Ca khúc "Chú Cuội" của Phạm Duy: Hóa ra là bản tình ca viết tặng vợ!

Nhạc sĩ Phạm Duy là một trong hai người đầu tiên đưa hình ảnh "Cuội" vào âm nhạc. Với ca khúc "Chú Cuội", đây là bản tình ca được viết để "nịnh vợ" - ca sĩ Thái Hằng. 

Đỗ Thu Nga
11:14 23/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

CA KHÚC "CHÚ CUỘI"

  • Tên ca khúc: Chú Cuội
  • Nhạc sĩ sáng tác: Phạm Duy
  • Năm ra đời: 1948
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Thanh, Ái Vân...

Ca khúc "Chú Cuội" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Mỗi mùa trăng trung thu cận kề, lòng cứ bồi hồi hát mãi những ca khúc của tháng năm cũ, đó là "Thằng Cuội" của nhạc sĩ Lê Thương và "Chú Cuội" của nhạc sĩ Phạm Duy. Có lẽ đây là hai nhạc sĩ đầu tiên đưa "Cuội" vào âm nhạc với những hình ảnh nên thơ cùng ánh trăng rằm tháng Tám.

"Thằng Cuội" của nhạc sĩ Lê Thương được viết theo thể thức tựa như một bài đồng dao từ giai điệu đến ca từ. Ca khúc này thấm đẫm chất tình, chất suy nghiệm vượt khỏi không gian tuổi thơ. 

Nhạc sĩ Phạm Duy viết ca khúc "Chú Cuội" dựa theo tích chú Cuội - Hằng Nga. Ca khúc được viết tặng vợ (ca sĩ Thái Hằng) trong tuần lễ trăng mật năm 1948 tại chợ Neo (Thanh Hóa). 

Đây là ca khúc đậm chất đồng quê của nhạc sĩ Phạm Duy. Nghe ca khúc, công chúng có thể dễ dàng tưởng tượng ra một miền quê thanh bình trong đêm rằm tháng Tám. Đó là không gian miền quê bao la với "trăng soi sáng ngời, treo trên biển trời, tình ca". Còn gì bình yên và đẹp đẽ hơn giữa mùa trăng ấy: "Một đàn con trai rủ đàn con gái, ra ngồi nhìn trăng". 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-chu-cuoi-cua-nhac-si-pham-duy-0
Hai tờ bìa ca khúc "Chú Cuội" của nhạc sĩ Phạm Duy

Phạm Duy đã đưa vào đêm trăng Thu ấy bầy trẻ quê hò vè một câu tình tự kết bài. Có thể thấy, tính tình tự dân tộc của Phạm Duy luôn là thế, trong một bài tình ca cho đôi lứa vẫn bàng bạc chất quê hương.

Trong hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, Phạm Duy tự ví mình chính là chú Cuội được theo Hằng Nga (là ca sĩ Thái Hằng) số đời viên mãn. Vậy nên trong ca khúc mới có câu hát: "Ta yêu cô Hằng đêm xưa xuống trần".

Ca khúc "Chú Cuội" của nhạc sĩ Phạm Duy được thể hiện rất thành công bởi ca sĩ Thái Thanh - em vợ của ông. Giai điệu mượt mà của điệu valse, uốn lượn như tiếng sáo được Thái Thanh chuyên chở từng chữ với tài luyến láy không trộn lẫn. Trong phần điệp khúc Thái Thanh đang thả giọng bay cao vút thì bỗng "bỏ nhỏ", êm ru khiến người nghe tưởng tượng ra hình ảnh bóng trăng gợn theo gió trên mặt hồ sáng loáng. 

Ngoài giọng ca Thái Thanh thì ca khúc "Chú Cuội" còn được thể hiện khá thành công bởi ca sĩ Ái Vân với giọng hát trong trẻo không kém cạnh gì đàn chị.

Trong một bài phỏng vấn, ca sĩ Ái Vân cho biết: Ngay từ đầu đã bị cuốn hút bởi giai điệu và ca từ quá đẹp của ca khúc "Chú Cuội". Đó là một trong những ca khúc của Phạm Duy mà cô yêu thích nhất. 

"Chú Cuội" - ca khúc "nịnh vợ" của Phạm Duy

Ca sĩ Thái Hằng chính là nguyên mẫu cô Hằng trong ca khúc "Chú Cuội". Và nhạc sĩ Phạm Duy cũng tự ví mình là "Cuội". Trong tờ nhạc xuất bản đầu thập niên 1950 tại Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy ghi lời đề tựa "Tặng chị Hằng", thể hiện sự trân trọng, yêu thương của ông dành cho vợ. 

Tuy là ca khúc "nịnh vợ" nhưng mỗi dịp trung thu "Chú Cuội" vẫn được đem ra hát, nhất là dành cho những cặp đôi đang yêu:

"Trăng soi sáng ngời

Treo trên biển trời

Tình ơi

Một đàn con trai

Rủ đàn con gái

Ra ngồi nhìn trăng

Ra nghe chú cuội

Ngồi gốc cây đa

Cuội ơi

Để trâu ăn lúa

Nhìn mây theo gió

Miệng ca bồi hồi"

Đoạn mở đầu ca khúc miêu tả hình ảnh vùng quê thanh bình, có đàn em bé trai bé gái ngắm trăng rằm. Trăng sáng ngời đẹp tựa Hằng Nga, cùng với đó là sự xuất hiện của Cuội với hình ảnh quen thuộc:

"Chú Cuội ngồi gốc cây đa

Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời..."

Phần lời phía sau, nhạc sĩ Phạm Duy ví mình là Cuội, kể chuyện cho đám trẻ nghe về chú Cuội say mê sắc đẹp của cô Hằng, nguyện lên cung vắng để được ở gần nàng chứ quyết không về dương gian:

"Ta yêu cô Hằng

Đêm xưa xuống trần

Nàng ơi

Nàng về dương gian

Tìm người nuôi nấng

Cung đàn Hằng Nga

Xin đôi cánh vàng

Mượn chiếu mây non

Cuội ơi

Cuội theo ánh sáng

Cuội lên cung vắng

Cuội không về làng"

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-chu-cuoi-cua-nhac-si-pham-duy-8
Lời ca khúc "Chú Cuội"

Về lại cung vắng, Hằng Nga và chú Cuội thành đôi, sống những ngày thần tiên, cùng vui tươi ca hát đến quên đường về. Mối tình của họ sáng tỏa như ánh trăng rằm soi chiếu muôn nơi, đến tận cùng những tối tăm nơi dương thế:

"Ánh trăng vàng, kìa ánh trăng vàng

Đời dương thế có người trong bóng tối

Chờ cao chiếu mối tình của Hằng Nga

Đời đời mọc trăng tơ sáng lóa"

Và khi tình yêu có kết quả thì đôi uyên ương trở về nhà:

"Trăng soi tóc thề

Đức trai gái về

Tình ơi

Nửa đường thôn quê

Gặp đàn em bé

Hát vè một câu"

Và ca khúc "Chú Cuội" của Phạm Duy có một cái kết có hậu. Trên đường trở về dương thế, họ gặp một đàn em bé ở bên đường thôn quê, hát câu vè ca tụng tình yêu mặn mà:

"Câu thơ: 

Chú Cuội mà lấy tiên nga

Cuội ơi

Để trâu ăn lúa

Ngồi trên lưng gió

Tình yêu mặn mà"

Hình ảnh "để trâu ăn lúa" thể hiện sự ham chơi, ham vui của chú Cuội, rất tương đồng với tính cách lãng tử thời trai trẻ của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông ưa thích "ngồi trên lưng gió" để viễn du khắp nơi (Phạm Duy từng có thời gian làm ca sĩ mà đi nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam). Dù là trước hay sau khi "thành gia lập thất", ông vẫn có những chuyến hành trình rong ruổi vạn dặm...

"Chú Cuội" phàm phu trần tục Phạm Duy và nàng tiên nga (Thái Hằng) trong mộng của các văn nghệ sĩ thời tản cư

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy cũng có đôi lời chia sẻ về ca khúc này: "Ngoài bài 'Đêm xuân', tôi còn soạn cho Thái Hằng một bài có tính chất dân ca hay bé ca là bài 'Chú Cuội', trong đó, tôi nói dối lũ trẻ là: ... Ngày xửa ngày xưa, có chú chăn trâu tên Cuội, ngồi ở dưới gốc đa, mặc kệ trâu ăn lúa, chú nhìn mây bay theo gió và xin ai cho mình một đôi cánh vàng, hoặc cho mượn một cái chiếu mây non để chú cuội theo ánh sáng lên cung trăng và không trở về làng nữa. Lý do là vì: Chị Hằng xuống trần để tìm người nuôi nấng cung đàn Hằng Nga (lại nói tới đàn!) chú Cuội bị Hằng Nga quyến  rũ nên bay lên trời, chứ không phải vì nó mắc tội nói dối rồi bị đày lên cung trăng".

Trong "Chú Cuội", Phạm Duy tự ví mình như chú Cuội, kẻ phàm phu trần tục, với chủ ý nâng cao hình ảnh của người vợ - ca sĩ Thái Hằng vốn là tiểu thư đài các, được ví như tiên nga - người trong mộng của rất nhiều văn nghệ sĩ thời bấy giờ đang tản cư về Thanh Hoá - nơi gia đình Thái Hằng mở quán Thăng Long (địa điểm quen thuộc với giới tinh hoa trí thức thời đó).

Chia sẻ về câu chuyện ở Quán Thăng Long năm nào, trong hồi ký, Phạm Duy viết: "Vào đầu năm 1949, sau khi tất cả mấy anh em Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung), Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Thái Thanh đã gia nhập ban văn nghệ quân đội của Liên Khu IV rồi thì hai ông bà Thăng Long cũng rời Chợ Đại tản cư vào Thanh Hóa để được gần gũi các con. 

Hai ông bà tới nơi gọi là Chợ Neo, cách làng Ngò khoảng vài cây số, thuê một căn nhà lá của một nông dân tên Cò Mại và mở một quán phở, vẫn để tên "Quán Thăng Long"...

... Vì cùng là đội viên của đoàn văn nghệ quân đội và vì không ai là quyến thuộc cho nên vào ngày nghỉ, tôi thường hay theo Phạm Đình Viên và Thái Hằng về chơi Quán Thăng Long.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-chu-cuoi-cua-nhac-si-pham-duy-7
Nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hằng

Đã quen biết hai ông bà từ ngày ở Chợ Đại nên tôi được ưu đãi. Tôi được ăn uống, nghỉ ngơi và ngủ luôn tại quán. Giường ngủ là cái bàn trong quán ăn kê lại xát nhau. Cùng với Viêm, Chương, Thái Hằng, Thái Thanh, chúng tôi ngồi đàn hát với nhau suốt ngày hoặc cùng với đội viên của đoàn văn nghệ đóng quân ở gần đây, kéo nhau ra sông máng để tắm táp, bơi lội...

... Khi còn ở Chợ Đại, tôi cũng thoáng biết tới cô con gái lớn của Quán Thăng Long, được nghe cô đánh đàn guitare hawaiwenne và hát chung với mấy người anh, nhưng lúc đó tôi không năng tới quán này để tán tỉnh nàng - như thường lệ mỗi khi gặp bất cứ người đẹp nào - bởi vì tôi đang quá bận bịu với những câu chuyện vui chơi của tôi.

Vả lại lúc bấy giờ cũng có khá nhiều cây si được trồng tại quán Thăng Long. Các chàng si này, nếu phải mài kiếm dưới trăng để so kiếm, lại toàn là những tình địch trong nghề như Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Bùi Xuân Phái, Ngọc Bích…

Vào tới Khu IV, tuy cùng hoạt động chung với nhau trong đoàn văn nghệ, nhưng tôi và Thái Hằng chỉ là hai người bạn đồng đội và sống riêng biệt. Mới đầu tôi chỉ thấy Thái Hằng là người hiền lành, xinh xắn, dễ thương nhưng ít vui và rất hà tiện trong sự biểu lộ tình cảm. Nay được ở gần nàng luôn luôn và vì tôi là người lém lỉnh cho nên nàng không thể im hơi lặng tiếng được nữa. Thế là chuyện này chuyện nọ được trao đi đổi lại như giữa bất cứ một đôi trai gái nào. (…) Sau gần sáu tháng đi chung với nhau trong đoàn văn nghệ cũng như ở chung với nhau tại Quán Thăng Long và sau khi đã ôm được nàng vào lòng rồi, tôi chính thức hỏi Thái Hằng làm vợ…”.

Xem thêm: Lý do nào khiến nhạc sĩ Phạm Duy chọn phổ nhạc bài thơ "Tiếng thu" của thi sĩ Lưu Trọng Lư?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận