Hai cô gái được nhắc trong lời đề từ ca khúc "Dạ Lai Hương" là ai?

Trong lời đề từ ca khúc "Dạ Lai Hương", nhạc sĩ Phạm Duy có ghi: "Tặng Thu Vân, Dạ Thảo". Vậy, Thu Vân và Dạ Thảo là ai? Vì sao Phạm Duy tặng "Dạ Lai Hương" cho họ?

Đỗ Thu Nga
15:15 23/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

CA KHÚC "DẠ LAI HƯƠNG"

  • Tên ca khúc: Dạ Lai Hương
  • Nhạc sĩ sáng tác: Phạm Duy
  • Năm ra đời: 1953
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Thanh, Lệ Thu...

Ca khúc "Dạ Lai Hương" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy có nhiều duyên nợ với mảnh đất Cố đô Huế. Ông từng sống một thời gian ở Huế, bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người nơi đây. Và đương nhiên, Phạm Duy cũng dành cho Huế không ít ca khúc ấn tượng.

Trong gia tài âm nhạc với số lượng đồ sộ của Phạm Duy có một ca khúc mang tên "Dạ Lai Hương". Dẫu không quá nổi tiếng nhưng ca khúc này lại được đánh giá rất cao về mặt nhạc thuật, về tính thẩm mỹ trong ca từ.

Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ca khúc "Dạ Lai Hương" vào năm 1953 tại Huế. Năm đó, cố nhạc sĩ dẫn vợ con vào Sài Gòn định cư. Nhưng sau đó, ông chuyển ra Huế sống một thời gian khá lâu theo lời mời của người bạn tên Nguyễn Đức Quỳnh. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-da-lai-huong-cua-nhac-si-pham-duy-0
Tờ bìa ca khúc "Dạ Lai Hương" của nhạc sĩ Phạm Duy

Câu chuyện ra Huế và cảm hứng sáng tác "Dạ Lai Hương" đã được Phạm Duy chia sẻ trong hồi ký. Ông viết, bản thân đã ở Huế đủ để biết yêu những con đường thật nhỏ và yên tĩnh (yêu nhất con đường mang tên Âm Hồn). Ông đi vào những căn nhà êm đềm, gặp những cuộc sống thầm lặng của những người mà ông đã vô phép gọi là của xứ dân gầy. 

"Dù là kẻ rất ham mê những thú vui nhục dục, tôi cũng biết đi tìm con người và cảnh vật của Huế để thấy được khía cạnh thanh tao của những ngày ở nơi cố đô này. Lững thững đi chơi một mình nơi chùa Thiên Mụ hay tại những lăng tẩm vô cùng thầm lặng. Làm quen với những người nếu không là Công Tằng Tôn Nữ thì cũng thuộc thành phần cao trong xã hội, có lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ duyên dáng dễ thương, tôi có nhiều cảm hứng để soạn bài Dạ Lai Hương", Phạm Duy viết. 

Bên trên lời đề từ cho khúc "Dạ Lai Hương", nhạc sĩ Phạm Duy có ghi: "Tặng Thu Vân, Dạ Thảo". Vậy, Thu Vân - Dạ Thảo là ai? Hai cô gái này có liên quan gì đến ca khúc của cố nhạc sĩ tài hoa, đa tình?

Hai cô gái được nhắc trong lời đề từ ca khúc "Dạ Lai Hương" là ai?

Trong đoạn đầu ca khúc "Dạ Lai Hương", nhạc sĩ Phạm Duy có viết câu "lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà". Câu hát viết về hai cô gái Thu Vân và Dạ Thảo (được nhắc đến trong lời đề từ). Họ là nữ sinh trường Đồng Khánh và là cháu gọi Đức Từ Cung (mẹ của Cựu hoàng Bảo Đại) là cô ruột.

Thời gian sống và làm việc tại Huế, nhạc sĩ Phạm Duy được người bạn - nghệ sĩ Vũ Đức Duy dẫn đến nhà của hai chị em Thu Vân - Dạ Thảo chơi. Hai chị em vô cùng vui vẻ, hân hoan đón tiếp Phạm Duy.

Trong lúc ăn tối mọi người ăn tối trước sân nhà trong không gian huyền ảo nhiệm màu giữa lòng cố đô đầy linh khí, nhạc sĩ Phạm Duy đã cất giọng hát ấm áp của mình để "phục vụ" các vị thực khách. Và giọng ca đó đã chinh phục hoàn toàn trái tim của hai cô gái Huế.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-da-lai-huong-cua-nhac-si-pham-duy-9
Nhạc sĩ Phạm Duy (bên trái) và Thu Vân - Dạ Thảo bên cạnh đức Từ Cung (bên phải) - Ảnh được chụp vào năm 1971

Thu Vân và Dạ Thảo đã công khai bày tỏ lòng ngưỡng mộ với chàng nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy. Thế nhưng, thời điểm đó, Phạm Duy đã là người có gia đình. Vợ ông - ca sĩ Thái Hằng mới sinh con đầu lòng hơn một năm và họ đang sống ở Sài Gòn đợi ông về. 

Nhạc sĩ Phạm Duy là người đàn ông đào hoa và khá tinh tế. Nhưng ông không thể đáp lại hai chị em bằng thứ tình cảm nam nữ. Ông quyết định đáp lại sự ngưỡng mộ đó bằng âm nhạc. Và ca khúc "Dạ Lai Hương" cũng theo đó mà ra đời.

Ca khúc tràn ngập niềm yêu đời, yêu người, "tình lên phơi phới". Nhưng cố nhạc sĩ chia sẻ tằng, cái "tình" đó là tình người người, tình nhân loại trong cõi thái bình của những người đang đắm chìm trong không gian đầy nhạc, cùng rung cảm trước sự huyền ảo của bầu không gian xứ Huế với làn gió nhẹ mang mùi thơm dạ lý hương nồng nàn như hoa sữa. Cái "tình" đó tuyệt đối không phải là tình yêu, tình cảm trai gái.

Đôi lời bình phẩm về "Dạ Lai Hương"

Như cố nhạc sĩ Phạm Duy từng nói, tình cảm của ông dành cho chị em Thu Vân - Dạ Thảo là tình cảm hết sức trong sáng. Cái "tình" trong ca khúc "Dạ Lai Hương" của ông cũng là cái "tình" đơn thuần, là tình người, tình nhân loại... Và để diễn tả tình cảm trong sáng, thánh thiện, thuần khiết của mình, ông viết:

"Đường đêm sao yên vui

Người đi quên lối,

Tình trai nở bốn phương trời

Đàn em trong cơ ngơi,

Nhờ đêm đưa tới những ai làm ngát hoa đời.

Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi

Nhẹ bàn tay hương yêu ơi..."

Ca khúc có hai hình tượng được xem như đối lập: Tình trai nở bốn phương trời, chính là người nhạc sĩ phong sương đã từng bước chân đi dọc dải đất hình chữ S, đã chứng kiến không ít những điều mới lạ trên đời. Đây là điều thật khác biệt, hai cô gái tiểu thư khuê các, con nhà gia giáo, chỉ vừa mới lớn và chưa từng được đặt chân đến những miền xa: "Đàn em trong cơ ngơi".

Đoạn nhạc này như lời van nài: "Nhẹ bàn chân hương đêm ơi", có những nốt thật cao, đã đột ngột hạ xuống đúng một quãng tám để trở thành lời nhắc nhở thật nhẹ nhàng: "Nhẹ bàn tay hương yêu ơi", như là cách để nâng niu, trân trọng "hương yêu", sợ rằng sẽ khuấy động không gian êm đềm và mê hoặc đó.

"Lung linh trăng lại về nữa

Cánh gió đưa hương ngả đầu mây phất phơ

Đêm thơm không phải từ hoa

Mà bởi vì ta thiết tha tình yêu thái hòa".

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-da-lai-huong-cua-nhac-si-pham-duy-8
hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-da-lai-huong-cua-nhac-si-pham-duy-7
Lời bài hát "Dạ Lai Hương" của nhạc sĩ Phạm Duy

Ban đầu là người say mùi dạ lai hương, như là dòng khói trăng theo cánh gió từ trên cao đầu mây bay về ngập đường khuya, dạt dào trên hè, rồi sà xuống bên người. Nhưng khi đã say men tình người thì mới biết rằng đêm thơm không phải từ hoa mà vì "ta thiết tha tình yêu thái hòa". Hương thơm của hoa đã gợi lên niềm vui của tình người, của cuộc đời "ngon như men say", và niềm vui đó giống như là mật hoa của ong bay ngọt lên cây trái, hóp chung mật sống cho đời:

"Đời ngon như men say

Tình lên phơi phới

Đẹp duyên người sống như người

Đời vui như ong bay, ngọt lên cây trái

Góp chung mật sống lâu dài

Nhịp bàn tay nhân gian ơi

Nhịp bàn chân nhân gian ơi"

Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn canh, để rồi nhưng ngày sau đó, đêm nối tiếp đêm, những cô gái vẫn tiếp tục "cầu hương lúc tân kỳ" để tìm lại hương đêm, để "đêm thơm thêm lần nữa", để hẹn nhau thương nhớ và cùng nhau khơi gợi lại niềm yêu đời, yêu cuộc sống:

"Đêm đêm trước khi ngủ kỹ

Lũ chúng em ân cần cầu hương lúc tân kỳ

Đêm thơm thêm một lần nữa

Rồi hẹn nhau thương nhớ"

Ca khúc "Dạ Lai Hương" của Phạm Duy không phải là ca khúc nổi tiếng nhất nhưng lại là ca khúc được đánh giá cao về nhạc thuật và tính thẩm mỹ của ca từ. Ca sĩ Quỳnh Giao từng nhận xét rằng đây là bài hát mà các đồng nghiệp khó tính của nhạc sĩ Phạm Duy như Vũ Thành, Hoàng Trọng đều ngợi ca và trân trọng về cách viết hòa âm.

Và ca khúc "Dạ Lai Hương" được thể hiện rất thành công qua giọng ca đầy nội lực của danh ca Thái Thanh - em vợ nhạc sĩ Phạm Duy.

Dạ lai hương (thơm ban đêm) hay vũ lai hương (thơm lúc mưa) là loài hoa thuộc họ Thùa (Aguvaceae). Dạ lai hương có màu trắng, tỏa hương thơm khi đêm về. Tuy nhiên, dạ lai hương cũng tỏa hương theo độ ẩm. Vì vậy, vào ban ngày, kể cả khi trời mưa, độ ẩm không khí cao, hoa huệ cũng thơm hơn ngày nắng. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-da-lai-huong-cua-nhac-si-pham-duy-6
Hoa Dạ lai hương

Nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa đặc tính đặc trưng của loài hoa này vào âm nhạc của mình với câu hát: "Đêm thơm như một dòng sữa". Khi viết câu này, ông đã nhớ lại những ngày cùng sống với mẹ ở Hưng Yên (khoảng hơn 10 năm trước), ở trước nhà có hàng cây hoa sữa rất lớn, thơm nồng cả dãy phố và hoa sữa cũng có mùi hương gần giống như dạ lý hương.

Xem thêm: Nhạc sĩ Phạm Duy - "phù thủy" phổ nhạc cho thơ

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận