Phạm Đình Chương: Từ giọng ca điêu luyện của Ban hợp ca Thăng Long đến người nhạc sĩ tài hoa của tân nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Ông không chỉ sáng tác giỏi mà còn là một ca sĩ quan trọng của Ban hợp ca Thăng Long. 

Đỗ Thu Nga
08:00 28/11/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Các tài liệu âm nhạc có ghi nhận không ít gia đình âm nhạc nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Riêng với tân nhạc, người ta thường nhắc đến Ban hợp ca Thăng Long. Đó là ban nhạc của các anh chị em trong gia đình Thăng Long với 3 thành viên chủ chốt là: Danh ca Thái Thanh, ca sĩ Hoài Trung, ca sĩ Hoài Bắc. Bên cạnh đó, ban nhạc còn có sự góp mặt của các thành viên không thường trực như: Danh ca Thái Hằng, nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Khánh Ngọc. Họ đều là chị em ruột hoặc dâu, rể trong gia đình Thăng Long.

Trong khuôn khổ bài viết này, Amnhac.net muốn chia sẻ đến quý độc giả những thông tin hữu ích về cuộc đời, sự nghiệp của một trong số những thành viên chủ chốt của Ban hợp ca Thăng Long - ca sĩ Hoài Bắc. 

Ca sĩ Hoài Bắc tên thật là Phạm Đình Chương. Ông không chỉ sở hữu giọng ca nội lực mà còn có tài sáng tác. Sự nghiệp sáng tác của Phạm Đình Chương cũng rất thành công.

nhac-si-pham-dinh-chuong-va-su-nghiep-ca-nhac-si-9
Chân dung nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng với các anh là Phạm Đình Chương, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên khu IV với tư lệnh là tướng Nguyễn Sơn (là người làm chủ hôn cho nhạc sĩ Phạm Duy và danh ca Thái Hằng ở quán Thăng Long).

Từ giọng ca điêu luyện của Ban hợp ca Thăng Long...

Sự nghiệp của Phạm Đình Chương được nhắc đến ở hai vai trò: Ca sĩ và nhạc sĩ. Ở vai trò ca sĩ, Phạm Đình Chương từng là một trong ba thành viên chủ chốt của Ban hợp ca Thăng Long - một ban nhạc nức tiếng ở Sài Gòn trong thập niên 1950. Ông đã cùng với người anh - ca sĩ Hoài Trung và người em gái danh ca Thái Thanh tạo ra trào lưu trình diễn mới, tạo nên sự thành công lừng lẫy cho các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy cũng như các ca khúc do chính ông sáng tác.

nhac-si-pham-dinh-chuong-va-su-nghiep-ca-nhac-si-8
Anh chị em và dâu rể nhà Thăng Long; Hàng đứng, từ trái sang: Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Phạm Đình Sỹ. Hàng ngồi: Phạm Duy, Thái Hằng, Kiều Hạnh, Thái Thanh

Nhận xét về tiếng hát Hoài Bắc của Ban hợp ca Thăng Long, ca sĩ Quỳnh Giao nhận xét: "Hoài Bắc là một trong những giọng ca nam điêu luyện và xuất sắc của nhạc Việt trong hạ bán thế kỷ XX, từ những năm 1950 đến 1975 và sau đó nữa. Tiếng hát Hoài Bắc đậm đặc giang hồ, của men rượu hòa trong khói thuốc. Nhưng có lẽ Phạm Đình Chương đã hy sinh tiếng hát cho sự lừng lẫy của ban Thăng Long, mà ông là linh hồn, là con chim đầu đàn và tay hòa âm tuyệt vời.

Phòng trà Sài Gòn trước 1975 đã chẳng có nét văn nghệ rất phong lưu nếu không có tiếng hát và cây đàn Hoài Bắc cùng ly rượu và tiếng nhạc Phạm Đình Chương. Sài Gòn ngày này thì chưa biết đã vội quên, thật đáng tiếc cho thính giả".

... đến nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương bắt đầu sáng khi 18 tuổi (năm 1947) với ca khúc đầu tay "Ra đi khi trời vừa sáng", sau đó là ca khúc "Hò leo núi". Đây là hai ca khúc mang giai điệu hào hùng, tươi trẻ. 

Năm 1951, với nghệ danh Hoài Bắc, ông cùng các anh chị em là Hoài Trung, Thái Hằng, Thái Thanh lập nên Ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Để phục vụ cho hoạt động biểu diễn của ban nhạc này, Phạm Đình Chương sáng tác nhiều hơn. Các ca khúc của ông mang âm hưởng miền Bắc như nói lên tâm trạng của hoài hương của mình (khi đó, gia đình Thăng Long đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống và hoạt động nghệ thuật): Khúc giao duyên, Được mùa, Tiếng dân chài... Sau đó là các ca khúc tươi vui hơn: Ly rượu mừng, Đón xuân, Xóm đêm. Và không thể không nhắc đến là Trường ca "Hội trùng sinh" được ông hoàn thành trong vòng 4 năm. Có người xếp "Hội trùng sinh" ngang hàng với những bản trường ca nổi tiếng khác như "Sông Lô" (Văn Cao) hay "Hòn Vọng Phu (Lê Thương). 

Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Phạm Đình Chương là "Ly rượu mừng". Nhạc phẩm này được phổ biến trong dịp Tết trước 1975. Ca khúc mang giai điệu rộn ràng, vui tươi như lời chúc Tết tốt đẹp trong ngày Tết truyền thống với những câu vè quy tụ hầu hết các tầng lớp dân cư đương thời như: Anh nông phu, người thương gia, người công nhân, người binh sĩ... Ca khúc này còn từng được mệnh danh là "Đệ nhất xuân ca" đương thời.

Ở thập niên 1950, Phạm Đình Chương chỉ có một sáng tác lãng mạn để đời là ca khúc "Mộng dưới hoa" được phổ nhạc từ thơ Đinh Hùng. Ca khúc sau đó trở thành một trong những bài tình ca được ưa chuộng và hát nhiều nhất của nhạc Việt. 

Đánh giá về "Mộng dưới hoa", nhạc sĩ Vũ Thành viết: "Tác phẩm thành công nhất của Phạm Đình Chương theo tôi là Mộng dưới hoa, thơ Đinh Hùng phổ nhạc. Nét đặc thù của tác phẩm này là hơi nhạc tuy rất Việt Nam, mà lại được viết theo âm giai tây phương, chứ không cần đến ngũ cung như hầu hết các sáng tác có âm hưởng thuần túy Việt Nam khác. Ngoài ra, Mộng dưới hoa còn đặc biệt ở điểm rất cân đối và được cấu tạo như cung cách một bản nhạc 'mẫu' trong các sách giáo khoa về sáng tác. Mộng dưới hoa còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó. Người phổ nhạc chẳng những phải lệ thuộc vào số chữ mà còn phải lựa chung bậc cho đúng luật bằng trắc của bài thơ, không như trường hợp phổ nhạc thơ Pháp hay thơ Anh, chỉ cần theo đúng số chữ mà thôi. Vì vậy, thường thường các bài thơ Việt Nam được phổ nhạc đều viết theo thể tự do, không gò bó, thì mới theo sát được âm bằng trắc của từng chữ. Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ đúng được bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương".

nhac-si-pham-dinh-chuong-va-su-nghiep-ca-nhac-si-5
Tờ nhạc "Mộng dưới hoa" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Khoảng năm 1953 - 1954, Ban hợp ca Thăng Long có quay ngược ra Hà Nội biểu diễn với cái tên Gió Nam cùng nhiều nghệ sĩ danh tiếng của miền Nam. Đây cũng là thời điểm, nhạc sĩ Phạm Chương thăng hoa trong cả tình yêu và âm nhạc. Ông không chỉ sáng tác nhiều ca khúc hay mà còn nên duyên cùng nữ ca sĩ - minh tinh xinh đẹp Khánh Ngọc. Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng tày gang khi ông phát hiện Khánh Ngọc có mối quan hệ ngoài luồng với nhạc sĩ Phạm Duy (chồng danh ca Thái Hằng). Sau những đau đớn, tuyệt vọng, ông quyết định chia tay Khánh Ngọc. Và cũng từ đây, âm nhạc của Phạm Đình Chương rẽ sang một hướng khác, đó là những bản tình ca buồn rười rượi.

Các sáng tác của Phạm Đình Chương trong giai đoạn thập niên 1960 - 1970 tuy không nhiều bằng các nhạc sĩ cùng thời khác nhưng lại để lại tiếng vang khá lớn. Đặc biệt, ông sáng tác một loạt các ca khúc phổ thơ rất thành công như: Nửa hồn thương đau, Ngợi ca tình yêu, Đêm màu hồng (Thơ Thanh Tâm Tuyền); Khi cuộc tình đã chết (Thơ Du Tử Lê); Người đi qua đời tôi (Thơ Trần Dạ Từ); nổi bật nhất là ca khúc Đôi mắt người Sơn Tây (Thơ Quang Dũng). Cũng từ đó, Phạm Đình Chương được đánh giá là một trong những nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ hay nhất. Thậm chí, ông còn lập ra phòng trà với tên "Đêm màu hồng" và với Ban hợp ca Thăng Long, ông đã biến nơi này thành điểm hội tụ của các văn nghệ sĩ đương thời.

nhac-si-pham-dinh-chuong-va-su-nghiep-ca-nhac-si-7
"Nửa hồn thương đau" là bản tình ca nổi tiếng của Phạm Đình Chương

Sau 1975, Phạm Đình Chương chuyển qua Mỹ sinh sống. Tại nơi đất khách quê người, ông đã viết những ca khúc cuối cùng, gồm các bài hát phổ thơ như: Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Quê hương là người đó, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (phổ thơ Du Tử Lê), Hạt bụi nào bay qua (Thái Tú Hạp)...

Tất cả các sáng tác của Phạm Đình Chương được viết sau năm 1945 nhưng nhiều người vẫn gọi nhạc của ông là "nhạc tiền chiến", có lẽ là vì những ca khúc như: Mộng dưới hoa, Nửa hồn thương đau, Thuở ban đầu... đều có giai điệu mượt mà, ca từ lãng mạn, mang đậm chất của dòng nhạc tiền chiến (tên gọi các ca khúc được sáng tác trong thập niên 1930 - 1940).

Xem thêm: Biến cố hôn nhân của Phạm Đình Chương ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của ban hợp ca Thăng Long?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận