Ca khúc "Tiếng sông Hương" - nốt trầm trong trường ca Hội trùng dương của Phạm Đình Chương
"Tiếng sông Hương" tự như nốt trầm trong trường "Hội trùng dương" của Phạm Đình Chương với mênh mông những nỗi buồn triền miên...
CA KHÚC "TIẾNG SÔNG HƯƠNG"
- Tác giả: Phạm Đình Chương
- Thể loại: Nhạc quê hương
- Trích trong: Trường ca Hội trùng dương
- Năm ra đời: Thập niên 1950
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Ban hợp ca Thăng Long
Ca khúc "Tiếng sông Hương" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Vào thập niên 1950, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã cho ra đời những nhạc phẩm bất hủ như: Ly rượu mừng, Xuân tha hương, thuở ban đầu, Tiếng dân chài... nhưng ấn tượng nhất có lẽ là trường ca "Hội trùng dương" với 3 ca khúc: Tiếng hát sông Hồng, Tiếng hát sông Hương, Tiếng hát sông Cửu Long. Trường ca này viết về đất nước Việt Nam hoa gấm với 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo như lời ông chia sẻ với gia đình, trường ca được hoàn tất trong vòng 4 năm. Từng có người xếp trường ca "Hội trùng dương" ngang hàng với trường ca "Sông Lô" của Văn Cao hay "Hòn vọng phu" của Lê Thương...
Trong khuôn khổ bài viết này, Amnhac.net xin chia sẻ một vài thông tin thú vị về ca khúc "Tiếng sông Hương" - bài hát thứ 2 trong chùm 3 ca khúc của trường ca "Hội trùng dương".
Ca khúc "Tiếng sông Hương" được sáng tác vào giữa thập niên 1950. Cũng như hai phần khác nói về 2 miền Nam - Bắc, ca khúc "Tiếng sông Hương" được nhạc sĩ Phạm Đình Chương vận dụng nhiều chất liệu âm nhạc đặc trưng của vùng miền để đưa vào ca khúc. Những câu hát về dòng Hương Giang được phỏng theo điệu hò Mái Đẩy miền Trung với nhịp điệu chậm rãi, chơi vơi.
Ca khúc "Tiếng sông Hương" được thể hiện rất thành công bởi Ban hợp ca Thăng Long. Trong đó, chính tác giả Phạm Đình Chương cũng tham gia thể hiện khúc nhạc này.
Dưới đây là lời ca khúc "Tiếng sông Hương" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:
Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang,
đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than.
Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ,
bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.
Hỡi hò, hỡi hò.
Quê hương em nghèo lắm ai ơi,
mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn.
Trời rằng,
trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi,
khiến đau thương thấm tràn,
lấp Thuận An để lan biển khơi,
ơi hò ơi hò.
Hò ơi...... Ai là qua là thôn vắng,
nghe sầu như mùa mưa nắng cùng em xót dân lều tranh chiếu manh.
Hò ơi...... Bao giờ máu xương hết tuôn tràn,
quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn cho em vang khúc ca nồng nàn.
Ngày vui, tan đao binh, mẹ bồng, con sơ sinh,
chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh.
Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên.
"Tiếng sông Hương" - nốt trầm của trường ca Hội trùng dương
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương mở đầu ca khúc "Tiếng sông Hương" bằng lời tự bạch rất khiêm nhường, nhỏ nhẹ, như giọng điệu của những "o Huế":
"Miền Trung vọng tiếng:
Em xinh em bé tên là Hương Giang
Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than.
Hò ơi! Phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ.
Bến Vân Lâu thuyền vó đơm sầu
Ơi hò! Ơi hò!
Quê hương em nghèo lắm ai ơi!
Mùa Đông thiếu áo Hè thời thiếu ăn.
Trời ơi: Trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi!
Khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An
để lan biển khơi...
Ơi hò ơi hò"
So với sông Hồng và Cửu Long có chiều dài và lưu lượng nước rất lớn thì dòng Hương Giang đúng là "em xinh em bé". Nếu Cửu Long có 9 nhánh với hệ thống phụ lưu phức tạp, còn sông Hồng có tổng chiều dài trên lãnh thổ Việt Nam đến hơn 500km thì Hương Giang chỉ dài vỏn vẹn 30km.
Dòng Hương Giang êm đềm, phẳng lặng nằm lặng lẽ bên Núi Ngự, có cái buồn đặc trưng của vùng đất cố đô trầm mặc suốt trăm năm. Đến nay, khi đã trải qua bao bể dâu, du khách khi đặt chân đến Huế vẫn dễ dàng cảm nhận được cái nét chậm buồn muôn thuở. Buồn từ bước chân ngang chợ Đông Ba cho đến "bến Vân Lâu thuyền vó đơm sầu". Đó là câu chữ có thể sánh ngang được với những lời thơ trau chuốt nhất, thể hiện sự tài hoa của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Vùng đất miền Trung tuy xinh đẹp nhưng bao năm nay vẫn là miền quê nghèo khó, đất cày lên sỏi đá. Người dân quanh năm chống chọi với những cơn lũ lụt và hạn hán, mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn.
Vào mùa thu - đông, khi mà thời tiết Hà Nội hay Sài Gòn đang rất đẹp với không khí se lạnh thì miền Trung lại oằn mình vì lũ lụt:
"Trời rằng: Trời hành cơn lũ lụt mỗi năm à ơi!
Khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận AN
để lan biển khơi..."
Có lẽ vì vậy mà giai điệu của ca khúc "Tiếng sông Hương" trở nên ai oán và buồn thảm hơn so với "Tiếng sông Hồng" và "Tiếng Cửu Long".
Ở đoạn tiếp theo của ca khúc, giai điệu trở nên gấp gáp, dồn dập hơn nhưng vẫn không đi ra khỏi nỗi buồn. Lần này là nỗi buồn của thời cuộc:
"Hò ơi!
Ai là qua là thôn vắng
Nghe sầu như mùa mưa nặng cùng
Em xót dân lều tranh chiếu manh.
Hò ơi! Bao giờ máu xương hết tuôn tràn
Quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn
Cho em vang khúc ca nồng nàn..."
Ở đoạn nhạc này, có một số ca từ chúng ta cần chú ý: Ánh (Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than), Bến (Bến Vân Lâu thuyền vó đơm sầu), Lắm (Quê hương em nghèo lắm ai ơi!), Mỗi (Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm), Vắng (Ai là qua là thôn vắng), tuy là những thanh trắc nhưng đã bị kéo oằn xuống ở một vị trí thấp hơn những chữ đi kế trước hoặc tiếp sau (khua, trăng, vân, ai, năm, thôn). Cụ thể, những đoạn này sẽ nghe thành:
- Đêm đêm khua ẠNH trăng vàng mà than
- BỆN Vân Lâu thuyền vó đơm sầu
- Quê hương em nghèo LẶM ai ơi!
- Trời rằng trời hành cơn lụt MỘI năm
- Ai là qua là thôn VẶNG
Chính vì thế mà điệu hò mang nặng phương ngữ thông qua lối phát âm. Nét đặc trưng này làm cho người hát dù không phải là người miền Trung nhưng nếu xướng âm đúng cao độ của câu hát cũng có thể tạo ra âm hưởng của tiếng nói miền này.
"Tiếng sông Hương" tựa như nốt trầm trong trường ca "Hội trùng dương" với mênh mông những nỗi buồn triền miên, rồi lại kết thúc bằng một niềm hy vọng là vệt sáng le lói trong đêm trường. Đó là niềm mong mỏi những ngày tan đao binh, mẹ bồng bế con thơ ra đầu ngõ đón người trường chinh trở về trong không khí hân hoan, đoàn viên:
"Ngày vui, tan đao binh
Mẹ bồng con sơ sinh
Chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh
Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên".
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận