“Bến xuân” của Văn Cao: Dìu nhau qua giấc mộng u hoài

Ca khúc “Bến xuân” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1942 dựa trên chuyện tình có thật trong đời mình với nàng ca sĩ mỹ miều của đất cảng - Hoàng Oanh.

Diệu Nguyễn
19:00 07/10/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC "BẾN XUÂN”

  • Tên các khúc: Bến xuân

  • Nhạc sĩ: Văn Cao

  • Năm phát thành: 1942

  • Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thanh,…

Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Bến xuân” của nhạc sĩ Văn Cao

“Bến xuân” là nhạc phẩm được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1942, dựa trên một chuyện tình có thật trong đời mình. Mối tình tuy không thành nhưng đã để lại trong lòng chàng nhạc sĩ những rung cảm mãnh liệt. Trong cuốn băng video “Văn Cao – Giấc mơ đời người” của đạo diễn Đinh Anh Dũng được hãng phim Trẻ thực hiện trước khi nhạc sĩ Văn Cao mất không lâu, trước phần giới thiệu ca khúc “Bến xuân”, ông đã tâm sự: “Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái nhưng không dám nói ra. Ấy vậy mà người yếu hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát “em đến tôi một lần” và có bài hát này”.

Người con gái ấy chính là nữ ca sĩ Hoàng Oanh, nàng tiểu thư đất cảng Hải Phòng, nức tiếng xinh đẹp với giọng hát “oanh vàng” khiến bao chàng trai ôm mộng tương tư trong suốt những năm đầu thập niên 1940. Trong những người theo đuổi, si mê Hoàng Oanh thời điểm ấy có cả hai người bạn tri kỷ thân thiết trong nghệ thuật với nhạc sĩ Văn Cao là nhạc sĩ Hoàng Quý và ca sĩ Kim Tiêu. Vốn tính nhút nhát, lại có phần mặc cảm về gia cảnh nên Văn Cao đành lùi về phía sau làm cố vấn tình yêu cho hai người bạn, giúp bạn viết thơ, viết nhạc để lấy lòng giai nhân. Dù chưa một lần hé lộ lòng mình, nhưng qua các bài hát, bài thơ có lẽ Hoàng Oanh cũng cảm nhận được đôi phần tâm tư của Văn Cao nên đem lòng cảm mến.

Một lần nọ, người bạn của Văn cao ngỏ ý tính chuyện lâu dài với Hoàng Oanh, vốn sẵn có tình cảm với Văn Cao, lại biết chàng nhạc sĩ cũng thầm để ý mình nhưng vì nhút nhát, ngại ngùng nên không dám ngỏ lời. Thế là Hoàng Oanh trốn gia đình, một mình chạy đến nhà tìm Văn Cao để xác nhận tình cảm. Khi Hoàng Oanh đến nhà, Văn Cao lúc ấy đang mặc quần áo cộc ngồi múc nước. Thấy bóng dáng giai nhân, chàng nhạc sĩ vô cùng lúng túng, cuốn quýt chạy vào trong nhà thay đồ dài tử tế rồi mới dám ra tiếp chuyện. Vào thời ấy, việc một thiếu nữ đến nhà tìm một người con trai là chuyện khá tày đình. Cuộc gặp gỡ của cả hai diễn ra trong không khí vô cùng ngượng ngùng. Hoàng Oanh xấu hổ không dám nói gì, đỏ mặt chờ chàng nhạc sĩ ngỏ lời, nhưng Văn Cao cũng ngượng ngùng, ấp úng nói không nên lời.

Sau này, con trai trưởng nhạc sĩ Văn Cao kể lại rằng: “Bên cạnh sự nhút nhát, rụt rè trong tính cách, lúc đó gia đình ông bà nội rất nghèo, bố tôi lại còn trẻ chưa có điều kiện kinh tế để lấy vợ, lại là đến với một cô tiểu thư nhà giàu nên có thể ông e ngại”.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ben-xuan-cua-nhac-si-van-cao
Bìa ca khúc "Bến xuân" của nhạc sĩ Văn Cao

Chắc hẳn khi ấy, việc cô gái trong mộng tìm đến nhà là một cú sốc quá lớn đối với chàng nhạc sĩ trẻ. Dù mối tình ấy không đi tới đâu khi Hoàng Oanh quyết định lên xe hoa với nhạc sĩ Hoàng Quý, nhưng lần đến thăm duy nhất ất của người đẹp đã để lại cho Văn Cao những rung cảm mãnh liệt, chắp cánh để ông viết nên tuyệt phẩm “Bến xuân” – nhạc phẩm mỹ miều, lãng mạn bậc nhất của nền âm nhạc Việt. Thế nên dù tình yêu đời thực vô vọng, nhưng trong “Bến xuân” người nghe vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc dâng tràn, niềm vui trong sáng như mùa xuân ấm áp ùa về khắp lối.

Nhạc phẩm “Bến xuân” từ khi ra đời đã được công chúng nhiệt tình đón nhận và được rất nhiều giọng ca nổi tiếng lựa chọn trình diễn, nổi bật nhất phải kể đến tiếng hát của nữ ca sĩ Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thanh,…

Năm 1944, khi nhạc sĩ Văn Cao tham gia Mặt trận Việt Minh, dựa trên phần nhạc cũ ông đã viết lại phần lời mới cho ca khúc “Bến xuân” với tên gọi “Đàn chim Việt”. Ca khúc mới này của Văn Cao đã vượt khỏi câu chuyện tình cảm lứa đôi, mang trong mình khát vọng hòa hợp dân tộc vĩ đại. Bài hát này cũng được lan tỏa mạnh mẽ và có sức sống lâu bền không thua kém “Bến xuân”.

Lời ca khúc Bến xuân của nhạc sĩ Văn Cao

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước

Em đến tôi một lần

Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân

Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú

Cành đào hoen nắng chan hoà!

Chim ca thương mến, Chim ngân xa u ú ù u ú

Hồn mùa ngây ngất trầm vương,

Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi

Còn thấy chim ghen lời âu yếm

Tới đây chân bước cùng ngập ngừng

Mắt em như dáng thuyền soi nước

Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ben-xuan-cua-nhac-si-van-cao-1
Lời ca khúc "Bến xuân" của nhạc sĩ Văn Cao
hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ben-xuan-cua-nhac-si-van-cao-2
Lời ca khúc "Bến xuân" của nhạc sĩ Văn Cao

Sương mênh mông che lấp kín non xanh

Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân

Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca

Cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua

Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác

Em vắng tôi một chiều

Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu

Từng đôi chim trong nắng khẽ ru u ú ù u ú

Lệ mùa rơi lá chan hòa

Chim reo thương nhớ, Chim ngân xa u ú ù u ú

Hồn mùa ngây ngất về đâu

Người đi theo mưa gió xa muôn trùng

Lần bước phiêu du về bến cũ

Tới đây mây núi đồi chập chùng

Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng

Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân

Xem thêm: “Suối mơ” - Tuyệt tác lãng mạn nơi núi rừng hoang sơ của Văn Cao

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận