Hoàng hôn buồn nơi “Ga chiều” của nhạc sĩ Lê Dinh
Ca khúc “Ga chiều” được nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác vào năm 1962 trong một buổi chiều ghé đến ga tàu và được chứng kiến khung cảnh chia tay đầy lưu luyến của những người học trò.
CA KHÚC "GA CHIỀU”
- Sáng tác: Lê Dinh
- Thể loại: Nhạc trữ tình
- Năm ra đời: 1962
- Thể hiện: Thanh Thúy
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Ga chiều” của nhạc sĩ Lê Dinh
Sài Gòn là một thành phố nhập tư, từ trăm năm trước “hòn ngọc viễn đông” này đã là nơi tụ hội của người dân tứ xứ chuyển về để làm ăn, sinh sống và lập nghiệp. Đặc biệt là thập niên 1950, nơi đây đã đón hàng triệu người di cư.
Không chỉ dân buôn bán, làm ăn, cả thế kỷ qua cho đến tận ngày nay, Sài Gòn còn là nơi các em học sinh, sinh viên từ các tỉnh chọn theo học ở các trường trung học, đại học danh tiếng. Trước năm 1975, nhắc đến Sài Gòn người ta sẽ nghĩ ngay đến từ “trọ học”, vì có rất nhiều gia đình gửi con em mình lên Sài Gòn ở trọ nhà bà con hay người quen để có điều kiện học hành tốt hơn. Đến kỳ nghỉ hè, các bến xe đò liên tỉnh, ga tàu lửa lại náo nhiệt, tấp nập khung cảnh cô cậu học sinh, sinh viên chia tay nhau để về quê nghỉ hè.
Một chiều hè năm 1962, nhạc sĩ Lê Dinh đến ga tàu có việc và được chứng kiến khung cảnh người trẻ từ biệt nhau trên sân ga, nỗi buồn chia ly ấy đã tạo cho ông niềm xúc cảm mãnh liệt viết nên ca khúc “Ga chiều” với tựa đề kèm theo: “Mến trao đổi các bạn học sinh trên đường về hè”.
Đôi lời bình phẩm ca khúc “Ga chiều” của nhạc sĩ Lê Dinh
Lòng xao xuyến buồn khi chia ly
Bạn ơi nhớ cầm tay nhau đi
Rồi mai đây mình sẽ cách đôi nơi phương trời xa xôi
Ngày nay học trò chia tay nhau nghỉ hè 2-3 tháng rồi lại lên trường tề tựu, còn ở thời điểm cách đây 60 năm về trước, cuộc chia tay ngày hè có thể cũng là lần cuối đôi bạn gặp nhau. Bởi thời ấy binh đao loạn lạc, cuộc sống thường bị xáo trộn, nhiều gia đình vì chiến tranh mà phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác, nên con em cũng phải di chuyển theo, chuyển từ trường này sang trường khác. Chính điều ấy khiến cho những buổi chia tay nhau ở ga tàu, bến xe càng trở nên bùi ngùi, lưu luyến. Đặc biệt là với những học trò từ quê lên thành phố học, đến mùa chia tay mỗi người mỗi ngã, chẳng biết bao giờ mới gặp lại được nhau.
Tìm đâu thấy ngày vui bên nhau
Còn đâu những chiều trong mưa ngâu
Nhìn hoa lá mà ước hái cho nhau cánh hoa muôn màu.
Nhớ phút chia tay nhìn nhau chẳng biết nói nhau câu gì
Để rồi nguời đi ngàn phương xa lưu luyến lúc phân kỳ
Thôi cầm tay nhau để mong ước đến phút này mai sau
Dù xa nhau nguyện ghi nhớ đến thuở mình bạc đầu.
Vì không biết được ngày mai, nên đôi bạn càng trở nên lưu luyến, bịn rịn, không nỡ rời xa nhau. Cả hai cùng ôn lại những ngày vui bên nhau, những kỷ niệm một thời tươi đẹp. Đó là những buổi chiều mưa ngâu mình dạo bước bên nhau, kể những chuyện vui buồn. Dẫu ngày mai có xa nhau, thì tôi và bạn cũng nguyện ghi nhớ những kỷ niệm ấy đến lúc bạc đầu. Mắt nhìn mắt, tay nắm tay… ngập ngừng chẳng thế nói thành câu.
Rồi anh buớc lần vô toa trong
Lòng vương vấn niềm thương mênh mông
Người em gái tà áo trắng tung bay
Ga chiều in bóng.
Và khi tiếng còi vang nơi xa
Mình quay buớc về trên sân ga
Chiều nay thiếu một bóng dáng thân yêu
Nhớ thương chan hòa.
Lòng chưa muốn rời mà tiếng tàu đã hú, báo hiệu giờ xa cách đã đến. Bóng người khuất dần trong toa, để lại đằng sau bao nỗi niềm thương nhớ. Ga chiều kẻ đón người đưa, kẻ đi người ở, náo nhiệt là vậy mà lòng người con gái quạnh quẽ, đơn độc đến vô cùng. Từng bước rời khỏi sân ga, lòng nàng nặng trĩu, nỗi nhớ thương dâng tràn khi cạnh nàng giờ đây thiếu đi “bóng dáng thân yêu” thuở nào…
Nhạc sĩ Lê Dinh sinh ngày 9/8/1934 tại làng Vĩnh Hựu, Gò Công là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của làng nhạc vàng trước năm 1975. Ông là một trong những nhạc sĩ có sức sáng tác bền bỉ và đa dạng bậc nhất thời ấy. Cùng với nhạc sĩ Anh Bằng và Minh Kỳ, ông đã thành lập nên nhóm sáng tác Lê Minh Bằng – nhóm nhạc huyền thoại gắn với những ca khúc bất hủ như: Chuyện tình Lan và Điệp, Mưa trên phố Huế, Đà Lạt hoàng hôn, Cô hàng xóm, Linh hồn tượng đá, Tình đời,…
Hơn 60 năm làm việc và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, nhạc sĩ Lê Dinh đã để lại kho tàng âm nhạc đồ sộ với hơn 200 ca khúc. Một số ca khúc được xếp vào hàng “bất tử” của ông có thể kể đến như: Tình yêu trả lại trăng xao, Ga chiều, Xác pháo nhà ai. Chiều lên bản thượng, Tâm sự ngày chủ nhật, Cho người tình củ, Buồn len mắt nhỏ,…
Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Dinh: Một đời tài hoa, sống trọn vẹn “kiếp tằm nhả tơ”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận