"Mộng dưới hoa" - bản tình ca tuyệt vời từ tài nghệ phổ nhạc của Phạm Đình Chương

"Mộng dưới hoa" chính là một kỳ công phổ nhạc vào thơ của Việt Nam khiến người ta phải ngả nón trước tài nghệ của Phạm Đình Chương.

Đỗ Thu Nga
4 ngày trước Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

CA KHÚC "MỘNG DƯỚI HOA"

  • Thơ: Đinh Hùng
  • Phổ nhạc: Phạm Đình Chương
  • Thể loại: Nhạc trữ tình
  • Năm ra đời: 1957
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Thanh

Ca khúc "Mộng dưới hoa" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ tài hoa với khả năng phổ nhạc thuộc hàng "top" của nền tân nhạc Việt Nam. Trong số những ca khúc phổ nhạc nổi tiếng của ông có "Mộng dưới hoa". Đây là nhạc phẩm có nội dung tuyệt đẹp và lãng mạn. Cái đẹp và lãng mạn của bài hát được thừa hưởng từ những vần thơ thời tiền chiến của thi sĩ Đinh Hùng. 

Ca khúc "Mộng dưới hoa" được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc vào năm 1957 từ 2 bài thơ khác nhau của thi sĩ Đinh Hùng, đó là: Tự tình dưới hoa và Xuôi dòng mộng ảo. Mỗi bài thơ, Phạm Đình Chương chỉ lấy vài đoạn để đưa vào ca khúc của mình.

Bài thơ "Tự tình dưới hoa" được Đinh Hùng in trong tập thơ "Đường vào tình sử". Tuy nội dung ca khúc "Mộng dưới hoa" dựa  vào bài thơ này nhưng thật ra chỉ có hai trong sáu đoạn của bài thơ được phổ thành nhạc (đoạn 1, đoạn 3 và một câu thơ của đoạn cuối):

Đoạn của bài "Tự tình dưới hoa":

"Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng

Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại

Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng"

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-mong-duoi-hoa-cua-nhac-si-pham-dinh-chuong-0
Tờ bìa nhạc ca khúc "Mộng dưới hoa" của Phạm Đình Chương phổ thơ Đinh Hùng

Đoạn 3 của bài thơ "Tự tình dưới hoa":

"Em đến như mây, chẳng đợi kỳ

Hương ngàn gió núi động hàng mi

Tâm tư khép mở đôi tà áo

Hò hẹn lâu rồi - Em nói đi"

Một câu của đoạn cuối bài thơ "Tự tình dưới hoa":

"Vai kề một mái thơ phong nguyệt".

Còn bài thơ "Xuôi dòng ảo mộng" cũng được Đinh Hùng in trong tập "Đường vào tình sử". Bài thơ này có 8 đoạn nhưng Phạm Đình Chương chỉ phổ nhạc đoạn thứ 5:

"Nếu bước chân ngà có mỏi

Xin em dựa sát lòng anh

Ta đi vào tận rừng xanh

Vớt cánh rong vàng bên suối".

Ca khúc "Mộng dưới hoa" do Phạm Đình Chương phổ nhạc có 8 đoạn. Nếu so sánh với 2 bài thơ nguyên tác thì sẽ thấy đa số lời nhạc của ca khúc không có trong 2 bài thơ của thi sĩ Đinh Hùng. Lời nhạc được Phạm Đình Chương tự sáng tạo thêm lời. Nhưng điều đáng nói là phần lời đó phảng phất chất thơ của Đinh Hùng. Để làm được như vậy, Phạm Đình Chương đã nhờ chính thi sĩ Đinh Hùng góp sức để hoàn thiện bài hát.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Vũ Thành đã không tiếc lời khen ngợi "Mộng dưới hoa" và cái tài phổ nhạc của Phạm Đình Chương: "Mộng dưới hoa đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là việc cực khó... Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương".

Nói về hoàn cảnh phổ nhạc ca khúc "Mộng dưới hoa", Giáo sư Nguyễn Đình Cường kể về câu chuyện từng được nghe từ chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong lần 2 người đi thăm ca sĩ Hoài Trung nằm trong một bệnh viện ở Pasadena vào năm 1990. Khi được hỏi về trường hợp sáng tác "Mộng dưới hoa", Phạm Đình Chương nói, khoảng năm 1957, ông đọc được tập thơ "Đường vào tình sử" của Đinh Hùng, thấy bài  thơ "Tự tình dưới hoa" hay và có nhiều hình ảnh đẹp, lời thơ có vẻ cổ điển ước lệ, với mỹ nhân, với trăng sao, mây nước, suối rừng, mơ mộng... những giai điệu đã vang lên trong đầu rồi bật ra thành những nốt nhạc đầu tiên. Ông đã lập tức ghi lại những nốt nhạc đó trên giấy.

Vào thời điểm trước năm 1975, chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã nhiều lần thể hiện ca khúc "Mộng dưới hoa" tại phòng trà "Đêm màu hồng". Mỗi lần hát đến câu "mắt xanh lả bóng dừa hoang dại" thì ông lại ngừng ngang khiến ban nhạc lỡ bộ. Rồi ông nói: "Lả bóng, các bạn ạ, đừng hát Là bóng, mất đẹp của câu thơ đi". Nói xong, ông lại say xưa hát. 

Đôi lời cảm nhận về tài dụng trữ trác tuyệt của thi sĩ thời tiền chiến

"Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng

Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại

Âu yếm nhìn tôi không nói năng"

Nếu chỉ nghe thoáng ca ca khúc "Mộng dưới hoa" có lẽ công chúng chỉ nghĩ đơn thuần, đây là một bài hát lãng mạn, ca từ đẹp như thơ (vốn dĩ nó là một bài thơ). Nhưng nếu đi sâu vào nghiên cứu sẽ thấy được cái tài dụng trữ siêu đỉnh của những thi sĩ thời chiến. 

"Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng có nàng thiếu nữ đẹp như trăng.." - nếu theo câu chữ thông thường, người ta sẽ hiểu "chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng" - nghĩa là khi chưa gặp em, tôi đã nghĩ em là một thiếu nữ xinh đẹp. Nhưng điều đó nằm trong vòng suy đoán, rồi nếu gặp được, có thể nàng đẹp hoặc không đẹp, hoặc đẹp bằng một hình tượng khác chứ không phải là "như trăng". 

Đinh Hùng sử dụng chữ "vẫn" là một sự minh định rõ ràng, dù chưa gặp nhưng vẫn biết nàng là một cô gái xinh đẹp, đẹp như trăng.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-mong-duoi-hoa-cua-nhac-si-pham-dinh-chuong-8
Bản nhạc "Mộng dưới hoa"

"Mắt xanh LẢ bóng dừa hoang dại" khác hoàn toàn với "Mắt xanh LÀ bóng dừa hoang dại". Mắt của nàng không phải, mà cũng không thể LÀ cái bóng dừa. Tác giả muốn mô tả nàng sở hữu đôi mắt còn ngây thơ, trong sáng, thuần khiết vương chút sầu. Nàng như là đến từ giấc mộng. Chúng ta như đã gặp nhau từ muôn kiếp rồi:

"Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ

Mây ngàn gió núi đọng trên mi

Áo bay mở khép niềm tâm sự

Hò hẹn lâu rồi - em nói đi..."

Rồi nàng đã đến, nàng không những đẹp mà còn tự như cả một sự kỳ vỹ của tạo hóa. Những giọt lệ chớm buồn bỗng trở thành mây ngàn gió núi đọng trên bờ mi của người thiếu nữ.

Hình ảnh "áo bay mờ khép nghìn tâm sự" thể hiện được biết bao nhiêu ý nghĩa ở trên đời. Người giai nhân áo mỏng đi giữa đường chiều gió lộng và những lần vạt áo tung bay mở khép hờ hững thôi cũng đủ khiến lòng người trai rối bời cả tâm trí. Hò hẹn đã lâu rồi, xin người hãy nói lời nào êm dịu để lòng người được trấn tĩnh giữa nghìn tâm sự miên man không thể xếp được thẳng thớm ngay hàng.

"Nếu bước chân ngà có mỏi

Xin em dựa sát lòng anh

Ta đi vào tận rừng xanh

Vớt cánh rong vàng bên suối

Ôi hoa kiề vai hương ngát mái đầu

Đêm nào nghe bước mộng trôi mau

Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm

Và nguyện muôn chiều ta có nhau..."

Đôi tình nhân nép sát và dìu nhau đi vào tận chốn rừng xanh, chỉ có hai người trên đời. Dừng chân bên dòng suối vắng, nàng hãy để ta được nghe mùi hương tóc khi tựa đầu kề bên vai, nghe được những tâm sự và thả hết cơn phiền muộn theo cánh rong vàng bên suối. Cuộc tình này thắm thiết trao đổi và nguyện mong rằng sẽ được gắn bó muôn chiều.

Đinh Hùng (1920-1967) là một nhà thơ thời tiền chiến. Trong quá trình sáng tác, ông còn dùng bút danh Trần Đăng khi làm thơ châm biếm và Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết. 

Ông là một trong số ít văn nghệ sĩ có mặt trong cuốn "Mười khuôn mặt văn nghệ" (xuất bản lần thứ nhất năm 1970) của Tạ Tỵ, bên cạnh một số tên tuổi lẫy lừng của văn học nghệ thuật Việt Nam trong thế kỷ 20 như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, hay Vũ Hoàng Chương.

Nhận xét về thơ Đinh Hùng, nhà văn Mặc Đỗ viết: "Tôi thật sự nhìn thấy thi sĩ Đinh Hùng một ngày cuối thu 1945 ở Hà Nội...Mái tóc dài phơ phất trước gió, chiếc áo bành tô màu sậm, một cái "catton" khá lớn cắp dưới nách: tôi nhìn thấy rõ nhà thơ tượng trưng Pháp Rimbaud mà Đinh Hùng hằng chịu ảnh hưởng. Con người tài hoa này không riêng trong hoạt động thơ văn, mà còn muốn biểu hiện tư chất tài hoa trong lối sống...".

Xem thêm: "Thuở ban đầu" - giai điệu tình yêu trong trẻo hiếm hoi trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Đình Chương 

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận