Nhạc sĩ Phạm Duy - "phù thủy" phổ nhạc cho thơ
Nhạc sĩ Phạm Duy chính là người đã đưa hồn thơ quyện vào tiếng nhạc, khiến nhạc và thơ vấn vít, giao hòa trong một vẻ đẹp quyến rũ, diệu kỳ.
Trình phổ thơ đạt đến độ thần tình
Nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật với vai trò ca sĩ của gánh hát Đức Huy. Sau đó, ông chuyển sang sáng tác và nghiên cứu. Phạm Duy không chỉ rất thành công trong việc vận dụng âm nhạc truyền thống dân tục vào các nhạc phẩm của mình mà còn có biệt tài phổ thơ. Ông được đánh giá là một trong những nhạc sĩ phổ thơ nhiều nhất, nổi tiếng nhất, điển hình là phổ thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Minh Đức Hoài Trinh. Nhờ âm nhạc của Phạm Duy mà công chúng biết đến thơ của Phạm Văn Bình, Vũ Hữu Định...
Trong số hàng trăm nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ, có rất nhiều người thành công với việc phổ thơ, nổi tiếng nhất là Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Ngô Thụy Miên... Nhưng xét về số lượng ca khúc được yêu thích thì có lẽ không ai sánh bằng Phạm Duy. Bởi ông từng được công nhận là "phù thủy" trong việc phổ nhạc cho thơ. Ông đã đưa hồn thơ quyện vào tiếng nhạc, khiến nhạc và thơ cứ vấn vít, giao hòa trong một vẻ đẹp quyến rũ, diệu kỳ. Trình độ phổ thơ của ông đã đạt đến độ thần tình khi khéo léo đưa những giai điệu tinh tế nhập vào thơ, chắp cánh để thơ thăng hoa trong cõi bất tử.
Nhạc phổ thơ của Phạm Duy được đánh giá, đa dạng về tiết tấu, phong phú trong cảm xúc, lúc trữ tình, thi vị (phổ "Cô gái hái mơ" của Nguyễn Bính, "Tiếng sáo Thiên Thai" của Thế Lữ) lúc lại buồn hiu hắt (phổ "Ngậm ngùi" của Huy Cận, "Còn chút gì để nhớ" của Vũ Hữu Định). Nhưng cũng có lúc bi hùng khi phổ thơ Quang Dũng; hay lúc sâu thẳm tâm linh khi phổ thơ Phạm Thiên Thư; và cũng có lúc mộng mị, siêu thực khi phổ thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê...; đương nhiên, cũng có cả lúc vừa trong sáng, gợi cảm, vừa điêu luyện, hài hòa khiến người nghe phải say mê.
Giáo sư Trần Văn Khê (người bạn thân thiết của nhạc sĩ Phạm Duy) trong chương trình "Thơ phổ nhạc" do hiệp hội UNESCO Hà Nội tổ chức đã dẫn ra 2 ví dụ về tài phổ thơ của Phạm Duy. Đó là câu ca dao: "Trèo lên cây bưởi hái hoa" được phổ thành: "Trèo lên/lên/trèo lên/trèo lên/lên/trèo lên/lên cây bưởi/hái hoa" (Nụ tầm xuân) khiến cho người nghe cảm thấy như có một con người thật đang thực hiện hành động trèo lên đó.
Ví dụ thứ hai là câu thơ: "Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa" (Truyện Kiều - Nguyễn Du) đã được nhạc sĩ Phạm Duy linh hoạt thay đổi vị trí, phổ thành "Khép nép bên hoa/ Khép nép bên hoa/ hai Kiều" tạo nên cảm giác như cánh tay chỉ về phía hai nàng Kiều đang thẹn thùng, e lệ bên hoa.
Cái tài quyện hồn thơ vào tiếng nhạc
Không chỉ thuần thục đưa nhạc vào thơ, nhạc sĩ Phạm Duy còn rất tài tình khi quyện hồn thơ vào tiếng nhạc. Đơn cử như bức tranh quê được vẽ ra từ nỗi hoài hương: "Quê hương ơi! Bóng đa ôm đàn em bé/ Nắng trưa im lìm trong lá/ Những con trâu lành trên đồi/ Nằm mộng gì? Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi" (Tình hoài thương).
Hay như cảnh chiều yên ả, thanh bình, Phạm Duy viết: "Chiều ơi/Lúc chiều về rợp bóng nương khoai/Trâu bò về giục mõ xa xôi/ơi chiều/Chiều ơi/Áo chàm về quảy lúa trên vai/In hình vào sương núi chơi vơi/Ơi chiều" (Nương chiều).
Và không thể quên được những ca từ nhẹ nhàng như xuyên thấm vào chỗ sâu thẳm nhất trong tim mỗi con người. Từ đó khơi dậy những tình cảm sáng trong dành cho quê hương xứ sở: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời/Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi".
Ca từ trong âm nhạc của Phạm Duy là thơ. Những vần thơ này quá đỗi tài hoa. Nếu đứng riêng với nhạc, nó xứng đáng được xem là một bài thơ thực thụ.
Chất thơ ngập tràn trong lời Việt nhạc ngoại
Chất thơ trong ca từ của Phạm Duy còn được thể hiện một cách tinh tế, đặc sắc khi ông đặt lời Việt cho các ca khúc ngoại quốc. Đó là những dòng thơ đầy lãng mạn trong ca khúc "Dòng sông xanh" (The Blue Danube): “Ánh dương lên xôn xao/ Hai ven bờ sông sâu/ Cười ròn tiếng người/ Đẹp lòng sớm mai/ Những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui/ Thả ý thắm theo người chở gió về xuôi”.
Đó là một cảm giác đầy mà mị, rùng rợn toát lên từ ca từ của ca khúc "Trở về mái nhà xưa" (Torna a Surriento): “Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan/ Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan/ Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn/ Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn”. Nhạc sĩ Phạm Duy đã khiến lời giàu chất thơ hơn, khiến ca khúc kia vượt qua được ranh giới của sự khác biệt ngôn ngữ mà nói lời đồng điệu với bao trái tim người Việt.
Suốt cuộc đời sống với âm nhạc, Phạm Duy tự nguyện làm chàng lãng từ hát rong của thời đại, dùng những nhạc phẩm của mình mà "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi". Với những "Khúc ca thơ" vấn vít giữa âm nhạc và thi ca ấy, ông xứng đáng được mệnh danh là nhạc sĩ - thi sĩ chân chính, một trong những người khổng lồ của nền tân nhạc Việt Nam thế kỷ 20.
Xem thêm: Chuyện về tình bạn vượt không gian, thời gian của Trần Văn Khê “ngăn nắp” và Phạm Duy “bừa bãi”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận