Nhạc sĩ Hoàng Quý: Người tài mệnh yểu đã đi cùng dân tộc đến hơi thở cuối cùng
Tuy cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc mãi mãi dừng lại ở tuổi 26 nhưng nhạc sĩ Hoàng Quý đã để lại cho hậu thế trên 70 ca khúc, trong đó có những nhạc phẩm trở thành bất hủ.
HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ HOÀNG QUÝ
- Tên thật: Hoàng Kim Hải sau đổi thành Hoàng Kim Quý
- Nghệ danh: Hoàng Quý
- Năm sinh: 1920
- Năm mất: 1946
- Quê quán: Hải Phòng
- Gia đình: Cha làm thầy thuốc, mẹ mất sớm, vợ Hoàng Oanh cưới 1944
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
- Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến
- Ca khúc nổi tiếng: Cô láng giềng
- Ca sĩ trình bày thành công nhất: Thái Hòa, Đình Bảo
- Thời gian hoạt động: 1939 – 1946
Nhạc sĩ Hoàng Quý là ai?
Từ Phủ Quốc Oai (Sơn Tây, Hà Nội), thầy thuốc Hoàng Văn Khang vốn mê đàn bầu đã di chuyển xuống Hải Phòng để chữa sinh sống và chữa bệnh cứu người. Ở mảnh đất này, ông xây dựng gia đình. Từ gia đình ấy, một nhạc sĩ viết nhạc tiền chiến tài năng đã cất tiếng khóc chào đời vào một chiều cuối thu trong tiếng đàn bầu du dương của cha. Cũng chính tiếng đàn bầu ấy đã dựng lên một thế hệ nhạc sĩ do người con trai yêu quý của ông thầy thuốc tạo thành.
Người nhạc sĩ tài năng đó là Hoàng Quý (tên khai sinh là Hoàng Kim Hải, sau đổi thành Hoàng Kim Quý). Ông sinh ngày 31/10/1920 tại Hải Phòng (nguyên quán Quốc Oai, Sơn Tây, Hà Nội). Theo VTV, nhạc sĩ Hoàng Quý là người yêu văn nghệ từ nhỏ nhưng vì không có tiền đi học nên thường leo tường nhìn vào vũ trường, vừa xem vừa học lỏm.
Cuộc sống của ông khá chật vật, năm 16 tuổi, thân mẫu qua đời, ông phải cáng đáng mọi việc trong gia đình, kể cả việc dạy dỗ, chăm sóc các em (trong đó có người em Hoàng Phú, sau là nhạc sĩ Tô Vũ).
Theo nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Hoàng Quý từng là học sinh của Lê Thương (khi đó đang là giáo viên dạy môn văn học Pháp) tại trường Trung học Lê Lợi (Hải Phòng) vào cuối thập niên 1930. Âm nhạc của Lê Thương cũng ít nhiều ảnh hưởng đến Hoàng Quý.
Nhạc sĩ Hoàng Quý cùng em trai là Hoàng Phú đã tự học nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Về sau, ông theo học đàn nguyệt với một nghệ nhân. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã chơi được các bản nhạc cổ truyền dân tộc như: Binh bán, Lưu thủy, Kim tiền. Nhờ năng khiếu và ham học, Hoàng Quý tiếp thu âm nhạc nhanh, chỉ sau một thời gian đã trở thành giáo viên dạy nhạc của trường Bonnal.
Chính nghệ nhân dạy đàn nguyệt đã khuyến khích Hoàng Quý chuyển sang học vĩ cầm. Ở Hải Phòng khi đó chỉ có duy nhất nhà hàng "Orphée" của một góa phụ người Pháp nhận dạy vĩ cầm nhưng học phí lại rất cao. Để hạn chế tốn kém, Hoàng Quý và Hoàng Phú đã rủ thêm hai người bạn nữa cùng học chung giờ. Họ chia mỗi người học 15 phút, người này học còn những người khác sẽ lắng nghe để về nhà tự luyện tập. Sau 6 tháng học tập, túi họ đã rỗng vì hết tiền.
Đầu những năm 1930 tại Hải Phòng, các phòng trà, vũ trường bắt đầu được xây dựng nhiều. Để phục vụ khán giả, các quán này thường thuê nhạc công ngoại quốc biểu diễn. Nhạc sĩ Hoàng Quý cùng các bạn thường trèo lên tường quán Mèo Đen để học lỏm nhạc công người Philippines biểu diễn nhạc châu Âu. Thời đó thịnh hành những điệu nhạc như Marcia, Tango, Valse, Foxtrot cùng các nhạc cụ như Guitar, băng cầm, saxophone, contrebasses... Cũng giống như các bạn trẻ cùng thời, Hoàng Quý bị thu hút bởi âm nhạc phương Tây.
Vì đam mê âm nhạc và tìm mọi cách để học nên chẳng bao lâu sau Hoàng Quý đã chơi được nhiều nhạc cụ và cũng nắm bắt được xu hướng âm nhạc Tây phương đang thịnh hành tại đất cảng. Sau này, nhạc sĩ Văn Cao nói rằng, hai nhạc sĩ Lê Thương và Hoàng Quý là những người có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp của ông.
Về đời tư, nhạc sĩ Hoàng Quý đã kịp có một gia đình riêng cho mình. Hoàng Quý kết hôn với ca sĩ Hoàng Oanh năm 1944 - người được cho là nguyên mẫu trong ca khúc "Cô láng giềng". Hầu hết các ca khúc của nhóm Đồng Vọng đều do Hoang Oanh hát thử đầu tiên. Nhưng các thông tin về Hoàng Oanh gần như không có.
Nhạc sĩ Hoàng Quý và sự nghiệp âm nhạc gắn với hoạt động cách mạng
Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của Việt Nam. Đến giai đoạn 1936 - 1939 là thời kỳ Mặt trận Dân chủ, trong đời sống âm nhạc Việt Nam đã nảy sinh khuynh hướng dân tộc, yêu nước. Các ca khúc giai đoạn này là "tình cảm yêu nước, lòng tự hào lịch sử dân tộc". Và đương nhiên, nhạc sĩ Hoàng Quỹ cũng rộn ràng hòa âm nhạc của mình theo dòng chảy lịch sử dân tộc. Ông đã cho ra đời nhiều nhạc phẩm gắn liền với các sinh hoạt tập thể của thanh niên thời đó như: Tiếng chim gọi đàn, vui ca lên, Nắng tươi, Xuân về...
Ký ức về "nhóm híp - pi tiền chiến"
Thời còn học tại trường Trung học Lê Lợi (Hải Phòng), nhạc sĩ Hoàng Quý đã cùng nhiều đồng môn tạo thành nhóm bạn ưa ca hát, thích du ngoạn. Thầy Lê Thương đã gọi đùa là "nhóm híp - pi tiền chiến". Nhóm ấy gồm: Hoàng Quý, Phạm Ngữ, Văn Cao, Canh Thân, Hoàng Phú... và hoa khôi Nguyễn Thị Cúc Phương (thường gọi là nàng Cúc Phương).
Nhờ nhóm học trò này mà nhiều nhạc phẩm của thầy Lê Thương đã được ca vang ở Nhà hát Lớn Hải Phòng vào mùa hè 1939.
Cũng trong mùa hè năm ấy, chiến tranh Thế giới lần thứ II xảy ra, không khí truy hoan của nhân loại bị phá vỡ, những kẻ cầm quyền ngay lập tức nghĩ đến việc xốc lại tinh thần của thanh niên. Thế là ở Việt Nam, phong trào Hướng Đạo (hay gọi là xì - cút) đã được khỏi xuất, tân nhạc Việt Nam từ khi xuất hiện với những bài hát lãng mạn giờ đây lại có đất diễn. "Nhóm híp - pi tiền chiến" của Hoàng Quý trở thành "Nhóm Đồng Vọng" với những sáng tác kêu gọi các tráng sinh Hướng Đạo liên kết lại bên nhau.
Từ cuối năm 1943 đến tháng 2/1945, Hoàng Quý đã tập hợp được ngót nghét 100 bài hát tươi sáng, khởi động lịch sử và dự vào Nxb Lửa Hồng cho in, phổ biến nhiều tập nhạc Đồng Vọng.
Trong thời gian này, nhiều nhạc phẩm của Hoàng Quý, Văn Cao, Hoàng Phú, Phạm Ngữ đã được phổ biến rộng ở Hải Phòng rồi lan ra khắp đất nước.
Có người từng ví rằng, Hoàng Quý trong nhạc như Nguyễn Nhược Pháp trong thơ. Cả hai đều tươi sáng, hồn nhiên, không có ủy mị, buồn nản. Trước "Làng tôi" của Hồ Bắc, "Con kênh xanh xanh" của Ngô Huỳnh... là "Chiều quê" mộc mạc, thơ mộng, đằm thắm của Hoàng Quý: "Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm chạy dài trên khóm cây đàn chim ríu rít ca...".
Có thể nói, "Nhóm Đồng Vọng" đã khiến cho tân nhạc thời kỳ đầu không chỉ có những bản nhạc lãng mạn có tính chất biểu diễn, mà còn có những bài ca kêu gọi người yêu nước với giai điệu hào hùng, tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phát động phong trào nhạc hùng của Tổng Hội Sinh viên thời bấy giờ.
"Cô láng giềng" và độ "chín mọng" trong âm nhạc Hoàng Quý
Giữa luồng gió Đồng Vọng thênh thang vô ngã ấy, nhạc sĩ Hoàng Quý đã "chín mọng" trong nhạc phẩm trữ tình bất hủ "Cô láng giềng" và hành khúc "Cảm tử quân". Đó mãi mãi là huyền thoại đẹp đẽ về mối tình giữa tác giả với một cô láng giềng nào đó. Theo một số nguồn tư liệu "cô láng giềng" đó tên Hoàng Oanh.
Hoàng Oanh là hoa khôi nức tiếng ở Hải Phòng. Thời ấy, không chỉ có Hoàng Quý si mê cô Hoàng Oanh mà hầu hết các chàng trai tuổi đôi mươi ở đất cảng đều thầm thương trộm nhớ, trong đó có cả nhạc sĩ Văn Cao. Sau này, khi nói về hoàn cảnh sáng tác "Bến Xuân", nhạc sĩ Văn Cao đã bộc bạch từng thầm yêu cô Hoàng Oanh. Vì thế mới có câu hát "Em đến tôi một lần" và có bài hát này.
Qua lại với bản tình ca "Cô láng giềng" của Hoàng Quý, theo nhiều đánh giá, nhạc phẩm này vừa day dứt u trầm lại vừa trong trẻo tươi tắn: "Hôm nay trời xuân bao tươi thắm/Dừng gót phiêu linh về thăm nhà/Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi/Tôi đã hình dung nét ai đang cười...".
Và chính từ sự lên đường bởi tình riêng, nhạc sĩ Hoàng quý đã bước một bước dài trong ý thức cách mạng để đến với một sự lên đường vì nghĩa lớn của con người. Đó là sự ra đời của nhạc phẩm "Cảm tử quân" được viết vào tháng 5/1944 trước "Tiến quân ca" của Văn Cao, "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi nhưng lại tiên đoán được về một lực lượng vũ trang đặc biệt trong "Đoàn quân Việt Minh là "Cảm tử quân".
"Tiến lên đường/Tới sa trường/Ta xứng danh là cảm tử quân..." - nhạc khúc này có nhịp rõ ràng, dứt khoát, chất chứa khát khao của nghệ sĩ rất muốn dấn thân cho đất nước nhưng vì căn bệnh hiểm nghèo mà không thể: Bệnh lao.
Đi cùng dân tộc đến hơi thở chót
Từ khi được phổ biến, công chúng mến mộ Hoàng Quý vừa hát "Cô láng giềng" vừa hát "Cảm tử quân" trong cao trào cách mạng. Cùng với "Tiến quân ca" và "Diệt phát xít", "Cảm tử quân" như những quả đại bác bắn phá vào dinh lũy thực dân trong Cách mạng Tháng Tám. Cũng vỏn vẹn một tháng sau khi được hát vàng trong khởi nghĩa ở Sài Gòn, "Cảm tử quân" của Hoàng Quý được các chiến sĩ cảm tử coi bài hát của chính mình trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.
Đến giữa năm 1946, khi tình hình chiến sự ở Hải Phòng khá căng thẳng, đoàn người biểu tình hô vang khẩu hiệu ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một chiếc cáng do các thanh niên mang tải. Trên cáng ấy là nhạc sĩ Hoàng Quý. Ông không thể đứng dậy nổi để hòa cùng đoàn người, nhưng ông còn đủ minh mẫn của một nhạc sĩ yêu đời, yêu nước.
Những năm tháng cuối đời sống đau đớn vì bệnh phổi dày vò nhưng ông vẫn dõi theo các biến động lịch sử, vẫn đi cùng dân tộc đến hơi thở cuối cùng và đi mãi bằng những nhạc phẩm "tươi thắm mãi nhịp xuân" của mình.
Nhạc sĩ Hoàng Quý qua đời vào ngày 26/6/1946 tại Hải Phòng, lúc 26 tuổi, khi tài năng của ông đang vào độ chín và còn có thể tỏa sáng hơn nữa!
Bình bàn về âm nhạc của Hoàng Quý
Cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thời, Hoàng Quý chịu ảnh hưởng từ trào lưu âm nhạc lãng mạn thời bấy giờ, cùng với sự cộng hưởng của nỗi buồn xuất phát từ tình cảm cá nhân, ông đã để lại dấu ấn trong các nhạc phẩm trữ tình như "Chiều quê", "Trong vườn dâu"... Tuy nhiên, Hoàng Quý dành nhiều thời gian sáng tác những nhạc phẩm yêu nước và cách mạng. Ngoài ra, Hoàng Quý cũng là nhạc sĩ đầu tiên đã Việt hóa nhịp vanxơ của âm nhạc cao cấp phương Tây thành nhịp làng quê Việt Nam trong tác phẩm "Chiều tối".
Mặc dù không được đào tạo âm nhạc bài bản qua các trường lớp chính quy nhưng Hoàng Quý được xem là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Các ca khúc thịnh hành của ông được viết theo nhịp boston, slow, có cấu trúc ngắn gọn, súc tích, nhiều bài chỉ có một đoạn nhạc gồm 2 câu. Phần lớn các ca khúc được viết theo hình thức 2 đoạn đơn tái hiện hay 2 đoạn đơn phát triển. Ông không sử dụng hai đoạn đơn tương phản.
Đánh giá về âm nhạc lãng mạn của Hoàng Quý, PGS,TS âm nhạc Phạm Tú Hương chia sẻ: Âm nhạc lãng mạn của Hoàng Quý chia làm 2 mảng đề tài, trong đó những ca khúc trữ tình diễn tả thiên nhiên, cảnh nông thôn và nông dân, có mảng đề tài còn lại là những bản tình ca. Trong nhiều bản tình ca của Hoàng Quý, nổi tiếng nhất là "Cô láng giềng".
Còn theo nhạc sĩ Tô Vũ, Hoàng Quý đã xếp những bản tình ca cũng như các ca khúc lãng mạn vào loại "nhạc tâm tình" không phải để phổ biến rộng rãi, mà khuynh hướng chủ đạo của ông là dòng nhạc thanh niên thời kỳ tân nhạc.
Còn về âm nhạc cách mạng, Hoàng Quý sáng tác nhiều với âm điệu hào hùng, tràn đầy khí phách. Đây là nguồn động lực lớn cho phong trào cách mạng đang ngày một dâng cao ở các thành phố, làng quê Việt Nam lúc bấy giờ. Nổi bật nhất là "Cảm tử quân", sau đó là "Đường vào Nam"... và nhiều ca khúc khác.
Tóm lại, trong cuộc đời âm nhạc ngắn ngủi của mình, ông đã để lại di sản hơn 70 ca khúc. Trong đó có 11 ca khúc, hành khúc bị thất lạc đã được em trai ông tìm lại và phổ biến lại vào năm 2006. Sáng ngày 20/1/2022, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội đồng nghệ thuật thành phố Hải Phòng đã tổ chức thẩm định chương trình nghệ thuật "Ký ức Đồng Vọng" do Đoàn ca múa Hải Phòng chủ trì thực hiện nhằm biểu diễn các tác phẩm của nhóm Đồng Vọng. Tên của nhạc sĩ Hoàng Quý cũng được đặt cho một số tên đường/phố ở Việt Nam.
Danh sách nhạc phẩm trong suốt sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Quý
Các sáng tác của Hoàng Quý được chia thành 3 trào lưu, tương ứng với 3 giai đoạn sáng tác trong cuộc đời của ông. Dưới đây là những tác phẩm đã được công bố:
Lãng mạn | "Hương quê"; "Chùa Hương"; "Chiều quê"; "Đợi chờ"; "Cô lái đò"; "Trong vườn dâu"; "Cô láng giềng"; "Đêm trong rừng"; "Đêm trăng trên vịnh Hạ Long"; "Dưới ánh đèn xanh"; "Đêm thu chơi thuyền dưới trăng" |
Lịch sử - yêu nước | "Tiếng chim gọi đàn"; "Nắng tươi"; "Vui ca lên"; "Xuân về"; "Trên sông Bạch Đằng"; "Non nước Lam Sơn"; "Bóng cờ lau" |
Cách mạng | "Cảm tử quân"; "Sa trường tiến hành khúc"; "Thanh niên cứu quốc ca"; "Du kích tiến quân ca"; "Vang bóng thời xưa".; "Lên đường"; "Tráng sĩ ca"; "Tiếng hát chinh phu"; "Tú Uyên" (còn gọi là "Bích Câu Kỳ Ngộ", là tác phẩm dang dở); "Chiều buồn trên Bạch Đằng Giang" |
Xem thêm: Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: Ẩn bên trong cái vẻ sơ sài về ngoại hình là bậc tài hoa của nền nhạc Việt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận