“Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao: 20 năm khải hoàn rực sáng

“Mùa xuân đầu tiên” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1976, bài hát được đánh giá là ca khúc “mang cảm hứng của nhân loại”, với sức sống mãnh liệt và lâu bền.

Diệu Nguyễn
11:00 10/10/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC "MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN”

  • Tên các khúc: Mùa xuân đầu tiên

  • Nhạc sĩ: Văn Cao

  • Năm phát thành: 1976

  • Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Thanh Thúy,...

Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao

Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác không nhiều, khoảng chừng 50 ca khúc, nhưng nhạc phẩm nào của ông cũng được công chúng đón nhận và có sức sống bền bỉ. Trong gia tài âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này, “Mùa xuân đầu tiên” được xem là một tuyệt phẩm, ghi nhận sự “hồi sinh” trong tâm hồn người nhạc sĩ sau nhiều năm gác bút và được xem là một trong những tác phẩm cuối cùng của ông.

Kể lại hoàn cảnh ra đời ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” con trai trưởng nhạc sĩ Văn Cao là họa sĩ Văn Thao cho biết: “Lúc nghe tin giải phóng miền Nam thì niềm vui vỡ òa, niềm vui ấy bây giờ không thể tả lại hết được. Mọi người ai cũng vui mừng nhảy nhót ngoài phố, mừng ngày đất nước được thống nhất. Những người bạn của cha tôi cũng thế, đặc biệt là những người bạn miền Nam tập kết như nhạc sĩ Trương Quang Lục, Nguyễn Ngọc Thế, họa sĩ Nguyễn Sáng,… Hẳn cha tôi khi ấy cảm nhận được cái mừng rất lớn của cả dân tộc, của những người con xa quê, xa vợ xa chồng bao nhiêu năm giờ đây cuối cùng cũng gặp lại được vợ con, thăm lại quê hương. Những ngày đó cha tôi vui lắm, nhưng sau những phút vui ấy tôi vẫn thấy cái trầm lắng ở cha, tôi hiểu ông đang ấp ủ một điều gì đó. Khi ấy, tôi nghe cha bảo rằng: “Trong tình hình này bố phải sáng tác một bài gì đó”.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-mua-xuan-dau-tien-cua-nhac-si-van-cao (2)
Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác "Mùa xuân đầu tiên" vào năm 1976

Thế là vào một ngày Tết Bính Thìn (1976), mùa xuân đầu tiên của đất nước sau này hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà, nhạc sĩ Văn Cao lại một lần nữa ngồi vào cây đàn dương cầm sau một thời gian dài vắng bóng. “Lâu lắm rồi tôi mới thấy ông ngồi bên cây piano cũ, ông say sưa và một điệu valse rất nhẹ, rất đẹp vang lên trong căn phòng nhỏ trên gái hai ở số 108 Yết Kiêu Hà Nội. Khi viết xong bài hát, cha bảo với tôi rằng: “Bố sẽ đặt tên bài hát này là “Mùa xuân đầu tiên”. Cả đời bố đi theo cách mạng, trải qua rất nhiều thăng trầm buồn vui và cái đích cuối cùng để bố đi theo đã hoàn thành. Đất nước được thống nhất, đối với bố đấy mới chính là mùa xuân đầu tiên. Hôm nay, mùa xuân đó đã đến với bố, đến với dân tộc mình. Có lẽ bố sẽ phải sớm cùng mẹ con vào Nam để tìm lại bác con”.

Và thế là ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” đã ra đời với giai điệu valse nhẹ nhàng, dìu dặt khiến lòng người bỗng dưng thư thái, nhẹ nhàng lạ thường khi nghe đến. Những cung bậc cảm xúc chân thành, dung dị cứ thế ùa về mừng cho mùa xuân độc lập đầu tiên của đất, của dân tộc.

Số phận long đong của ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”

Tuy nhiên, so với những bài hát ra đời cùng thời điểm này, “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao bị coi là “lạc điệu”. Bởi hầu hết những bài hát lúc bấy giờ như “Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên,… đều được viết ở giọng trưởng, mang âm hưởng hào hùng, sảng khoái với ca từ hân hoan, hừng hực khí thế. Trong khi đó, nhạc sĩ Văn Cao lại viết về mùa xuân, về đất nước về tình yêu với mạch cảm hứng đầy bình dị, gần gũi với “tiếng gà gáy trưa bên sông” hay “nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh” ngày hội ngộ”. Chính vì sự lạc điệu ấy mà ca khúc ban đầu được dự tính đăng trên báo “Sài Gòn Giải Phóng” mừng xuân Bính Thìn đã lập tức được dịch lời và in ở Nga và phải rất lâu sau đó mới được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.

9 năm sau đó, vào năm 1985, khi Tỉnh ủy Nghĩa Bình mời nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha sáng tác cho tỉnh nhân 10 năm giải phóng, ca khúc này mới một lần nữa xuất hiện. Năm 1988, Nhà xuất bản Trẻ đề nghị in một tập nhạc của nhạc sĩ Văn Cao (do Nguyễn Thụy Kha biên tập), đó là  tập “Thiên Thai” thì ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” cũng đưa đưa vào để in.

Năm 1990, một bộ phim ca nhạc về nhạc sĩ Văn Cao được dựng, bài hát “Mùa xuân đầu tiên” đã được sử dụng để đưa vào trong cảnh ông về thăm quê qua giọng hát của ca sĩ Quốc Đông. Đến năm 1993, một chương trình âm nhạc được tổ chức mang tên “Văn Cao – Một đồng hành với tuổi trẻ”, ca sĩ Minh Hoa đã hát bài hát này rất hay trên sân khấu, nhưng “Mùa xuân đầu tiên” vẫn chìm trong “im lặng” với lớp bụi thời gian.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-mua-xuan-dau-tien-cua-nhac-si-van-cao (1)
20 năm sau ngày ra đời, ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" của nhạc sĩ Văn Cao mới được công chúng biết đến

Số phận long đong của tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên” kéo dài tới 20 năm, thật sự là phải đến sau ngày nhạc sĩ Văn Cao mất vào năm 1995, bài hát này mới được công chúng biết đến. Vào dịp giỗ 49 ngày của ông, một đêm nhạc Văn Cao đã diễn ra với sự trình diễn của tốp diễn viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội, trong đêm ấy “Mùa xuân đầu tiên” đã được nhóm Tam ca áo trắng trình diễn. Cùng năm ấy, đạo diễn Đinh Anh Dũng đã thực hiện phim ca nhạc mang tên "Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật", trong đó “Mùa xuân đầu tiên” đã được ca sĩ Thanh Thúy trình bày rất thành công. Từ đó “Mùa xuân đầu tiên” ngày càng lan tỏa ra đời sống và trở thành một trong những bài hát về mùa xuân hay nhất.

“Như vậy, kể từ khi ra đời năm 1976, đúng 20 năm sau “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao mới xuất hiện rộng rãi trước công chúng và lập tức trở thành cổ điển, đó là một khúc khải hiền rất đẹp”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khẳng định.

Đến nay, những giai điệu dìu dặt, khoai thai theo đàn chim én bay trong bài hát vẫn làm ấm lòng trái tim những người Việt khi Tết đến xuân về. Nói về giai điệu đẹp đến nao lòng ấy, nhà thơ Thanh Thảo đã từng ví von rằng: “Cả một dòng sông vui nhưng không trào cuộn ồn ào mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, báo trước điều gì”.

Lời bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thu cho bao tâm hồn.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm vui phút giây như đang long lanh.

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người.

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thu hôm nay mênh mông.

Xem thêm: “Bến xuân” của Văn Cao: Dìu nhau qua giấc mộng u hoài

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận