"Bên cầu biên giới" - nhạc phẩm khiến Phạm Duy bị chỉ trích

Nhạc sĩ Phạm Duy viết ra ca khúc "Bên cầu biên giới" khi ông đang ở Lào Cai và nhớ tới một người con gái đẹp. Tuy nhiên, đây cũng là ca khúc gây tranh cãi một thời.

Đỗ Thu Nga
14:04 21/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

VỀ CA KHÚC "BÊN CẦU BIÊN GIỚI"

  • Tên ca khúc: Bên cầu biên giới
  • Nhạc sĩ sáng tác: Phạm Duy
  • Thể loại: Nhạc tiền chiến
  • Năm ra đời: 1947
  • Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Thái Thanh, Lệ Thu, Duy Trác, Vũ Khanh

Ca khúc "Bên cầu biên giới" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Phạm Duy là một nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam. Ông đi nhiều nơi và trên đường rong ruổi đã gặp nhiều người, sáng tác nên nhiều ca khúc bất hủ. Một trong những người bạn có ảnh hưởng khá lớn đến Phạm Duy chính là nhạc sĩ Văn Cao. Văn Cao đã nhìn thấy tiềm năng âm nhạc trong người Phạm Duy vì thế đã khuyên ông nên đi theo nghiệp sáng tác. 

Đầu tháng 5/1947, Phạm Duy cùng đoàn kịch Giải Phóng đến Lao Kay thì gặp Văn Cao. Văn Cao lên Lao Kay từ đầu năm 1947, phụ trách Đội điều tra Công an Liên khu X. Ông mở quán ca nhạc mang tên "Quán Biên Thùy" ở bên kia cầu Cốc Lếu để làm vỏ bọc hoạt động cho mình.

Gặp lại Văn Cao ở quán Biên Thùy với không gian âm nhạc ấm cúng, lãng mạn, Phạm Duy liền bỏ đoàn kịch Giải Phóng để ở lại với Văn Cao. Tại vùng đất biên thùy này, trong một lần đứng giữa cây cầu nối liền biên giới Việt - Trung, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác nên bản tình ca hiếm hoi của thập niên 1940. Ca khúc mang tên "Bên cầu biên giới" (1947). Ca khúc này ra đời trong khoảnh khắc chàng nhạc sĩ tạm quên đi thời cuộc, quên đi những đau thương ở chốn làng cũ quê xưa, để nghĩ về tình cảm riêng tư của mình. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ben-cau-bien-gioi-cua-nhac-si-pham-duy-0
Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác "Bên cầu biên giới" tại Lào Cai

Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy kể: "Bài này là một trong những bản nhạc tình hiếm hoi của thời đó cho nên được phổ biến một cách rộng rãi và nhanh chóng. Nó được soạn ra khi tôi ôm một cô vũ nữ kiêm tình báo viên vào lòng. Nhưng thực ra nó phản ánh sự viễn mơ của tôi, trong khi đang đi chiến đấu. Tuy đưa mắt nhìn về một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa nhưng vì đang đứng trên chiếc cầu biên giới cho nên vẫn thèm được vượt cầu ra đi để sống bên người đẹp Tô Châu hay chết bên bờ sông Danube".

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy cũng tự đưa ra những đánh giá về ca khúc của mình. Ông từng nói, đây không phải ca khúc quá nổi tiếng, không thể sánh bằng nhiều ca khúc bất hủ khác của ông. Về phương diện ca từ lần giai điệu, bài "Bên cầu biên giới" không được đánh giá cao, đây là ca khúc bình thường, thậm chí là tầm thường của ông.

Nhưng nếu bỏ qua các yếu tố âm nhạc đó thì ca khúc này từng gây ra nhiều tranh cãi. Có lẽ chính thời cuộc đã vô tình gieo vào nó một số mệnh kỳ lạ. Và ca khúc này từng khiến nhạc sĩ Phạm Duy bị chỉ trích.

Vì sao ca khúc "Bên cầu biên giới" khiến Phạm Duy bị chỉ trích?

Theo Wikipedia, ca khúc "Bên cầu biên giới" được xếp vào loại "Tình ca giang hồ". Bài hát này khiến cho Phạm Duy bị hội văn nghệ kháng chiến chỉ trích vì chất chứa "tính chủ quan không thể chấp nhận, tính lãng mạn và tiểu tư sản". Lãnh đạo Việt Nam bảo phải "khai tử" bài ca "chơi" nói về một cuộc tình là "Bên cầu biên giới" nhưng Phạm Duy thấy khó chịu và không chấp nhận. 

Chính nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát sau khi nghe ca khúc này cũng đến khuyên Phạm Duy nên từ bỏ "đầu óc lãng mạn thành thị", xóa sổ bài này đi - để được kết nạp Đảng. Song Phạm Duy thà không vào Đảng chứ không chịu bỏ sáng tác nhạc tình.

Trong hồi ký của mình, Phạm Duy viết, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đóng vai "người đưa tin" để nói với ông như sau: "Đoàn thể cử tao nói cho mày biết. Là mày đã được kết nạp. Mày sẽ được cử đi Moskva. Mày sẽ được ông Cụ gắn cho một huân chương chiến sĩ. Nhưng có điều kiện. Mày phải bỏ cái tính ”chơi” của mày đi. Mày phải khai tử bài hát Bên Cầu Biên Giới. Và nếu xuất ngoại thì Thái Hằng phải ở lại. Một mình mày đi thôi. Về suy nghĩ. Mấy hôm nữa, trả lời tao”.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ben-cau-bien-gioi-cua-nhac-si-pham-duy-9
Phạm Duy từng bị chỉ trích vì ca khúc "Bên cầu biên giới"

Khi đó, nhạc sĩ Phạm Duy cưới Thái Hằng. Thái Hằng lại sắp sinh con đầu lòng. Đứng trước bước ngoặt cuộc đời, hoặc là thăng tiến trong tổ chức hoặc là tự do sáng tác, được bay nhảy như bản tính cố hữu của mình. Hơn nữa việc phải đi Liên Xô học và bỏ lại người vợ sắp sinh nở là việc Phạm Duy không làm được. Ông chọn ra đi, dinh thê về thành. Sau đó ông chuyển vào Sài Gòn (1951) khi con trai đầu lòng là Duy Quang được 1 tuổi. 

Quan điểm chắc nịch của Phạm Duy về ca khúc "Bên cầu biên giới" đã không thể giúp ca khúc này tiếp tục được phổ biến rộng rãi. Mãi đến năm 2012, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH, TT&DL) vừa chính thức cấp phép phổ biến cho 21 nhạc phẩm của nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy, trong đó có ca khúc "Bên cầu biên giới".

Năm đó, ông Nguyễn Thành Nhân - Trưởng Phòng quản lý biểu diễn Cục nghệ thuật Biểu diễn cho biết, 21 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy được cấp phép sau khi được Hội đồng nghệ thuật kiểm duyệt kỹ càng... Sở dĩ có sự cấp phép này là do nhu cầu của nhạc sĩ và đơn vị tổ chức chương trình xin cấp phép.

Đôi lời bình phẩm về ca khúc "Bên cầu biên giới"

Thời đó, đa số sáng tác của Phạm Duy để cổ động tinh thần yêu nước. Vì thế, "Cây đàn bỏ quên" và "Bên cầu biên giới" là những "tâm tình ta" hiếm hoi được sáng tác trong những lần ông tạm quên đi thời cuộc, quên đau thương để nghĩ về tình cảm riêng, khát khao về mộng vừng trán ngây thơ:

"Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ 

Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu 

Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời 

Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa"

Đứng trước một cảnh biên giới hữu tình, nhạc sĩ thấy trong lòng mình (và trong cả mọi người) còn có những biên giới vô hình muốn phá vỡ đi. Đó là biên giới giữa hận thù và tình yêu, giữa ly loạn và hòa bình:

"Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ 

Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa 

Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa 

Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ 

Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi 

Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới 

Xa xa thoáng đàn trầm vô tư 

Đâu đây dáng huyền đền duyên mơ 

Bên cầu biên giới 

Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi 

Sông nước xa xôi, 

Mây núi khắp nơi 

Không tỏ một đôi lời … 

Ôi giấc mơ qua 

Mộng đời phiêu lãng giang hồ 

Sống trong lòng người đẹp Tô Châu 

Hay là chết bên bờ sông Da – nube 

Những đêm sáng sao…"

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ben-cau-bien-gioi-cua-nhac-si-pham-duy-8
Lời ca khúc "Bên cầu biên giới"

Biên giới của riêng lòng mình thì nhạc sĩ có thể khả năng tự phá vỡ, nhưng biên giới hận thù của lòng người thì sao có thể:

"Nhưng đường quá xa vời 

Hương trời vẫn mê mải 

Đời tôi sao vẫn còn biên giới! 

Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây 

Ôi dòng tóc êm đềm! 

Ôi bể mắt đắm chìm! 

Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ 

Mộng bền năm xưa 

Chỉ là mơ qua…"

Cả nhạc phẩm là tâm sự, là nỗi niềm riêng, tác giả không có ý định lớn lao là có thể xoay chuyển lòng người, phá bỏ biên giới đã được xây cao như tường thành. 

Xem thêm: Nhạc sĩ Ngọc Chánh - nhạc sĩ Phạm Duy: Sự kết hợp ăn ý ở mảng nhạc phim với ca khúc "Vết thù trên lưng ngựa hoang"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận