Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Nhà cách mạng nhiệt huyết, "cha đẻ" của những bản hùng ca giải phóng

Cuộc đời của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một bản hùng ca về sự nghiệp sáng tác, nghiên cứu âm nhạc phục vụ nhân dân, cách mạng và kháng chiến.

Đỗ Thu Nga
15:16 29/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ LƯU HỮU PHƯỚC

  • Tên thật: Lưu Hữu Phước
  • Bút danh: Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu, Hồng Chí
  • Năm sinh - năm mất: 1921 - 1989
  • Quê quán: Cần Thơ
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc cách mạng
  • Ca khúc nổi tiếng: Thanh niên hành khúc; Lên đàng; Hồn tử sĩ; Chủ nghĩa Việt Nam; Giải phóng miền Nam...
  • Thời gian hoạt động: Khoảng 1940 - 1989
  • Giải thưởng: Huân chương Độc lập hạng nhất (1987), giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996)

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là ai?

Nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam thật vinh dự khi có sự đóng góp to lớn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (ông là 1 trong 3 cây đại thụ, cùng với Văn Cao và Đỗ Nhuận). Chẳng những góp công lớn vào việc đặt nền móng mà còn là một động lực chính thúc đẩy nền âm nhạc cách mạng Việt Nam phát triển đấy rực rỡ trong giai đoạn dài của thế kỷ 20.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (12/9/1921 - 8/6/1989) sinh tại quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ). Ngoài tên thật, ông còn dùng một số bút danh khác như: Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu, Hồng Chí. 

Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được cha cho học đàn kìm. Sau này ông còn học thêm mandolin, guitar. Đặc biệt, ông có thời gian dài tự học lý thuyết âm nhạc. Khoảng cuối thập niên 1930, ông lên Sài Gòn và theo học tại trường Petrus Ký. Trong thời gian dù mài kinh sách ở đây, ông kết thân với Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ. Họ hình thành bộ 3: Huỳnh - Mai - Lưu, thành lập câu lạc bộ Học sinh (Scholar Club). Câu lạc bộ này trở thành đầu mối hội tụ những học sinh, sinh viên yêu nước. 

nhac-si-luu-huu-phuoc-la-ai-va-nhac-si-luu-huu-phuoc-que-o-dau-0
Chân dung nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Cuối năm 1939, Lưu Hữu Phước đã chắp bút sáng tác ca khúc "La Marche des Étudiants". Ông cùng với Mai Văn Bộ còn đặt lời tiếng Pháp để làm bài hát chính thức cho câu lạc bộ. 

Giai đoạn từ 1940 - 1944, Lưu Hữu Phước đỗ tú tài, ra Hà Nội theo học trường Y - Dược, thuộc Viện Đại học Đông Dương. Do ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Bình dân ở Pháp nên phong trào đấu tranh chính trị của sinh viên Đông Dương ở giai đoạn này vô cùng mạnh mẽ. Lưu Hữu Phước tham gia phong trào và nhanh chóng trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào và có dịp tiếp xúc với các thành viên của Việt Minh.

Trong những đợt tổ chức hoạt hoạt động về nguồn của sinh viên, nhạc sĩ Lưue Hữu Phước đã sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như: Non sông gấm vóc, Ải Chi Lăng, Hát giang trường hận, Hờn sông Gianh, Người xưa đâu tá... 

Năm 1942, nhân cuộc hành hương về Đền Hùng dịp Giỗ tổ Hùng Vương, nhằm thức tỉnh sinh viên từ bỏ mộng học giỏi đỗ cao làm quan cho thực dân Pháp, đồng lòng quyết chí trau dồi ý thức cứu dân, cứu nước, sẵn sàng tiến lên "đáp lời núi sông", khi Tổ quốc cần, Lưu Hữu Phước đã sửa phần lời Việt của bài  "La Marche des Étudiants" thành bài "Thanh niên hành khúc". Ca khúc này được biểu diễn ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh.

Đến năm 1943, vở ca kịch "Tục lụy" của ông được trình diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Cũng từ đây, tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng trong giới thanh niên Việt Nam. 

Năm 1944, ông được Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ vào Nam tham gia vận động cách mạng cùng với lúc nổ ra phong trào của sinh viên 3 miền (Bắc - Trung - Nam) rủ nhau bỏ học trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng. Nhóm Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Đặng Ngọc Tốt trong một đêm đã tập trung soạn 3 ca khúc "Xếp bút nghiêng, Mai về Nam, Gieo ánh sáng" để cổ vũ phong trào này, còn được gọi là phong trào Xếp bút nghiên, rầm rộ kéo dài đến tận ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với sự ra đời của ca khúc "Khúc khải hoàn" của ông.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - "âm nhạc là vật bất ly thân"

Sau khi giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ, người thanh niên Lưu Hữu Phước tham gia công tác tuyên truyền với chức vụ Giám đốc phòng xuất bản Nam Bộ (ông làm việc trong một thời gian ngắn). Đến tháng 5/1946, ông được điều động ra Hà Nội, nhận nhiệm vụ thành lập Trung ương Nhạc viện (tháng 9/1946). Sau đó, ông cùng tập thể Hội Văn hóa Cứu quốc tản cư đi kháng chiến ở Việt Bắc. Ông được giao nhiệm vụ thành lập đội Thiếu nhi tuyên truyền xung phong, sau được đổi thành Đoàn nhạc kịch Thiếu nhi kháng chiến thuộc Trung ương Nhạc viện. Đoàn đã lần lượt trình diễn một số vở kịch do ông sáng tác như: Con thỏ ngọc, Diệt sói lang, Phá mưu bù nhìn, Hai chàng lưng gù, Hái hoa dâng Bác (kỷ niệm 60 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1950, Lưu Hữu Phước được giao thành lập Trường Thiếu nhi Nghệ thuật. Ông được cử làm Giám đốc.

Trong chiến tranh Đông Dương, ông chắp bút viết nên các ca khúc: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Khúc khải hoàn, Đông Nam Á châu đại hợp xướng, Tuổi hai mươi, Nông dân vươn mình... 

Trong giai đoạn từ 1954 - 1965 (chiến tranh Việt Nam), ông theo lệnh tập kết ra Bắc, làm Trưởng ban Nghiên cứu Nhạc - Vũ thuộc Vụ Nghệ thuật (Bộ Văn hóa). Sau đó, ông làm Vụ trưởng Vụ Âm nhạc và Múa. Ngoài ra, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn có công tổ chức sưu tầm dân ca và đã cho ra đời các công trình nghiên cứu về quan họ. Ông góp công thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Múa, Trường Sân khấu điện ảnh, Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

nhac-si-luu-huu-phuoc-la-ai-va-nhac-si-luu-huu-phuoc-que-o-dau-9
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (bên trái) cùng nhà văn Nguyễn Văn Bổng và Lý Văn Sâm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Tháng 2/1965, ông được cử vào Nam, giữa chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Sau đó là chức Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Trong giai đoạn này, ông miệt mài sáng tác, cho ra đời các ca khúc cách mạng hào hùng: Dưới lá cờ Đảng vẻ vang; Bài hát Giải phóng quân, Tình Bác sáng đời ta, Hành khúc giải phóng, Xuống đường... Đặc biệt là ca khúc "Giải phóng miền Nam" - bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Giai đoạn sau 1975, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trở về làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Âm nhạc (1978-1989), được phong học hàm Giáo sư và Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Nghệ thuật CHDC Đức, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc Quốc gia, Thành viên Hội đồng Âm nhạc Quốc tế. Bên cạnh đó, ông còn là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Cả cuộc đời của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là âm nhạc. Đó là những ca khúc cổ vũ lòng yêu nước, là nhịp hành tiến bất tận giục giã trước hết là thanh niên mang bầu máu nóng tuổi trẻ cứu nước, cứu nhà, giết giặc lập công. Với ông, âm nhạc là vật bất ly thân. Và ở bất kỳ một cương vị nào, ông cũng miệt mài sáng tác, miệt mài lao động và cống hiến.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gắn bó với âm nhạc đến những ngày cuối đời. Ông từ trần vào ngày 8/6/1989 tại TP Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - người viết sử bằng âm nhạc

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã cống hiến cả cuộc đời, tài năng của mình cho đất nước và âm nhạc. Ông để lại cho hậu thế sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, bao gồm nhiều thể loại từ những bài hát lịch sử hào hùng cho đến những hành khúc hoành tráng, những ca cảnh, những bản nhạc múa cho đến những vở nhạc kịch...  Sự nghiệp âm nhạc của ông gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước luôn được xem là cánh chim đầu đàn, tài năng lớn, đại diện cho phái âm nhạc Nam Bộ thời điểm khởi đầu của nền tân nhạc. Ông là tên tuổi lớn của nhạc cách mạng Việt Nam, một danh nhân văn hóa Việt Nam; là một trong những người đầu tiên sử dụng thành công thể loại hành khúc (một thể loại được du nhập từ phương Tây) để hiệu triệu, thức tỉnh, động viên lớp trẻ tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông đã đem đến những tác phẩm chính ca xuất sắc, có tầm tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật cao, mang tính lịch sử: Tiếng gọi thanh niên, Giải phóng miền Nam, Bạch Đằng Giang, Lên đàng... 

Tờ VietNamNet từng đánh giá: "Có thể nói, Lưu Hữu Phước là một nhà viết sử bằng âm nhạc. Những ca khúc cách mạng của ông có sức cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp công chúng, luôn xốc họ dậy, hòa vào dòng thác cách mạng mà rất nhiều thế hệ Việt Nam từng thuộc lòng như: Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Tuổi 20...".

Trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, ông lại tiếp tục vai trò là cánh chim đầu đàn trong giới nhạc sĩ tham gia vào công cuộc tuyên truyền, cổ vũ kháng chiến với hàng loạt nhạc phẩm lay động lòng người. Ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến bài hát "Giải phóng miền Nam" với bút danh Huỳnh Minh Siêng. Ca khúc này giống như lời hiệu triệu của Tổ quốc với mỗi người dân miền Nam trước thực trạng quê hương bị giày xéo bởi giặc Mỹ xâm lược: "Vùng lên! Nhân dân miền nam anh hùng - Vùng lên! Xông qua vượt bão bùng. Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh suốt đời. Cầm gươm, ôm súng xông tới...". 

Có thể nói, ở thể loại hùng ca, chính ca (ca khúc chính luận hào hùng, sôi động, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là "cánh chim đầu đàn". Với bút danh Lưu Nguyễn - Long Hưng, ông cho ra đời 3 ca khúc nổi tiếng: Giờ hành động (1962), Hành khúc giải phóng (1962), Bài ca giải phóng quân (1963). 

Nhiều người có chung ý kiến, Lưu Hữu Phước có biệt tài trong việc tạo ra những búc tranh cổ động hoành tráng bằng âm thanh với lời lẽ hết sức hàm súc, đạt tính khái quát cao. Ví dụ như trong ca khúc "Giờ hành động": "Bạn ơi! Gió mới 5 châu nâng bước chân đi! Bạn ơi! Chiến đấu gian nguy ta có sá chi! Trào cách mạng đang bùng cơn giông tố".

nhac-si-luu-huu-phuoc-la-ai-va-nhac-si-luu-huu-phuoc-que-o-dau-8
"Ải Chi Lăng" là một trong những sáng tác của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Khi giặc Mỹ phát động chiến tranh leo thang ở miền Bắc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng lúc sáng tác 2 bài hát: Sẵn sàng chiến đấu và Thanh niên 3 sẵn sàng. Hai bài hát này ra đời vào năm 1964. Hai ca khúc này nhanh chóng được phổ biến và ai ai cũng thuộc lòng. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giải phóng Sài Gòn là điều canh cánh trong lòng mỗi chiến sĩ. Đáp ứng ý nguyện cháy bỏng này, Lưu Hữu Phước cho ra đời ca khúc "Tiến về Sài Gòn". 

Nhận xét về tài năng âm nhạc của Lưu Hữu Phước, GS, NSND Quang Hải từng chia sẻ: "Lưu Hữu Phước là người đứng đầu thể loại hành khúc và cũng có thể nói là trên thế giới xưa nay hiếm...".

Nhạc sĩ Trọng Bằng - Tổng Thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam đánh giá: "Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một trong những cánh chim đầu đàn trong sự nghiệp xây dựng nền âm nhạc các mạng Việt Nam. Cả đời anh gắn bó với đấu tranh giải phóng dân tộc, âm nhạc của anh đã có mặt trong những bước ngoặt quyết định của vận mệnh dân tộc".

Ở mảng nhạc trữ tình, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng có một số tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Ngoài ra, ông còn sáng tác nhạc thiếu nhi, ca cảnh, ca kịch, nhạc cho kịch múa và viết nhiều bài báo, tiểu luận về âm nhạc. Hầu hết những nghiên cứu, sáng tác của ông đều có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của âm nhạc Việt Nam. 

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và một vài nhạc phẩm tiêu biểu

Theo GS, NSND Quang Hải đối với bất cứ nhạc sĩ nổi tiếng nào trên thế giới, để lại một bài chính ca không phải là dễ. Riêng Lưu Hữu Phước đã để lại nhiều bài loại này.Trong đó, phải kể đến 5 bài hát tiêu biểu sau:

Thứ nhất, "Thanh niên hành khúc": Đây là bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền phong. Sau này,  chính quyền VNCH chỉnh lại lời ca từ và chọn làm Quốc ca với tên "Tiếng gọi công dân". Mặc dù, Lưu Hữu Phước cực lực phản đối do sử dụng trái phép ca khúc này, bài hát "Tiếng gọi công dân" vẫn được sử dụng rộng rãi ở miền Nam Việt Nam cho tới ngày 30/4/1975. Đến nay, bài hát đã được phổ biến với lời gốc.

Thứ hai, bài hát "Lên đàng": Ca khúc này có phần lời của Huỳnh Văn Tiểng, được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phổ nhạc và ra đời năm 1944. Ca khúc giống như lời kêu gọi, cổ vũ quần chúng hòa mình vào làn sóng đấu tranh cách mạng. "Lên đàng" mang âm hưởng dân gian truyền thống, nhịp điệu hành khúc, tiết tấu nhanh, mạnh theo nhịp bước đi nên dễ dàng phổ biến, tạo nên không khí sôi sục, thúc giục thanh niên cùng nhau xông pha. Hơn 70 năm qua, "Lên đàng" vẫn là ca khúc phổ biến trong tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên.

nhac-si-luu-huu-phuoc-la-ai-va-nhac-si-luu-huu-phuoc-que-o-dau-6
"Lên đàng" nhiều lần nằm trong top những ca khúc không quên về Cách mạng Tháng Tám

Thứ ba, ca khúc "Hồn tử sĩ": Đây là bài hát được dùng trong các lễ tang theo nghi thức nhà nước của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bài hát này trước 1975 cũng được Việt Nam Cộng hòa sử dụng trong các nghi thức lễ tang quân đội.

Thứ tư, ca khúc "Giải phóng miền Nam": Đây là bài hát chính  thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quốc ca Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Lưu Hữu Phước được ghi nhận như thế nào?

Có thể nói, những ca khúc cách mạng của Lưu Hữu Phước có sức cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp công chúng, luôn xốc họ dậy, hòa vào dòng thác cách mạng mà rất nhiều thế hệ Việt Nam từng thuộc lòng. 

Với những cống hiến không ngừng nghỉ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương. Trong đó, không thể không nhắc đến Huân chương Độc lập hạng nhất (1987), giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996). Sau năm 1975, ông được phong học hàm Giáo sư và Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Nghệ thuật CHDC Đức. 

nhac-si-luu-huu-phuoc-la-ai-va-nhac-si-luu-huu-phuoc-que-o-dau-5
Bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Tên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn được đặt cho tên đường, trường học, công viên: Có 1 công viên tại quận Ninh Kiều (Cần Thơ) mang tên Lưu Hữu Phước; 1 trường THPT ở quận Ô Môn (TP Cần Thơ) mang tên Trường Trung học Phổ thông Lưu Hữu Phước; tên ông còn được đặt cho một số trường tiểu học trên cả nước; Có 1 con phố ở Hà Nội nằm trong khu đô thị Mỹ Đình II được đặt tên phố Lưu Hữu Phước. 

Đặc biệt, vào năm 2011, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921- 1989)”. Bộ tem có khuôn khổ 43 x 32 (mm). Tem gồm 1 mẫu, giá mặt 4.000 đồng. Tư liệu phục vụ thiết kế bộ tem này do gia đình nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cung cấp và cho phép sử dụng. 

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và kho tàng nhạc phẩm để đời

Cuộc đời và âm nhạc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước kết tụ những hoài bão thiết tha của cả dân tộc là độc lập, tự do, phản ánh ước nguyện cháy bỏng của thanh niên Việt Nam, nhất là thanh niên tri thức: Hi sinh vì Tổ quốc, dựng xây non sông. Tất cả ước vọng này đã được thai nghén, truyền tải bằng âm nhạc với những tác phẩm xuất sắc sắc sau:

Những ca khúc nổi tiếng Ải Chi Lăng; Bạch Đằng Giang; Bài hát giải phóng quân; Bạn đường đi hội đền Hùng; Ca ngợi Hồ chủ tịch (Lãnh tụ ca) (1947); Cả cuộc đời về ta (1958); Dưới cờ Đảng vẻ vang (1960); Đông Nam Á châu đại hợp xướng (1948); Em yêu chị Raymonde (1948); Giải phóng miền Nam (1961); Gieo ánh sáng; Giờ hành động; Hành khúc Giải phóng; Hành khúc học sinh trường Châu Văn Liêm; Hát Giang Trường Hận (1942 - 1943); Henri Martin; Hội nghị Diên Hồng; Hờn sông Gianh (1944); Hồn tử sĩ (1946); Hương Giang dạ khúc; Khúc khải hoàn (1945); Kinh cầu nguyện; Lên đàng (1944); Lục quân Trần Quốc Tuấn; Lời ru chim Lạc; Múa vui; Non sông gấm vóc; Nông dân vươn mình; Reo vang bình minh (1947); Thanh niên 3 sẵn sàng (1965); Thiếu nhi thế giới liên hoan (1950); Tấm ảnh Bác Hồ; Tiến về Sài Gòn (1966); Tiếng gọi thanh niên (Thanh niên hành khúc, Tiếng gọi Công dân) (1939); Tình Bác sáng đời ta (1969); Thiếu nữ Việt Nam; Thượng lộ tiểu khúc; Tuổi hai mươi (1950); Việt nữ gọi đàn; Vui xuân; Xuống đường.
Ca cảnh Tụy lụy (phổ theo vở kịch của Khái Hưng) (1943); Con Thỏ Ngọc; Diệt sói lang; Hội nghị Diên hồng.
Ca kịch Bông sen; Phá mưu bù nhìn.
Kịch múa Hái hoa dâng Bác. 

Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Thương và quan điểm làm nhạc: "Không mang đậm phong vị dân tộc, chớ mong tác phẩm sống lâu được"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận