Nhạc sĩ Chung Quân: 16 tuổi cho ra đời kiệt tác bất hủ khiến đời sau nhớ mãi
Nhắc đến nhạc sĩ Chung Quân là nhắc đến ca khúc "Làng tôi". Đây là kiệt tác bất hủ do Chung Quân sáng tác năm 16 tuổi.
HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ CHUNG QUÂN
- Tên thật: Nguyễn Đức Tiến
- Nghệ danh: Chung Quân
- Năm sinh - năm mất: 1936 - 1988
- Quê quán: Hà Nội
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, Giáo viên, Nhà văn
- Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến
- Ca khúc nổi tiếng: Làng tôi
- Thời gian hoạt động: 1952 - 1988
Nhạc sĩ Chung Quân là ai?
Nền âm nhạc nước ta ghi nhận không ít những tài năng sáng tác từ khi còn khá nhỏ tuổi. Nhưng thường chỉ là những bước chập chững đầu tiên với những ca khúc không mấy giá trị. Riêng một trường hợp thật đặc biệt và độc đáo: Ngay từ năm 16 tuổi đã cho ra đời tác phẩm đầu tay được ví như kiệt tác khiến người đời sau nhớ mãi.
Con người đặc biệt đó là nhạc sĩ Chung Quân (tên thật là Nguyễn Đức Tiến, 1936 - 1988) với ca khúc bất hủ 'Làng tôi". Dù người lớn tuổi hay người trẻ, từ khán thính giả nông thôn đến thành thị, từ người trong nước đến Việt kiều, ai nghe cũng mê.
Ca khúc "Làng tôi" được nhạc sĩ Chung Quân sáng tác năm 1952 và giành được giải thưởng của Công ty điện ảnh. Đoàn cảnh lương Kim Chung (Hà Nội) dùng làm bản nhạc nền cho phim "Kiếp hoa" - một trong số ít những phim Việt thực hiện ở thời kỳ này.
Đến năm 1954, nhạc sĩ Chung Quân di cư vào Nam cùng gia đình, sống ở vùng Khánh Hội. Nhờ từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của "Làng tôi" nên Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng hòa ưu ái, cho dạy nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Trong thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân trở thành thầy dạy của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như: Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Đức Huy, Nam Lộc...
Trong mắt học trò, Chung Quân được đánh giá là người thầy mẫu mực, chỉn chu, nghiêm túc và luôn tận tụy, có trách nhiệm cao. Ông sở hữu ngoại hình bắt mắt với dáng người cao, gương mặt điển trai, ăn mặc chỉnh tề. Không chỉ hát hay, ông còn giỏi đánh đàn nên phái nữ để ý rất nhiều. Song với tư cách là nhà giáo, ông luôn giữ mực thước trong các mối quan hệ.
Trong việc dạy nhạc, bên cạnh ưu thế giọng hát, Chung Quân còn luôn nghĩ ra các cách dạy để học sinh dễ nhớ bài, nhất là đối với những học trò có năng khiếu. Ví như muốn học sinh nhận ra được các "gam" (âm giai) của những bài hát, ông nghĩ ra hai câu thơ sau: "Nhất son, nhị rế, tam la. Tứ mi, ngũ sí, lục pha, thất đồ".
Tức là nếu ở đầu các khuông nhạc mà có một dấu thăng là gam son trưởng (nhất son), hai dấu thăng là gam rê trưởng (nhị rế), ba dấu thăng là gam la trưởng (tam la)... Nhờ có hóa biểu này, ông dặn học trò tìm các bài có gam thứ tương ứng không có gì khó khăn.
Từ năm 1955 - 1956, nhạc sĩ Chung Quân dành thời gian soạn bản hợp xướng "Sông Bến Hải". Đây là một trường ca có giá trị về nghệ thuật nhưng có vẻ như không được phổ biến rộng rãi như "Làng tôi".
Cũng có tài liệu cho rằng, trước 1975, nhạc sĩ Chung Quân từng học tại New York, sau đó tốt nghiệp tiến sĩ văn chương ở Anh. Sau 1975, ông trở lại Việt Nam và qua đời ngày 26/1/1988 do đột quỵ khi đang chơi cờ tướng với người em rể.
Nhạc sĩ Chung Quân và giai thoại thú vị về thời dạy học ở Sài Gòn
Trong bài viết của tác giả Phan Văn Thanh có nhắc đến giai thoại thú vị liên quan đến thời kỳ nhạc sĩ Chung Quân dạy học ở trường Nguyễn Trãi (Sài Gòn) như sau:
Trường Nguyễn Trãi năm đó có cậu học trò nghèo nên buổi trưa thường không về nhà mà ở lại trường. Bữa trưa của cậu là gói xôi mà mẹ đã mua cho từ sáng sớm. Thay vì ngồi trong lớp tranh thủ ngủ trưa, cậu học trò lại đi lại trong khuôn viên trường để rồi vô tình lắng nghe được cuộc tranh luận giữa hai người thầy.
Trong căn phòng nọ, tiếng của vị giáo sư Hà Đạo Hạnh (cử nhân toán) đang ầm ĩ nói với nhạc sĩ Chung Quân: "Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự của anh, anh có biết điều đó không?".
Nhạc sĩ Chung Quân đáp: "Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không? Thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả bản nhạc "Làng tôi". Còn nếu hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết".
Câu chuyện đang ở hồi hấp dẫn và cậu học trò cố áp sát tai để chờ nghe các diễn biến tiếp theo xem giáo sư Hà Đạo Hạnh trả lời sao thì bỗng từng phía sau một bàn tay lạnh lùng của thầy giám thị véo vào tai cậu học trò kéo đi chỗ khác. Và thế là câu chuyện dang dở ở đây.
Thời gian trôi qua, những tưởng mọi chuyện đã rơi vào lãng quên. Nhưng không, nhạc sĩ Chung Quân không bỏ qua dễ dàng, ông nhất định đòi lại món nợ danh dự này. Ông tiếp tục con đường dùi mài kinh sử, ghi danh vào học và hoàn thành tú tài toàn phần. Ông tiếp tục học để lấy được tấm bằng đại học. Và cuối cùng tốt nghiệp cử nhân văn chương ở Anh.
Nhớ chuyện xưa, nhạc sĩ có sao chép tất cả các văn bằng của mình có được gửi về cho giáo sư Hà Đạo Hạnh kèm lời nhắn: "Thưa giáo sư Hà Đạo Hạnh, tất cả những gì mà giáo sư làm được thì Chung Quân tôi cũng đã làm được. Còn những gì Chung Quân tôi làm được thì giáo sư đã không làm được".
Như thế, nhạc sĩ Chung Quân đã đòi lại được món nợ danh dự năm xưa bằng ý chí và lòng kiên nhẫn của mình. Còn cậu học trò nghe lén năm nào cũng theo nghề "gõ đầu trỏ". Ông dạy Trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở dưới Bạc Liêu. Ngoài dạy học, ông còn viết báo, viết văn với bút danh Thái Phương. Sau 1975, ông không còn dạy học, chuyển sau viết báo. Hiện nay, ông được biết đến với bút danh Đoàn Dự.
Từng có lần Đoàn Dự gặp lại thầy Hà Đạo Hạnh và hỏi: "Thưa thầy, sao ngày đó thầy nặng lời với nhạc sĩ Chung Quân thế ạ?"; Giáo sư Đạo Hạnh đáp: "Hồi đó tôi có hơi nóng nảy nên đã quá lời".
Chuyện cũ giờ đã qua đi, người xưa giờ đã trở về với cát bụi. Nhưng phía sau đó là một bài học về cách đối nhân xử thế của người xưa.
"Làng tôi" - ca khúc bất hủ năm 16 tuổi của nhạc sĩ Chung Quân
Trong nền âm nhạc Việt Nam có 3 ca khúc đều mang tên "Làng tôi". Chúng đều được ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đều nổi tiếng (2 ca khúc còn lại của Văn Cao và Hồ Bắc).
Năm 1952 có 2 ca khúc "Làng tôi". Ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao, khi ấy ông đã là nhạc sĩ nổi tiếng, tên tuổi gắn liền với "Quốc ca". Trong khi đó, Chung Quân còn là một cậu thiếu niên vô danh, không ai biết đến.
Năm đó, người ta tổ chức làm phim "Kiếp hoa", có ý định tổ chức thi sáng tác ca khúc để chọn lấy bài hay nhất, phù hợp với ý đồ của đạo diễn để làm nhạc nền cho phim. Đây là bộ phim đầu tiên ở Việt Nam có tiếng nói mà trước đó chỉ làm phim câm.
Rất nhiều người đăng ký tham dự cuộc thi này, trong đó có cả các nhạc sĩ đã có tên tuổi. Sau cùng, Hội đồng giám khảo gồm các nhạc sĩ và đạo diễn gạo cội đã tìm ra bài hát hay nhất, phù hợp nhất. Tác giả của ca khúc này là một cái tên lạ hoắc: Chung Quân.
Hội đồng đánh giá, ca khúc của Chung Quân có giai điệu êm ả, mềm mại, duyên dáng dựa trên chất liệu âm nhạc dân tộc cùng lời ca mộc mạc, dung dị, giàu chất thơ, có thể sử dụng để lồng vào phim.
Ca khúc "Làng tôi" được đưa vào phim "Kiếp hoa" và sau một thời gian công chiếu đã lan tỏa khắp nơi. Đâu đâu người ta cũng hát: "Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam...". Sự nổi tiếng của ca khúc này không kém cạnh gì 2 bài "Làng tôi" của Văn Cao và Hồ Bắc.
Nhiều nhạc sĩ có tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có hơi ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc "Làng tôi" xứng đáng được nhận giải thưởng đó:
"Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê thôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương"...
Nói về hình ảnh "làng tôi" trong ca khúc của Chung Quân, tác giả bài viết "16 tuổi đã viết nên bài hát bất hủ" (đăng trên báo Công an nhân dân, 18/1/2020) có viết: "Có lần, tôi được nghe một người từng rất quen biết Chung Quân kể lại: Ông có quê ở thôn Bình An, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngày ấy, nơi đây chưa là đất thủ đô mà thuộc địa phận huyện Đa Phúc (Phúc Yên). (Trước 1954, Vĩnh Yên và Phúc Yên là hai tỉnh, sau đó mới sát nhập thành tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời kỳ chống Mỹ từng hợp nhất với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú để về sau lại tách thành tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc như bây giờ.
Người bạn của nhạc sĩ Chung Quân kể: Cầu Đa Phúc bắc qua sông Cầu hôm nay là ranh giới giữa Hà Nội và Thái Nguyên. Ở đầu cầu thuộc phía Hà Nội ngày nay có một cây đa to, tỏa bóng mát xum xuê, có sông Cầu lờ lững chảy và những ngôi nhà 'mái tranh san sát kề nhau' với những 'lũy tre xanh bên những hàng cau'.
Người này khẳng định, Chung Quân viết về chính quê mình. Bây giờ thì cây đa ấy đã bị chặt đi (hoặc chết) từ lâu, nhà mái tranh dĩ nhiên là được thay bằng nhà gạch vài ba tầng và những lũy tre đã không còn nữa. Có lẽ là cách đây mấy chục năm, khi cơ chế thị trường bung ra, tấc đất là tấc vàng thì người ta cũng chặt che đi để lấy đất. Giờ chỉ còn sông Cầu 'lờ lững vờn quanh' mà thôi".
Nhạc sĩ Chung Quân - một trường hợp thật đáng tiếc
Tác giả Nguyễn Đình San (Báo Công an nhân dân) từng viết: "Nguyễn Trung Quân là một trường hợp đáng tiếc không chỉ bởi ông sớm qua đời như đã nói, mà còn bởi thật uổng phí một năng lực văn học trong con người âm nhạc không vừa là giáo sư văn học với bằng tiến sĩ văn chương vừa được tu nghiệp ở nước ngoài. Nghề nhạc lại cộng thêm nghề văn thì sẽ rất thuận lợi trong sáng tác ca khúc. Ta thấy rõ ở bài "Làng tôi", ngoài sự lôi cuốn của giai điệu đẹp, ca từ cũng rất giàu hình tượng văn học".
Tác giả Nguyễn Đình San cũng nói thêm, số phận đưa đẩy khiến ông không thể tham gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước để tiếp tục sáng tác. Nếu được như vậy, hẳn là tài năng của nhạc sĩ Chung Quân được thăng hoa hơn để tiến tặng đời nhiều tác phẩm hơn nữa, giống như các nhạc sĩ lớn trưởng thành từ hiện thực cách mạng sinh động đó.
Xem thêm: Nhạc sĩ Hoàng Trọng: Ông “vua tango” rực sáng trên bầu trời tân nhạc Việt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận