Nhạc sĩ Châu Kỳ: Dù lệ rơi phím đàn vẫn muốn giữ trái tim yêu để sáng tác 

Nhạc sĩ Châu Kỳ là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của làng nhạc vàng với những tình khúc bất hủ đi cùng năm tháng như “Con đường xưa em đi”, “Giọt lệ đài trang”, “Đừng nói xa nhau”,...

Diệu Nguyễn
14:00 21/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ CHÂU KỲ

  • Tên thật: Châu Kỳ
  • Nghệ danh: Châu Kỳ, Anh Châu
  • Ngày sinh: 1923 - 2008
  • Quê quán: Thừa Thiên Huế
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, ca sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc vàng, tình khúc
  • Ca khúc nổi tiếng: Con đường xưa em đi, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Giọt lệ đài trang,…
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Chế Linh, Tuấn Vũ, Giao Linh,...
  • Thời gian hoạt động: 1943 - 2008

Nhạc sĩ Châu Kỳ là ai?

Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh ngày 5/11/1923 tại làng Dưỡng Mong, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha của ông là Châu Huy Hà, một nghệ nhân ca huế, cũng là một thầy đồ dạy chữ nho có tiếng. Chị của nhạc sĩ Châu Kỳ là Châu Thị minh, một trong “ngũ nữ minh tinh” của làng nghệ thuật Việt Nam.

Thuở nhỏ, nhạc sĩ Châu Kỳ học tại trường tiểu học Dưỡng Mong, sau đó học tiếp tại trường Lycée Khải Định (nay là trường Quốc Học Huế). Ở đây, nhạc sĩ Châu Kỳ có cơ duyên gặp gỡ sư huynh Petrus Thiều, một tu sĩ giỏi về nhạc lý và sáng tác, thành thạo nhiều loại nhạc cụ phương Tây. Khi ấy, sẵn có dòng máu văn nghệ trong người, lại được thầy giỏi hướng dẫn nên nhạc sĩ Châu Kỳ rất mau tiếng bộ trong việc học nhạc và học hát. Lúc mới biết hát, nhạc sĩ Châu Kỳ thường bắt chước ngân nga theo các bài hát bằng tiếng Pháp thịnh hành vào thời đó như “J'ai deux amours”, “Tant qu'il y aura des etoiles” do danh ca người Pháp Tino Rossi trình bày, nên bạn bè thường hay gọi ông là "Deuxième Tino Rossi".Đến khi chị của nhạc sĩ Châu Kỳ lập đoàn ca kịch Huế tên Hồng Thu, ông liền xin đi theo hát trong đoàn của chị. Vừa được hát, lại vừa có tiền phụ giúp cha mẹ, nên nhạc sĩ Châu Kỳ quyết định bỏ học để đi theo nghiệp cầm ca.

Năm 1942, đoàn ca kịch Hồng Thu đi diễn ở Lào, khi đang diễn vở “Hồn lao động” thì nhạc sĩ Châu Kỳ bị mật thám Pháp bắt nhốt ở Ba Vì. Đến khi rời nhà giam trở về Huế, ông bàng hoàng nghe tin mẹ mình qua đời trong một trận lũ. Những buổi chiều đứng bên dòng sông Hương với lòng ngổn ngang tâm sự, nhạc sĩ Châu Kỳ đã viết ra nhạc phẩm đầu tay mang tựa “Trở về”.

nhac-si-chau-ky-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-chau-ky-voi-nen-tan-nhac-1
Nhạc sĩ Châu Kỳ bắt đầu sáng tác năm 1943

Năm 1947, nhạc sĩ Châu Kỳ vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây ông có một vài mối tình kết thúc trong đau buồn. Sau đó ông nên duyên vợ chồng với ca sĩ Mộc Lan và cuộc hôn nhân này đã khởi đầu hiện tượng của làng ca nhạc thời đó. Sau khi trở thành vợ chồng, nhạc sĩ Châu Kỳ đưa về về Huế ra mắt gia đình và cả hai sinh hoạt văn nghệ luôn tại đây. Ở Huế, danh tiếng của cặp đôi uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan nhanh chóng nổi tiếng, được khán giả vô cùng yêu thích. Thế nhưng, không lâu sau đó cuộc hôn nhân của cả hai tan vỡ. Trong giai đoạn đau thương này nhạc sĩ Châu Kỳ đã sáng tác ra hàng loạt các ca khúc mang tâm trạng u uất như “Khúc ly ca”, “Biệt kinh kỳ”,…

Sau đó 3 năm, ông lập gia đình với bà Kha Thị Đàng và chung sống cho đến tận lúc ông qua đời vào năm 2008 tại Thủ Đức. Nhạc sĩ Châu Kỳ qua đời ở tuổi 85 sau gần 2 tháng nằm liệt giường vì bệnh nặng. Sau đó, ông được gia đình đưa về Huế và an táng vào ngày 11 tháng 1 năm 2008 tại đồi Nam Giao.

Nhạc sĩ Châu Kỳ và duyên tình lỡ làng, lệ rơi phím đàn

Như nhiều nhạc sĩ cùng thời khác, mỗi một tình khúc cho nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác đều gắn với một bóng hồng nào đó. Nhạc sĩ Châu Kỳ có rất nhiều mối tình thoáng qua, nhưng đậm sâu nhất phải kể đến ba bóng dưới đây!

Người đầu tiên là Tôn Nữ Kim Anh, con gái của một quan thượng thư. Khi còn là chàng trai trẻ ở Huế, nhạc sĩ Châu Kỳ vô cùng si mê Kim Anh. Để gây ấn tượng với nàng, chàng nhạc sĩ lãng tử này đã ôm đàn hát dưới cửa sổ phòng nàng. Tuy nhiên, vừa ngân lên được vài khúc, Tôn Nữ Kim Anh đã ngừng tay đan áo, nhìn xuống và lạnh lùng buông câu “xướng ca vô loài”. Bẽ bàng và xấu hổ vì bị từng chối, nhạc sĩ Châu Kỳ ôm trái tim tan vỡ đi vào Sài Gòn. Sau này, hai người gặp lại nhau khi ông bị lính Pháp bắt đi. Thời thế xoay vần, nhìn thấy nàng tiểu thư ngày nào giờ phải sống trong cảnh khốn cùng khiến nhạc sĩ Châu Kỳ vô cùng xót xa viết nên nhạc phẩm nổi tiếng “Giọt lệ đài trang”.

nhac-si-chau-ky-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-chau-ky-voi-nen-tan-nhac-2
Nhạc sĩ Châu Kỳ và danh ca Mộc Lan

Bóng hồng thứ hai trong đời nhạc sĩ Châu Kỳ là mỹ nhân gốc Hải Phòng – ca sĩ Mộc Lan (tên thật là Phạm Thị Ngà). Bà được ca ngợi là mỹ nhân tài sắc vẹn toàn. Không chỉ mang vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, Mộc Lan còn có giọng hát hay đến mê hồn. Đôi trai tài gái sắc gặp nhau ở chốn Sài Thành phồn hoa rồi nhanh chóng nên duyên vợ chồng, trở thành cặp đôi ca nhạc sĩ lừng lẫy của làng nhạc khi ấy.

Sau khi kết hôn, cả hai về Huế sinh sống và thường xuyên hát cho đài phát thanh cố đô với mức lương hậu hĩnh. Thế nhưng, cuộc hôn nhân này lại không bền lâu. Sau này, em ruột của ca sĩ Mộc Lan là nhà văn Trần Áng đã kể lại nguyên nhân khiến cả hai ly dị là do một người đàn ông giàu có có tên Mệ Phủ. Cuộc hôn nhân kéo dài hơn 6 năm với nữ ca sĩ Mộc Lan có thể nói là một kỷ niệm đẹp nhưng vô cùng đau thương của nhạc sĩ Châu Kỳ. Nỗi cay đắng vì duyên tình lỡ làng khiến nhạc sĩ Châu Kỳ dằn vặt trong suốt một thời gian dài. Lúc này để vơi bớt sự tủi hận và đau đớn, ông đã tìm đến âm nhạc để giải tỏa.

Sau vài năm, khi nỗi đau đã dần nguôi ngoai, nhạc sĩ Châu Kỳ đã gặp một nửa thực sự của đời mình. Đó là cô nữ sinh trường Gia Long – Kha Thị Đàng. Khi gặp nhạc sĩ Châu Kỳ, bà chỉ vừa tròn 16 tuổi, nhỏ hơn Châu kỳ 15 tuổi. Thế nhưng tình yêu giữa họ nhanh chóng nảy nở, năm 1955 cả hai kết hôn với nhau bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình bà Đàng.

nhac-si-chau-ky-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-chau-ky-voi-nen-tan-nhac-3
Nhạc sĩ Châu Kỳ và vợ bà Kha Thị Đàng

Khi ấy, dù nhạc sĩ Châu Kỳ rất nổi tiếng, thế nhưng tiền thù lao của ông cũng chỉ đủ cho gia đình sống qua ngày. Thế nhưng, sau năm 1975, giống như số phận của hàng trăm nhạc sĩ miền Nam lúc bấy giờ, gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ bước sang một trang mới với nhiều khó khăn và thử thách hơn. Nhạc sĩ Châu Kỳ đi tập trung cải tạo, một mình bà Đàng phải vừa kiếm tiền nuôi con, vừa kiếm tiền thăm nuôi chồng. Trong hành trình hơn 50 năm bên nhau, bà Đàng đã trở thành hậu phương vững chắc để nhạc sĩ Châu Kỳ miệt mài sáng tác, cống hiến cho âm nhạc, cho nghệ thuật.

Thế nhưng là vợ của một người chồng mang tính nghệ sĩ, bà Đàng đã không ít lần chua chat thầm ghen trộm nhớ với những bóng hồng vụt qua. Cả hai vợ chồng nhạc sĩ Châu Kỳ có với nhau 4 người con. Sau này, khi được hỏi về người chồng quá cố, bà Kha Thị Đàng đã từng chia sẻ: “Cuộc đời chồng tôi có nhiều bóng hồng, tôi làm vợ phải thông cảm cho tính nghệ sĩ của chồng vì nhờ đó mới có nhiều ca khúc hay tặng đời". Có lẽ, bà Đàng đã phải yêu ông Châu Kỳ nhiều lắm mới có thể có được cái nhìn bao dung đến thế.

Giả mã những u uất chất chứa trong sự nghiệp âm nhạc của Châu Kỳ

Nhạc sĩ Châu Kỳ viết ca khúc đầu tay mang tên “Trở về” năm 1943 trong cảm xúc thương nhớ, bàng hoàng khi biết tin mẹ qua đời trong một cơn lũ. Ca khúc này sau khi ra mắt đã gây được tiếng vang lớn trong giới tân nhạc. Sau thành công đầu tay, nhạc sĩ Châu Kỳ lần lượt cho ra đời các nhạc phẩm khác như: “Khúc ly ca”, “Từ giã kinh thành”, “Mưa rơi”,. “Khi ánh trăng lên”,…

Trong nghệ thuật, người đàn ông thường có một nỗi buồn rầu hay tuyệt vọng nào đó trong lòng để nhen nhóm ngọn lửa sáng tác. Nhạc sĩ Châu Kỳ sau những tan vỡ, tổn thương từ những mối tình đã tìm đến âm nhạc như một liều thuốc chữa lành. Sau cuộc hôn nhân đầy tủi hận, nhạc sĩ Châu Kỳ đi xa quê tìm quên, từ đó ông viết về quê hương, về tình yêu, về cuộc đời như thác lũ không kìm nén được.

Những bản tình khúc được ông viết trong giai đoạn này đều ẩn chứa nỗi niềm đau thương, chua xót như “Khúc ly ca”, “Đàn không tiếng hát”, “Biệt kinh kỳ”, “Khuya nay anh đi rồi”,…

nhac-si-chau-ky-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-chau-ky-voi-nen-tan-nhac-4
Nhạc sĩ Châu Kỳ ra mắt công chúng hơn 200 ca khúc

Trong âm nhạc của Châu Kỳ, ngoài những bản tình khúc bất hủ còn có những ca khúc quê hương rất hay, được công chúng vô cùng yêu thích. Bà Đàng, vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ từng kể lại: “Những năm tháng đất nước chia cắt, chồng tôi – nhạc sĩ Châu Kỳ chỉ có một mong ước là đất nước được hòa bình, thống nhất, quê hương được liền một giải. Ngày xuân, trong lúc người ta tổ chức nhiều trò vui, thì chồng tôi lại ngồi viết nhạc, nói rằng chưa có mùa xuân". Những bản nhạc trữ tình quê hương của ông đều mang nét trữ tình mộc mạc, dễ đi vào lòng người. Vì là người Huế nên lúc nhạc sĩ Châu Kỳ luôn dành tình cảm yêu thương đối với mảnh đất này. Thế nên, trong những nhạc phẩm viết về quê hương ta luôn thấy phảng phất trong đấy là Huế, là những con người miền Trung chân chất như “Thương về miền Trung”, “Miền Trung thương nhớ”, “Huế xưa”, “Hương Giang tôi còn nhớ”, “Tìm nhau trong kỷ niệm”,…

Nhạc sĩ Châu Kỳ ngoài khả năng sáng tác nhạc còn đóng kịch và viết kịch rất hay. Một trong những vở kịch khá được ưa chuộng của nhạc sĩ Châu Kỳ viết cho đoàn Hồng Thu là vở "Ái tình và tôn giáo".

Âm nhạc của Châu Kỳ ảnh hưởng thế nào đến nền tân nhạc Việt Nam trước 1975?

Nhạc sĩ Châu Kỳ là một trong những nhạc sĩ tiên phong sáng tác tân nhạc và nhạc vàng miền Nam. Ông cũng là người chủ trương của ban nhạc Tiến Thùy Dương nổi tiếng một thời. Tên tuổi và âm nhạc của Châu Kỳ đã được ghi trang trọng trong hành trình phát triển rực rỡ của nền tân nhạc Việt Nam một thời.

nhac-si-chau-ky-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-chau-ky-voi-nen-tan-nhac-5
Nhạc sĩ Châu Kỳ có đóng góp rất lớn cho tân nhạc Việt Nam

Với sức sáng tác bền bỉ, ông đã để lại cho đời hàng trăm bản nhạc bất hủ, được nhiều thế hệ yêu nhạc say mê. Qua sự thẩm định của thời gian, âm nhạc của nhạc sĩ Châu Kỳ đã được nhiều nhạc sĩ theo thể loại trữ tình quê hương (thế hệ sau 1960) xác nhận ít nhiều họ có chịu ảnh hưởng từ ông.,

Những bản nhạc của Châu Kỳ ngày ấy đã làm nên tên tuổi của nhiều danh ca một thời như Hoàng Oanh, Băng Châu, Chế Linh, Tuấn Vũ, Giao Linh, Phương Dung,…

Đôi lời bình phẩm về âm nhạc của Châu Kỳ

Con gái nhạc sĩ Châu Kỳ là Châu Huyền Thanh từng kể về cha mình như sau: “Cha tôi là người rất lạc quan, ông không bận tâm nhiều về hoàn cảnh khó khăn mà vẫn luôn hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn”.

Nhạc sư Vĩnh Tuấn, nguyên giáo sư Trường quốc gia âm nhạc Huế trước 1975, cũng là người bạn thân với nhạc sĩ Châu Kỳ đã từng nhận xét: “Các sáng tác của Châu Kỳ đều đậm chất quê hương. Đặc biệt có bài Ai Ra Xứ Huế, là tác phẩm để đời của anh”.

nhac-si-chau-ky-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-chau-ky-voi-nen-tan-nhac-6
Nhạc sĩ Châu Kỳ (cầm đàn) và ca sĩ Chế Linh

Bà Kha Thị Đàng, vợ của cố nhạc sĩ Châu Kỳ cũng từng chia sẻ về chồng mình rằng: “Những chuyện tình của chồng tôi đau khổ, trắc trở nhưng sau cùng những mối tình của Châu Kỳ cùng những sáng tác của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả”.

Qua những lời nhận xét ấy có thể thế, nhạc sĩ Châu Kỳ lúc sinh thời là một nhạc sĩ tài hoa, vô tư, dù trong hoàn cảnh nào cũng vui vẻ, hát ca và sáng tác. Ông như một con ong chăm chỉ, suốt đời không ngừng sáng tác, dùng âm nhạc viết ra tiếng lòng của mình. Đó là tiếng nói của một trái tim yêu quê hương, đất nước. Đó cũng tiếng nói của một trái tim đầy rung cảm, sống hết mình vì tình yêu. Giống như sinh thời nhạc sĩ Châu Kỳ từng ao ước: “Tôi mong mình vẫn giữ được trái tim yêu để sáng tác, dù tôi sắp bước qua tuổi 84 rồi”.

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc nhất của nhạc sĩ Châu Kỳ

Nhạc sĩ Châu Kỳ là một trong những nhạc sĩ có sức sáng tác vô cùng dữ dội. Sau quá trình miệt mài cống hiến cho nghệ thuật không ngừng nghỉ, nhạc sĩ Châu Kỳ đã để lại cho đời khoảng 400 nhạc phẩm, trong đó có khoảng 200 nhạc phẩm đã ra mắt khán giả, đóng góp vào kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Một số ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Châu Kỳ trước năm 1975: Con đường xưa em đi, Giọt lệ đài trang, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Đừng nói xa nhau, Được tin em lấy chồng, Đường về nhà em, Áo trắng mùa vu quy, Cánh hoa mai, Bỏ phố lên rừng, Chờ em, Chờ anh, Cố đô yêu dấu, Cuối đường kỷ niệm, Đàn tôi đã vỡ, Đi giữa mùa xuân, Em đi về đâu, Giòng thời gian, Giọt đàn theo giọt lệ, Gọi tên em, Hạnh phúc và khổ đau, Hồi âm, Hương Giang còn tôi chờ, Khi bóng trăng vàng lên khơi, Khúc ly ca, Miền Trung thương nhớ, Một chiều mưa, Mơ xuân, Người đi trên xác pháo, Người vợ chiến sĩ, Nhạc sĩ trong chiều sương,…

nhac-si-chau-ky-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-chau-ky-voi-nen-tan-nhac-7
Ca khúc "Giọt lệ đài trang" của nhạc sĩ Châu Kỳ

Trong đó, ca khúc “Giọt lệ đài trang” được xem là bài hát hay nhất, nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Châu Kỳ. Theo lời kể của ông trong chương trình Paris by Night năm 2007, ca khúc này được viết dựa trên câu chuyện của ông và nàng tiểu tư Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh.

“Còn đâu, đâu lá ngọc cành vàng

 Còn đâu, đâu quyền quý cao sang

 Em hỡi em ngày xưa đó

 Ðến bây giờ phiêu bạt giữa trần gian…”.

Xem thêm: Nhạc sĩ Trần Văn Trạch: "Quái kiệt" đa tài, người khai sinh ra dòng nhạc hài hước

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận