Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Một "vầng trăng sáng", một tấm chân tình dành cho nghệ thuật

Giữa ngày hạ đỏ lửa năm 2010, làng nhạc Việt bàng hoàng khi nghe tin, Vũ Đức Sao Biển đã hóa thành cánh hạc, "bay mãi bỏ trời mơ". Ông ra đi để gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 3000 bản tình ca...

Đỗ Thu Nga
08:00 17/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ VŨ ĐỨC SAO BIỂN

  • Tên thật: Võ Hợi
  • Nghệ danh: Vũ Đức Sao Biển, Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại
  • Năm sinh - năm mất: 1947 - 2020
  • Quê quán: Quảng Nam
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo
  • Thể loại sáng tác: Tình khúc 1954 - 195; phiếm luận, tiểu phẩm trào phúng
  • Ca khúc nổi tiếng: Thu, hát cho người; Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang; Đau xót lý chim quyên; Điệu buồn Nam Phương
  • Tác phẩm nổi bật: Kim Dung giữa đời tôi
  • Giai đoạn sáng tác: 1968 - 2019

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là ai?

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (tên thật là Võ Hợi, 1947 - 2020) sinh ra tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Năm 18 tuổi, ông chuyển vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm (Ban Việt - Hán) và Đại học Văn khoa (ban Triết học phương Đông). Tháng 10/1970, ông tốt nghiệp rồi xuống Bạc Liêu dạy Văn và Triết học bậc trung học tại trường Công lập Bạc Liêu cho đến năm 1975.

Sau sự kiện 30/4/1975, ông trở về TP Hồ Chí Minh dạy học. Ông từng có thời gian làm việc tại phòng Giáo dục huyện Nhà Bè. 

Kể từ năm 1975 cho đến cuối đời, ông có cộng tác cho nhiều tờ báo như: Tuổi Trẻ Cười, Thanh Niên, Kiến thức ngày nay, Công an TP Hồ Chí Minh, Pháp luật TP Hồ Chí Minh... ở các lĩnh vực chính trị, xã hội, tòa án. Đặc biệt, ông là cây bút nổi bật của tờ Tuổi Trẻ Cười với bút danh Đồ Bì. 

Ngoài viết báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn viết tiểu thuyết, tiểu phẩm trào phúng và đặc biệt là phiếm luận về truyện kiếm hiệp Kim Dung (với tác phẩm 'Kim Dung giữa đời tôi'). 

Sự nghiệp sáng tác của Vũ Đức Sao Biển kéo dài từ năm 1968 đến năm 2019. Đặc biệt, có không ít sáng tác của ông liên quan đến vùng đất Bạc Liêu.

nhac-si-vu-duc-sao-bien-la-ai
Chân dung nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Theo Báo Bạc Liêu, Vũ Đức Sao Biển xem Bạc Liêu như quê hương thứ hai của mình. Ông đã sáng tác một loạt các ca khúc về Bạc Liêu và miền đất phương Nam như: Điệu buồn Phương Nam, Trở lại Bạc Liêu, Trên sóng Cửu Long... Trong đó "Trở về Bạc Liêu" là ca khúc sở hữu những ca từ chất chứa thương yêu "Bạc Liêu miền đất phương Nam sáng ngời tình yêu thủy chung". 

Trong nhiều lần đi - về quê hương thứ hai này, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển làm một việc đầy ý nghĩa với Bạc Liêu, đó là phục dựng bản "Dạ cổ hoài lang" của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra âm nhạc phương Tây, rồi dịch thuật "Dạ cổ hoài lang" để phổ biến ra khắp thế giới. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã góp công lớn cho bản nhạc bất hủ của Bạc Liêu được sải những bước dài và rộng trong lòng công chúng, cả về thời gian lẫn không gian... 

Ở vai trò nhà giáo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển được học sinh, sinh viên nhiều thế hệ yêu mến. Năm 2009, ông được Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh mời về thỉnh giảng hai môn "Tạp văn và tiểu phẩm" và "Tường thuật chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật" cho Khoa Báo chí - Truyền thông của trường. 

Theo tác giả Mai Quỳnh Nga (Công an nhân dân Online), thầy Vũ Đức Sao Biển là một thầy giáo nghiêm khắc, nhất là về vấn đề giờ giấc vào lớp. Nhưng khi đã vào giờ thì thầy dạy lại vô cùng hấp dẫn. Với nhóm học trò mê truyện kiếm hiệp thì "khoái" thầy dạy vô cùng. Bởi thầy từng nổi danh là nhà "Kim Dung học". Thầy lúc nào cũng cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho học trò. Đổi lại, các thế hệ học trò dù thành công hay từng thất bại, ai ai cũng nhớ mãi những ngày tháng được làm học trò của thầy. 

Còn nhớ, năm 2017, khi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển mổ khối u bạch sản trong cổ họng. Bệnh trở nặng, di căn thành ung thư vòm họng. Học trò cũ lũ lượt về thăm. Có người đã thành ông ngoại, bà nội nhưng vẫn khóc tu tu trước mặt người thầy kính yêu. Trong khi đó thầy lại cười bảo: "Thầy còn sống nhăn, đừng khóc nữa".

Đến năm 2018, do ảnh hưởng từ ca phẫu thuật vùng cổ mà ông mất hẳn tiếng. Trở thành người câm bất đắc dĩ. Ông giao tiếp với mọi người thông qua một cây bút. Với người hoạt ngôn, đối diện căn bệnh hiểm nghèo, bị mất tiếng, đó là điều khủng khiếp và đau khổ. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng từng dặn vặt, đau khổ nhưng rồi phải tập chấp nhận để sống và sống thật mạnh mẽ cho bõ những ngày cuối đời.

Nhìn về bệnh tật, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng tự giễu nhại:

“Thưa với anh chị em, tôi mất tiếng nói rồi.

Bác sĩ bảo do bị nhồi máu não.

Làm tắt dây thanh, nên dù tôi muốn nói

Vẫn cứ khào khào như tiếng vịt đực xiêm lai.

Nếu còn nhớ nhau xin chớ điện thoại cho dài

Chỉ nhắn một cái tin thăm hỏi nhau là đủ.

Tôi không chảnh nhưng vì không thể nói.

Nói không ra lời thì cố nói làm chi?

May mắn thay, tôi còn cái đầu tư duy

Chưa đến nỗi lẫn lộn Bà Hom ra Bà Điểm.

Và còn có hai bàn tay gõ lên bàn phím

Những buồn vui đời làm báo, tuổi già...”.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm có lại đối mặt với bệnh tật hiểm nghèo mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vẫn miệt mài viết báo, sáng tác âm nhạc. Gia tài của ông lên đến 300 bài hát, hàng nghìn bài báo, hơn 50 đầu sách. 

Âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển: Đẹp như đêm trăng và cũng cô liêu như đêm trăng

Trước tiên phải nhận định rằng, Vũ Đức Sao Biển là người nghệ sĩ đa tài và khiêm tốn. Dẫu trong hoàn cảnh nào ông cũng vẫn miệt mài sáng tác, để lại cho đời những sản phẩm trí tuệ có giá trị.

Riêng về mảng âm nhạc, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng thừa nhận, âm nhạc của mình đa phần buồn, một nỗi buồn man mác. Nó đẹp như đêm trăng và cũng cô liêu như đêm trăng. Ông yêu trăng bởi trăng như người tri kỷ. Trăng dung dị, thanh bạch mà cô đơn như hồn cõi mình. 

Nếu theo dõi sự nghiệp sáng tác của Vũ Đức Sao Biển thì dễ dàng nhận thấy, có hai hình tượng tiêu biểu trong âm nhạc của ông, đó là: Đồi sim và ánh trăng. Đồi sim là hình dáng quê hương xứ Quảng, còn ánh trăng là phương Nam ngọt lành. 

Ánh trăng phù kín trong các ca khúc của ông: "Về phương Nam lắng nghe cung đàn/ Thao thức vọng dưới trăng mơ màng…” (Điệu buồn phương Nam); hay "Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió/ Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ” (Thu, hát cho người)... 

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, bộ ba ca khúc "Thu, hát cho người; Điệu buồn phương Nam; Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang" có lẽ là nổi tiếng hơn cả và sống mãi cùng năm tháng.

Ca khúc "Thu, hát cho người" được sáng tác năm 1968 khi ông vừa tròn 20 tuổi. Ca khúc được các danh ca đời đầu như Hà Thanh, Anh Ngọc, Phượng Bằng, Mai Hương, Quỳnh Dao, Vân Quỳnh, Ngọc Long... thể hiện rất thành công.

nhac-si-vu-duc-sao-bien-la-ai-0
2 trong 3 ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Hai ca khúc về phương Nam "Điệu buồn phương Nam và Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang" cũng được nhiều ca sĩ hát và có vài chục phiên bản. Hương Lan, Phi Nhung rồi các lớp ca sĩ dòng dân ca - quê hương sau này đã từng góp giọng.

Ca sĩ Bích Phượng - người từng thể hiện thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho biết: "Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là người miền Trung nhưng sáng tác của ông lại mang đậm âm hưởng dân ca Nam Bộ. Điều này thật thú vị. Ông đã lĩnh hội và cảm nhận trọn vẹn tình của đất và người nơi đây để đưa vào nhạc phẩm".

Cũng theo ca sĩ Bích Phượng, vì từng có thời gian làm nhà giáo nên câu cú, chữ nghĩa của ông cũng rất chuẩn mực, trong sáng, dễ hiểu. Khi nghe âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển, khán giả có thể hình dung ngay về cuộc sống, tâm hồn của người Nam Bộ. 

Lúc sinh thời, ca sĩ Phi Nhung cũng từng có những chia sẻ rất chân tình về nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng như về âm nhạc của ông. Trong ký ức của Phi Nhung, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển luôn làm việc tận tình, kỹ tính, sẵn sàng giúp đỡ các ca sĩ. 

Phi Nhung kể, ngày ở hải ngoại không có nhiều ca khúc riêng để hát ngoài "Phải lòng con gái Bến Tre" và "Lý con sáo Bạc Liêu". Cô đã trở về Việt Nam tìm gặp nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nhạc sĩ Thanh Sơn, Bắc Sơn để nhờ viết những ca khúc mới, phù hợp với chất giọng và có chất riêng để khán giả nhớ đến. Khi nghe câu chuyện của Phi Nhung, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã viết tặng "Trở lại Bạc Liêu". Sau đó, chính nhạc sĩ đã đưa tiếp bài hát "Mẹ Cửu Long" và hướng dẫn cô hát: "Mỗi câu hát cất lên, tôi đều xúc động và như thấy cảnh tan hoang vừa mới xảy ra trước mắt, thương người dân vô cùng", Phi Nhung nói.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng đề cập khá nhiều đến âm nhạc của mình. Ông quan niệm: "Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong mọi sáng tác âm nhạc là cảm xúc phải trung thực”, “Sáng tác là tạo ra cái mới, phải làm ra cái mới tinh tuyền chứ không thể lặp lại chính mình”.

Tất cả các sản phẩm âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển đều mang một dáng vẻ riêng, không lặp lại, luôn mang vẻ đẹp về giai điệu, giàu tính tư tưởng và tính nghệ thuật về ca từ. 

Âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển từ góc nhìn của người trong nghề

Năm 2010, khi hay tin nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển qua đời, nhiều bạn bè đồng nghiệp đã nhớ lại những ngày tháng cùng cộng sự và mối giao tình với ông. Hầu hết ai cũng đất giá ông là một nghệ sĩ đa tài và khiêm tốn:

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiến đánh giá: "Vũ Đức Sao Biển đa tài và khiêm tốn". Ông luôn trân trọng những người trong giới, dù họ là người ít tuổi đời, ít tuổi nghề. Ông còn là người trầm tĩnh, không khoe khoang.

Nhạc sĩ Cao Minh nhận xét: "Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển luôn kỹ càng thấu đáo trong công việc". Ông là người nghiêm túc, trong âm nhạc cũng nghiêm túc, trong quan hệ giao tiếp cũng nghiêm túc. Ông là nhạc sĩ có tài. Đúng như tính cách của ông, trong nghệ thuật, cái nào thật kỹ mới làm, còn chưa dụng công suy nghĩ kỹ càng thấu đáo thì không làm. 

nhac-si-vu-duc-sao-bien-la-ai-8
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Lâm Thị Sang đến tư gia thăm hỏi và trao bằng khen tri ân những đóng góp của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đối với Bạc Liêu (năm 2019)

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong cảm nhận của nhà văn Phan Hoàng là người đam mê và đầy trách nhiệm: "...Trong thái độ làm việc, anh là người đam mê đầy trách nhiệm". Những đóng góp của anh rất nhiều, bản thân anh là một tài năng đa dạng bởi ít ai hoạt động trong nhiều lĩnh vực và đều đạt thành tựu như anh: báo chí, âm nhạc, viết sách, khảo cứu... và còn có chút lãng tử.

Còn với bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM, nguyên ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7), âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển đa dạng về màu sắc: "... Ông là nhạc sĩ giỏi nghề và đầy tâm huyết với nghệ thuật, luôn luôn mong muốn có những sáng tạo nghệ thuật...". Ngay cả trong lúc nằm trên giường bệnh, ông vẫn miệt mài sáng ttạo. Với Thanh Thúy, âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển đa dạng về màu sắc và đặc biệt là giai điệu rất đẹp. 

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và những ngày cuối đời miệt mài lao động

Ngày 7/5/2020, trong con ngõ nhỏ ở quận 12 (TP Hồ Chí Minh), cổng nhà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển phủ đầy hoa viếng từ bạn bè, đồng nghiệp. Nhạc sĩ đã ra đi sau 2 năm chịu đựng cơn đau từ bệnh ung thư. Buổi tối cuối cùng còn hiện diện trên cuộc đời, ông ra hiệu cho vợ là bà Thu Tâm và các con cháu đến quây quần. Ông ôm hôn vợ trước khi lịm dần vì khó thở. 

Bà Thu Tâm là người vợ tần tảo, một tay nuôi con, một tay dạy học để chồng có thời gian chuyên tâm sáng tác. Những sáng tác âm hưởng dân ca của ông thời kỳ đầu thập niên 1970 ít nhiều mang bóng dáng của người vợ tần tảo: Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang; Điệu buồn phương Nam... Khi xem các bản nhạc của chồng, bà Tâm đều khen ông viết hay, nhất là ở ca từ.

Được biết, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển phát bệnh ung thư phổi từ năm 2018. Do bệnh di căn, ông phải phẫu thuật ở cổ, khiến thanh quản bị ảnh hưởng và mất giọng. Hai năm điều trị, nhiều lần phải ra vào viện nhưng ông vẫn vui vẻ lạc quan khi mọi người đến hỏi thăm.

nhac-si-vu-duc-sao-bien-la-ai-6
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển qua đời sau 2 năm chống chọi với bệnh tật

Vài tuần trước khi mất, ông té ngã, sưng đầu gối nhưng vẫn nén đau để chơi đùa cùng cháu nội 3 tuổi. Trong mắt con cháu, ông là người nghiêm khắc nhưng giàu tình cảm. 

Ông có 3 người con trai, trong đó có con út là người ông kỳ vọng sẽ nối nghiệp cha nhưng lại mất sớm vì bạo bệnh. Niềm tự hào cuối đời của ông đặt vào cháu đích tôn là sinh viên Luật, chơi thành thạo piano, mê sáng tác. 

Anh Lam Hà - con trai cả của cố nhạc sĩ cho biết, cha anh ra đi nhẹ nhàng, thanh thản vì đã hoàn thành tâm nguyện trong nghề. Căn bệnh không cản trở ông sáng tác. Ông vẫn miệt mài viết sách, như một liệu pháp tinh thần giúp quên đi đau đớn. 

Năm 2019, ông liên tiếp ra mắt 3 cuốn sách, một cuốn nghiên cứu về nhạc Bolero và hai cuốn hồi ký về thời thanh niên - Phượng ca và Miền Nam sống đẹp. 

Tại lễ tang của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, NSND Kim Xuân đã hồi tưởng về lần cuối cùng ông làm giám khảo cuộc thi hát. Chị say sưa nghe ông kể chuyện đời, chuyện nghề và hiểu hơn vì sao mình ngưỡng mộ nhạc sĩ tài hoa - sinh ra ở miền Trung nhưng viết nhạc đậm tình quê miền Tây. 

"Quý ông như một nhạc sĩ nhưng trên hết, tôi kính con người giáo viên của ông. Khi dạy học, Vũ Đức Sao Biển mực thước, tử tế và đặt nhiều tâm huyết với học trò. Nhìn nhiều thế hệ trưởng thành dưới sự giảng dạy của ông, tôi biết ông là một nhân cách, một tài hoa lớn", NSND Kim Xuân chia sẻ.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và gia tài âm nhạc: Đồ sộ và đa dạng

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã rời xa cõi tạm, chúng ta đã vĩnh viễn mất đi một con người tài hoa, một nhân cách đẹp. Thế nhưng gia tài âm nhạc đồ sộ của ông vẫn sống mãi cùng năm tháng:

Ca khúc sáng tác Ảo ảnh sương khói; Ẩn ngữ trong hoa hồng; Bài ca dựng đất; Bài ca Vĩnh Long; Bài thơ hoa cúc; Bài thơ quê lụa; Bầy lá hiên nhà (thơ Xuân Kỳ); Bên cầu thương nhớ; Bolero trên bến Bắc Cần Thơ; Cảm xúc Đà Nẵng; Chào Cửu Long giang; Chiều mơ; Chị và em; Chiều trên đồi; Cỏ hoa hồn du mục; Cõi tiêu dao; Đàn và dây; Đau xót lý chim quyên; Điệu buồn phương Nam; Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang; Đôi mắt; Đường về; Giữa lòng phương Nam; Gửi về nơi cuối đất; Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú; Hoa trang vườn cũ; Hoài niệm Trường Giang; Huyền thoại Ngũ Hành Sơn; Hương rừng; Khúc Nam xuân; Khúc tình ca bên cầu Giao Thủy; Lứa đôi; Lý vọng phu; Mẹ Cửu Long; Mẹ ơi; Một đi không lại (thơ Xuân Kỳ); Một mình phiêu lãng; Mùa xuân hát trên ngọn cây tùng; Ngàn năm Mỹ Sơn; Nghiêng cả sang tôi; Người xưa; Nhớ Quảng Nam; O ka lơ mi; Phố giáng hương; Phượng nhớ Hoàng; Rung lên lục lạc vàng; Rượu hồng đào; Sáu tỷ và một; Sông Thu ngày ấy; Suy tưởng bên hồ; Tam Kỳ tươi đẹp; Tạm biệt em yêu (thơ Xuân Kỳ); Tango trước biển; Thoáng mơ trên đồi; Thu, hát cho người; Thu Sài Gòn; Thương về Cà Mau; Tiếng quốc đêm trăng; Tình ca phương Nam; Tình ca sông Hàn; Tình lặng lẽ; Tơ vàng; Trà Vinh thương nhớ; Trả yếm cho anh; Trên sóng Cửu Long; Trở lại phố Hoài; Vì sao ba ngôi (thơ Xuân Kỳ); Về bên cha; Về đây người ơi (nhạc phim Cải Ơi); Về nhánh sông xưa; Xa phố mười năm (thơ Xuân Kỳ); Xuân ca vô tận.
Sách nhạc Một ngày cho tình yêu (in chung với Ngô Thụy Miên, Nguyễn Đức Quang, Vũ Thành An, Trần Tú) Nhà xuất bản Khai Hóa, Sài Gòn 1971; Thu hát cho người (Nhà xuất bản Trẻ 1998); Điệu buồn phương Nam (Nhà xuất bản Trẻ 2002); Vũ Đức Sao Biển – Năm mươi ca khúc tiêu biểu (Nhà xuất bản Thiên Vương 2008); Thu hát cho người (80 ca khúc Nhà xuất bản Đồng Nai); Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang – Trăm khúc tình ca (Nhà xuất bản Trẻ 2019).
Đĩa nhạc

Thu hát cho người (Công ty HSD 2000); Hoài niệm Trường Giang (Công ty VAFACO 2003); Khúc tình ca phương Nam (Công ty HSD 2002)

Bên cạnh sự nghiệp sáng tác rực rỡ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn được “phong” là "nhà Kim Dung học Việt Nam". Ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu hầu như toàn bộ tác phẩm của nhà văn Kim Dung. 

Ông đã biên khảo 6 cuốn sách: Kiều Phong – Khát vọng của tự do, Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo, Thanh kiếm và cây đàn, Nhân vật Kim Dung nhìn qua lăng kính pháp luật, Những vụ án kinh điển trong tiểu thuyết Kim Dung được NXB Trẻ ấn hành.

Đó là cách gọi từ năm 1998, sau khi NXB Trẻ in bộ Kim Dung giữa đời tôi, công trình tôi nghiên cứu về tác phẩm Kim Dung. Họ gọi như vậy có lẽ bởi tôi dành quá nhiều thời gian nghiên cứu sâu, kỹ và có phương pháp”, ông chia sẻ. “Các nhân vật của Kim Dung tôi đều thích cả vì mỗi người một tính cách, phản ánh cả mặt tốt và xấu của con người”.

Xem thêm: Nhạc sĩ Khánh Băng: Người viết nhiều dòng nhạc nhất trước năm 1975

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận