Nhạc sĩ Đan Thọ: Cả một đời dành trọn cho nghệ thuật

Nhạc của Đan Thọ vui hay buồn đều có chừng mực, lãng mạn nhưng không ủy mị, đắm đuối và nhất là luôn toát ra vẻ lịch sự, sang trong. 

Đỗ Thu Nga
14:00 26/06/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ ĐAN THỌ

  • Tên thật: Đan Đình Thọ
  • Nghệ danh: Đan Thọ
  • Năm sinh: 1924
  • Năm mất: 2023
  • Quê quán: Nam Định
  • Gia đình: Vợ là bà Đồng Thị Dung Hòa
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ vĩ cầm
  • Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến
  • Ca khúc nổi tiếng: Chiều tím
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Danh ca Anh Ngọc
  • Thời gian hoạt động: Từ thập niên 1940 đến 1994

Nhạc sĩ Đan Thọ là ai?

Ở lĩnh vực thi ca, người ta dễ nhận thấy có nhiều thi sĩ chỉ cần để lại cho đời một bài thơ thôi cũng đủ thành bất tử. Ví dụ như Vũ Đình Liên với bài thơ "Ông đồ già"; Hữu Loan với "Màu tím hoa sim"... Ở lĩnh vực tân nhạc, chúng ta có Nguyễn Văn Tý với "Dư âm"; Nguyễn Văn Khánh với "Nỗi lòng"; Vũ Thành với "Giấc mơ hồi hương"; Hoàng Dương với "Hướng về Hà Nội"... Và không thể không nhắc tới nhạc sĩ Đan Thọ - tác giả của hai ca khúc sớm trở thành viên ngọc quý của kho tàng tân nhạc miền Nam. Đó là ca khúc "Tình quê hương" phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên và "Chiều tím" lời của Đinh Hùng. Nhưng nếu đặt lên bàn cân so sánh về hai ca khúc này thì có lẽ "Chiều tím" nhỉnh hơn một chút. Cho đến nay, khi nhắc đến Đan Thọ là nhắc đến "Chiều tím". 

Vậy nhạc sĩ Đan Thọ là ai và vì sao chỉ với 1,2 nhạc phẩm mà ông lại trở nên nổi tiếng như vậy? Nhạc sĩ Đan Thọ (tên thật là Đan Đình Thọ, 1924 - 2023) là người Nam Định. Từ nhỏ ông đã vừa học chữ vừa học nhạc tại trường Saint Thomas D'Aquin dòng Lasan tại Nam Định. 

Khi vừa hết trung học, ông đã chơi nhạc cùng nhạc sĩ Hoàng Trọng. Cũng trong thời điểm này, ông còn được học hòa âm và sáng tác cùng với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự. Ngoài ra, Đan Thọ còn biết chơi Hạ uy cầm và Tây ban cầm. 

nhac-si-dan-tho-la-ai-va-nhac-si-dan-tho-sang-tac-nhieu-khong-4
Chân dung nhạc sĩ Đan Thọ

Nhạc sĩ Hoàng Trọng có mở quán Thiên Thai ở Nam Định, sau đó tiếp tục mở ở Hà Nội. Nhạc sĩ Đan Thọ là người chơi violin chính cho quán. 

Giai đoạn từ năm 1948 đến 1954, nhạc sĩ Đan Thọ gia nhập ban quân nhạc Đệ tam Quân khu Hà Nội cùng những tên tuổi như Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng... cho đến khi hai miền Bắc - Nam bị ngăn cách (1954). 

Trong thời gian phục vụ ở ban quân nhạc, ông được quân nhạc trưởng Schmetzer hướng dẫn về kèn. Năm 1954, ông cùng ban quân nhạc di chuyển vào Nha Trang. Năm 1956, Đan Thọ tiếp tục theo học kèn với nhạc sĩ Phi Luật Tân Mano Umail. 

Với hai nhạc khí sở trường là violon và ken tenor sax, nhạc sĩ Đan Thọ từ khi vào Sài Gòn đã liên tục cộng tác với nhiều chương trình trên Đài Phát thanh tiếng nói quân đội, đài truyền hình VN và các vũ trường, phòng trà lớn nhỏ. 

Nhạc sĩ Đan Thọ cũng từng làm trưởng Ban Nhạc nhẹ đài phát thanh quân đội trong khoảng thời gian dài từ năm 1956 đến năm 1965, gồm các nhạc sĩ nổi danh như Xuân Tiên, Văn Ba, Nguyễn Ích, Canh Thân... 

Ban nhạc của ông được nhạc sĩ người Philippines tên Alano Badin soạn hòa âm cho những nhạc phẩm Việt Nam thu thanh, nhờ đó đã mang lại cho người nghe những âm thanh mới lạ. Một tuần có khoảng 5 bài được soạn hòa âm như vậy. Đan Thọ đã thu thanh cũng như lưu trữ tất cả các bài vở để sau này làm tài liệu, kỷ niệm. 

Cùng với những nhạc phẩm đó, ông và ban nhạc đã mang đi biểu diễn ở nước ngoài như Bangkok vào năm 1956, Anila năm 1961. Mỗi buổi biểu diễn đều có những thành công đáng kể. 

Nhạc sĩ Đan Thọ và sự nghiệp sáng tác tuy không nhiều nhưng rất chất lượng

Trước khi là người sáng tác, Đan Thọ góp phần xây dựng nền tân nhạc Việt Nam ở vai trò nhạc sĩ chơi vĩ cầm. Thập niên 1940, Đan Thọ được xem là người có tiếng đàn ngọt ngào nhất của tân nhạc. 

Đến năm 1954, nhạc sĩ Đan Thọ cho ra mắt 2 nhạc phẩm đầu tay được viết chung với nhạc sĩ Nhật Bằng mang tên "Bóng quê xưa" và "Vọng cố đô". Cả hai nhạc phẩm này đều được công chúng biết đến. 

Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Đan Thọ không đồ sộ như những đồng nghiệp cùng thời, ông chỉ cho ra đời không quá 10 nhạc phẩm. Ông chủ trương không chú trọng nhiều đến số lượng mà đặt trọng tâm vào chất lượng trong từng sáng tác của mình. 

Trong số những tác phẩm được công chúng biết tới của Đan Thọ, hầu hết đều là những sáng tác chung với Nhật Bằng, Xuân Tiên, hoặc thơ phổ nhạc. Chỉ có một ca khúc duy nhất do chính tay ông viết cả lời lẫn nhạc là "Bóng chiến y". Có lẽ một phần lý do là nhạc sĩ Đan Thọ đã gặp trở ngại khi viết lời ca và những ca khúc ký tên chung của ông với các nhạc sĩ khác thì Đan Thọ viết nhạc còn người khác viết lời. 

nhac-si-dan-tho-la-ai-va-nhac-si-dan-tho-sang-tac-nhieu-khong-8
"Chiều tím" là nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ Đan Thọ

Phần giai điệu do Đan Thọ viết trong các ca khúc toát lên vẻ dịu dàng, chải chuốt, thường được diễn tả bằng những dây đàn vĩ cầm - nhạc cụ gắn liền với sự nghiệp của ông. Hai ca khúc ấn tượng nhất của Đan Thọ là "Tình quê hương" và "Chiều tím". 

Nếu "Tình quê hương" được phổ nhạc từ bài thơ của Phan Lạc Tuyên, thì nhạc phẩm "Chiều tím" thường được giới thiệu là nhạc Đan Thọ, thơ Đinh Hùng. Tuy nhiên, theo Đan Thọ, ca khúc "Chiều tím" có phần lời được Đinh Huy viết sau khi có giai điệu, chứ không phải là phổ nhạc từ bài thơ. Nhan đề bài hát thì do Thanh Nam đặt. 

Chuyện kể rằng, một bữa uống cà phê ở La Pagode trên đường Tự Do - Lê Thánh Tông, Đan Thọ đã đưa bản nhạc chưa có lời cho Đinh Hùng và Thanh Nam coi. Đinh Hùng nói: "Moi biết mandoline, để moi viết lời cho". 

Đinh Hùng mang bản nhạc này về viết lời. Sau đó 3 người lại gặp nhau, Thanh Nam đề nghị đặt tên nhạc phẩm là "Chiều tím". Và người trình bày ca khúc này đầu tiên trên đài phát thanh là danh ca Anh Ngọc. 

Sau 1975, Đan Thọ cộng tác với ban nhạc Ngọc Chánh, chơi nhạc cho Đoàn kịch nói Kim Cương và cùng đoàn nhạc đi biểu diễn ở nhiều nơi. Sau đó, ông cộng tác với vũ trường Maxim's. 

Đánh giá về âm nhạc Đan Thọ, Nguyễn Đình Toàn nhận xét: "...nhạc của ông, vui hay buồn đều chừng mực, lãng mạn nhưng không ủy mị, đắm đuối, và nhất là toát ra vẻ lịch sự, sang trọng". 

Nhạc sĩ Đan Thọ với cây vĩ cầm và kèn saxo

Như đã chia sẻ, trước khi trở thành người sáng tác, Đan Thọ từng được gọi là nhạc sĩ violon. Trước khi đất nước chia đôi, ông với nhạc sĩ Nguyễn Thúc trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội. Vừa vào đến Sài Gòn, ông được mời cộng tác ngay với vũ trường "Grand Monde" tức "Đại thế giới". Năm 1957, ông qua vũ trường Đại Nam cộng tác với các ban nhạc nổi tiếng thời bấy giờ.

Đến năm 1962, vì lệnh cấm khiêu vũ nên các ban nhạc đổi qua trình diễn nhạc Jazz với các thành viên gồm các nhạc sĩ như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện và Huỳnh Anh. Với khán giả Việt Nam thời đó, trình diễn nhạc Jazz là điều rất mới mẻ. Ban nhạc của vũ trường Đại Nam đã lôi cuốn rất nhiều công chúng.

Thời gian ở vũ trường "Croix Du Sud;", sau đó đổi tên thành "Tự do". Ở đây, ông cộng tác với nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc cùng với Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Nguyễn Văn Thanh, Văn Ba... Năm 1969, ông chuyển sang cộng tác ở vũ trường Mỹ Phụng. Đến năm 1972, ông cộng tác cho phòng trà Bồng Lai. 

nhac-si-dan-tho-la-ai-va-nhac-si-dan-tho-sang-tac-nhieu-khong-7
Nhạc sĩ Đan Thọ còn từng là nhạc công rất nổi tiếng

Ở miền Nam, trước 30/4/1975, bóng dáng Đan Thọ cầm vĩ cầm hoặc cây kèn Saxo đã là một hình ảnh quen thuộc ở các phòng trà, vũ trường. 

Sau năm 1975, Đan Thọ cộng tác với ban nhạc của Đoàn kịch nói Kim Cương trên 10 nhạc sĩ. Trong đó có nhạc sĩ Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên, Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Phạm Văn Phúc, Đài Trang, Đặng Văn Hiền... Ông từng cùng đoàn kịch nói Kim Cương ra Hà Nội trình diễn vào năm 1980 trong vòng một tháng và thu về nhiều thành công tốt đẹp. 

Đến khoảng năm 1980, ông dừng cộng tác với đoàn Kim Cương. Tuy không còn đi lưu diễn nhưng ông chưa rời xa sân khấu. Thời gian này ông cùng nhạc sĩ Cao Phi Long và một số nhạc sĩ khác như Trí, Hòa... được mời cộng tác ở vũ trường Maxim's. Ở đây, ông khiến khán giả thích thú với nghệ thuật trình bày loại nhạc Zigane, trong đó có rất nhiều khán giả người ngoại quốc. 

Chuyện tình ít người biết và cuộc sống ở hải ngoại của nhạc sĩ Đoan Thọ

Vào năm 1945, nhạc sĩ Đan Thọ lập gia đình với cô thiếu nữ Hà thành mới 19 tuổi (SN 1929). Gia đình có phần e dè khi biết con gái sắp lập gia đình với một nhạc sĩ. Thế nhưng ông bà lại có cuộc hôn nhân êm ấm suốt đời. Họ cùng nuôi dạy 3 cô con gái và 1 người con trai (trưởng nam Đan Đình Thành, trưởng nữ Đan Kim Tâm, thứ nữ Đan Kim Trang (quá vãng), út nữ Đan Kim Thư.

Khoảng cuối tháng 2/1985, Đan Thọ cùng gia đình rời Việt Nam đến Bangkok. Cũng nhờ chơi nhạc mà gia đình sang được New Orleans, tiểu bang Louisiana vào khoảng đầu tháng 3 cùng năm.

Louisiana là nơi vợ chồng người con gái của ông sống từ lâu, trong khi đáng lẽ gia đình ông phải đi Washington D.C.  do một người em của vợ ông bảo lãnh. Đan Thọ lấy lý do sợ cái lạnh của vùng đông bắc Hoa Kỳ nên xin với phái đoàn phụ trách sắp xếp chuyến bay qua sống tại New Orleans trước khi đời qua California trong một thời gian ngắn sau, trước khi quay trở lại sống ở New Orleans vào năm 1997.

nhac-si-dan-tho-la-ai-va-nhac-si-dan-tho-sang-tac-nhieu-khong-6
Những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Đan Thọ định cư ở Mỹ

Với hai nhạc phẩm “Red Eyes Are Smiling” và “Lòng Mẹ”, tiếng đàn vĩ cầm của Đan Thọ đã khiến cho những nhân viên Mỹ cũng như Việt của phái đoàn này cảm động và đồng ý chiều theo lời đề nghị của ông.

Ở đất Mỹ, ông vẫn miệt mài làm việc để có cuộc sống tốt hơn tại Mỹ. Ông sống lặng lẽ như vậy đến năm 1994. Ở tuổi 70, ông mời bạn bè đến California dự hòa nhạc tại Ritz. Đó là buổi chia tay sân khấu và nhạc sĩ Đan Thọ đã cất đàn vào hộp, đó là cây đàn ôm từ Hà Nội vào Nam rồi qua Mỹ. Năm 1997, vợ chồng ông chuyển về sống ở New Orleans cùng con cái, nhưng sau trận bão Katrina lịch sử năm 2005, ông chuyển sang ở Houston.

Nhớ lại khoảng thời gian hoạt động không ngừng nghỉ của chồng, vợ ông đã cho biết: Bà luôn khâm phục sức làm việc của chồng và luôn cảm thông với những gì ông đã từng làm. 

Ngày 5/9/2023, nhạc sĩ Đan Thọ từ trần tại Houston, Texas, hưởng thọ 99 tuổi.

Xem thêm: Nhạc sĩ Hoàng Giác và giấc "Mơ hoa" thơm ngát sang cả cõi vĩnh hằng

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận