Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước: Gửi hồn dân tộc trên điệu Tây phương

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là một trong những nhạc sĩ tiên phong của làng tân nhạc Việt Nam, tác giả của những ca khúc nổi tiếng một thời "Ngọc Lan", "Bóng chiều xưa", "Đêm tàn bến Ngự",...

Diệu Nguyễn
12:00 26/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ DƯƠNG THIỆU TƯỚC

  • Tên khai sinh: Dương Thiệu Tước
  • Ngày sinh: 1915 - 1995
  • Quê quán: làng Vân Đình, Hà Nội
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: nhạc tiền chiến
  • Ca khúc nổi tiếng: Chiều, Đêm tàn bến Ngự, Tiếng xưa, Ơn nghĩa sinh thành,…
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Minh Trang, Quỳnh Giao
  • Thời gian hoạt động: 1930 - 1995

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là ai?

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915, ở làng Vân Đình, Ứng Hòa (Hà Tây cũ, nay thuộc về Hà Nội). Dương Thiệu Tước xuất thân trong một gia đình Nho học, ông là cháu nội của cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, từng làm Đốc học Nam Định, là bạn đồng hoa thân thiết của cụ Nguyễn Khuyến (khi ông Dương Khuê mất, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã viết bài “Khóc Dương Khuê” để thương tiếc). Thân sinh của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là ông Dương Tự Nhu, từng làm bố chính tỉnh Hưng Yên.

Do có năng khiếu từ nhỏ, nên nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tiếp thu âm nhạc rất nhanh. Lên 7 tuổi, ông đã học và đánh thành thạo đàn nguyệt, đàn tranh. Năm 14 tuổi, Dương Thiệu Tước học thêm piano với một giáo sư người Pháp tại Viện âm nhạc Viễn Đông, đến năm 16 tuổi lại tiếp tục học guitar cổ điển cùng các tiết tấu dạ vũ.

Trong thập niên 1930, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) gồm các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh… Tại đây, ông đã sáng kiến ra kiểu soạn nhạc bài Tây theo điệu ta. Ca khúc đầu tay được viết theo dạng lời Việt nhạc ngoại của ông là “Tâm hồn anh trao em”, sáng tác vào khoảng năm 1936. Trước đó, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng đã sáng tác một số ca khúc và được Thẩm Bích (bảo huynh của Thẩm Oánh) đặt lời bằng tiếng Pháp, nổi tiếng nhất là hai bài “Joie d’aimer” và “Souvenance”. Mặc dù học nhạc phương Tây nhưng nhạc của Dương Thiệu Tước vẫn thắm đượm hồn dân tộc.

Năm 1934, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lập gia đình với bà Lương Thị Thuần, khi ấy ông 19 tuổi.

nhac-si-duong-thieu-tuoc-la-ai-va-nguoi-sang-tac-on-nghia-sinh-thanh (1)
Không chỉ giỏi soạn nhạc, Dương Thiệu Tước còn là một danh cầm, sử dụng được nhiều nhạc cụ

Năm 1936, Dương Thiệu Tước cùng nhóm Hoa lưu ly cho xuất bản những nhạc phẩm đầu tiên của làng tân nhạc Việt như “Đôi oanh vàng”, “Hoa tàn” “Phút vui xưa”,… Cũng trong năm này, nhóm Hoa Lưu Y cũng có buổi trình diễn trước công chúng tại rạp Olenpia (nay thuộc rạp Hồng Hà, đối diện chợ Hàng Da). Sau đó, nhóm thường xuyên được Hội Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn mờ đến biểu diễn. Cùng lúc ấy, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng đã thành lập hội khuyến nhạc cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh với mục đích cổ động và phổ biến cho nền tân nhạc Việt Nam còn đang lạ lẫm với công chúng.

Năm 1940, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước mở một hiệu bán và sửa chữa đàn tại số 57 Hàng Gai, Hà Nội. Nhờ danh tiếng chơi đàn giỏi mà cửa hàng của ông buôn bán rất đông khách. Nhưng sau đó do tình hình đất nước biến động, nên cửa hàng phải đóng cửa.

Trong khoảng thời gian từ 1940 – 1950, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước dành phần lớn thời gian cho việc viết nhạc và phần lớn những sáng tác của ông được ra mắt trong giai đoạn này đều được công chúng nhiệt tình đón nhật như “Kiếp hoa”, “Áng mây chiều”, “Xuân tươi”, “Thuyền mơ”,…

Năm 1949, sau khi ly hôn với người vợ đầu, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gặp gỡ và đem lòng yêu mến nữ danh ca Minh Trang. Đến đầu thập niên 1950, cả hai tiến tới hôn nhân. Năm 1954, gia đình Dương Thiệu Tước và Minh Trang di cư vào Sài Gòn sinh sống. Từ giữa thập niên 1960 đến 1970 trở đi, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác ít dần, thay vào đó ông tập trung vào việc giảng dạy Lục Huyền Cầm tại trường Âm nhạc Quốc gia và điều hành phòng văn nghệ tại Đài Phát thanh Sài Gòn. Thời kỳ này, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước ấp ủ ý nguyện hội nhập cá tính và hồn Việt Nam vào nền tân nhạc, nên ông cho sản xuất một chương trình có tên “Cổ Kim Hòa Điệu”. Trong chương trình này, Dương Thiệu Tước cho sử dụng cả hai nhạc cụ Tây Phương và cổ truyền Việt Nam để trình diễn tân nhạc.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước ở lại Việt Nam vì bệnh tật. Tuy nhiên, những nhạc phẩm của ông bị cấm hoàn toàn và ông cũng không được tiếp tục công việc dạy nhạc tại trường Âm nhạc Quốc gia nữa. Từ giai đoạn này, Dương Thiệu Tước dừng hẳn việc viết nhạc. Mãi sau này, khi có chính sách đổi mới, một số nhạc phẩm của ông mới được lưu hành trở lại.

Năm 1978, ca sĩ Minh Trang cùng các con sang định cư ở nước ngoài. Vài năm sau đó, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước dọn về sống cung với bà Nguyễn Thị Nga tại quận Bình Thạnh và được bà kề cạnh, chăm sóc lúc xế chiều. Đến ngày 1/8/1995, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước qua đời, hưởng thọ 80 tuổi.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước – Hào hoa phong nhã một đời

Giống như bao nhạc sĩ cùng thời khác, sự tài hoa của Dương Thiệu Tước cũng gắn liền với chữ “đa tình”. Trên bước đường phiêu lưu của người nghệ sĩ, ông đã gặp và nên duyên với nhiều bóng hồng xinh đẹp.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước có mối tình đầu đẹp như mơ nhưng dang dở với cô tiểu thư kiều diễm Vi Kim Ngọc, kém ông một tuổi. Chuyện là năm Dương Thiệu Tước 18 tuổi, tình cờ gặp và đem lòng say đắm cô gái Vi Kim Ngọc. Khi ấy, nàng cũng không thể cưỡng lại lòng mình trước chàng thanh niên điển trai, đa tài. Mà hai gia đình khi ấy trông cũng “muôn đăng hộ đối” với nhau. Cha của Dương Thiệu Tước là viên quan trong bộ máy hành chính Hà Nội lúc bấy giờ. Còn cha của nàng là khi ấy là Tổng đốc Hưng Yên.

nhac-si-duong-thieu-tuoc-la-ai-va-nguoi-sang-tac-on-nghia-sinh-thanh (3)
Tiểu thư Vi Kim Ngọc và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Thấy đôi trai tài gái sắc phải lòng nhau, bên đàng trai nhanh chóng đem sính lễ qua cầu hôn. Thế nhưng, chuyện đời chẳng như mơ, nhà gái phát hiện ra Dương Thiệu Tước chỉ đỗ bằng Diplôme, trượt tú tài nên vào trường nhạc học, nhưng trường này sau đó cũng đóng cửa vì khủng hoảng kinh tế. Thấy mọi người lời ra tiếng vào, nói anh chàng này hào hoa, điển trai thế này dễ ngoại tình, bằng cấp lại khiêm tốn so với gia thế nhà họ Vi. Thế là nhà gái nhanh chóng đem sính lễ trả lại, không cho cưới nữa. Cứ thế, chuyện tình của đôi trẻ đi vào ngõ cụt.

Quá đau buồn trước cuộc tình dang dỡ, năm 1934 nhạc sĩ Dương Thiệu Tước theo lời gia đình, kết hôn với bà Lương Thị Thuần, cũng xuất thân từ dòng họ khoa bảng. Cả hai có với nhau 5 người con. Cuộc sống vợ chồng Dương Thiệu Tước cứ thế bình lặng trôi qua, cả hai đối xử với nhau “tương kính như tân”, không nồng cháy, cũng chẳng lãng mạn. Mối tình với người vợ Lương Thị Thuần đối với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước không có mấy đặc biệt, nên ông cũng ít sáng tác gì liên quan đến bà.

Chung sống hơn 10 năm, cả hai đường ai nấy đi. Đến năm 1949, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lại rơi vào “tiếng sét ái tình” với cô ca sĩ nổi tiếng Minh Trang. Lúc này, Minh Trang là giọng ca đình đám, tiếng hát chủ chốt trên đài Pháp – Á. Trong một lần được mời ra dự hội chợ tại Hà Nội để hát với dàn nhạc đệm do Dương Thiệu Tước phụ trách, cả hai đã phải lòng nhau. Năm 1951, cả hai nên duyên vợ chồng với nhau. Đó cũng là cuộc hôn nhân thứ 2 của ca sĩ Minh Trang. Nhưng phải 3 năm sau, năm 1954 nhạc sĩ Dương Thiệu Tước mới chính thức vào Sài Gòn sinh sống cùng Minh Trang, cả hai cũng có với nhau 5 người con.

nhac-si-duong-thieu-tuoc-la-ai-va-nguoi-sang-tac-on-nghia-sinh-thanh (4)
Ca sĩ Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Mối tình này đã giúp nhạc sĩ Dương Thiệu Tước có nhiều cảm xúc để sáng tác nhạc, nổi tiếng nhất trong những ca khúc viết cho Minh Trang có thể kể đến là bài “Ngọc lan”, “Bóng chiều xưa”,… Những bài hát này qua tiếng hát của Minh Trang khi ấy nhanh chóng được công chúng biết đến và đón nhận.

nhac-si-duong-thieu-tuoc-la-ai-va-nguoi-sang-tac-on-nghia-sinh-thanh (7)
Ca sĩ Minh Trang và 2 người con

Sau năm 1975, ca sĩ Minh Trang cùng các con sang nước ngoài định cư. Dương Thiệu Tước khi ấy vì đau ốm nên không đi được. Ông cứ vậy sống một mình cô đơn giữa Sài Gòn, không người thân bên cạnh. Rồi một ngày kia, tình cờ ông gặp lại một phụ nữ tên Nguyễn Thị Nga, trước đây từng là học trò của ông. Nga ngày trước từng yêu thầm vị nhạc sĩ tài hoa, nhưng thấy ông đã có vợ, con đề huề nên chỉ giấu kín trong lòng. Nay thấy ông sống một mình cô đơn, không nơi nương tự nên đã quyết định “nâng khăn sửa túi” cho người trong lòng. Đây là cuộc tình cuối cùng trong đời của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Hai người sống ở quận Bình Thạnh cho đến lúc ông qua đời vào năm 1995.

Người nhạc sĩ gửi hồn dân tộc trên âm điệu Tây

Khi mới bắt đầu sáng tác, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã có chủ trương soạn nhạc theo âm điệu Tây phương. Ông nghĩ, nếu đã có nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Việt Nam viết tác phẩm bằng tiếng Pháp, thì người nhạc sĩ cũng có thể sáng tác dựa trên nhạc điệu phương tây. Và cứ thế, Dương Thiệu Tước liên tục cho ra những bản nhạc chịu ảnh hưởng của nhạc nhẹ cổ điển như “Tâm hồn anh tìm em”, “Một ngày mà thôi”, “Bóng chiều xưa”, “Ngọc Lan”,…

Là người chủ trương soạn nhạc tiêu âm điệu Tây, chịu ảnh hưởng của các loại nhạc khiêu vũ, nhưng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng là người có sự hiểu biết sâu về cổ nhạc dân tộc, có khả năng chơi đàn tranh, đàn bầu một cách điêu luyện. Và Dương Thiệu Tước cũng nhận định rõ ràng rằng khi ông là người Việt Nam, mang dòng máu đỏ da vàng thì những gì ông viết ra phải mang hồn vía dân tộc. Điều ấy được ông thể hiện rõ trong những bài như “Tiếng xưa”, “Chiều”,… trong đó, đậm nét nhất là trong bài “Đêm tàn bến Ngự”. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, bài “Đêm tàn bến ngự” của ông được viết theo các điệu Nam Bình, Nam Ai đặc trưng của xứ Huế.

nhac-si-duong-thieu-tuoc-la-ai-va-nguoi-sang-tac-on-nghia-sinh-thanh (2)
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là người chủ trương soạn nhạc Việt theo âm điệu Tây phương

Trong một ấn phẩm viết tay, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã bày tỏ rằng: “Theo tôi, tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác cần phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học các nhạc cụ cổ truyền, cũng như hát được các làn điệu cổ truyền”.

Cứ thế, người nhạc sĩ tài hoa Dương Thiệu Tước đã viết ra cảm xúc Việt bằng “ngữ pháp Tây”, nhưng lòng trắc ẩn về bản sắc dân tộc vẫn giúp cho ông biến những giáo huấn khô khan như “Ơn nghĩa sinh thành” trở thành một bài ca dễ đi vào lòng người, biến những hồn nhiên ngây thơ thành đồng dao đầy chất Việt trong “Nhạc ngày xanh”, “Dưới nắng hồng”,…

Có một điều rất đặc biệt trong âm nhạc của Dương Thiệu Tước đó là, dù ông viết theo thể điệu gì, nhạc của ông vẫn mang nét sang và trang trọng. Cũng chính vì thế mà nhạc sĩ Phạm Duy đã xếp nhạc của ông vào loại nhạc quý phái, về sau chúng ta gọi là “bán cổ điển”. Sau ông, có nhiều nhạc sĩ khác cũng nổi danh trong trường phái tân nhạc cao sang về lời từ và quý phái trong giai điệu. Nhưng, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vẫn mang nét rất riêng, những ca khúc của ông dù trang nhã, thanh thoát nhưng vẫn đậm nét Á Đông trên giai điệu ngũ cung, hết sức Nam kỳ như “Buồn xa vắng”, “Áng mây chiều”, “Thuyền mơ”,…

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là nhạc sĩ thế hệ đầu của tân nhạc Việt Nam với kho tàng đồ sộ hơn 200 ca khúc. Trong đó nổi tiếng nhất có thể kể đến: Tiếng xưa, Ánh mây chiều, Buồn xa vắng, Mơ tiên, Bến xuân xanh, Thuyền Mơ, Dưới ánh trăng, Ngọc Lan, Khúc nhạc dưới trăng, Đêm tàn bến ngự, Dòng sông xanh, Dưới nắng hồng, Dưới trăng, Hội hoa đăng, Hương thu, Kiếp hoa, Một chiều đông, Mùa lá rụng, Mùa lúa mới, Nắng hè, Nhạc buồn, Ôi quê xưa, Ơn nghĩa sinh thành, Phút say hương, Tâm hồn anh tìm em, Thiết tha vài lời, Tình anh, Uống nước nhớ nguồn, Việt Nam anh dũng, Việt Nam mến yêu, Vọng chinh phu, Vui xuân,…

nhac-si-duong-thieu-tuoc-la-ai-va-nguoi-sang-tac-on-nghia-sinh-thanh (5)
Ca khúc "Ngọc Lan" nổi tiếng của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Trong đó, ca khúc “Ngọc Lan” được xem là ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Bài hát này được đặt tên dựa trên tên thật của ca sĩ Minh Trang (người vợ thứ 2 của ông) là Ngọc Trâm. Bài hát khiến người nghe cảm nhận được nét đẹp lả lướt mà không lả lơi, phóng khoáng mà không phóng túng và nhất là phần giai điệu vô cùng trang trọng và quý phái. Không chỉ là một bài hát, “Ngọc lan” của Dương Thiệu Tước còn là một bài thơ, một bức họa và một đóa thơm lãng mạn.

“Ngọc Lan

giòng suối tơ vương

 mắt thu hồ dịu ánh vàng.

Ngọc Lan

nhành liễu nghiêng nghiêng

tà mấy cánh phong

nắng thơm ngoài song…”.

Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Người ta thường nói nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là kết tinh tài hoa của đất Bắc ngàn năm văn vật vào một thể loại mới là tân nhạc Việt Nam, mà ông cũng là một trong những tác giả tiên phong thể loại nhạc cải cách này. Sau chặng đường dài hết mình cống hiến cho âm nhạc, cho nghệ thuật, Dương Thiệu Tước đã để lại gia tài hơn 200 ca khúc, đóng góp vào kho tàng âm nhạc nước nhà.

nhac-si-duong-thieu-tuoc-la-ai-va-nguoi-sang-tac-on-nghia-sinh-thanh (6)
Những nhạc phẩm của Dương Thiệu Tước được Nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là người quán triệt nhạc thuật Tây phương lẫn văn hóa Đông vào những ca khúc thuộc loại đầu đời của tân nhạc cải cách. Nhưng, nhạc của ông bài nào cũng đậm nét Á đông, đậm đà bản sắc dân tộc. Tình cảm của ông trang nhã, ngôn từ của ông đẹp một cách cổ kính và nhạc của ông trang nhã, cao sang. Cứ vậy, công tử tài hoa đất Hà Thành ngày ấy – Dương Thiệu Tước đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm trang nhã của loại bán cổ điển, bài nào cũng là viên ngọc quý trong kho tàng nhạc Việt.

Một số nhận xét về con người và âm nhạc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là một tài năng âm nhạc lớn của Việt Nam. Ông không chỉ được kính trọng bởi sự tài hoa trong âm nhạc mà còn trong cách đối nhân xử thế.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét về âm nhạc của nhạc sĩ họ Dương như sau: “Dương Thiệu Tước ít khi chịu rời khỏi lĩnh vực nhạc tình tứ và cao sang đặc biệt của ông. Về sau, khi nhạc dân ca được coi như phản ánh đúng tâm hồn dân tộc, thì nhạc sĩ Dương Thiệu Tước quay hẳn về nhạc ngũ cung để cống hiến những bài hát bất hủ”.

Ngày Dương Thiệu Tước mất, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi đến viết đã viết rằng: “Anh đã sống một cuộc đời thầm lặng và muốn lãng quên cuộc đời bằng cách xa lìa mọi hệ lụy của cuộc sống này để cưu mang một tình riêng dù đời có hiểu hay không. Anh sống như vậy cũng có một màu sắc riêng biệt của đời anh…”.

Ca sĩ Quỳnh Giao cũng từng nói về ông như sau: “Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là người có công với tân nhạc Việt Nam thời phôi thai và đã đem đến những bài tân nhạc theo thể điệu dân ca đầu tiên. Âm nhạc của Dương Thiệu Tước là những bức họa thiên nhiên thủy mặc với lời nhạc bác học, phong phú. Khi nghe một bài ca thiên nhiên của ông ta có cảm giác như đang đi dạo cảnh”.

Có thể nói, sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là một di sản quý báu. Di sản đó đã làm giàu có cho tâm hồn những người yêu nhac và đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa Việt Nam.

Xem thêm: Nhạc sĩ Doãn Mẫn trăn trở về bản sắc Việt Nam trong nhạc Việt

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận