Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Cô láng giềng": Tuyệt phẩm trữ tình của nhạc sĩ tài hoa nhưng vắn số
"Cô láng giềng" là một trong những tuyệt phẩm nhạc trữ tình của nhạc sĩ Hoàng Quý, nói về mối tình ngọt ngào với vợ ông, ca sĩ Hoàng Oanh.
Bài viết này thuộc series Nhạc Vàng - Bolero
Những ca khúc nhạc vàng, nhạc bolero, nhạc hải ngoại
VỀ CA KHÚC CÔ LÁNG GIỀNG
Tên ca khúc: Cô láng giềng.
Nhạc sĩ sáng tác: Hoàng Quý - Tô Vũ (Hoàng Phú).
Thể loại: Nhạc trữ tình.
Năm phát hành: 1942-1943.
Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Trần Thái Hòa, Đình Bảo.
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc Cô láng giềng
Cô láng giềng là một sáng tác ra đời khoảng năm 1942 - 1943, thuộc thể loại nhạc trữ tình. Với công chúng hiện tại, đây là ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Hoàng Quý, kể về mối tình ngọt ngào giữa ông và "cô láng giềng" - người sau này trở thành vợ ông.
Thời điểm đó, ca sĩ Hoàng Oanh là một mĩ nhân Hải Phòng có tiếng, khiến nhiều anh văn nhân, nghệ sĩ mê mệt. 3 người bạn thân là Hoàng Quý, Kim Tiêu và Văn Cao cũng không ngoại lệ, không khỏi si mê cô. Nếu Hoàng Quý và Kim Tiêu tỏ ra khá dạn dĩ, không ngại bày tỏ tình cảm với người đẹp, thì Văn Cao lại có phần nhút nhát. Ông chỉ dám ngắm nhìn nàng từ xa, viết cho nàng một ca khúc lãng mạng tên Bến Xuân.
Có một lần, Hoàng Oanh bất ngờ đến nhà tìm Văn Cao mà không báo trước. Quá bất ngờ với tình cảm của cô tiểu thư xinh đẹp, Văn Cao dù rất thích nàng nhưng vẫn không dám mở lời, một phần bởi nhút nhát, phần khác do gia thế quá chênh lệch. Chưa kể, hai người bạn thân cũng tỏ rõ tình cảm với nàng từ lâu, khiến ông càng thêm e dè. Được biết, ca sĩ Kim Tiêu cũng từng tới xin cưới Hoàng Oanh, nhưng bên nhà gái thách cưới quá cao nên đành bỏ cuộc.
Còn nhạc sĩ Hoàng Quý viết ca khúc Cô láng giềng vào năm 1943, khi ông rời xa người đẹp để đến Sơn Tây làm việc. 6 tháng xa cách là 6 tháng nhung nhớ đau đớn, ông bỏ công việc là thư ký ở trang trại bò, khăn gói trở lại Hải Phòng.
Nhạc sĩ Tô Vũ (tên thật Hoàng Phú) sau này có kể: "Anh Hoàng Quý vóc dáng dong dỏng cao, rất khôi ngô. Xung quanh anh Hoàng Quý có rất nhiều bóng hồng, nhưng anh chỉ say đắm mỗi cô Hoàng Oanh! Mọi người trong gia đình tôi đều ra sức vun đắp cho họ!".
Cũng nhờ sự ủng hộ nhiệt tình ấy, mà ngay khi trở về Hải Phòng, nhạc sĩ Hoàng Quý đã lập tức tới hỏi cưới Hoàng Oanh. Trong đám cưới, ca sĩ Hoàng Oanh lần đầu tiên hát bài Cô láng giềng, với phần đệm đàn điêu luyện của nhạc sĩ Hoàng Quý. Đáng tiếc, mối tình ngọt ngào của họ không kéo dài lâu, bởi Hoàng Quý không may mắc bạo bệnh rồi qua đời khi mới 26 tuổi.
Có một điểm đặc biệt của ca khúc Cô láng giềng là, phần lời 1 thì có phong thái khá yêu đời, lạc quan, nhưng lời 2 lại có phần u sầu, buồn bã. Lý do là phần lời 2 này do nhạc sĩ Hoàng Phú, em trai của Hoàng Quý viết.
Ông kể rằng, sau khi hoàn thành xong thì nhạc sĩ Hoàng Quý có cho em trai mình xem. Vì quá yêu thích ca khúc này, lại thấy bài hát kết thúc hơi lưng chừng, nên ông đã thử ngỏ ý với anh viết thêm lời 2. Do đó, lời 2 là câu chuyện hư cấu, nhưng có phần sầu thảm hơn khi kể về mối tình dang dở.
Ca khúc "Cô láng giềng" và chuyện tình vừa ngọt ngào vừa cay đắng
Ca khúc Cô láng giềng có hai phần lời bài hát, một phần do nhạc sĩ Hoàng Quý viết, và phần kia là nhạc sĩ Tô Vũ viết.
Phần lời 1 do Hoàng Quý viết có lời ca tươi vui, thể hiện sự lạc quan, yêu đời của chàng trai với cô hàng xóm. Đã yêu là không khỏi nhung nhớ, chàng ngẩn ngơ nhớ về người đẹp luôn hiện hữu trong tâm trí:
"...
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười
Tôi mơ trời xuân bao tươi thắm
Đôi mắt trong đen màu hạt huyền...".
Chàng trai ấy cũng chính là Hoàng Quý, khi ông rời xa quê hương tới Sơn Tây làm việc. Ông băn khoăn liệu "cô láng giềng" ấy có nhớ tới mình, nhớ tới giây phút xưa kia êm dịu bên nhau. Dù xa nhau, nhưng chàng trai vẫn còn tự tin, bởi biết rằng nàng đã hẹn thề:
"Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi
Đừng nói đến phân ly!".
Dẫu có chia xa, nhưng chàng trai vẫn lạc quan và đầy hi vọng, mong chờ một ngày được trở về bên người thương. Trong khi đó, phần lời 2 lại có lời ca u sầu, buồn thảm, khi chàng trai trở về mà cô gái năm xưa đã xa rồi.
Nhạc sĩ Tô Vũ có giải thích rằng: "Lời 2 là do tôi sáng tác thêm, về cảnh chàng trai trở về. Đó là ngày có một đám cưới làng quê tưng bừng rộn rã của người yêu xưa, và chàng buồn tình lặng lẽ ra đi... Thật ra lời 2 này không phải là tâm tư anh Hoàng Quý, mà là tôi hư cấu và anh đã đồng ý. Xem nó như một tác phẩm nghệ thuật thôi, chứ không phải miêu tả một mối tình có thật. Vì thực tế là Hoàng Quý không có bi kịch về tình yêu như nội dung lời 2".
Sự đau buồn, xót xa của chàng trai thể hiện qua câu hát: "Cô láng giềng ơi!/Thôi thế không còn nhớ đến tôi"... Chàng trai không thể quên hình bóng người con gái ấy, đăm đăm cả đời tìm phương về, nhưng người đã đổi thay. Cũng vì thế, chàng đành "bước chân ra đi", nhớ về ngày nàng nói "chờ đợi tôi".
Kết thúc bài hát là những câu ca thật đến xót xa, khi chàng trai chấp nhận sự thật và rời quê hương:
"Cô láng giềng ơi
Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi
Chân bước xa xa dần miền quê
Ai biết cho bao giờ tôi về".
Cũng vì phần lời đặc biệt này, mà ca khúc Cô láng giềng đã trở thành một tuyệt phẩm về tình ca. Khổ nỗi, nhiều người lầm tưởng rằng lời 2 cũng là cái kết thật của ca khúc, nghi oan cho người vợ Hoàng Oanh của nhạc sĩ Hoàng Quý. Thế nên, sau này nhạc sĩ Tô Vũ mới lên tiếng "minh oan", giúp anh trai và chị dâu thoát khỏi tiếng oan phụ bạc...
Nhạc sĩ Hoàng Quý (1920 - 1946) là một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng với phong trào Tân nhạc. Ông chủ yếu sáng tác dòng nhạc tiền chiến, với những ca khúc thể hiện tình yêu nước, tinh thần cách mạng hào hùng. Dù vậy, ông cũng có một số ca khúc trữ tình nổi tiếng, trong đó phải kể tới Cô láng giềng.
Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Đêm bơ vơ": Nỗi sầu của chàng nhạc sĩ đa cảm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận