Trích lại tư liệu xưa về nghệ sĩ Bích Hợp - "đệ nhất đào thương Bắc Hà": Một nữ diễn viên thùy mị với cuộc đời nhiều biến cố

"Đệ nhất đào thương Bắc Hà" Bích Hợp sở hữu tiếng ca như gió mơn man cành liễu, như sóng gợn mùa thu làm say mê giới mộ điệu từ Bắc chí Nam.

Đỗ Thu Nga
08:00 14/11/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Nếu làng tân nhạc có nhiều danh ca có nghệ danh bắt đầu bằng chữ Minh như Minh Đỗ, Minh Diệu, Minh Trang, Minh Tần; thì lĩnh vực cải lương thập niên 1950 cũng có nhiều cái tên tiêu biểu bắt đầu bằng chữ Bích như Bích Hợp, Bích Thuận, Bích Sơn. Họ đều là những nghệ sĩ nổi tiếng gốc Bắc được người miền Nam yêu mến. Trong số những "cô Bích" tài hoa đó, nghệ sĩ Bích Hợp là người đến với nghề hát trước hết, được mệnh danh là "đệ nhất đào thương đất Bắc". Đồng thời là một trong Ngũ nữ minh tinh của làng nghệ thuật Việt Nam thập niên 1940. Trong đó, miền Nam có Phùng Há, Năm Phỉ; miền Bắc có Ái ,Liên Bích Hợp; miền Trung có Châu Thị Minh (chị của nhạc sĩ Châu Kỳ). Bên cạnh diễn cải lương, Bích Hợp còn nổi tiếng với những ca khúc tân nhạc như: Con thuyền không bến, Giọt mưa thu, Đan áo đợi chàng...

Nghệ sĩ Bích Hợp nổi tiếng từ những năm 1940 ở khắp miền Bắc nên đến nay không nhiều người biết đến tên tuổi lừng lẫy của bà. Những thông tin trong bài viết này được trích dẫn từ bài báo năm 1957 về cuộc đời, sự nghiệp và những biến cố buồn thương của Bích Hợp với nhan đề: "Bích Hợp - đệ nhất đào thương Bắc Hà". Xin phép được trích dẫn lại nguyên văn bài báo xưa:

"Sinh trong một gia đình nghèo, song với sự cố gắng của người cha gương mẫu và bà mẹ hiền từ, cô đã được theo học tới năm 12 tuổi. 

Sau đó, với tiếng gọi của nghiệp dĩ hý trường, cô ra mắt khán giả thân mến của đô thành nghệ thuật Thăng Long lần đầu tiên trong vai Mỵ Châu và thâu lượm ngay được cảm tình của khán giản.

Dần dần, cô chinh phục được lòng cảm mến của khán giả toàn cõi Bắc Việt, và với óc học hỏi và tinh thần phục thiện, nghệ thuật của cô mỗi ngày một sáng chói dưới ánh đèn sân khấu. 

Thời ly loạn khói lửa, cô phải cùng gia đình kéo dài cuộc sống trong nhiều năm trường tại hậu phương. “Sau ngày mưa bão, trời trở lại quang đãng”, cô trở về Hà Nội và lại được khán giả ưa nghệ thuật đón tiếp nồng hậu. Cuộc di cư của dân tộc đã một lần nữa đưa gia đình cô Bích Hợp vào miền Nam. Tại đây cô đa đón nhận được nhiều cảm tình của khán giả bốn phương, từ những người đã xem cô trong những vai tuồng đặc sắc cho tới những bạn chỉ mới được nghe giọng ca êm dịu, thánh thót của cô qua đài phát thanh quốc gia. Với sự tận tâm học hỏi và yêu nghề, chắc rằng hý trường Việt Nam sẽ dành cho cô một địa vị ưu ái, vững vàng”.

de-nhat-dao-thuong-bac-ha-bich-hop-la-ai-6
Chân dung nghệ sĩ Bích Hợp

Xin trích dẫn thêm một bài báo khác về cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Bích Hợp. Bài báo này có nhan đề: "Cuộc đời éo le của đệ nhất đào thương Bắc Hà - Bích Hợp". Trích dẫn này có lược bỏ một vài đoạn ngắn vì những lý do bất đắc dĩ:

Đời là nước mắt. Câu nói đầu tiên thốt ra từ làn môi xinh mọng, thoát ra từ khóe mắt huyền sáng của cô đào khả ái mà giọng ca não ruột làm nao lòng biết bao khách mộ điệu hí trường.

Thật thế, đời cô buồn, nét u hoài hiện lên toàn thể dáng hình, qua giọng nói trầm tư. Buồn là cốt tinh biện biệt của cô. Trong căn nhà ấm cúng thuộc một ngõ hẻm hiu quạnh Tân Định, cô lặp lại cùng tôi nhiều trang dĩ vãng gấp nếp vào thuở xa xưa ấy, hồi cô mới mang trên đầu mười hai mùa xuân, được nuôi dưỡng đầy đủ bằng nề nếp giáo dục tươi mát, được hấp thụ tràn trề từng dòng tình cảm mộng mơ. Giữa tuổi 12, bản chất đa tình, lãng mạn đã tượng hình trong tâm khảm cô gái ngây thơ, chưa gợn bụi đời nhưng lòng bắt đầu nảy nở niềm say mê sân khấu. Mỗi tháng cô được đi xem hát bốn lần, cô say mê gánh Nhật Tân, yêu Kim Chung, Vân Thái, Ánh Tuệ. Cô đã bỏ nhiều thời giờ trước khi vào học để chạy theo xe quảng cáo, xin chương trình mang về cất vào hộp bánh biscuit để thỉnh thoảng mang ra ngắm nghía những nhân vật mình ưa thích, thậm chí còn là (ủi) lại tờ chương trình cho thật phẳng phiu. Ngay từ hồi đó cô đã có cảm tưởng rằng nếu không đi hát thì không còn thiết làm công việc gì khác nữa. Thế là cô quyết định xin phép cha mẹ nhập đời sân khấu, nhưng cha mẹ không cho đi vì một lẽ đương nhiên nhất là xã hội thời bấy giờ vẫn gán cho ngành ca hát nhiều nhãn hiệu chẳng tốt đẹp chút nào. Cha mẹ không cho nhưng lòng cô quyết định. Cô cố khóc than, vật nài xin đi, và cuối cùng cha mẹ đành thỏa thuận vì cha mẹ nào không chiều, không thương con. Bằng tất cả niềm hoan hỉ hy vọng, cô bước vào ngưỡng cửa sân khấu. Thân mẫu cô dắt cô tới gánh Nhật Tân và cũng lần đầu tiên cô va chạm với thực tế cuộc đời. Người ta không tiếp đón nồng hậu như sự sắp đặt trong trí tưởng tượng của cô. Người ta đã lạnh nhật bảo cô ngồi chờ. Nghe giọng nói gằn hắt đầy vẻ đạm bạc ấy, cô đã vùng chạy ra về để sầu tủi qua ngày tháng.

Cho đến một ngày, gánh Hiệp Thành nhận tuyển trẻ con, cô thực sự vào gánh, thêm một lần nữa nếm cái cay đắng của kẻ tập sự, như trăm ngàn kẻ tập sự khác mà giá trị chỉ ngang hàng với những người đi xin ăn. Dù sao cô cũng đã toại nguyện, được đứng trên hậu trường sân khấu hòa mình trong nhịp kèn trống huyên náo, trong những lời ca huyền diệu làm quên cả sầu đau của cuộc đời. Cách mấy tháng sau, Khánh Hợi (hiền thê của Sỹ Tiến, con người nghệ sĩ tài hoa nhưng số phận hẩm hiu hiện ở lại bên kia lằn mức để đau xót cho sự lầm lỡ của mình) giới thiệu cô vào gánh hát Quốc Hoa của ông bầu Quyền. Cô quên làm sao được chuỗi thời gian tưng bừng nhưng chứa chất sầu tư bên kia cầu Long Biên, cứ chiều chiều hoặc sớm mai mây mù sương rét mướt, nghe tiếng còi tàu vọng chia ly, cô đã thả tầm mắt ai hoài qua dòng sông Hồng để tìm hình bóng gia đình đầm ấm, nước mắt chan hòa nhỏ xuống sàn sân khấu, nước mắt của nhớ nhung, thương tiếc không khó trìu mến gia đình.

Sau sáu tháng tập dượt, cô nghiêm nhiên trở thành cô con gái rượu của ông bầu Quyền với giọng ca trong sáng, và cô cũng bắt đầu trở thành con chim họa mi của đoàn ca kịch Quốc Hoa qua vở Trọng Thủy Mỵ Châu. 

de-nhat-dao-thuong-bac-ha-bich-hop-la-ai-4
Trang báo cũ về cuộc đời và sự nghiệp Bích Hợp

Một kỷ niệm đau lòng khiếm chẳng bao giờ cô quên được là hành động cạnh tranh vô lương của một ông bầu lòng lang dạ thú. Vì tham vọng nắm độc quyền sân khấu nên ông đã lén bỏ thᴜốᴄ độᴄ vào chum nước của đoàn hát khiến toàn thể diễn viên trong gánh Quốc Hoa bị ngộ độᴄ, đi tả và phát cuồng. Cô Bích là một trong số người không may đó, cô đã xé nát cả quần áo, suýt ᴄhết trong thời gian ấy. 

Nhưng rồi ngày đen tối cũng qua mau, đêm đầu tiên ra sân khấu, cô cảm thấy chân không xuống đến đất, đầu óc chênh vênh, ca ngang giọng. Cô không còn biết hát ra sao và hát bài gì nữa. Vì quá cảm động nên trong cảnh đứng trên gò cao đợi Trọng Thủy, cô đã xảy chân ngã gãy tay khiến gánh hát phải ngưng hoạt động một tháng ròng. 

Hai tai nạn tới cùng một lúc giữa buổi sơ khai nghề nghiệp khiến cô đã bẽn lẽn càng thêm bẽn lẽn, đã nhút nhát càng nhút nhát hơn nhiều. Cô sống trong sự cô độc, đơn côi vì bạn bè thuở ấy không ai ưa, một phần vì ông bầu cưng và đề cao cô, một phần vì bản chất ít nói. Mọi người đều gọi cô là con mối đất. 

Những người bạn đồng đội của cô trong thời gian ấy gồm Thúy Liêu, Mộng Dần, Tuấn Sửu, Nam Hải Tý… Tất cả những người bạn đó đều không để lại trong tâm khảm cô chút kỷ niệm đặc sắc nào. Nói đúng hơn thì trong thời niên thiếu, cô không có một người bạn tâm tình nào ngoài một bà bạn gần gấp đôi số tuổi, đã yêu mến và săn sóc tới cô giữa thế giới sân khấu, nơi kết tinh của ghen hờn, lọc lừa và bội phản. 

Ngót một năm luyện tập, Bích Hợp không còn là cô bé ngỡ ngàng trước ánh đèn sân khấu. Cô đã lớn, vẻ đẹp trỗi lên giữa lứa tuổi dậy thì, vẻ kiều diễm của một thiếu nữ bắt đầu biết rung động yêu đương, bắt đầu cần một trái tim hòa đồng cùng đập qua nhịp điệu nồng nàn, say đắm. 

Cô bước qua gánh Huỳnh Lan Anh với một căn bản nghệ thuật tương đối vững vàng. Tuy 17 tuổi đầu nhưng biệt hiệu con mối đất vẫn chưa rời khỏi cô vì bản chất nhút nhát, e dè, vô tư còn vương trong cử chỉ, dáng điệu và nếp sống. 

Không giống như những thiếu nữ khác, cô chưa thấy men yêu thấm nhập vào lòng mình, cô nhởn nhơ sống trong thế giới yêu đương loạn lạc của hậu trường để thấy cô đơn, quạnh vắng. Nguồn an ủi bao giờ cũng là mái gia đình đầm ấm và người bạn già gần đôi số tuổi. 

Cô thành danh qua những vở Từ Thức Nhập Thiên Thai, Kim Vân Kiều. Cô chỉ có khái niệm thật mơ hồ về buổi thành công ban đầu ấy qua những tràng pháo tay, qua những lời bàn tán thầm thì của khán giả. Ý nghĩ an phận đã in sâu vào lòng cô từ thuở đó, cảm giác ham nổi tiếng qua ngày tháng giảm dần đi, cô chỉ muốn làm hết lòng, diễn xuất bằng toàn thể khả năng của mình. Cô tự nghĩ rằng đó phải chăng là mầm mống của lòng háo thắng. Có thể nói rằng suốt chặng đời thơ ấu, cô không hề có một người bạn tâm tình để tâm sự, an ủi lẫn nhau giữa không khó hoan lạc mà buồn tênh của trường sân khấu. Nguyên do của sự trạng cô đơn đó không lấy gì làm khó hiểu, vì cô trẻ đẹp, ca hay, diễn giỏi, được ông bầu nâng niu, chiều chuộng, tính tình cô nhút nhát gần như hờ hững nên anh chị em đồng đội không những chẳng có cảm tình mà còn đố kỵ, ghen ghét.

de-nhat-dao-thuong-bac-ha-bich-hop-la-ai-2

Kỷ niệm kia không làm cô đau xót bằng dĩ vãng yêu đương ngang trái giữa mùa hy vọng cuộc đời. Cô nhớ mơ hồ rằng khoảng thời gian xa xưa, đang sống cảnh cô đơn, bị mọi người chung quanh dèm pha, bao vây thì có một con người thầm lặng tới với cô bằng những cử chỉ kín đáo nhất, nhưng cũng nham hiểm nhất, chẳng lạ gì đầu óc của một số bầu đoàn, ham mê tửu sắc, dụ dỗ và lợi dụng cốt tính của họ. 

Bích Hợp là một trong đám nạn nhân. Cô đào có vẻ đẹp phơi phới của tuổi dậy thì, có giọng ca quyến rũ kia đã lọt vào mắt của gã bầu dɑm đãng. Gã bắt đầu thực hiện ý định chinh phục cô bằng đủ mọi biện pháp, chăm sóc cô, giúp đỡ gia đình cô và vận động người chung quanh… Dần dần, từ cảm giác sợ sệt chuyển sang cảm mến, cô Bích Hợp đã lọt vào tròng của gã đàn ông có gia đình kia vì nhẹ dạ dễ tin, vì ham muốn cuộc đời giàu sang phú quý. Gã nhất quyết đòi lập gia đình cùng cô nếu không sẽ làm chuyện quẫn trí để gây họa. Bản chất yếu mềm, một phần đã bắt đầu có thiện cảm với mối tình của gã, nên cả hai người cùng về xin phép gia đình. 

Đến cổng, cô không dám bước vào vì biết chẳng bao giờ cha mẹ bằng lòng cho cô lập gia đình cùng người đàn ông có thành tích bất hảo ấy. Thế là cô lên xe, gã bảo đưa cô về ở tạm nhà cô Ái Liên, nhưng xe cứ phóng như bay ra miền đồng ruộng. Người ta đưa cô về quê. Cho tới lúc đó cô mới biết là mình đã bị lừa. Người ta lột hết tư trang của cô, và một tuần sau cô trở lại Hà Nội, gã trở mặt buộc cô ra hát và bắt đầu hành hạ cô. 

Cô cảm thấy mình dại dột, và cho đến một ngày cô không thể chịu nổi cảnh tượng giam lỏng này nên nhất quyết về nhà, nhưng khi về tới gia đình thì hoàn cảnh đã đổi thay hoàn toàn. Cha mẹ cô vì buồn rầu, chán nản nên đã trở về đồng ruộng, sống kham khổ túng bấn. Cô tìm về tới nhà, thân mẫu đã ra ôm lấy cô khóc nức nở. Cha mẹ bao giờ cũng thương con nên cố tiếp tục sống yên ổn trong sự đầm ấm của gia đình. Sau đó đi hát cho gánh Huỳnh Kỳ, đời cô chuyển sang nhịp mới, vui vẻ tưng bừng. Cô đóng nhiều tuồng xã hội với sự hướng dẫn của Anh Đệ. 

Cuộc ᴄhιến bùng nổ, cô cùng gia đình tản cư, buôn bán cùng thân mẫu, thỉnh thoảng hát cho gánh Ái Liên một tối. Cô vào thẳng khu tư, Thanh Hóa, sinh hoạt cùng nhóm Kiến Thiết, hoạt động sôi nổi vì có tổ chức quy củ. Một kỷ niệm ấm lòng khiến cô chẳng bao giờ quên được là nữ diễn viên Thúy Ngần (nổi tiếng trong những vở tuồng pho và cải cách) đã bao bọc cô trong thời kỳ túng đói. Thúy Ngần đã chia cơm cho cô ăn từng bữa, mặc dầu Thúy Ngân có ba bốn con nhỏ cần nuôi nấng mà Thúy Ngần cũng chẳng sung túc gì. 

Sinh hoạt mỗi ngày thêm khó khăn, cuộc sống của con người nghệ sĩ không có đảm bảo nào, diễn ra rả suốt đêm để cơm ăn không đủ no, giải khát là nước lã. Khi đó ngành nghệ thuật bị quy là lạc hậu, có tính chất phản động, mặc dầu các tích tuồng đã được sửa đổi rất nhiều, trình bày toàn những trung hiếu tiết nghĩa, những đặc tính căn bản của nho giáo mà đời đời cần tuân theo… 

(…)

…phong trào nghệ sĩ dinh tê nổi lên như sóng cồn. Bích Hợp cố gắng đeo đẳng nhưng không chịu nổi không khí kiểm thảo phê bình máy móc, phải tách ra khỏi nhóm Kiến Thiết và lập gánh hát riêng với sự giúp đỡ của Anh Lân, sống khổ sở qua ngày tháng. 

Giữa dòng đời khó khắn, khô cạn tình thương yêu đó, Anh Lân đến bên cô với tất cả chân tình nồng hậu, anh giúp cô quên đi niềm đói khổ, lạc loài, xây dựng đoàn hát tạm sống qua chặng đời bão tố. Cô mến Anh Lân, thiên cảm tăng lên qua ngày tháng. Dần dần tính yêu thoáng cháy trong tâm tư, cô bắt đầu thấy hương vị yêu đương thấm đượm lòng mình và cũng có lẽ đây là lần đầu tiên cô biết yêu và được yêu theo nguồn rung động của con tim. 

Thế nhưng gia đình và xã hội vẫn chứa đựng nhiều ước lệ khắt khe. Cha mẹ cô không bằng lòng cô lập gia đình cùng Anh Lân vì cin người tài hoa ấy mắc chứng bệnh lao. Cha mẹ cô không muốn Anh Lân ở trong đoàn sợ lây. Thế là một lần nữa cô rời bỏ gia đình để thực sự đi theo tiếng gọi của lòng mình. Cô cùng Anh Lân về nhà bà thím ở. 

Cuộc sống mỗi ngày thêm chật vật, cô cố kéo lê chuỗi ngày mòn mỏi qua từng quận huyện tỉnh Thanh, từ Rừng Thông Cầu Bố đến Quảng Thủy. Sức người chịu đựng chỉ có hạn cho đến một ngày cô thấy không thể sống được ở một khu vực mà các đoàn hát bị chính quyền làm khó dễ. Cô xé giấy phép tỉnh, giải tán gánh hát, cùng chồng và thân mẫu trở về thủ đô. 

de-nhat-dao-thuong-bac-ha-bich-hop-la-ai-3
Gánh hát Bích Hợp, trong đó có cả nhạc sĩ Xuân Tiên và các anh trai

Vài tháng sau Anh Lần qua đời, để lại cùng cô một bào thai. Mặc dầu thai nghén, cô cũng phải bắt đầu hát cho gánh Ái Liên. Cô không thể quên được đêm đầu tiên ra trình diễn trên sân khấu thủ đô, giọng ca của cô bỗng dưng vút hẳn, cô không hát được nữa, phải chăng vì ốm yếu và xúc cảm mạnh. Thấy cô hát sút, bầu đoàn tỏ thái độ rẻ rúng, cô phải chờ lấy từng trăm bạc mỗi tối để gia đình tiêu dùng. Hồi đó gia đình cô chỉ thuê nổi một căn phòng hẹp kê vừa đủ cái giường. 

Một thời gian cô thôi không làm cho gánh Ái Liên vì có sự xung đột trong gia đình ông bầu, cũng chỉ tại nhan sắc và giọng ca quyến rũ của cô. Bích Hợp sang gánh Kim Ngọc rồi không bao lâu thành lập gánh Bích Ngọc Huỳnh Thái. Trong thời gian này cô gặp lại người bạn cũ, cũng vì cảm mến lòng tốt của anh nên cô bước thêm một nhịp cầu. Cũng nhờ anh nên cô tách ra lập gánh hát Bích Hợp. Hiệp định Geneve ký kết, cô giải tán gánh vào Nam và hát cho đoàn Kim Chung.

Nhìn qua dĩ vãng đời cô là cả chuỗi chiến bại dai dẳng trên tình trường. Ngang trái éo le giăng khắp quá khứ u ám của cô đào tài danh đã làm rỏ lụy biết bao người. Tình yêu đã ᴄhêƭ từ tuổi dậy thì, cô mang quan niệm chua xót, hoài nghi từ ngày mới bước vào ngưỡng cửa hý trường và tình trường, vì đời chỉ cạm bẫy, lừa lọc và bội bạc nhất là đời sân khấu. 

Những người đàn ông bước qua đời cô chỉ là những thoáng bóng mơ hồ, nhợt nhạt vì ơn nghĩa, vì sự cần thiết trao đổi trên đời tư, trên sự nghiệp, nên cô ghép đời cô vào cho xong một kiếp sống. Cũng vì quá đau khổ nên giờ đây Bích Hợp chỉ muốn được sống yên ổn, giữ phận một người đàn bà có chồng, sống để thương yêu con và thương tất cả lý tưởng chan hòa nước mắt. 

Khoảng đầu thập niên 1970, ở tuổi ngoài 50, Bích Hợp có đóng phim, vào vai mẹ của nhân vật chính tên Quân (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đóng). Dù phim Đất Khổ không được đánh giá cao do sự yếu kém của một “đạo diễn tay mơ” Hà Thúc Cần (vốn là một phóng viên), nhưng phim này vẫn được chú ý vì là lần duy nhất Trịnh Công Sơn đóng phim, và Bích Hợp cũng tỏ ra có năng khiếu điện ảnh trong vai một bà mẹ tần tảo, khắc khổ.

Xem thêm: Cố danh ca Quỳnh Giao và đôi lời về dòng "nhạc sến"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận