“Buồn tàn thu” của Văn Cao: Tuyệt tác tân nhạc "thuở bình minh"

“Buồn tàn thu” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1939, được xem là ca khúc đầu tay mở màn cho sự nghiệp văn nghệ nhạc – thơ – họa đầy phong phú của ông sau này.

Diệu Nguyễn
11:00 11/10/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC "BUỒN TÀN THU”

Tên các khúc: Buồn tàn thu

Nhạc sĩ: Văn Cao

Năm phát thành: 1939

Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Phạm Duy, Thanh Thúy, Ánh Tuyết,…

Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Buồn tàn thu” của nhạc sĩ Văn Cao

“Buồn tàn thu” là ca khúc được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1939, khi chỉ mới 16 tuổi. Ca khúc này được xem là mốc khởi đầu cho sự nghiệp văn nghệ nhạc – thơ – họa đầy rực rỡ của ông về sau.

Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời, chủ yếu là những bài ca trữ tình, đậm chất lãng mạn. Khi ấy, vùng đất Hải Phòng xuất hiện các tên tuổi như Đinh Nhu, Lê Thương, Văn Cao,… tham gia vào nhóm “Đồng vọng” cùng nhạc sĩ Hoàng Quý, Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận. Ở cái tuổi 16 chưa hẳn đã trưởng thành nhưng cũng chẳng còn là trẻ thơ, những suy tư của chàng thanh niên Văn Cao ngày ấy chín hơn độ tuổi của mình rất nhiều. Trong Văn Cao luôn có sự dằn vặt, hoài nghi, tự đặt câu hỏi về thời cuộc rồi lại băn khoăn tự đi tìm lời giải cho chính mình. “Buồn tàn thu” là nhạc phẩm đầu tay của chàng trai trẻ chứa đựng cảm xúc đa mang về thân phận con người, về nhân tình thế thái khiến người nghe phải giật mình cảm thán, sao một tâm hồn mới bước vào ngưỡng cuộc đời lại có thể cảm thấu được tình yêu, sự tuyệt vọng và cô đơn để viết ra những ca từ đẫm hồn thơ, hồn nhạc đến thế.

Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, nhạc sĩ Văn Cao quen với nhạc sĩ Phạm Duy khi ấy là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy, là tiếng hát tân nhạc nổi tiếng nhất thời đó. Trong chuyến lưu diễn dài ngày theo gánh hát dọc đất nước, chính Phạm Duy đã đưa ca khúc “Buồn tàn thu” của Văn Cao trở nên phổ biến. Sau này, nhạc sĩ Văn cao để tri ân người bạn của mình đã ghi thêm lời đề tự cho ca khúc này là “Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn”.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-buon-tan-thu-cua-nhac-si-van-cao (1)
Bìa ca khúc "Buồn tàn thu" của nhạc sĩ Văn cao

Sau Phạm Duy, danh ca Thái Thanh chính là người làm cho “Buồn tàn thu” trở nên nổi tiếng. Giọng hát liêu trai, bàng bạc, ma mị của Thái Thanh khiến người nghe bị cuốn vào câu chuyện tình yêu đầu trắc trở. Sau Thái Thanh, có rất nhiều ca sĩ hát và định hình tiếng của mình với nhạc phẩm “Buồn tàn thu”, trong đó có ca sĩ Ánh Tuyết. Nhạc sĩ Văn Cao đã dành nhiều lời khen tặng cho Ánh Tuyết, bởi cô đã thực sự thấu cảm được ca từ, giai điệu của tác phẩm, từ đó cất lên tiếng hát nức nở và rung động sâu thẳm trong trái tim người nghệ sĩ. Lối hát tự sự, không nhạc đệm với một phong vị rất riêng đã từng khiến cha đẻ của ca khúc thốt lên rằng: “Ánh Tuyết là người đã chạm được vào những rung cảm của giai điệu bài hát và trình diễn nó theo cách mà tôi hài lòng nhất”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha , nhà nghiên cứu âm nhạc, đồng thời là một người bạn văn nghệ gần gũi của Văn Cao đã nhận xét về sáng tác đầu tay này như sau: “Ca khúc “Buồn tàn thu” của Văn Cao ra đời với hơi hướng của âm nhạc ca trù, phong vị Đường thi ở lời ca. Nhạc phẩm mang một tâm trạng tiếc nuối về những sự ra đi không trở lại…”.

“Buồn tàn thu” có thể xem là bài hát đánh dấu một thiên hướng sáng tác riêng biệt của chàng nhạc sĩ trẻ Văn Cao thời ấy trong thuở bình minh của nền tân nhạc Việt. Đó là những ca khúc vương nét cổ phong và mang một nỗi sầu miên man. Dù bài hát buồn nhưng lại mang đến cho người nghe cảm giác rất dễ chịu và thăng hoa.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-buon-tan-thu-cua-nhac-si-van-cao-3
Lời bài hát "Buồn tàn thu" của nhạc sĩ Văn Cao

Thời kỳ đầu, khi nhạc sĩ Văn Cao vẫn còn đang say sưa viết loại nhạc bay bổng, lãng mạn, chưa bị nhuốm màu chinh chiến người ta có thể dễ dàng thấy được cái chất “thần thiên” trong âm nhạc của ông. Nhạc sĩ rất thích sử dụng chất liệu của văn thơ cổ, giống như bài “Trương chi” và “Thiên thai” sau này, ca khúc “Buồn tàn thu” hay còn có tên gọi khác là Chinh Phụ Khúc cũng mang đậm tinh thần của “Chinh phụ ngâm” với nét cổ phong được thể hiện rõ trong câu: “Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên/ Chim với gió bay về: chàng quên hết lời thề…”.

Từ bản thu đầu tay này, nhạc sĩ Văn Cao còn bị “ám ảnh” bởi những mùa thu buồn khác sau này với “Thu Cô Liêu”, “Suối Mơ”,... Ông đã chia sẻ cảm nhận của mình về mùa thu như sau: “Có lẽ cuộc đời sinh ra tôi ở mùa thu, nên những ngày sinh nhật của tôi lại vào mùa thu. Và không hiểu tại sao thơ mà tôi chịu ảnh hưởng thì đều là những bài thơ về mùa thu. Và với bản thân tôi thì mùa thu nó có cái ấm, có cái se lạnh vào cuối mùa, cũng là những ngày có nhiều tưởng tượng nhất”.

Và như một định mệnh, nhạc sĩ Văn Cao đã trút hơi thở cuối cùng vào một ngày đầu thu năm 1995.

Lời bài hát “Buồn tàn thu” của nhạc sĩ Văn Cao

Ai lướt đi ngoài sương gió

Không dừng chân đến em bẽ bàng

Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngay bước chân chàng

Từ từ xa đường vắng.

Đêm mùa thu chết

Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng

Em ngồi đan áo lòng buồn vương vấn

Em thương nhớ chàng.

Người ơi còn biết em nhớ mong

Tình xưa còn đó xa xôi lòng

Nhờ bóng chim uyên

Nhờ gió đưa duyên chim với gió bay về

Chàng quên hết lời thề.

Áo đan hết rồi cố quên dáng người

Chàng ngày nao tìm đến

Còn nhớ đêm xưa

Kề má say sưa nhưng năm tháng qua dần

Mùa thu chết bao lần.

Thôi tình em đấy

Như mùa thu chết

Rơi theo lá vàng.

(***) thuở bình minh: Thời nhạc sĩ Văn Cao mới vào nghề sáng tác

Xem thêm: “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao: 20 năm khải hoàn rực sáng

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận