"Cung đàn xưa" của nhạc sĩ Văn Cao: Vọng tiếng sầu ngàn năm
"Cung đàn xưa" là ca khúc được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1942. Đây là một trong những ca khúc tình nhất của Văn Cao, càng nghe càng thấm vì ý tứ, hình ảnh trong lời bài hát thật đẹp và buồn.
CA KHÚC "CUNG ĐÀN XƯA”
- Tên các khúc: Cung đàn xưa
- Nhạc sĩ: Văn Cao
- Năm phát thành: 1942
- Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Thái Thanh, Thái Hiền, Ánh Tuyết, Mộc Lan,...
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Cung đàn xưa” của nhạc sĩ Văn Cao
Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời, Hải Phòng khi ấy là vùng đất tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý,… và chàng trai trẻ Văn Cao cũng bắt đầu hành trình âm nhạc của mình tại đây. Nhạc sĩ Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng với nhạc sĩ Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận,… và bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tay khi chỉ mới 16 tuổi.
Giống như những nhạc sĩ tiên phong khác, ban đầu nhạc sĩ Văn Cao sáng tác các bài nhạc trữ tình mang đậm âm hưởng phương Tây, nhưng theo thời gian âm nhạc của ông dần thoát khỏi cái bóng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp, chuyển sang âm hưởng phương Đông theo lời kêu gọi Việt hóa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên. Đây cũng chính là thời điểm những sáng tác được giới mộ điệu đánh giá là cực điểm của lãng mạn tính trong nền tân nhạc Việt của Văn Cao ra đời như “Thu cô liêu”, “Thiên Thai”, “Trương Chi”, “Suối mơ”, “Bến xuân”,… và cả “Cung đàn xưa”.
Nhạc phẩm “Cung đàn xưa” ra đời năm 1942, được chia làm 4 đoạn khúc rõ nét. Đoạn đầu, nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu đến người nghe cung đàn năm xưa, tới đoạn hai sẽ nói tới cung đàn và tiếng hát, tức cung thương và cung nam trong nhạc Đông Phương, rồi chuyển sang đoạn ba với một nhịp điệu réo rắt diễn tả nét buồn ẩn chứa trong tiếng đàn xưa và đoạn bốn nhạc sĩ đã lồng ghép, nhắc đến người tình tuyệt thế giai nhân trong trí tưởng tượng đầy mộng mị.
Bài hát “Cung đàn xưa” của nhạc sĩ Văn Cao được rất nhiều ca sĩ thể hiện Thái Thanh, Thái Hiền,… trong đó có cả giọng ca của nữ ca sĩ tài sắc Mộc Lan, khiến giới mộ điệu Hà Nội một thời ngây ngất. Mộc Lan là nàng ca sĩ gốc Hải Phòng vào Nam lập nghiệp, sau đó quay ra Bắc lưu diễn ở nhà hát lớn Hà Nội. Hai bài hát “Cung đàn xưa” và “Đi chơi chùa Hương” qua tiếng hát ngọt ngào, truyền cảm của cô đã khiến chàng nhạc sĩ phong lưu Đoàn Chuẩn say đắm. Cũng từ đây cả hai đã bắt đầu một giai thoại lãng mạn, ngọt ngào.
Ngoài ra, ca sĩ Ánh Tuyết cũng từng có một album mang tên “Cung đàn xưa” trình bày toàn những ca khúc một thời vang bóng của những cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam nửa sau thế kỷ 20 như Văn Cao với “Buồn tàn thu”, “Cung đàn xưa”,… Album này được Trung tâm băng nhạc Trẻ (tên cũ của Hãng phim Trẻ ngày nay) xuất bản.
Lời bài hát “Cung đàn xưa” của nhạc sĩ Văn Cao
“Cung đàn xưa” là một trong những ca khúc tình nhất của nhạc sĩ Văn Cao, càng nghe càng thấm vì ý tứ, hình ảnh trong lời bài hát thật đẹp và buồn. Có lẽ những ai đã từng yêu và rồi phải chia tay một mối tình đẹp, lãng mạn, khắc cốt ghi tâm thì mới cảm nhận hết sự tinh tế, huyễn hoặc, lộng lẫy và buồn bã trong “Cung đàn xưa” của Văn Cao.
Hình ảnh người thiếu nữ trong bài hát hiện lên rất đẹp và vô cùng thánh thiện. Người thiếu nữ ấy được nhắc đến bằng những ngôn từ trau chuốt, huyền ảo, không phải do cô là một nàng tiên mà là do người nhạc sĩ viết bằng tất cả sự trân trọng khi hoài vọng, nhớ thương và xưng tụng người tình.
Hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn.
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn.
Từ người ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi.
Cung thương là tiếng đàn
Cung nam là tiếng người.
Ai oán khúc ca cầm châu rơi
Tình duyên lãng đãng, nhớ thương dần pha phôi.
Cung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm
Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp tàn.
Ơi đàn xưa còn vang nhắc chi tới người
Lòng ta tắt bao thắm tươi u hoài duyên đưa.
Chiều năm xưa gót hài khai hoa,
Mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương.
Chiều năm nay bóng người khơi thương
Tiếng đàn gieo oan giấc mộng chàng Trương.
Giờ còn mong chi người hát theo đàn
Giờ còn mong chi hợp cánh hoa tàn.
Lời đàn năm xưa se kết đôi lòng
Lời đàn năm nay đôi lứa xa vời.
Khi hôn hoàng xuống dần
Trăng lên vàng mái lầu,
Nghe thoáng tiếng kinh cầu xa xa,
Ngàn lau thấp thoáng bóng kinh kỳ sầu bao la.
Văn Cao (1923 – 1995) là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đánh giá một cách rộng rãi là một trong ba nhạc sĩ nổi bật nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX.
Thuộc thế hệ nhạc sĩ Tân nhạc tiên phong, nhạc sĩ Văn Cao tham gia nhóm Đồng Vọng, sáng tác các ca khúc trữ tình lãng mạn, đáng chú ý nhất là Bến xuân, Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi,… Ông nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt tiên phong, nổi bật nhất của trào lưu lãng mạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là để lại những dấu ấn mang tính khai phá của ông trong tân nhạc Việt. Sau khi gia nhập Việt Minh, Văn Cao chủ yếu viết về nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng như Tiến quân ca, Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội... vì vậy ông đã trở thành một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc kháng chiến.
Xem thêm: “Buồn tàn thu” của Văn Cao: Tuyệt tác tân nhạc "thuở bình minh"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận