Giai thoại cuộc tình Châu Kỳ - Mộc Lan [P1]: Dìu nhau vào mộng đẹp nơi xứ Huế

Mấy chục năm trước, danh tiếng của đôi uyên ương nghệ sĩ Châu Kỳ - Mộc Lan nổi như cồn, không ai không biết. Trai tài gái sắc quyện với nhau tạo thành một mối tình thơ mộng, nức tiếng xứ Cố đô.

Diệu Nguyễn
15:07 17/09/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Trong cuốn sách “Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến” do nhà xuất bản Văn hóa Thông tin Hà Nội phát hành năm 1996, nhạc sĩ Lê Hoàng Long đã kể lại lại những kỷ niệm, những câu chuyện “thâm cung bí sử” về những nhạc sĩ thân thiết với mình, trong đó có nhạc sĩ Châu Kỳ.

Câu chuyện về Châu Kỳ được đặt tựa là “Khi trở về”, kể lại mối tình “sớm nở tối tàn” của “chàng nhạc sĩ tài danh xứ Huế” với “đóa hoa hương sắc của xứ Bắc” – danh ca Mộc Lan.

Dưới đây là nội dung được trích dẫn trong sách:

Qua đài phát thanh Huế vào cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950, tôi được nghe giọng hát của Châu Kỳ. Đến năm 1952, tôi được nhìn tận mắt Châu Kỳ nhân dịp anh ra Bắc trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lần đầu tiên ra biểu diễn tại Cố đô Thăng Long, Châu Kỳ đi cùng với nữ ca sĩ Mộc Lan. Sau lần được thưởng thức tài nghệ của cặp danh ca miền Trung này, tôi đã có bài phê bình khá gắt gao trên nhật báo Giang Sơn.

Sau hiệp định Geneve năm 1954, tôi có dịp gặp lại và làm quen với nhạc sĩ Châu Kỳ. Trước khi gặp anh, tôi tưởng rằng Châu Kỳ giận tôi lắm. Nhưng khi biết nhau, anh xí xóa chuyện cũ và ngày một thân hơn. Trong những lần chuyện phiếm với bạn bè, nhắc đến Châu Kỳ tôi vẫn thường hay nói đùa rằng: “Châu Kỳ và tôi là anh hùng gặp nhau trên mặt trận âm nhạc”. Cho đến năm 1955, tôi cho xuất bản ca khúc “Gợi giấc mơ xưa”, Châu Kỳ và tôi càng trở nên gần gũi hơn, có lẽ vì ở đời đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu mà chúng tôi có chung một tâm đắc với hai câu thơ bất hủ của thi sĩ Hồ Dzếnh:

“Đời mất vui khi đã vẹn câu thề

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở!”.

giai-thoai-cuoc-tinh-buon-giua-nhac-si-chau-ky-va-danh-ca-moc-lan (2)
Nhạc sĩ Châu Kỳ và danh ca Mộc Lan gặp gỡ và yêu nhau tại xứ Huế

Với con người làm văn nghệ, trong các tác phẩm, ít nhất cũng có một tác phẩm in thật sâu đậm bóng dáng người đàn bà. Người đàn bà ấy nếu đem lại cho người nghệ sĩ qua cuộc hôn nhân để cùng chung hưởng hạnh phúc thì cũng như trăm ngàn cặp vợ chồng khác, chẳng có gì đáng nói, đáng nhớ, đáng thương,… chẳng làm sao có được tác phẩm viết tự đáy lòng và bằng máu của con tim được. Bởi những sự tuyệt vọng nhất là những bài ca đẹp nhất. Con người ta giả vờ vui hay vui gượng được, nhưng không thể giả vờ u buồn, đau khổ được. Vì thế những bài nhạc buồn xuất phát từ đáy lòng con tim bao giờ cũng là nhạc hứng chân thành, dễ đi vào lòng người và sống trong lòng người. Đó là quy luật chung của tạo hóa, chẳng ai thoát khỏi. Châu Kỳ cũng vướng trong cái vòng vương tỏa bình thường nhưng cũng rất khắt khe, cay nghiệt ấy.

Nhạc sĩ Châu Kỳ là người Huế, năm nay đã bước qua ngưỡng cửa thất thập cổ lai hy. Châu Kỳ và tôi dễ thân nhau vì hai đứa lúc thường rất hiền lành, nhưng cũng có những lúc rất nóng tính và bộc trực.

Là người sống giữa cố đô nên nhạc sĩ Châu Kỳ chịu ảnh hưởng rất nhiều của cổ nhạc miền Trung. Khi bước chân vào nghiệp cầm ca, Châu Kỳ là một nhạc sĩ trong ban nhạc của Cung đình Huế, cũng bởi thế mà vốn cổ nhạc của anh rất phong phú. Sau một thời gian sống với dàn nhạc của Triều đình nhà Nguyễn, Châu Kỳ mạnh dạn bước hẳn sang tân nhạc. Chính vì thế mà anh có nhiều nhạc phẩm mang được âm hưởng dân tộc, đặc biệt và rõ nét nhất chính là bài “Tiếng hát dân Chàm”.

Là người Huế nhưng nhạc sĩ Châu Kỳ lại không có duyên nợ với những thiếu nữ đồng hương, mặc dù gái Huế đẹp tuyệt mà ngày xưa ông bà đã có câu:

“Học trò xứ Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế bỏ đi chẳng đành”.

Nhạc sĩ Châu Kỳ là người vừa có tài lại vừa đẹp trai, là ca sĩ nổi tiếng của đài phát thanh Huế, gặp được mối thiên duyên tiền định tình Bắc, duyên Trung thật tuyệt vời.

Giai nhân là một cô thiếu nữ người Bắc, theo gia đình vào sống tại miền Trung. Cô là một đóa hoa hương sắc, ai gặp lần đầu cũng khó qua được sự rung cảm, lại có giọng hát ấm áp và cực kỳ truyền cảm. Vào Huế được một thời gian, cô bước vào hẳn nghiệp cầm ca để rồi trở thành một nữ ca sĩ được mọi người yêu thích và ái mộ. Thời kỳ này, cô là ca sĩ nòng cốt của Đài phát thanh Huế với nghệ danh Mộc Lan. Ca sĩ Mộc Lan là người vừa có tài, vừa có sắc lại rất dịu dàng, duyên dáng, không chút kiêu căng, hợm hĩnh nên được rất nhiều thanh niên Cố đô thời ấy thầm thương trộm nhớ.

Mộc Lan và Châu Kỳ quen nhau khi hai người cùng hát cho đài phát thanh Huế. Trai tài gặp gái sắc nên thân nhau rất nhanh. Chiều chiều, ở đài phát thanh về, cả hai lại sánh vai nhau thả bộ qua cầu Tràng Tiền. Hai tà áo dài phất phới bay, còn mớ tóc của chàng cũng nhẹ vờn theo làn gió, đúng với hình tượng của một cặp uyên ương nghệ sĩ của miền Thùy Dương thơ mộng, đa tình! Một đóa hoa hương sắc, một chàng trai tuổi trẻ mang trọn nét hào hoa, lại cùng có giọng hát truyền cảm, ru hồn người, quyện với nhau tạo thành một mối tình thơ mộng, đẹp tuyệt vời.

giai-thoai-cuoc-tinh-buon-giua-nhac-si-chau-ky-va-danh-ca-moc-lan (1)
Cặp uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan từng là cặp nghệ sĩ nổi đình nổi đám một thời được khán giả yêu thích

Gần như hàng đêm, Mộc Lan và Châu Kỳ đều sánh vai, tay trong tai, nhàn tản đếm bước trên đường khuya. Thật không còn gì đẹp bằng cặp tình nhân nghệ sĩ, lững thững bên nhau từ chợ Đông Ba đến cửa Thượng Tứ, rồi ghé lại ngồi tại Phú Vân Lâu thì thầm thủ thỉ, nghe giọng hò từ những khoang đò trôi chậm rãi trên dòng Hương Giang, vọng lên càng làm cho hai tâm hồn lắng xuống để hưởng trọn hương vị yêu thương, nhìn cuộc đời toàn một màu hồng và thầm nghĩ trên đời chỉ còn một mình đôi ta:

“Chiều chiều trước bến Vân Lâu

Ai ngồi ai câu

Ai sầu ai thảm

Ai thương ai cảm

Ai nhớ ai trông

Thuyền ai thấp thoáng trên sông

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”.

Với không khí lành lạnh đêm hôm, người ta phải uống rượu làng Chuồn để được ấp lòng nhưng Mộc Lan và Châu Kỳ dù ngồi hứng sương đêm ngoài trời, gió dập dồn thổi mà lòng vẫn ấm áp tựa được sưởi than hồng.

Có những đêm, cặp uyên ương nghệ sĩ này xa lánh phố phường, dìu nhau sang thôn Vĩ Dạ để cùng hưởng thú vui đón trăng lên nơi thôn dã. Hình ảnh thôn Vĩ Dạ chất phát, thanh bình nhưng không kém phần tình tứ lại càng hâm nóng ân ái cho mặn nồng. Chính những đêm trăng sáng dịu hiền, soi rọi một vùng đượm sắc thái quê hương, ôm trọn hồn dân tộc này mà Mộc Lan và Châu Kỳ đã nhìn cùng một hướng về chị Hằng để thề non hẹn biển. Khác hẳn với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tình nghệ sĩ chỉ là mối tình hờ, nhạc sĩ Châu Kỳ và Mộc Lan đã thực hiện được lời thề sau này sẽ là chim chắp cánh, là cây liền cành. Quả thật, họ đã không phải yêu chỉ để yêu, bước vào với những giai đoạn thường tình: thèm muốn, chiếm đoạt rồi chán chường. Ngược lại, họ đã đạt được ý nguyện sống chung thật hạnh phúc dưới một mái nhà. Mộc Lan và Châu Kỳ rời Huế để vào Sài Gòn sinh sống vào những năm thập niên 1950. Cuộc sống lứa đôi tràn đầy hoan lạc, tài năng cũng ngày một phát triển, danh tiếng được lừng vang giữa Sài thành và cả miền Nam. Chỉ có một điều hơi đáng buồn là sau bao năm hương lửa mặn nồng, hai người không có với nhau một mụn con nào.

Đọc thêm về mối tình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và danh ca Mộc Lan: Giai thoại về "mối tình nghệ sĩ" Đoàn Chuẩn - Mộc Lan [P1]: Gã tình si hào hoa vượt gần 2000km vào Sài Gòn chinh phục "nàng thơ"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận