“Trở về” của Châu Kỳ: Quặn lòng lời tâm sự của người con mất mẹ trong cơn lũ dữ

“Trở về” là nhạc phẩm đầu tay được nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác vào năm 1944, ca khúc là dòng hồi ức đau thương gắn với bi kịch mất mẹ trong mùa bão lũ của ông thời niên thiếu.

Diệu Nguyễn
5 ngày trước Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC “TRỞ VỀ”

  • Tên các khúc: Trở về

  • Nhạc sĩ: Châu Kỳ

  • Năm phát thành: 1944

  • Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Minh Châu

Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Trở về”

Nhạc sĩ Châu Kỳ là người ở vùng Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Trước khi trở thành nhạc sĩ, Châu Kỳ đã là một ca sĩ chuyên hát nhạc Pháp. Khi học ở Lycée Khải Định, Châu Kỳ may mắn được học nhạc với thầy Piere Thiều, vị giáo sư âm nhạc đầu tiên ở Huế. Ngoài việc dạy các loại nhạc cụ như kèn, trống, guitar, vị giáo sư này còn chỉ dạy cho Châu Kỳ kỹ thuật hát. Dạo đó nhạc việc chưa thịnh hành nên Châu Kỳ thường hát lại những bài của ca sĩ Tino Rossi, một ca sĩ người Pháp.

Năm 1942, nhạc sĩ Châu Kỳ tham gia đoàn hát Hồng Thu của người chị ruột là Châu Thị Minh để sang lưu diễn ở Lào. Khi đang diễn vở kịch “Hồn lao động” ở Thakhet thì ông bị mật thám Pháp bắt giữ, đem giam ở Ba Vì. Trong trại giam, nhờ hát nhạc Pháp hay nên Châu Kỳ rất được lòng viên trung úy trưởng trại. Năm 1943, nhờ sự giúp đỡ của người này mà Châu Kỳ được thả tự do. Không lâu sau đó, Châu Kỳ về lại Huế thăm gia đình thì bàng hoàng nhận được tin mẹ mình bị nước lũ cuốn trôi. Đứng trước con nước mênh mông nơi quê nhà, lòng ông ngổn ngang tâm sự, xen lẫn nỗi xót xa, ân hận, vừa thương mẹ, vừa thương mình. Những cảm xúc dồn dập ấy đã hối thúc ông viết nên nhạc phẩm đầu tay mang tên “Trở về”.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-tro-ve-cua-nhac-si-chau-ky (1)
Bìa ca khúc "Trở về" của nhạc sĩ Châu Kỳ

Sau này khi được hỏi về nhạc phẩm đầu tay trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Châu Kỳ từng chia sẻ: “Ca khúc đầu tay là bài “Trở về”, sáng tác năm 1944. Lúc đang học ở Lycée Khải Định thì một người bạn báo tôi có tên trong sổ đen của chánh mật thám Trung kỳ. Thế là tôi trốn ra Quảng Trị, rồi vượt Trường Sơn qua Lào, từ Savanakhet đến Thakhet Lào, vừa đi vừa hát rong để kiếm tiền sống qua ngày. Nhờ vốn liếng âm nhạc sẵn có, tôi được vợ chồng trung uý Muraton biệt đãi. Biết tôi còn mẹ già ở Huế, Muraton xin đặc xá cho tôi về quê. Về tới Huế, tôi mới biết tin mẹ đã bị chết đuối trong lũ lớn. Những buổi chiều bên dòng Hương Giang ngổn ngang tâm trạng, tôi đã viết nên ca khúc “Trở về” với những lời ca da diết, đau đớn”.

Bài hát “Trở về” được nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác vào năm 1944, nhưng mãi đến năm 1946 mới chính thức được phát hành ở Hà Nội. Sau đó, nó được nhà xuất bản Tinh Hoa – Huế tái bản nhiều lần và được hầu hết các danh ca nổi tiếng ở thập niên 1940 – 1950 thể hiện. Nhạc sĩ Châu Kỳ cũng từng chia sẻ, ca khúc này của ông còn được một nữ giáo sư trường âm nhạc viện Pháp và ý chọn để biểu diễn cùng với cây đàn Violin ở nhiều nơi trên thế giới. Nhờ vị danh cầm này mà ca khúc “Trở về” của nhạc sĩ Châu Kỳ được nổi tiếng bên kia thế giới.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-tro-ve-cua-nhac-si-chau-ky (2)
Lời ca khúc "Trở về" của nhạc sĩ Châu Kỳ

Đã hơn 80 năm trôi qua, nhưng mỗi lần giai điệu của ca khúc “Trở về” vang lên, người nghe lại thấy hiện diện trước mắt khung cảnh đau thương, điêu tàn của quê hương khi cơn lũ đi qua. Thời gian đã trôi qua lâu, những nỗi đau, sự mất mát vẫn còn nguyên vẹn. Suốt nhiều năm qua, bài hát này của Châu Kỳ được yêu thích bởi nó không chỉ là tâm sự hay nỗi lòng của riêng ông, mà nó còn tiêu biểu cho mất mát, đổ vỡ, tang tác của những con người đã từng trải qua thiên tai, lũ lụt.

Lời bài hát “Trở về” của nhạc sĩ Châu Kỳ

Về đây nhìn mây nước bơ vơ

Về đây nhìn cây lá xác xơ

Về đây mong tìm bóng chiều mơ

Mong tìm mái tranh chờ

Mong tìm thấy người xưa.

Về đây buồn trông cánh chim bay

Về đây buồn nghe gió heo may

Về đây đâu còn phút sum vầy

Đâu còn thắm niềm say

Lạnh lùng ngắm trời mây.

Nơi xưa, ôi giờ đây nát tan

Đò vắng không người sang

Thôn xóm trông điêu tàn

Xa xa, nghe tiếng chim kêu đàn

Nghe suối reo bên ngàn

Dường như oán như than.

Chiều nay buồn trông cánh chim bay

Chiều nay buồn nghe gió heo may

Chiều nay đâu còn phút sum vầy

Đâu còn thắm niềm say

Lạnh lùng ngắm trời mây.

Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh ngày 5/11/1923, tại làng Dưỡng Mong, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông được xem là một trong những nhạc sĩ tiên phong sáng tác tân nhạc và nhạc vàng miền Nam. Nhạc sĩ Châu Kỳ cũng là người chủ trương của ban nhạc Tiến Thùy Dương nức tiếng một thời. Tên tuổi và âm nhạc của Châu Kỳ đã được ghi trang trọng trong hành trình phát triển rực rỡ của nền tân nhạc Việt Nam một thời.

Với sức sáng tác bền bỉ, nhạc sĩ Châu Kỳ đã để lại cho đời hàng trăm ca khúc bất hủ, được nhiều thế hệ say mê, yêu thích. Một số ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ có thể kể tên là: “Con đường xưa em đi”, “Giọt lệ đài trang”, “Đón xuân này nhớ xuân xưa”, “Đừng nói xa nhau”, “Đường về nhà em”, “Người đi trên xác pháo”, “Miền Trung thương nhớ”, “Thương về miền Trung”, “Huế xưa”,… Những ca khúc này của ông đã làm nên tên tuổi của nhiều danh ca một thời như Hoàng Oanh, Chế Linh, Tuấn Vũ, Giao Linh, Băng Châu,…

Xem thêm: Ai mới là tác giả của ca khúc "Huế xưa": Anh Bằng hay Châu Kỳ?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận