Nhạc sĩ Doãn Mẫn: Cánh chim đầu đàn của tân nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Doãn Mẫn là một trong những nhạc sĩ “khai sơn phá thạch” mở đường cho tân nhạc Việt Nam từ cuối thập niên 1930. Tên tuổi của ông gắn liền với những bản nhạc như “Biệt ly”, “Cô lái thuyền”, “Tiếng hát đêm thu”,...

Diệu Nguyễn
17:49 24/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ DOÃN MẪN

  • Nghệ danh: Doãn Mẫn hoặc Dzoãn Mẫn
  • Ngày sinh: 1919 – 2007
  • Quê quán: làng Hoàng Mai, Hà Nội
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: nhạc tiền chiến
  • Ca khúc nổi tiếng: Biệt ly, Hương cố nhân, Một buổi chiều mơ
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Thái Thanh, Lan Ngọc, Thùy Dung,...
  • Thời gian hoạt động: 1937 - 2007

Nhạc sĩ Doãn Mẫn là ai?

Nhạc sĩ Doãn Mẫn sinh ngày 15/10/1919, tại thôn Đoài làng Hoàng Mai nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cha của ông là Doãn Tính, một viên chức ở ga Hàng Cỏ ngày ấy (xếp gia vào những năm 1930 - 1940). Mặc dù không theo nghề nhạc, song cụ thân sinh của nhạc sĩ Doãn Mẫn lại rất đam mê nhạc dân tộc, đặc biệt là đàn bầu. Được cha hướng dẫn nên từ nhỏ Doãn Mẫn đã chơi được một số loại nhạc cụ truyền thống. Nhưng ông lại không lấy đó là ngón nghề mưu sinh. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm, nhạc sĩ Doãn Mẫn lại chọn vào làm chân thư ký tại bệnh viện Bạch Mai.

Với niềm khao khát âm nhạc, nhạc sĩ Doãn Mẫn tự mày mò học nhạc lý qua sách báo, mà chủ yếu là sách báo Pháp. Song song với đó, ông cũng theo học một người Pháp tên Banal, nguyên chỉ huy một dàn nhạc Quân đội Pháp, trong khoảng thời gian chừng 4 tháng và chủ yếu học về phối âm, phối khí. Khi vốn liếng đã hòm hòm, Doãn Mẫn chuyển sang việc đàn hát. Ban đầu, ông đến với âm nhạc và nghệ thuật với tư cách là một nhạc công, tiếp đến ông dần chuyển sang soạn lời Việt cho các điệu nhạc Tây.

Cũng như nhiều thanh niên thời đó, nhạc sĩ Doãn Mẫn bị thu hút bởi các dòng nhạc Tây, chủ yếu là nhạc Pháp. Thế là ông cùng với 2 nhạc sĩ là Văn Chung và Lê Yên thành lập nhóm nhạc Tricéa để gặp gỡ và trao đổi thêm về âm nhạc.

Nhac-si-Doan-Man-la-ai-va-nguoi-sang-tac-ca-khuc-Biet-Ly-noi-tieng  (1)
Nhạc sĩ Doãn Mẫn có sáng tác đầu tay năm 1937, khi ấy ông 19 tuổi

Năm 1937, nhạc sĩ Doãn Mẫn có sáng tác đầu tay mang tên “Tiếng hát đêm thu”, lời của Văn Chung. Sau đó nhiều nhạc phẩm khác của ông cũng lần lượt ra đời như “Gió thu”, “Một buổi chiều thu”, “Biệt ly”,…

Sau này, nhạc sĩ Doãn Mẫn từng giữ chức trưởng phòng giáo vụ của Nhạc viện Hà Nội. Ông làm việc tại đây khoảng chừng 20 năm. Trong thời gian đó nhạc sĩ Doãn Mẫn không có bất kỳ sáng tác gì vì theo lời ông kể khi ấy ông “phải đi lo cả việc… học viên có con nhỏ không ăn được thì phải làm thế nào, chỗ ăn ở, chỗ vệ sinh bẩn thì phải làm sao?”. Nói chung, đó là quãng thời gian ông chỉ sống thuần túy với công việc hành chính, sự vụ chứ không bén mảng gì đến nghệ thuật, sáng tác cả.

Mãi sau khi về hưu ở tuổi ngoài 70, nhạc sĩ Doãn Mẫn có viết nhạc trở lại.

Năm 2007, nhạc sĩ Doãn Mẫn qua đời ở Hà Nội. Khi ấy rất nhiều người hay tin đã xếp hàng dài đến tiễn biệt ông.

Âm nhạc hướng về dân tộc

Dù được cha truyền lại đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng khi lớn lên nhạc sĩ Doãn Mẫn lại không chọn âm nhạc để mưu sinh. Cuộc đời chàng nhạc sĩ tài hoa có lẽ sẽ thẳng băng và an bài nếu không gặp buổi Âu hóa. Mê nhạc Pháp, nên chàng trai trẻ Doãn Mẫn ngày ấy tự mày học, rồi bắt chước soạn lời ta theo điệu Tây. Vì không học chuyên sâu về âm nhạc, nên trong những ngày đầu, hầu hết ca khúc của nhạc sĩ Doãn Mẫn đều chỉ ở trình độ nhạc lý căn bản.

Nhắc đến chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Doãn Mẫn, không thể không nhắc đến nhóm nhạc đầu tiên ở Việt Nam – Tricéa, nơi ông cùng nhạc sĩ Văn Chung và Lê Yên trao đổi, sáng tác âm nhạc. Khi ấy, nhóm chủ trương âm nhạc hướng về dân tộc.

Nhac-si-Doan-Man-la-ai-va-nguoi-sang-tac-ca-khuc-Biet-Ly-noi-tieng  (3)
Nhạc sĩ Doãn Mẫn cùng nhạc sĩ Văn Chung và Lê Yên lập nhóm nhạc Tricéa

Sau này, nhạc sĩ Doãn Mẫn đã từng kể về cái thở chập chững đến với âm nhạc của mình như sau: “Vào khoảng năm 1936 – 1937, khi phong trào âm nhạc cải cách phát triển, những ca khúc do người Việt Nam sáng tác dần xuất hiện thì tôi gặp lại nhạc sĩ Lê Yên. Vì cùng chung chí hướng trên con đường nghệ thuật mới mẻ, nên tôi và Yên thường bổ sung cho nhau về kiến thức âm nhạc, kinh nghiệm sáng tác và trao đổi tác phẩm. Bởi khi ấy, chúng tôi đều là những người tự học nhạc, sáng tác theo bản năng. Đến 1936 – 1939, chúng  tôi gặp thêm người bạn chí cốt – Văn Chung , thế là anh em lập nhóm để giúp đỡ lẫn nhau. Đó là một sự liều lĩnh đáng yêu của tuổi trẻ”.

Trong khoảng thời gian đó, các ca khúc được nhóm lần lượt cho ra mắt là: “Bóng ai qua thềm”, “Đôi mắt Huyền” của Văn Chung;  “Vườn xuân”, “Bẽ bàng” của Lê Yên” và “Biệt ly”, “Sao hoa chóng tàn”, “Cô lái thuyền”, “Tiếng hát đêm thu”, “Một hình bóng”, “Một buổi chiều mơ”, “Gió xa khơi”, “Nhạc chiều”,... của Doãn Mẫn.

Hầu hết những sáng tác thời ấy của Doãn Mẫn đều đậm nét “buồn” được vay mượn của buổi đầu thơ mới từ “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu). Nhắc lại những tình khúc buồn đến nao lòng ấy, nhạc sĩ Doãn Mẫn khi về già đã móm mém cười bảo: “Tôi bịa ra đấy. Tất cả chỉ là chuyện… bịa”. Thay vì vẽ ra những mối tình nhằm tô điểm thêm cho sự lãng mạn của ca khúc, thì ông lại thật thà nhận những nhân vật trong sáng tác của ông đều dựa trên trí tưởng tượng.

Nhac-si-Doan-Man-la-ai-va-nguoi-sang-tac-ca-khuc-Biet-Ly-noi-tieng  (5)
Ca khúc “Nhắn người chiến sĩ” của Doãn Mẫn rất nổi tiếng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp

Dù thời ấy nhạc sĩ Doãn Mẫn cùng với tầng lớp nhạc sĩ trẻ đều bị ảnh hưởng bởi nhạc Âu, nhất là nhạc Pháp, thế nhưng các sáng tác của ông vẫn mang đậm tinh hoa dân tộc dù chỉ là về hình thức. “Lứa chúng tôi xem vậy nhưng lại thấm nhuần ý thức dân tộc, đại chúng trước cả khi có Đề cương văn hóa năm 1943 cơ đấy. Thế nên những nhạc sĩ có tinh thần dân tộc ngày ấy đều biết nhắc nhau giữ lòng quý trọng với những tinh hoa dân tộc”, nhạc sĩ Doãn Mẫn bộc bạch.

Một mảng âm nhạc của Doãn Mẫn ít người nhắc đến, nhưng không thể nói là không quan trọng, đó chính là nhạc cách mạng. Khi ấy, ca khúc “Nhắn người chiến sĩ” của Doãn Mẫn từng được vang lên khắp các nẻo đường những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Trong lúc đang ở đỉnh cao sáng tác thì ông lại được bổ nhiệm làm trưởng phòng giáo vụ của Nhạc viện Hà Nội. Thế là “hàng trăm thứ bà rằn”, việc gì cũng đến tay nên ông không có thời gian suy nghĩ đến âm nhạc, đến nghệ thuật nữa. Và cứ thế, chặng đường sáng tác âm nhạc dừng lại 20 năm. Trong khoảng thời gian đó Doãn Mẫn dành thời gian biên soạn các tài liệu giáo trình âm nhạc, viết sách và nghiên cứu âm nhạc.

Đến khi ngoài 70 tuổi, nhạc sĩ Doãn Mẫn mới bắt đầu sáng tác trở lại.Đến khi ngoài 70 tuổi, nhạc sĩ Doãn Mẫn mới bắt đầu sáng tác trở lại. Lúc này, ông bắt đầu chạy đua với thời gian, dốc toàn lực cuối đời phổ hơn 40 bài thơ của các thi sĩ khắp cả nước. Trong đó, tình khúc “Thu đến” được phổ từ thơ của nữ sĩ Hoàng Thị Minh Khanh đã được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng năm 2001.

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Doãn Mẫn

Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Doãn Mẫn để lại khá ít cho với những nhạc sĩ cùng thời, chỉ khoảng 50 bài, gồm:  Bến yêu đương, Biệt ly, Cô lái thuyền, Dũng tiến, Gió thu, Gió xa khơi, Gọi nghé trên đồng, Hương cố nhân, Một buổi chiều mơ, Một buổi chiều thu, Một hình bóng, Nhạc chiều, Nhắn người chiến sĩ, Những mầm sống, Sao hoa chóng tàn, Sông Thao, Tiếng hát đêm thu, Trở lại cùng anh, Từ đâu tiếng tơ,…

Ngoài ra, nhạc sĩ Doãn Mẫn còn xuất bản sách nhạc lý và nghiên cứu âm nhạc, gồm:       

  • Tự học xướng âm
  • Góp phần tìm hiểu sự hình thành nền âm nhạc cải cách Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945
  • Những bước phát triển trong công tác đào tạo cán bộ âm nhạc từ Cách mạng tháng Tám đến năm 1975
Nhac-si-Doan-Man-la-ai-va-nguoi-sang-tac-ca-khuc-Biet-Ly-noi-tieng  (4)
Ca khúc "Biệt ly" nổi tiếng của nhạc sĩ Doãn Mẫn

Nhắc đến nhạc sĩ Doãn Mẫn, mọi người sẽ nhớ ngay đến nhạc phẩm “Biệt ly” của ông. Bài hát này đã có tuổi đời hơn 80 năm nhưng đến nay vẫn rất được yêu thích. “Biệt ly” cũng đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam khi thường được nhắc đến như là một trong những ca khúc đầu tiên của làng tân nhạc Việt.

Theo lời kể của nhạc sĩ Doãn Mẫn, vào những năm cuối thập kỷ 1930, ga Hàng Cỏ ở Hà Nội được xem là nơi chia ly của nhiều đôi tình nhân, khi ấy có rất nhiều thanh niên gia nhập lính lê dương cho quân đội Pháp. Việc chứng kiến nhiều cuộc chia tay trên sân ga buồn của những đôi tình nhân đã giúp nhạc sĩ Doãn Mẫn có cảm hứng để sáng tác “Biệt ly” với lời ca da diết:

“Biệt ly nhớ nhung từ đây

Chiếc lá rơi theo heo may

Người về có hay

Biệt ly sóng trên giòng sông

Ôi còi tàu như xé đôi lòng

Và mây trôi nước trôi

Ngày tháng trôi cùng lướt trôi…”.

Nhạc sĩ Doãn Mẫn: “Biệt ly” nhưng mãi neo lại trong lòng người yêu nhạc

Nhạc sĩ Doãn Mẫn được xem là một trong những cánh chim đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam, làm tấm gương mẫu mực về lao động nghệ thuật. Dù chỉ sáng tác vài chục ca khúc, nhưng bài hát nào của ông cũng được công chúng đón nhận, yêu thích. Những bài hát đấy đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng nhiều thế hệ yêu nhạc Việt.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng đánh giá về nhạc sĩ Doãn Mẫn như sau: “Nhạc sĩ Doãn Mẫn là người thành công nhất trong 3 thành viên nhóm nhạc Tricéa. Nhạc của Doãn Mẫn thường dành riêng cho Guitar Hawaii, loại nhạc cụ sở trường của ông, và thuần túy soạn trên âm giai thất cung (heptatonic, bảy nốt) của phương Tây, mà không dùng âm giai ngũ cung của nhạc dân tộc như những nhạc sĩ khác”.

Nhac-si-Doan-Man-la-ai-va-nguoi-sang-tac-ca-khuc-Biet-Ly-noi-tieng  (2)
Doãn Mẫn - người nhạc sĩ tài hoa, âm thầm cống hiến cho nghệ thuật

Nhắc đến nhạc sĩ Doãn Mẫn, mọi người sẽ nhớ đến một người nhạc sĩ tài hoa, âm thầm cống hiến cho nghệ thuật. Ông không mưu danh bằng âm nhạc, với Doãn Mẫn âm nhạc như một nhu cầu tự thân và là niềm đam mê cháy bỏng. Bởi lẽ đó, mà ông không lấy số lượng làm trọng, thay vào đó ông chỉn chu trong từng lời ca giai điệu, để cho ra đời những nhạc phẩm tốt nhất, hay nhất.

Dù đến khi ông đi về cõi an nhiên, vẫn chưa có một chương trình riêng nào của Doãn Mẫn và cũng chưa từng có đĩa nhạc riêng nào mang tên ông. Thế nhưng, trong lòng công chúng yêu nhạc, cái tên Doãn mẫn hoàn toàn xứng đáng là gương mặt tiêu biểu làng tân nhạc Việt Nam.

Xem thêm: Nhạc sĩ Châu Kỳ: Dù lệ rơi phím đàn vẫn muốn giữ trái tim yêu để sáng tác 

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận