Nhạc sĩ Y Vân: Đa tình trong âm nhạc, chỉn chu trong đời thường
Nhạc sĩ Y Vân đã hiến dân trọn đời cho âm nhạc. Có lúc mải mê viết nhạc đến mức quên gạt tàn thuốc làm cháy cả áo thun...
HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ Y VÂN
- Tên thật: Trần Tấn Hậu
- Nghệ danh: Y Vân, Tuấn Vũ, Thy Vân
- Năm sinh - năm mất: 1933 - 1992
- Quê quán: Thanh Hóa
- Gia đình: 2 đời vợ và 8 người con
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
- Thể loại sáng tác: Nhạc tình 1954 - 1975; Nhạc vàng; Nhạc trẻ
- Ca khúc nổi tiếng: 60 năm; Lòng mẹ; Đêm đô thị...
- Ca sĩ trình bày thành công nhất: Hùng Cường, Elvis Phương, Giao Linh...
- Thời gian hoạt động: 1950 - 1990
Nhạc sĩ Y Vân là ai?
Nhạc sĩ Y Vân (1933 - 1992) tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh ra ở Hà Nội (quê gốc ở Thanh Hóa) trong gia đình có 4 anh chị em. Người chị cả mất sớm, Y Vân là con thứ hai, trở thành anh cả và giúp cha mẹ trông nom các em. Nhạc sĩ Y Vũ chính là em trai út của Y Vân.
Gia đình nhạc sĩ Y Vân vốn có họ và tên đệm là "Trần Tán", bố của ông là Trần Tán Nhiệt, chú là nhạc văn Trọng Lang Trần Tán Cửu, ông nội là Tri phủ Trần Tán Bình. Nhưng khi ông chào đời, mẹ của ông đã chọn tên đệm là "Tấn" thay cho "Tán", vì gia đình trải qua quá nhiều sự chia ly phân tán nên về phần duy tâm bà muốn thay chữ "Tán" trong tên đệm để tránh những chuyện tương tự sẽ xảy ra. Vì thế mà tên khai sinh của Y Vân là "Trần Tấn Hậu".
Gia đình Y Vân có hoàn khá khó khăn, phải đi ở nhờ nhà cô ruột. Cha của ông phải đi làm xa nên anh em ông gần gũi với mẹ nhiều hơn. Và trong suốt những năm tháng tuổi thơ, ông đã chứng kiến trọn vẹn sự vất vả của mẹ. Đó cũng là chất liệu để sau này khi trở thành ca sĩ ông đã viết ra những nhạc phẩm về mẹ vô cùng nổi tiếng.
Từ nhỏ Y Vân đã bộc lộ sự nhạy cảm với ông nhạc. Gia đình đã cho ông theo học nhạc với Giáo sư - nhạc sĩ Tạ Phước. Y Vân cũng đã tập tành sáng tác từ sớm.
Nhà quá khó khăn nên mẹ đã dắt díu anh em ông đến nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Từ năm 17 tuổi, ông đã đi dạy đàn và chơi nhạc ở các tụ điểm giải trí để kiếm tiền phụ mẹ nuôi các em.
Năm 19 tuổi, trong một lần đi lang thang ở Hồ Gươm, nhạc sĩ Y Vân tình cờ bắt gặp một thiếu nữ xinh đẹp, mặc áo dài trắng, ôm cặp, bước về phố Tràng Thi. Ông định bám theo làm quen thì bất ngờ cô lên xe hơi đi mất. Mấy hôm sau, ông cứ dạo quanh hồ với hy vọng sẽ thêm lần nữa tình cờ gặp người đẹp, nhưng vô vọng.
Cũng trong thời gian này, ban nhạc mà ông đang hoạt động cùng giải tán. Trong lúc ông đang loay hoay tìm cách quay lại nghề thì có người bạn giới thiệu đến dạy đàn cho chính cô thiếu nữ mà bấy lâu nay ông tìm kiếm. Và đây cũng là cơ duyên dẫn lối ông vào sự nghiệp sáng tác...
Đến năm 1952 (có tài liệu ghi là 1954), ông cùng gia đình di cư vào Nam. Tại đây, ông tiếp tục sáng tác, chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc. Bên cạnh đó, ông còn viết sách về nhạc, dạy đàn guitar.
Nhạc sĩ Y Vân được xem là người đi tiên phong của dòng nhạc nhẹ với những ca khúc có giai điệu cha cha cha, disco, twist... Nhiều sáng tác của ông trở thành bản nhạc bất hủ, được trình diễn trên các sân khấu lớn.
Nghệ danh Y Vân có nghĩa là gì?
Đầu thập kỷ 1950, Hà Nội xuất hiện một nhạc sĩ có tên Y Vân gắn liền với ca khúc "Lòng mẹ"... Hóa ra, nhạc sĩ Y Vân chính là Trần Tấn Hậu - thầy giáo dạy guitar ở trường Dũng Lạc, phố Khâm Thiên (Hà Nội).
Nghệ danh Y Vân của Trần Tấn Hậu khởi nguồn từ mối tình với nàng tiểu thơ Hà thành. "Y Vân" có nghĩa là "Yêu Vân", tức là yêu thiếu nữ Tường Vân - mối tình đầu của ông.
Như đã chia sẻ, trong một lần lang thang Hồ Gươm, Trần Tấn Hậu đã vô tình gặp cô thiếu nữ mặc áo dài trắng ôm cặp bước về phố Tràng Thi. Chàng trai 19 tuổi Trần Tấn Hậu chỉ kịp nhìn thấy khuôn mặt đẹp thoáng nét kiêu sa của cô gái trước khi một chiếc xe hơi sang trọng đón đi.
Như tiếng sét ái tình, Hậu cứ tơ tưởng về nàng thiếu nữ xa lạ mãi. Ngày nào, Hậu cũng lang thang ở phố Tràng Tiền để tìm lại bóng dáng đó nhưng vô vọng. Rồi một sự trớ trêu đem lại may mắn. Ban nhạc mà Trần Tấn Hậu đang chơi giải tán. Ông loay hoay tìm cách quay lại với nghề và mưu sinh thì được bạn giới thiệu mối dạy đàn. Nơi dạy học là một ngôi nhà khá nguy nga nằm trên phố Hàng Bông.
Trần Tấn Hậu đến trao đổi với phụ huynh, thống nhất thù lao thì cô học trò xuất hiện. Ông đã giật thót rồi đứng ngây ra như pho tượng khi nhận ra cô học trò đó là nàng thiếu nữ mình từng có duyên hạnh ngộ ở phố Tràng Thi. Cô gái tên Tường Vân.
Trần Tấn Hậu làm gia sư khoảng nửa năm thì chinh phục được cô học trò Tường Vân. Tình yêu của họ phát triển từng ngày gặp gỡ. Một thời gian sau, Tường Vân quyết định công khai mối quan hệ này với gia đình thì đó cũng là lúc hợp đồng gia sư kết thúc.
Bố mẹ Tường Vân phản đối kịch liệt, kiên quyết cấm con gái qua lại với Hậu vì... dan díu với nghệ sĩ nghèo chỉ khổ thân.
Từ đó, Trần Tấn Hậu không còn lý do để bước vào ngôi nhà sang trọng trên phố Hàng Bông nữa. Trong khi đó, nàng Tường Vân không thể nguôi ngoai nỗi nhớ mối tình đầu. Hai người vẫn lét lút hẹn hò và đó cũng là cảm hứng để Hậu sáng tác. Nhạc phẩm đầu tay của Hậu viết tặng Tường Vân có tên "Tình ta nở giữa mùa đông". Trần Tấn Hậu đề tên tác giả là "Y Vân".
Thiếu nữ Tường Vân đã mang nhạc phẩm "Tình ta nở giữa mùa đông" về nhà và hát đôi lần thì... bố mẹ quyết định đưa cô sang Pháp du học. Từ đó, ca khúc "Tình ta nở giữa mùa đông" rời khỏi Hà Nội, rời khỏi Việt Nam và hầu như không còn ai được dịp hát nữa. Mối tình đầu chỉ còn lại hai lá thư mà Tường Vân viết cho Y Vân. Hiện hai lá thư này vẫn được bà Minh Lâm - vợ cố nhạc sĩ Y Vân lưu giữ và trân trọng như một kỷ vật quý giá về chồng.
Nhạc sĩ Y Vân và chuyện tình hiếm có với 2 chị em họ
Cuộc hôn nhân sau 5 tháng tìm hiểu
Sau chuyện tình dang dở với nàng Tường Vân, nhạc sĩ Y Vân dành trọn tâm huyết cho âm nhạc. Một thời gian sau, ông được bạn thân mai mối cho cô gái tên Như Hường. Khác với Tường Vân, Như Hường không mê nhạc, chỉ thích thơ.
Quen nhau chưa lâu, Y Vân về nói chuyện với mẹ. Bà cụ thân sinh đích thân sang nhà Hường xem mặt giúp con trai. Để tìm hiểu về cô gái này, bà xin phép xuống nhà dưới đi vệ sinh nhưng mục đích là để xem bếp núc như thế nào. Thấy bếp núc gọn gàng, bà đồng ý tác hợp cho cặp đôi nhà. Năm 1959, Y Vân và Như Hường về chung nhà sau 5 tháng tìm hiểu. Họ có với nhau 4 người con. Nhưng đây cũng là thời điểm người nhạc sĩ tài hoa sáng tác 2 nhạc phẩm "Biển sầu" và "Người vợ hiền" tặng Như Hường. Hai ca khúc này giống như lời cám ơn thể hiện sự trân trọng của ông dành cho bạn đời.
Cưới em họ cho chồng
Năm 1970, bà Như Hường đã làm một chuyện xưa nay hiếm có: Đi cưới vợ cho chồng. Người vợ thứ hai của nhạc sĩ Như Vân không phải ai khác chính là em con cô, con cậu với bà Như Hường - bà Trần Thị Minh Lâm (cha của Minh Lâm là em trai của mẹ Như Hường).
Bà Như Hường đưa ra quyết định táo bạo này sau khi biết được tình cảm mãnh liệt của cô em gái. Bà mặc gia đình phản đối mà chuyện xưa nay hiếm có. Điều đáng nói là hai chị em rất hòa thuận, yêu thương nhau, gia đình trong ngoài êm ấm.
Hai người phụ nữ xác định rõ quan điểm, họ đứng sau một người đàn ông tài hoa, lận đận nên không có điều gì quý giá hơn là sự cảm thông sâu sắc từ trái tim của những người vợ.
Sau này, trong nhiều cuộc phỏng vấn với báo chí, bà Minh Lâm luôn chia sẻ rằng: Mấy mươi năm chung số, vợ chồng chưa từng to tiếng. Bà với nhạc sĩ Y Vân như hai người bạn tri kỷ, thấu hiểu nhau. Có những hôm, họ trò chuyện đến sáng. Ông là người thật thà, chung thủy và yêu thương vợ con.
Và chính sự thấu hiểu đó đã giúp bà Minh Lâm coi cuộc tình xưa cũ của nhạc sĩ Y Vân và nàng Tường Vân như một kỷ niệm đẹp. Bà vẫn giữ hai bức thư tình mà Tường Vân viết cho chồng. Bà trân trọng quá khứ của chồng như những kỷ niệm đẹp, mảng trời riêng và góc khuất khác của người bạn tri kỷ.
Cũng theo bà, nhiều bản nhạc của Y Vân bị người đời thêu dệt thành những mối tình đâu đó, thật ra là những rung cảm thường tình của một người nghệ sĩ. Không hẳn phải có tình yêu với một người nào đó thì mới sáng tác ra những bài hát hay. Có khi Y Vân cảm xúc trước một cuộc tình nào đó mà ông bắt đầu đặt bút viết...
Người đàn bà lớn nhất trong đời nhạc sĩ Y Vân là ai?
Trong chương trình "Chân dung cuộc tình", bà Minh chia sẻ: Nhạc sĩ Y Vân rất nghiêm túc. Sống với nhau 23 năm, ông không có một bóng hồng nào hết. Ông là người đa tình trong âm nhạc nhưng lại là người rất chỉn chu trong đời thường. Ông yêu vợ, thương con, sống hết lòng vì bạn bè.
Còn theo nhạc sĩ Y Vũ, người đàn bà lớn nhất trong đời Y Vân không phải nàng Tường Vân mà chính là người mẹ. Điều đó được thấy rõ nét nhất qua ca khúc "Lòng mẹ".
Nhạc phẩm gây xúc động bởi hoàn cảnh ra đời xúc động. Nhạc sĩ Y Vũ từng kể nhiều lần câu chuyện này: Cuối thập niên 1950, nhạc sĩ Y Vân là nhạc công chơi cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Hàng đêm, mẹ của ông ở nhà giặt quần áo ở máy nước công cộng, có lần giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát đến nhắc nhở vì quá giờ giới nghiêm. Đến sáng, Y Vân về tới nhà, biết chuyện đã khóc, viết ra "Lòng mẹ".
Người đầu tiên trình bày "Lòng mẹ" chính là Y Vân, Ông hát cho mẹ nghe, bà nghe và rơm rớm nước mắt.
Vào năm 1992, nhạc sĩ Y Vân qua đời ở tuổi 60. Bên quan tài con, người mẹ đã nghẹn ngào nói lời tiễn biệt: "Con đi trước mẹ nhưng khi còn sống con đã viết bài Lòng mẹ cho mẹ thì con đã báo hiếu lớn lao rồi".
Nhạc sĩ Y Vũ cũng tiết lộ rằng, người mẹ bình thường mà vĩ đại của anh em ông là người phụ nữ gốc Hà Đông. Bà làm thơ rất hay. Nhưng cả Y Vân, Y Vũ đều chưa từng phổ thơ của mẹ.
Từ vết thương lòng đến sự nghiệp âm nhạc thăng hoa của nhạc sĩ Y Vân
Người tiên phong trong công cuộc hội nhập với nhạc nhẹ
Mối tình đầu bị ngăn cách khiến cho nhạc sĩ Y Vân vô cùng đau đớn, nhớ nhung. Ông đã nén nỗi xót xa trong các sáng tác của mình. Khoảng năm 1952 (có tài liệu ghi là 1954), nhạc sĩ Y Vân cùng mẹ và hai em di cư vào Sài Gòn sinh sống. Vùng đất mới là một thử thách khiến người mẹ nhọc nhằn may vá đêm ngày để gánh vác trách nhiệm nuôi con thờ chồng. Và những tần tảo của mẹ đã trở thành chất liệu giúp Y Vân sáng tác nên nhạc phẩm bất hủ "Lòng mẹ": "Lòng mẹ bao la như vầng trăng tròn mùa thu/ Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ"....
Ca khúc "Lòng mẹ" được ra đời vào năm 1958 và nhanh chóng giúp tên tuổi của Y Vân nổi tiếng hơn trong giới âm nhạc. Nhờ ca khúc "Lòng mẹ", Y Vân được mời chơi nhạc và được đặt hàng viết ca khúc.
Thời đó ở Sài Gòn ca khúc “Let's Twist Again” được giới trẻ ưa chuộng, và Hãng đĩa Sóng Nhạc đã đặt Y Vân viết một ca khúc theo điệu twist. Chỉ trong một tuần, Y Vân đã gửi bản thảo đến cho hãng đĩa.
Nếu trong thập niên 1950, nhạc sĩ Y Vân sáng tác nhiều nhạc phẩm êm đềm, nhẹ nhàng, chan chứa tình quê như "Bóng người cùng thôn", "Duyên tình"... thì sang thập niên 1960, ông bắt đầu sáng tác những bản nhạc sôi động phục vụ cho những đêm nhạc tại vũ trường, như là "20 - 40", "Tiếng trống cao nguyên", "Tình yêu và Thủy thủ"... Đặc biệt có hai ca khúc điệu twist thịnh hành trong giới trẻ thời đó do ông sáng tác là "Đêm đô thị" và "60 năm" (thường bị nhầm tên là 60 năm cuộc đời).
Các ca khúc sáng tác theo điệu twist thường sôi động, gấp gáp, giai điệu được đẩy nhanh như thôi thúc người nghe bước vào điệu nhảy. Ở chốn vũ trường, các sáng tác theo điệu twist vô cùng được yêu thích.
Ba ca khúc "60 năm", "20 - 40 Sài Gòn" và "Kim" do Y Vân sáng tác được thể hiện qua giọng ca Hùng Cường đã mang lại cho Hãng đĩa Sóng Nhạc một nguồn thu lớn. Vì vậy, ngoài thu lao giao kèo, nhạc sĩ Y Vân còn được thưởng thêm khoản tiền đủ mua một căn nhà.
Thế nhưng, trong gia tài âm nhạc của Y Vân, hình ảnh nàng Tường Vân nằm nào vẫn ghi đậm ký ức. Mối tình không chỉ mang đến cái bút danh, mà còn góp cho Y Vân hai bản tình ca đầy day dứt là "Ảo ảnh" và "Ngăn cách". Trong đó, nhạc phẩm "Ngăn cách" được viết khi nàng Tường Vân đã lấy được người chồng môn đăng hậu đối. Còn ca khúc "Ảo ảnh" được viết khi Y Vân chứng kiến một cuộc tình lỡ làng giống như mình với Tường Vân năm nào.
Nặng lòng với nhạc cổ
Không chỉ tiên phong trong công cuộc hội nhập nhạc nhẹ, nhạc sĩ Y Vân còn nặng lòng với dòng nhạc cổ. Công trình nghệ thuật "Dân ca ba miền" ông làm cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với việc phát hành băng đĩa " "Continental 6", có cả ấn bản tiếng Anh "Vietnamese traditional songs" từng gây tiếng vang lớn trên thế giới vào năm 1974.
Với hàng trăm nhạc phẩm, hàng trăm ngàn phối khí, những đoạn nhạc phim viết cùng Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng... các sách dạy guitar, tự học guitar theo phong cách thời trang, jazz hay flamenco, Y Vân xứng đáng với tầm vóc một nhạc sĩ dấn thân vì âm nhạc.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Y Vân vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp âm nhạc với việc tham gia vào Đoàn Ca nhạc Hương miền Nam, viết nhạc phim, nhạc sân khấu. Ở mảng nhạc phim, ông đã để lại thành công với ca khúc thiếu nhi "Như bầy sơn ca" viết cho phim "Sơn ca trong thành phố" của nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
Bên cạnh đam mê sáng tác âm nhạc, dành trọn đời cho âm nhạc, nhạc sĩ Y Vân còn kích thích sáng tạo cho bạn bè. Khi thấy ca sĩ Trần Ngọc có năng khiếu sáng tác, ông đã khuyến khích bạn viết chung ca khúc. Để viết chung ca khúc cùng Y Vân, ca sĩ Trần Ngọc đã lấy bút danh là Tuấn Khanh (Tuấn là tên người anh trai, Khánh là tên con trai của anh Tuấn). Vậy là nhạc phẩm "Đò ngang" ra đời với hai tác giả Y Vân - Tuấn Khang. Nhờ cú huých này mà nền âm nhạc miền Nam thời kỳ đầu đất nước bị chia cắt có thêm nhạc sĩ Tuấn Khanh, sau đó ít lâu đã nổi tiếng với ca khúc "Chiếc lá cuối cùng".
Nhạc sĩ Y Vân là kho tàng âm nhạc đồ sộ
Nhạc sĩ Y Vân đã hiến dâng trọn đời của âm nhạc. Cho đến khi ra đi, ông đã để lại cho đời kho tàng âm nhạc đáng nể:
Sáng tác riêng | 20-40 (1965); 3000 dặm; 5 ô cửa xưa; 60 năm cuộc đời (1965); 9 giờ thần tiên; Anh có thể; Anh đã làm khổ em; Anh đâu em đó; Anh đến bên tôi; Anh về thủ đô; Ảo ảnh (1965); Bà Rằng Bà Rí; Bài ca chiều thứ bảy; Bến thương (1958); Bên giàn thiên lý (1960); Bếp lửa gia đình (1952); Biển sầu; Bóng người cùng thôn (1958); Bụi hồng; Buồn (ý thơ Tạ Ký); Bức thư trên lô cốt; Bước chân trên sa mạc; Bước công dan; Cánh đồng xanh (Green Fields); Cánh hoa thời loạn (1966); Chèo thuyền vượt sóng (1958); Chiếc nón bài thơ (1956); Chiều Kon Tum (1961); Chiều mưa công viên (1962); Chiều mưa nghĩa trang.... và nhiều nhạc phẩm khác. |
Nhạc thiếu nhi | Chị Hằng; Cô bé bán sữa; Hai ông lang; Hát lên nào (với Vĩnh Căn, 958); Lên sáu; Múa lân; Ngủ nhè; Vòi quà; Xem TV |
Viết chung lời với Xuân Lôi | Bài hát của người tự do; Đàn tiên; Nhạt nắng (1957); Tiếng hát quê hương (1959) |
Viết chung lời với Xuân Tiên | Chiến sĩ của mùa xuân; Duyên tình (1958); Đường nắng; Nhịp sống vui; Trăng khuya; Về dưới mái nhà (1958) |
Viết chung lời với Minh Kỳ | Bao giờ anh trở lại kinh kỳ (1963); Chiếc khăn tay; Chiều nào anh ghé qua đây (1961); Chuyến tàu tiễn biệt (1961); Đêm mưa tiễn bạn (1961); Mái tóc thề (1961); Mây trắng biên thùy (1961); Nếu anh đã biết; Người em áo tím (1961); Thưở ấy (1961) |
Viết chung lời với Nguyễn Hiền | Bên hồ liễu (1959); Đôi mắt người thương (Thương ca); Tình trăng nước (1958) |
Sáng tác chung với nhạc sĩ khác | Cát biển (Lê Trọng Nguyễn, 1964); Chiều về quê tôi (Thanh Thoại, 1958); Duyên ban đầu (Lê Dinh, 1959); Dưới bóng dừa (Mạnh Bích, 1958); Đêm giao mùa (Văn Thế Bảo, 1955); Đò ngang (Tuấn Khanh, 1955); Đời còn ngăn cách nhiều hơn (Mạnh Phát); Đôi mắt người xưa (Nghiêm Phú Phi); Đừng buồn khi cách biệt (Hoài An); Em gái; Hà Tiên (Vĩnh Căn và Thu Vân, 1958); Hai chuyến tàu đêm (Trúc Phương, 1960); Hình ảnh quê xưa (Hoàng Trọng, 1958); Khúc ca duyên lành (lời Tô Kiều Ngân, 1957); Mùa thương tay đợi mắt chờ (Đỗ Kim Bảng, 1963); Nếu anh về (Huỳnh Anh, 1962); Nụ cười tái ngộ (Lan Đài, 1963); Sao anh lỗi hẹn (Mạnh Phát,1963); Suối tóc (Văn Phụng); Tìm về (Lan Đài); Tình đôi ta (Hoài Linh); Về miền Tây (Văn Thế Bảo, 1956); Vòng tay giữ trọn ân tình (Đỗ Kim Bảng, 1965) |
Xem thêm: Nhạc sĩ Trần Văn Trạch: "Quái kiệt" đa tài, người khai sinh ra dòng nhạc hài hước
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận