Nhạc sĩ Hoàng Giác và giấc "Mơ hoa" thơm ngát sang cả cõi vĩnh hằng

Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ vỏn vẹn 20 ca khúc, nhưng rất nhiều trong số đó được gọi là tuyệt phẩm. Đặc sắc nhất có lẽ là "Mơ hoa" và "Ngày về".

Đỗ Thu Nga
21:00 21/06/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ HOÀNG GIÁC

  • Tên thật: Hoàng Giác
  • Năm sinh - năm mất: 1924 - 2017
  • Quê quán: Hà Nội
  • Gia đình: 1 vợ và 1 con trai (nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm)
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến
  • Ca khúc nổi tiếng: Mơ hoa; Ngày về
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Bảo Ngọc, Ái Vân...
  • Thời gian hoạt động: 1945 đến 2017

Nhạc sĩ Hoàng Giác là ai?

Nhắc về dòng nhạc tiền chiến thì không thể không nhắc đến những nhạc sĩ tiêu biểu như Văn Cao, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Hoàng Quý, Lê Thương... và cả Hoàng Giác. So với các đồng nghiệp cùng thời, nhạc sĩ Hoàng Giác có số lượng nhạc phẩm khiêm tốn hơn nhưng đại đa số ca khúc do ông chắp bút đều có chỗ đứng nhất định trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam. Thậm chí có những nhạc khúc của ông được xếp vào hàng "tuyệt phẩm".

Nhạc sĩ Hoàng Giác (1924 - 2017) là người làng Chèm (nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Thân phụ của ông là người chơi đàn bầu rất hay nhưng lại đam mê môn quyền anh. Cha của ông từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc Kỳ. Bản thân Hoàng Giác cũng say mê môn thể thao nào.

nhac-si-hoang-giac-la-ai-va-nhac-si-hoang-giac-tai-hoa-co-nao-5
Nhạc sĩ Hoàng Giác thời trẻ

Ông theo học đến tú tài phần I ở Trường Bưởi (Lypro) từ năm 1939 - 1943. Niềm đam mê đàn bầu của Hoàng Giác có lẽ được di truyền từ cha. Hoàng Giác đã tự học guitar để có thể độc tấu, tự đệm cho giọng hát trầm ấm của mình.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Hoàng Giác bộc lộ khá rõ nét tài năng âm nhạc của mình. Vì vậy, ông không chỉ học nhạc ở trường mà còn tự học qua các tài liệu sáng tác cũng như hòa thanh của Pháp. Các kiến thức về nhạc lý của ông đa phần là tự học.

Tại mái trường Bưởi của ông cũng có rất nhiều bạn học mà sau này đều trở thành những cái tên nổi tiếng trong làng nhạc Việt như: Dzoãn Mẫn (tác giả Biệt ly), Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân), Đoàn Chuẩn (tác giả Thu quyến rũ)... Việc học cùng nhiều tài năng âm nhạc cũng thôi thúc ông tự tìm hiểu, tự học về nhạc nhiều hơn. Và hơn cả là ông gặp được những người bạn cùng yêu nhạc. 

Năm 1945, nhạc sĩ Hoàng Giác chắp bút và đưa ra "thị trường" nhạc phẩm "Mơ hoa". Và ngay cả ông cũng không ngờ được "Mơ hoa" sau này đã trở thành một tuyệt phẩm được công chúng rất ưa chuộng. 

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Hoàng Giác và gia đình sơ tán lên vùng Việt Bắc. Cuối năm 1946, ông sáng tác "Ngày về". Với Hoàng Giác, "Ngày về" là nhạc phẩm ông ưng ý nhất. 

nhac-si-hoang-giac-la-ai-va-nhac-si-hoang-giac-tai-hoa-co-nao-4
Nhạc sĩ Hoàng Giác đàn cho ca sĩ Ánh Tuyết hát

Năm 1948, ông trở về Hà Nội. Lúc này, tên tuổi của Hoàng Giác đã có mặt trên bản đồ tân nhạc Việt Nam. Các nhạc phẩm của ông được công chúng đón nhận và yêu mến. 

Bên cạnh vai trò là một ca sĩ tiền chiến, Hoàng Giác còn là người chơi đàn Ghi-ta Hawaii (hay còn gọi là Hạ Uy Cầm) rất giỏi. Ông từng có nhiều năm làm giảng viên guitar tại Trường Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương và Trường Âm nhạc dân tộc. 

Về đời tư, nhạc sĩ Hoàng Giác có tình yêu đẹp với bà Kim Châu. Hai người kết hôn năm 1951. Trái ngọt của cuộc hôn nhân này là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. 

Từ khoảng nửa sau thập niên 1960, gia đình ông rơi vào cảnh sống cơ cực bởi nhà cầm quyền VNCH ở miền Nam sử dụng bản nhạc "Ngày về" của ông để làm nhạc hiệu cho chương trình "Chiêu hồi".

Ngày 14/9/2017, nhạc sĩ Hoàng Giác qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 94 tuổi.

Nhạc sĩ Hoàng Giác - người đem lại "sự tươi mới cho dòng nhạc tiền Chiến"

Nhạc sĩ Hoàng Giác sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 nhạc khúc. Nhưng trong số đó có những ca khúc rất nổi tiếng như: Mơ hoa, Ngày về, Lỡ cung đàn. 

Và khi nhắc về sự nghiệp âm nhạc của mình, cố nhạc sĩ từng khiêm tốn chia sẻ: "Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì những đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu".

Nhạc sĩ Thụy Kha từng đánh giá về nhạc sĩ Hoàng Giác như sau: Dù sáng tác ít, nhưng ông là người đã đem lại tươi mới cho dòng nhạc tiền chiến giai đoạn 1938 - 1946. 

nhac-si-hoang-giac-la-ai-va-nhac-si-hoang-giac-tai-hoa-co-nao-6
Nhạc sĩ Hoàng Giác sáng tác vỏn vẹn 20 ca khúc nhưng trong số đó có rất nhiều tuyệt phẩm

"Là người xuất hiện vào nửa cuối của dòng nhạc tiền chiến nhưng ông Hoàng GIác đã đem đến sự tươi mới về tiết tấu, về tình cảm cho dòng nhạc này. Tiêu biểu nhất là ca khúc 'Mơ hoa'. Các tỏ tình của ca khúc này trực diện hơn, 'Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân. Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời...' chứ không hề kín đáo, bóng gió như những sáng tác của các đồng nghiệp trước ông. Bên cạnh 'Mơ hoa', phải kể đến ca khúc 'Ngày về', là ca khúc Hoàng Giác viết khi ông được về quần tụ với gia đình tại Vĩnh Yên. Ông sáng tác không nhiều, mà sau này ông chỉ dạy đàn, đi hát. Ông là một nghệ sĩ đích thực, tính cách của ông hay lắm. Ông có một người vợ Hà Nội rất đẹp".

Theo báo Người lao động, mỗi nhạc phẩm của Hoàng Giác đều gắn với liền với những kỷ niệm, là những xúc cảm chân thật nhất của con người ông về cuộc đời. Ví như "Mơ hoa" là cuộc tình trong trẻo của người thanh niên vừa bước vào đời; hay như "Ngày về" là nỗi lòng của kẻ đi xa nhớ về gia đình; hoặc "Quê hương" là xúc cảm khi đi qua những vùng quê kháng chiến chống Pháp. Tất cả là những nỗi niềm, những tâm sự mà Hoàng Giác góp nhặt trên đường đời. 

Nhạc sĩ Hoàng Giác và 2 tuyệt phẩm "Mơ hoa", "Ngày về"

Chân dung người con gái của giấc "Mơ hoa"

Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Giác là nhắc đến tuyệt phẩm "Mơ hoa". Thế nhưng ít ai biết được, phía sau tình khúc này là hình bóng của một cô gái đang ở độ tuổi trăng rằm. Cô gái ấy có mái tóc dài, dáng người thon thả, đôi mắt sáng như sao đêm. Ngay lần gặp đầu tiên, cô gái ấy đã khiến chàng thanh niên Hoàng Giác si mê.

Cô gái ấy tên Lê Thục Đoan, sống cùng gia đình ở Hà Đông (thuộc Hà Tây cũ) nhưng có một thời gian lên Hà Nội chăm bà nội và sống gần nhà Hoàng Giác. Cô hàng xóm xinh đẹp đã gieo thương, gieo nhớ cho chàng nhạc sĩ nghèo. Hoàng Giác yêu nàng lắm, nhớ nhung nhiều nhưng không dám tỏ tình. Ông giấu tình cảm trong tim và ấp ủ viết một nhạc phẩm tặng nàng. 

Chia sẻ về sự rung động đầu đời này, nhạc sĩ Hoàng Giác từng kể: "Lúc đó tôi mới 18, 19 tuổi nên mơ ước có những bài hát của người Việt. Lứa tuổi chúng tôi lúc đó hầu hết là học sinh, đều say sưa viết. "Mơ hoa" là một trong những bài tôi viết thời đó. Đấy là năm 1945 tôi vừa tốt nghiệp trường Bưởi. Ở gần nhà có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô mới 16 tuổi. Dáng người thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi, có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai cô gái mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi ước mơ viết một bài hát để tặng cô ấy, tất nhiên trong lòng đã mang một giấc mơ. Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi".

nhac-si-hoang-giac-la-ai-va-nhac-si-hoang-giac-tai-hoa-co-nao-0
Tuyệt phẩm "Mơ hoa" của nhạc sĩ Hoàng Giác

"Hoa mơ" được ra đời trong niềm vui, sự rộn ràng của con tim mới biết yêu nên tiết tấu tươi vui, rộn rã. Nhạc phẩm này được viết theo điệu cha cha cha.

Sau khi trình làng, nhạc phẩm này được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Có nhiều ca sĩ đã thu âm ca khúc này nhưng nhạc sĩ Hoàng Giác ưng nhất là bản của tài tử Ngọc Bảo và ca sĩ Elvis Phương. 

Nói về mối quan hệ với nàng thơ trong "Mơ hoa", bà Kim Châu (vợ nhạc sĩ Hoàng Giác) chia sẻ: Trong suốt 60 năm qua, hàng năm, cứ đến dịp sinh nhật của Hoàng Giác và bà Kim Châu là bà Thục Đoan lại tới thăm, tặng hoa và chúc mừng sinh nhật. Dù gia đình ông bà Hoàng Giác đã nhiều lần thay đổi chỗ ở nhưng cái "lệ" đến thăm không bao giờ thay đổi.

Ngược lại, vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Giác cũng không bao giờ quên sinh nhật bà Thục Đoan. Năm nào cũng gửi hoa quả và quà để tặng bà. Mỗi khi đi du lịch hay chơi xa, hai bà bao giờ cũng nhớ đến nhau. Cho đến tận bây giờ, hai người phụ nữ vẫn gọi nhau là chị - em. Và chính con trai nhạc sĩ Hoàng Giác - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng thường xuyên gọi "mẹ Đoan" đầy yêu thương trìu mến.

Trong những giây phút cuối đời của nhạc sĩ Hoàng Giác, bà Thục Đoan cũng ở bên cạnh. Đêm trước ngày ông ra đi, tức tối thứ Tư ngày 13/9/2017, bà Thục Đoan tới thăm ông, nắm tay, trò chuyện rất lâu rồi khuya muộn mới chịu về...

Nhạc khúc "Ngày về" - 'Tung cánh chim tìm về tổ ấm..."

Những người sống ở Sài Gòn trước năm 1975, hầu hết ai cũng biết nhạc khúc "Ngày về" của nhạc sĩ Hoàng Giác. Ca khúc này được ra được khoảng năm 1946, khi đó ông là đội viên trong đoàn tuyên truyền của Việt Minh và được trở về thăm nhà đang tản cư ở vùng Phúc Yên. Nếu như "Mơ hoa" viết cho "cuộc tình nhỏ" trong trẻo của người thanh niên vừa bước vào đời thì "Ngày về" là nỗi lòng của kẻ đi xa nhớ về tổ ấm gia đình. Và đây là nhạc phẩm mà Hoàng Giác ưng ý nhất.

"Tung cánh chim tìm về tổ ấm

nơi sống bao ngày giờ đằm thắm

nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi

luyến tiếc bao ngày xanh

Tha thiết mong tìm về bạn cũ

những cánh chim mịt mùng bạt gió

vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây

mờ khuất xa xôi nghìn phương..."

nhac-si-hoang-giac-la-ai-va-nhac-si-hoang-giac-tai-hoa-co-nao-8
Nhạc phẩm "Ngày về" từng khiến cho gia đình nhạc sĩ Hoàng Giác chật vật suốt thời gian dài

Nhạc sĩ Hoàng Giác mượn hình ảnh đàn chim lạc để thể hiện nỗi nhớ thương gia đình, nơi quê cũ của người đang lạc bước tha hương.

Đến thập niên 1960 thì chính quyền miền Nam sử dụng làm nhạc hiệu của chương trình chiêu hồi mang tên "Tiếng chim gọi đàn" trên đài phát thanh. Thời điểm đó, nhạc sĩ Hoàng Giác vẫn sống ở miền Bắc, và việc làm ở phía nam vĩ tuyến dùng ca khúc nổi tiếng nhất nhì của ông để phục vụ mục tiêu tuyên truyền đã làm cho nhạc sĩ gặp rắc rối trong thời gian dài. 

Nhạc sĩ Hoàng Giác và mối tình cuối cùng gắn bó hết đời

4 năm trôi qua kể từ khi rung lên tiếng lòng đầu tiên với "Mơ hoa", năm 1949, số phận lại xui khiến Hoàng Giác gặp được người con gái thứ hai. Với phái mày râu, chẳng cứ mối tình đầu tiên mà mối tình nào cũng đẹp, cũng mãnh liệt, miễn là người con gái của lòng mình để lại những ấn tượng đẹp, phù hợp với mình, khiến mình yêu say đắm.

Mối tình thứ hai của Hoàng Giác dẫn đến sự hứa hẹn một mai về chung nhà. Nhưng số phận xô đẩy, nàng phiêu dạt vào Nam, để rồi hai người lại ly tán. Và trong tình cảnh này, Hoàng Giác chắp bút viết nên "Lỡ cung đàn". Ông nói rằng, mãi đến sau này, khi đã bước sang dốc bên kia cuộc đời, cứ mỗi khi cầm đến cây guitar, ông lại nhớ về kỷ niệm này. 

Sau khi mối tình thứ hai vào Nam, ông ngẩn ngơ mất một thời gian, đến năm 1951, ông nghe đồn ở Hà thành có người con gái xinh đẹp được rất nhiều chàng trai mơ ước tên Kim Dung. Tất nhiên, Hoàng Giác không nằm trong số đó. 

nhac-si-hoang-giac-la-ai-va-nhac-si-hoang-giac-tai-hoa-co-nao-3
Nhạc sĩ Hoàng Giác và người vợ tào khang - bà Kim Châu

Biết ước muốn của con trai, song thân nhạc sĩ nhờ mai mối đánh tiếng ướm hỏi Kim Châu cho con trai. Nhưng Kim Châu bị bạn bè, người thân gièm pha rằng, không nên nhận lời anh chàng "xướng ca vô loài", lại nghèo rớt mồng tơi. Nhưng nàng phớt lờ mọi lời đàm tiếu.

Kim Châu từng nhiều lần cùng cha mẹ đến Nhà hát Lớn xem ca nhạc, đã được nghe tiếng hát cùng phong cách hào hoa của chàng trai Hoàng Giác trên sân khấu và cũng đã ngưỡng mộ từ lâu. Thế là Kim Châu đồng ý theo Hoàng Giác về chung nhà. Hoàng Giác lại ngây ngất trong hạnh phúc. 

Vợ chồng nhạc sĩ trẻ chỉ sống yên ổn trong khoảng 15 năm. Đến năm 1966, một tai họa ập xuống. Đó là việc ca khúc "Ngày về" quá nổi tiếng, chính quyền Sài Gòn dùng làm ca khúc tuyên truyền trên đài phát thanh. Chính vì thế mà Hoàng Giác bị "nghi ngờ" và trải qua một thời gian rất khó khăn. 

Bà Kim Châu từng chia sẻ, trong suốt thời gian dài đằng đẵng ấy, đã có biết bao đêm bà thức trắng, cúi xuống chiếc máy may cũ kỹ, cầm lên những que đan sờn tróc để may vá, đan thuê. Thời gian đó, để trang trải cuộc sống đã trở nên cùng cực, bà không từ bất cứ công việc gì, kể cả những việc nhỏ nhặt, cực khổ. Từ đó cho mãi đến thời kỳ Đổi mới, nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ lao vào dạy đàn để kiếm sống.

Nhưng rồi khó khăn cũng qua đi, chính sách văn nghệ dần cởi mở hơn, gia đình nhạc sĩ Hoàng Giác được trở về cuộc sống bình thường. Phần lớn thời gian gia đình ở căn nhà số 124 Hàng Bạc và có thời gian dạy đàn guitar trong căn nhà nhỏ nằm khuất sau những cửa tiệm buôn bán. Đến những năm cuối đời, gia đình ông chuyển về địa chỉ 115A8 Đầm Trấu. Mối tình với nàng Kim Châu trở thành mối tình cuối cùng và gắn bó đến hết đời. 

Xem thêm: Nhạc sĩ Xuân Tiên: "Cây trường sinh" của làng tân nhạc Việt Nam

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận