Nhạc sĩ Canh Thân: Một đời tài hoa phiêu lãng chốn trần gian

Nhạc sĩ Canh Thân là một trong những nhạc sĩ tiên phong của làng tân nhạc Việt, nổi tiếng với những sáng tác mang nét tươi vui, dí dỏm như “Cô hàng cà phê”, “Túi đàn”, “Đi với tôi”,…

Diệu Nguyễn
09:30 22/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhc.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ CANH THÂN

  • Nghệ danh: Canh Thân, Tino Thân (nghệ danh khi ca hát)
  • Ngày sinh: 1920 - 1970
  • Quê quán: Hải Phòng
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến
  • Ca khúc nổi tiếng: Khúc ca mùa hè, Túi đàn, Cô hàng cà phê,...
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Ngọc Bảo, Sĩ Phú, Thái Châu, Ái Vân,...
  • Thời gian hoạt động: 1939 - 1970

Nhạc sĩ Canh Thân là ai?

Nhạc sĩ Canh Thân sinh năm 1920, quê gốc tại Hải Phòng. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Nhạc sĩ Canh Thân là cậu ruột của nữ danh ca tân nhạc thời kỳ đầu – ca sĩ Ái Lên (mẹ của ca sĩ Ái Vân).

Năm 1939, nhạc sĩ Canh Thân tham gia nhóm Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý, cái nôi cho nhiều nhạc sĩ như Văn Cao, Phạm Ngữ, Tô Vũ viết những ca khúc cổ vũ lòng tự hào dân tộc và những bài tình ca đầu tiên của tân nhạc.

Như người ta kể lại, Canh Thân ngoài vai trò nhạc sĩ còn ca sĩ biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào những năm 1953-1954. Nhưng chừng hai thập niên trước đó, ông là một trong số những thanh niên Hà Nội cuốn theo trào lưu “bài ta theo điệu Tây”, nghĩa là đặt lời Việt cho các bài hát Pháp. Nhạc sĩ Canh Thân từng một thời ái mộ ca sĩ Tino Rossi, một giọng ca trữ tình nước Pháp, thậm chí ông còn lấy nghệ danh là Tino Thân khi đi hát. Không khí giao thời mưa Âu gió Á thời ấy đã nhào nặn nên một nhạc sĩ Canh Thân rất Tây.

nhac-si-canh-than-la-ai-va-danh-gia-ve-am-nhac-cua-nhac-si-canh-than-1
Nhạc sĩ Canh Thân là cậu ruột của nữ danh ca tân nhạc thời kỳ đầu là ca sĩ Ái Lên (mẹ của ca sĩ Ái Vân)

Trong thời gian theo kháng chiến chống Pháp ở vùng chiến khu 3, nhạc sĩ Canh Thân cho ra đời ca khúc “Cô hàng cà phê”. Đây là một nhạc phẩm di dỏm, vui tươi và có phần hơi tân thời, lạ lẫm so với những ca khúc khác cùng thời điểm. Đến năm 1951, nhạc sĩ Canh Thân trở về thành.

Năm 1954, ông di cư vào Nam, tại đây ông làm hạ sĩ quan phục vụ Quân lực VNCH, làm việc trong ngành tâm lý chiến tranh của Đài phát thanh Sài Gòn và cũng thường xuyên nhận chơi contre pass cho ban nhạc. Vì gia đình đông con nên thường xuyên túng thiếu, chưa kể thêm gánh nợ của “nàng tiên nâu” nên nhạc sĩ Canh Thân sa lầy vào nghiện ngập không lối thoát.

Cuộc sống cứ thế lay lắt, đến năm 1970 tại Sài Gòn, nhạc sĩ Canh Thân mất.

Nhạc sĩ Canh Thân – Âm nhạc của những thú vui thị thành

Nhạc sĩ Canh Thân có vẻ như là một người rong chơi, lãng tử, nói theo kiểu bông đùa thời nay là “nhạc nào cũng nhảy”, nhưng có lẽ không sai. Âm nhạc của Canh Thân là âm nhạc của những giai điệu có chất hài hước, rộn ràng, là nhạc sĩ của những thú vui thị thành.

Ngay từ lúc khởi đầu, nhạc sĩ Canh Thân đã chọn khuynh hướng tuổi trẻ lên đường với những khúc ca vui tươi, mang nhịp điệu tươi trẻ khiến tầng lớp thanh niên thiếu nữ thời ấy rất ưa chuộng. Nghe nhạc ông viết thời ấy, người ta sẽ tưởng tượng ra ngay một chàng thanh niên yêu đời, mang trên vai cây đàn, vui với đời sống thanh niên. Điều này được thể hiện rõ nhất qua những ca khúc như “Túi đàn”, “Khúc ca mùa hè”, “Đi với tôi đến chốn trời xa”,…

Nhạc sĩ Canh Thân là một trong số những thành niên thời ấy bị ảnh hưởng bởi văn hóa và phong cách Tây phương. Thế nên trong những sáng tác của ông, đâu đấy ta vẫn thấy phảng phất hơi thở của những bài hát Pháp. Nhắc đến nhạc sĩ Canh Tân, những người yêu nhạc sẽ nhắc ngay đến ca khúc “Cô hàng cà phê”. Dù nằm trong khung âm nhạc của truyện ca mang âm hưởng nét nhạc cổ truyền, nhưng tinh thần phóng túng, tay chơi của một văn hóa bị ảnh hưởng bởi Tây Phương đã phi phối mạnh đến lời ca trong bài. Ngay trong phần tựa đề bài hát, hai chữ “cà phê: cũng đã đủ đẩy bài hát lên thành biểu tượng của ái tình mang màu sắc đô thị của một Hà Nội kiểu Pháp thời ấy.

nhac-si-canh-than-la-ai-va-danh-gia-ve-am-nhac-cua-nhac-si-canh-than-2
Ca khúc "Túi đàn" của nhạc sĩ Canh Thân

Khi viết những ca khúc trong sáng thì nhạc sĩ Canh Thân đạt được tinh thần vui tươi, lạc quan hơn ai hết. Đến khi viết thể loại trữ tình thì cả nhạc và lời của ông cũng trở nên mềm mại, dịu dàng như chảy mây trôi. Đó là cái tình của trong âm nhạc của Canh Thân. Điều này ta có thể nhìn rõ trong bài “Hoa Mai” của ông:

“Hoa mai trong gió cười lả lơi

Hoa như ngây ngất say tình đời

Hoa như quyến luyến tâm hồn tôi

Như hẹn nhau từ ngàn kiếp xa xôi…”.

Nhớ đên Canh Thân, nhiều người còn nhớ đến cả những sáng tác “trào phúng” của ông. Một kiểu trào phúng rất nhẹ nhàng, rất buồn cười nhưng lại sâu cay vô cùng. Như trong bài “Vỉa hè” có đoạn: “Hôm qua tôi trông thấy một con chó nhà kia/ Tôi thấy nó ăn mà tôi thèm…”. Bài hát này được Canh Thân viết lúc đang trên đường vào Nam. Trên đường gian nan, đói khổ nhìn thấy con chó nhà nọ ăn ngon mà thấy thèm. Đó là một câu chuyện nghe thì buồn cười, mà rồi ngẫm nghĩ thì mới thấy cười ra nước mắt.

Kho tàng tâm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Canh Thân

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Canh Thân sáng tác không nhiều, chỉ khoảng vài chục bài, có thể kể đến gồm: Cô hàng cà phê, Áo đi mưa, Anh còn cây đàn, Bụi phong trần, Buồn lặng lẽ, Các anh về, Cái bụng tốt, Cầu nguyện thanh bình, Chiến đáu cho hòa bình, Chúc xuân, Đi với tôi đến chốn trời xa, Đi chơi Sài Gòn, Đêm trăng, Em gái tôi, Gửi niềm thương, Khi ta ra đi, Khúc ca mùa hè, Khúc hát nông dân, Khúc liên hoa, Mơ chiến thắng, Nhạc lòng, Ngày ra đi, Phút chia tay, Ra đi muôn phương, Túi đàn, Yêu là ảo mộng, Vỉa hè, Xuân nghèo,…

nhac-si-canh-than-la-ai-va-danh-gia-ve-am-nhac-cua-nhac-si-canh-than-3
Ca khúc "Cô hàng cà phê" của nhạc sĩ Canh Thân

Trong đó, ca khúc “Cô hàng cà phê” là nổi tiếng nhất. Đây là một nhạc phẩm dí dỏm, vui tươi và có phần tân thời với những câu hát nhấn nhá, ý nhị, phảng phất giọng điệu của những khúc dân ca, ca dao. Đương thời, nhiều người đồn đoán rằng “Cô hàng cà phê” này chính là danh ca Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên sự thực thì Thái Hằng mở quán ở vùng Thanh Hóa. Còn cô hàng cà phê của nhạc sĩ Canh Thân là ở chợ Dầu, Hà Nam, một quán cà phê nổi tiếng thời ấy mang tên Thanh Hương.

“Lơ thơ tơ liễu buông mành

Cho hay cái sắc khuynh thành

Làm cho nhiều chàng chêt mê mệt

Đi đâu cũng ghé qua hàng

Mong trông thấy bóng cô nàng

Thì trong lòng chàng mới yên…”.

Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Canh Thân – Một đời tài hoa phiêu lãng

Ở thời kỳ bình minh của tân nhạc Việt, âm nhạc của Canh Tân nổi lên như một hiện tượng với sự vui tươi, hóm hỉnh, tràn đầy nhiệt huyết của thanh xuân nên rất được tầng lớp thanh niên thời đó yêu thích.

Nhạc sĩ Canh Thân khi còn trẻ tượng trưng cho sức sống hăng hái, tươi vui của tuổi trẻ, vậy mà khi về già lại sa lầy vào con đường nghiện ngập, để rồi mất trong cơ cực, nghèo khổ.

nhac-si-canh-than-la-ai-va-danh-gia-ve-am-nhac-cua-nhac-si-canh-than-4
Nhạc sĩ Canh Thân trong ban nhạc của Vũ trường Le coq d'or (Canh Thân là người cao đứng ở góc trái)

Ca sĩ Quỳnh Giao đã từng viết về nhạc sĩ Canh Thân như sau: “Quỳnh Giao sẽ không bao giờ quên hình ảnh nhạc sĩ Canh Thân đứng trong góc phòng vi âm với cây contre basse cũng to lớn như thân hình ông. Tính ông ít nói và ít cười và chẳng bao giờ đụng chạm đến ai. Dáng ông chậm chạp uể oải. Cứ thế, ông lặng lẽ đến và lặng lẽ đi…”.

Nhạc sĩ Canh Thân đến và đi lặng lẽ qua nhân gian này. Cho đến nay, những thông tin về đời tư của ông còn lại rất ít. Canh Thân không để lại tên tuổi, thứ còn xót lại ở trần giang phải chăng cũng chỉ có gia tài với vài chục nhạc phẩm cho đời, đóng góp vào nền tân nhạc Việt Nam. Một đời nhạc sĩ tài hoa phiêu lãng… cứ thế trôi qua!

Xem thêm: Nhạc sĩ Y Vân: Đa tình trong âm nhạc, chỉn chu trong đời thường

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận