Giai thoại cuộc tình Châu Kỳ - Mộc Lan [P2]: Mộng đẹp vỡ tan nơi Sài Gòn hoa lệ

Cứ ngỡ, mối tình như thơ như họa ấy sẽ trở thành trang tình sử khiến hậu thế ngưỡng mộ. Nào ngờ, tình đẹp cũng chỉ là giấc mơ… Sau 10 năm chung sống, thứ duy nhất còn đọng lại chỉ là những hối tiếc khôn nguôi.

Diệu Nguyễn
3 ngày trước Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Đặt chân vào Nam, cặp đôi nghệ sĩ Mộc Lan và Châu Kỳ liền được các đài Phát thanh Pháp Á, Quốc Gia mời đi hát. Riêng trên sân khấu tân nhạc thì thường thường gặp nghệ sĩ này xuất hiện trong những chương trình phụ diễn tân nhạc tại các rạp chiếu bóng. Rời Huế, nàng ca sĩ Mộc Lan đã để lại trong lòng người mộ điệu hình ảnh cô trên sân khấu Gia Hội Hỷ Viên với nhạc phẩm “Đi chơi chùa Hương” của nhạc sĩ Trần Văn Khê. Bài hát này vừa dài lại vừa khó hát hay, nên dù đã xuất bản được một thời gian nhưng có rất ít ca sĩ trình bày. Đến khi Mộc Lan hát mọi người mới biết đến.

Là người Huế nên vào Nam, ca sĩ Mộc lan và nhạc sĩ Châu Kỳ cộng tác với Ban Thần Kinh của Mạnh Phát gồm có Minh Diệu, Phạm Đức, Linh Sơn. Cuộc sống của Châu Kỳ và Mộc Lan ở Sài Gòn vô cùng hạnh phúc. Ngược hẳn với thói thường là khi cuộc tình chấm dứt, nhường chỗ cho nếp sống vợ chồng, người nghệ sĩ sẽ bớt đi một phần cảm hứng để sáng tác, Châu Kỳ lại nhờ cuộc sống vợ chồng nồng thắm mà sáng tác được nhiều hơn, nên càng được nhiều người biết đến. Khi chiến tranh đến hồi quyết liệt, Châu Kỳ buộc lòng phải nhập ngũ, phục vụ tại Đoàn văn nghệ Quân đội đóng tại Sài Gòn. Tuy phải sống đời quân ngũ nhưng nhạc sĩ Châu Kỳ vẫn có thời gian đi hát như cũ. Có những ngày, Châu Kỳ đi công tác, Mộc Lan một mình vò võ chốn phòng khuê với cuộc sống của một chinh phục bất đắc dĩ. Tuy xa nhau chỉ ít ngày mà đi đến đâu Châu Kỳ cũng không quên điện tín, gửi thư về cho người vợ yêu quý. Cuộc sống lứa đôi mặn nồng, thi vị không kém gì lúc yêu nhau trên đất Huế ngày nào.

giai-thoai-cuoc-tinh-buon-giua-nhac-si-chau-ky-va-danh-ca-moc-lan-p2
Chuyện tình Châu Kỳ - Mộc Lan từng được báo chí thời trước đăng tải

Tôi được nghe kể lại vào dịp giáp Tết, Châu Kỳ phải đi công tác xa Sài Gòn, cho đến 29 mới về. Châu Kỳ buồn lắm vì lo lắng cho Mộc Lan một mình chuẩn bị Tết. Một tối, sau khi hát xong về nơi nghỉ, có một ca sĩ mới hỏi đùa Châu Kỳ rằng: “Chừ mi buồn da diết vì nhớ vợ hỉ?’.

Châu Kỳ nghe thế bực lắm, quắc mắt  lên, trả lời: “Mi bảo tao không nhớ vợ thì nhớ mi hả?”.

Cả đoàn nghe thấy vậy thì cười phá lên, phá tan bầu không khí yên tĩnh đêm khuya.

Lại một lần khác, một người bạn tò mò hỏi Châu Kỳ về tôi, người đã phê bình gắt gao Châu Kỳ trên báo chí khi anh và Mộc Lan ra Bắc hát. Châu Kỳ không tỏ vẻ khó chịu mà còn nhẹ nhàng phát biểu: “Thằng Lê Hoàng Long dạo này khá hơn rồi, nó vừa có bài “Gợi giấc mơ xưa” được lắm”. Tôi nghe được thì lấy làm cảm động và ân hận về những chuyện đã qua.

Có những đêm mưa cũng như tạnh ráo, Châu Kỳ đèo Mộc Lan đi hát, đi chơi khắp phố phường Sài Gòn bằng chiếc Vespa thật du dương và lý tưởng khiến nhiều cặp vợ chồng ao ước, thèm muốn.

Trong cuộc giao du, tửu lượng của Châu Kỳ cũng đáng nể lắm, với rượu Châu Kỳ như một cái hũ chìm. Mỗi lần nhậu nhẹt, có hơi men, Châu Kỳ phát biểu cũng hăng say lắm, có đôi khi còn cãi lộn, gây gỗ nhau. Đó là một nhược điểm của chàng nhạc sĩ tài hoa miền Trung vậy!

Có lẽ Mộc Lan vừa có tài, vừa có sắc nên phải chịu cảnh hồng nhan đa truân. Còn nhạc sĩ Châu Kỳ vừa đẹp trai, đàn giỏi, hát hay nên cũng chẳng thoát được quy luật tai mệnh tương đố của muôn đời. Vì thế, sau hơn 10 năm hương lửa, Châu Kỳ và Mộc Lan phải cắt đứt đường tơ, chia tay nhau vĩnh viễn.

Sau cuộc chia tay ấy, Mộc lan ở lại Sài Gòn còn Châu Kỳ trở lại Huế, quay về cố hương, sống cuộc đời đơn độc. Châu Kỳ không khỏi bùi ngùi, buồn bã, tất cả tâm trí của anh đều quay về dĩ vãng vàng son. Chắc chắn nhạc sĩ Châu Kỳ cũng từng có ý nghĩ con người ta sinh ra đời phải chào đời bằng tiếng khóc thì chẳng ai tránh khỏi cái khổ. Đời là bể khổ, mỗi người đều mang một cái nghiệp vào thân, phải đấu tranh sinh tồn.

giai-thoai-cuoc-tinh-buon-giua-nhac-si-chau-ky-va-danh-ca-moc-lan-p2 (2)
Chân dung nhạc sĩ Châu Kỳ và Mộc Lan khi về già

Làm kiếp nghệ sĩ là kiếp con tằm, đến thác vẫn còn vương tơ thì còn phải chịu gian truân hơn người thường. Thời gian chịu cảnh nửa đường gãy gánh đã nung nấu tâm can nhạc sĩ Châu Kỳ, để anh có những suy tư, những dằn vặt cộng với nhớ thương, luyến tiếc nhờ đó mà ấp ủ được những yên sĩ phi lý thuần để có được tác phẩm hay. Lần này trở về Huế, chiều chiều Châu Kỳ lại dạo gót trên những con đường xưa cũ, vẫn còn đó cây đa cũ, bến đò xưa, nhưng cô lái đò thì vắng bóng. Lững thững bên bờ Hương Giang lững lờ chảy, Châu Kỳ vẫn được nghe giọng hò từ những con thuyền nhỏ bé vọng lên nhưng nó không còn thi vị  như xưa mà rất thảm thiết, bi ai. Chợ Đông Ba vẫn thế, nhưng dù có tấp nập, đầy ắp tiếng cười thì cũng chẳng làm Châu Kỳ thấy vui. Chiều chiều khi hoàng hôn buông xuống, có ngược dòng lên thăm Chùa Thiên mụ, lòng lắng lại để nghe hồi chuông thu không, chắc chắn Châu kỳ cũng khó thoát được cảnh mủi lòng.

Dưới mắt Châu Kỳ, trong tim Châu Kỳ, tất cả cảnh vật xung quanh đều bơ vơ, xơ xác. Nỗi buồn cô đọng trong tim gặm nhấm anh từng ngày, từng giờ. Chỉ là một người bình thường thôi nên không tránh được nỗi niềm ngao ngán, bồi hồi huống chi với Châu Kỳ - một nhạc sĩ, tình cảm còn dạt dào hơn nữa.

Chính trong thời gian đơn côi này mà nhạc sĩ Châu Kỳ đã viết được nhạc phẩm “Trở về”, đây là tiếng lòng của anh thời trở lại sống tại Cố đô, nghe thật não ruột:

“Về đây nhìn mây nước bơ vơ

Về đây nhìn cây lá xác xơ

Về đây đâu còn phút sum vầy

Đâu còn thấy niềm say

Lạnh lùng ngắn trời mây”.

Đấy, Châu Kỳ nhìn xung quanh thấy đấy! Nhạc phẩm “Trở về” của anh là một viên ngọc quý, sáng giá nhất trong các sáng tác của Châu Kỳ. Ca khúc “Trở về” được coi là nhạc phẩm để đời của anh! Tâm sự của Châu Kỳ ngày ấy cũng là tâm sự chung của những người lận đận, đau khổ trong tình yêu nên rất dễ đi vào lòng người và sống trong lòng người.

Sống trên đời nếu yêu nhau và lấy được nhau, sinh con đẻ cái thì làm sao người ta có được những tác phẩm đúng là tiếng lòng trung thực?

Còn riêng với Mộc Lan, cô vẫn là đóa hoa hương sắc của làng văn nghệ miền Nam nên còn rất nhiều người muốn “giương cung bắn sẻ”.

Được một thời gian ở Huế khá lâu, nhạc sĩ Châu Kỳ lại trở vào Sài Gòn. Lần vào Nam này, Châu Kỳ bước thêm bước nữa. Người bạn đời sau này của anh còn rất trẻ, một nữ sinh của trường Nữ trung học Gia Long. Hai người về xây tổ ấm tại khu Cống Bà Xếp (Hòa Hưng) và bây giờ đã chuyển về ở bên Tân Quý Đông (Nhà Bè).

Câu chuyện tưởng chừng như mới xảy ra ngày nào mờ ngoảnh lại đã hơn 40 năm rồi. Bây giờ nhạc sĩ Châu Kỳ cũng đã bước qua được ngưỡng cửa thất thập cổ lai hy, còn Mộc Lan cũng được tôn kính vào hàng lão bà. Gặp lại Châu Kỳ, tôi thấy anh vẫn vui vẻ, khỏe mạnh, thấy anh vẫn đạp chiếc xe rong ruổi khắp phố phường của Sài Gòn vui tươi, nhộn nhịp.

Trong những lần trà dư tửu hậu với bạn bè, có người nhắc đến Châu Kỳ, tôi hay đùa vui rằng: “Ông cứ yên trí, bây giờ vào tuổi lão làng Châu Kỳ còn say mê sáng tác, ai dám bảo cụ Châu Kỳ già mà không còn phong độ?”.

Xem thêm: Người vợ tri kỷ đứng đằng sau thành công của nhạc sĩ Châu Kỳ

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận