diện. 

Báo chí thời đó không tiếc bút mực để ca ngợi tài năng cũng như nhan sắc của cô đào Trang Thanh Xuân. Thế nhưng cũng như số phận của nhiều gánh hát khác, thăng trầm buộc họ trôi dạt, hợp tan bất định. Để trụ với nghề, Trang Thanh Xuân phải về các đoàn hát ở tỉnh. Dẫu sự nghiệp có nhiều thăng trầm nhưng bà vẫn mê hát đến hộ quên cả chuyện thành gia lập thất. 

nghe-si-cai-luong-trang-thanh-xuan-la-ai-8
Một số tin, bài nhắc về nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân

Sau những năm tháng sống hết mình với nghệ thuật, với ánh đèn sân khấu và âm thanh rộn ràng, bà bắt đầu cảm thấy khó chịu, không thở nổi. Bà tìm đến bệnh viện thăm khám và phát hiện mắc bệnh tim, sức khỏe ngày càng yếu đi, không thể đứng trên sân khấu thường xuyên.

"Bị bệnh từ bao giờ tôi cũng không biết, chỉ thấy người mềm mệt, hay bị mất hơi nên mới đi khám. Nghe bác sĩ thông báo, tôi ngã quỵ ngay giữa hành lang bệnh viện. Nhiều ngày sau đó, tôi không ăn không ngủ, đóng kín cửa phòng, khóc cạn nước mắt", nghệ sĩ Trang Thanh Xuân từng trải lòng.

Tuổi xế chiều cơ cực, chỉ mong ngày bán hết 50 tờ vé số

Năm 1986, bà giải nghệ, rời bỏ ánh hào quang của nghệ danh Trang Thanh Xuân để về sống với tên thật Đào Thị Thanh Xuân. Và cũng chính lúc này bà nhận ra, mình không có của để dành, không có nhà cửa. Thứ ở lại với bà chính là đôi bàn tay trắng và cái nghèo xác xơ. 

Những hình ảnh lộng lẫy của cô đào nức tiếng Trang Thanh Xuân ngày nào giờ chỉ còn trong hồi ức. Bà cùng em gái Thanh Đào - cũng là một nghệ sĩ thuê nhà trọ tại quận 8, bắt đầu cuộc mưu sinh bằng việc bán chuối chưng, rồi bắp nấu. Nhưng sức khỏe không tốt nên khi luộc xong những nồi bắp nặng, bà lại bê lên bê xuống không nổi. Cuối cùng, hai chị em chọn đi bá vé số. 

nghe-si-cai-luong-trang-thanh-xuan-la-ai-7
Trước khi qua đời, nghệ sĩ Thanh Đào sống cùng chị gái Trang Thanh Xuân trong căn phòng trọ nhỏ

"Lúc mới giải nghệ, đi bán vé số mà nghe ai hát cải lương là thấy đau. Đứng ở đằng này mà nghe đằng kia, những người đồng nghiệp của mình đang hát trên sân khấu, chỉ biết chết lặng. Bệnh tim khiến cho tôi không thể nào ca hát được nữa. Mỗi khi sân khấu mở màn, nghe tiếng trống tiếng nhạc lên, tôi không thể nào chịu đựng nổi. Số phận mình đã như vậy, biết làm sao giờ...", nghệ sĩ Trang Thanh Xuân trải lòng về chuyện năm xưa. 

Trở lại đời thực, chị em nghệ sĩ Trang Thanh Xuân ngày nào cũng ra chợ Rạch ông từ sáng sớm, dắt tay nhau len lỏi giữa dòng người với xấp vé số trên tay. Với cơ thể bệnh tật, bà từng ngất xỉu trong lúc mưu sinh, còn chuyện cảm nắng, ho sốt thì như cơm bữa. Vì bệnh tình như thế nên bà không dám đi bán xa, chỉ quanh quẩn ở chợ, cũng không dám mời mọc mọi người, thấy chỗ đông là lánh. Ngày nào bà cũng đi, đi đến khi nào bán hết vé số mới về phòng trọ. Bà chỉ mong, mỗi ngày bán được 50 tờ.

nghe-si-cai-luong-trang-thanh-xuan-la-ai-6 (1)
Rời qua ánh đèn sân khấu, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân rơi vào cảnh sống nghèo khó, chật vật

Có thời điểm, hoàn cảnh khó khăn của bà được nhiều người biết đến. Họ đến tận nơi giúp đỡ nhưng "tiền vào nhà như gió vào nhà trống, thanh toán nợ nần cũ thì nợ nần mới xuất hiện. Bà tự nhủ, ngoài kia cũng còn nhiều người khó khăn, các nhà hảo tâm còn có việc của họ, không ai có thể nhớ đến mình mãi và hết lần này đến lần khác giúp đỡ được. Cứ như thế, bà lặng lẽ mưu sinh với xấp vé số. Dẫu khó khăn nhưng bà không bao giờ ngửa tay xin tiền người khác. Bà dành dụm tiền bán vé số để mua thuốc, trả tiền nhà trọ. Mỗi tháng, ban Ái hữu nghệ sĩ cho bà 200.000 đồng, 10kg gạo. 

Để tiết kiệm chi phí, mỗi ngày bà đều đến thùng bánh mì từ thiện lấy 2 ổ cho hai chị em. Về phòng trọ, bà làm nồi nước mắt khó quẹt, chấm với bánh mì. Thế cũng xong bữa. Bữa nào ngán bánh mì, bà chuyển sang mua cơm tiệm. Người ta bán 25.000/hộp, bà chỉ mua 12.000 - 15.000 để tiết kiệm. Nhưng các tiệm cơm thương tình hay cho bà hai hộp. 

Năm 2022, nghệ sĩ Thanh Đào qua đời, để lại cho chị gái khoảng trống không thể bù đắp cùng khoản nợ vài chục triệu (tiền thuốc thang chữa bệnh). 

nghe-si-cai-luong-trang-thanh-xuan-la-ai-4
Thời vàng son của Trang Thanh Xuân chỉ còn lại trong kí ức giới mộ điệu

Hiện, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân còn một người thân duy nhất là nghệ sĩ Bá Lộc. Ở tuổi ngoài 60, ông không khá giả, sống ở Quận 2, thường ở nhà trông cháu cho các con đi làm. Vì thế, hai chị em hiếm khi gặp nhau. 

Dù đau bệnh và túng thiếu nhưng bà không muốn vào Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè vì nợ nần tiền bạc lẫn ân tình của những tiểu thương, xóm giềng, nhà hảo tâm. Bà sống ở bên ngoài hơn 40 năm nên quen từng cung đường, ngõ hẻm. Bà muốn mỗi sáng được đi bán vé số, gặp gỡ, chào hỏi những người thân quen.

"Bữa kia, tôi thức dậy thấy trong người không khỏe. Nằm hồi lâu, tôi tự hỏi sao buồn quá vậy? Thôi, đứng lên, ra chợ. Tôi là vậy đó. Nếu một ngày tôi ngủ mãi không dậy nữa, vẫn mong muốn được ra đi tại đây - nơi đất và người đã cưu mang mình mấy chục năm qua", Trang Thanh Xuân trải lòng.

Xem thêm: Bà tổ cải lương Phùng Há và cuộc hôn nhân như "bẫy tình" với Bạch công tử: Vinh hoa tột đỉnh, đau đớn khôn cùng

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận