Ca khúc "Tiếc thu": Ra đời sau hành trình "thai nghén" suốt 9 năm trời

"Bây giờ nghe lại Tiếc thu và Hướng về Hà Nội, tôi vẫn thấy mình dằn vặt bởi những kỷ niệm buồn vui vô cớ...", nhạc sĩ Hoàng Dương chia sẻ.

Đỗ Thu Nga
13:00 27/06/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Bài viết này thuộc series Nhạc Vàng - Bolero

Những ca khúc nhạc vàng, nhạc bolero, nhạc hải ngoại

Xem thêm

VỀ CA KHÚC "TIẾC THU"

  • Tên ca khúc: Tiếc thu
  • Nhạc sĩ sáng tác: Hoàng Dương
  • Thể loại: Nhạc tiền chiến
  • Năm ra đời: Khoảng 1953
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Lệ Thu

Ca khúc "Tiếc thu" - Bản nhạc buồn và những suy tư của chàng nhạc sĩ năm ấy

Khi nhắc đến nhạc tiền chiến, người nghe sẽ không bao giờ quên được những âm điệu trong ca khúc "Tiếc thu" của nhạc sĩ Hoàng Dương.Theo website "Hội nhạc sĩ Việt Nam', nhạc phẩm này đã "mất tích từ lâu" nhưng vào một ngày cuối thu, tình cờ tìm thấy "Tiếc thu" trong một đĩa CD cũ với giọng hát danh ca Lệ Thu: "Chiều tàn mây thu man mác buồn vương...". Bản nhạc buồn và người nghệ sĩ năm ấy giờ cũng đã thành người thiên cổ.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Dương cũng từng chia về hoàn cảnh ra đời cũng như nguồn cảm hứng sáng tác "Tiếc thu". Đó là một câu chuyện về cả cuộc đời... Ngày ấy, khoảng mùa thu năm 1945, nhạc sĩ Hoàng Dương cùng hai người bạn đi thăm chùa Thị Cấm (nay thuộc xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) gặp một cơn mưa gió bão bùng, mịt mù trời đất. Cả ba người nhanh chóng chạy vào trú dưới hiên chùa, rồi cùng nhau thổn thức hát khúc "Giọt mưa thu". 

"Những kỷ niệm ấy đeo đẳng tôi suốt 9 năm trời, để sau cùng 'Tiếc thu' ra đời. Còn Hoàng Dương bây giờ... (ngưng một lát...). Nói về mình thật là điều thiếu tế nhị, nhưng để trả lời anh tôi cũng mạnh dạn bộc bạch đôi điều, là từ sau những ca khúc thuở ấy, tôi ngày càng đi sâu và cảm thấy âm nhạc thật mênh mông vô tận", nhạc sĩ Hoàng Dương chia sẻ.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-tiec-thu-cua-hoang-duong-9
Ca khúc "Tiếc thu"

Có lẽ mùa thu là mùa đẹp nhất trong bốn mùa, nhưng "Tiếc thu" của nhạc sĩ Hoàng Dương lại làm người nghe "buồn đứt ruột". Vì sao vậy? Theo bộc bạch của nam nhạc sĩ, mùa thu vừa đẹp lại vừa buồn. Bản thân Hoàng Dương vốn là con trai nhà văn Trúc Khê Ngô Văn Triện nên chịu ảnh hưởng rất sớm văn thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ... cho đến Verlaine, Lamartine, Baudelaire cũng như Tản Đà, Lưu Trọng Lư... và nhất là những nhạc phẩm bất hủ về mùa thu của Đặng Thế Phong luôn vò xé tâm hồn Hoàng Dương.

"Tiếc thu chính là sự chưng cất vô thức những nỗi buồn tâm trạng của tuổi 19 sầu mộng của tôi mà chẳng thể lý giải, nhưng cóc cần lý giải không nhỉ? Nếu như anh - qua nhạc phẩm - cũng thấy thấp thoáng một điều gì đó man mác cảm hoài?", nhạc sĩ Hoàng Dương kể lại. 

Còn về hoàn cảnh ra mắt ca khúc "Tiếc thu", nhạc sĩ Hoàng Dương chia sẻ: Trong câu chuyện này phải nhắc đến Trọng Hoàng - người bạn vong niên đáng kính của Hoàng Dương. Hai người đã cộng tác với nhau trong nhiều bài hát. Hoàng Trọng chính là người cùng ban nhạc của Hoàng Dương đã giới thiệu và danh ca Kim Tước hát đầu tiên bài "Tiếc thu" và "Hướng về Hà Nội" trên sóng radio Hà Nội. Sau đó, Hoàng Dương mang bản thảo theo Hoàng Trọng đến nhà xuất bản Tinh Hoa và phổ biến khắp nơi. 

Lời ca khúc "Tiếc thu"

Chiều tàn mây thu, man mác buồn vương

vật vờ chim kia lướt cánh ngoài sương

heo hút làn mây bên đường

gió táp từng cơn điên cuồng,

buồn thu lai láng cố hương.

Chiều tàn mây thu, lơ lửng về đâu?

Rừng chiều thu ơi, ta nhắn vài câu

có biết lòng ai u sầu,

theo bóng người đi bên cầu

mịt mờ xa khuất về đâu?

Thu, có người ôm đàn khóc mùa thu tàn

nhìn lá úa, rụng rơi đầy ngoài hiên song

Thu, bên lòng heo hắt theo gió về

nơi xa chốn nào vắng người nức nở canh thâu.

Trời chiều mây thu, lơ lửng mờ bay

từ ngoài xa xăm ai nhớ về đây

thôi bước dừng chân giang hồ

thương nhớ về đâu bây giờ

còn ngỡ theo làn mây thu.

Đôi nét về nhạc sĩ Hoàng Dương

Nhạc sĩ Hoàng Dương tên thật là Ngô Hoàng Dương, sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông là người con của nhà văn Trúc Khê Ngô Văn Triện. Nhạc sĩ Hoàng Dương nguyên nhạc công cello và người xây dựng bộ môn đàn cello ở Nhạc viện Hà Nội. Ông qua đời ngày 30/1/2017 tại Hà Nội, hưởng thọ 84 tuổi.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-tiec-thu-cua-hoang-duong-0
Chân dung nhạc sĩ Hoàng Dương

Nhạc sĩ Hoàng Dương không sáng tác nhiều, các tác phẩm khí nhạc: Hát ru, Mơ về trái núi Thiên Thai (cello và piano), Tiếng hát sông Hương (cello và dàn nhạc)...; Các ca khúc gồm có: Hướng về Hà Nội, Chiều cuối năm, Tiếc thu, Ôi giấc mơ xưa, Như sóng trùng dương, Tình ca. Ngoài ra, Hoàng Dương còn viết lời cho một số ca khúc của Hoàng Trọng: Nhạc sầu tương tư, Tiếng mưa rơi, Vui cảnh mùa hè. Trong số các nhạc phẩm ông từng sáng tác, nổi bật nhất là "Hướng về Hà Nội" và "Tiếc thu".

Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Đêm bơ vơ": Nỗi sầu của chàng nhạc sĩ đa cảm

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận