Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: Ẩn bên trong cái vẻ sơ sài về ngoại hình là bậc tài hoa của nền nhạc Việt

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có thể mặc cả áo rách cả nách cả ngày, nhưng khi làm nghệ thuật lại tỉ mỉ, chau chuốt. Ông làm nhạc với tâm niệm "nghệ thuật chân chính trước hết trong đầu không bao giờ có hai chữ danh và lợi". 

Đỗ Thu Nga
14:26 19/06/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ PHẠM THẾ MỸ

  • Tên thật: Phạm Thế Mỹ
  • Ngày sinh - ngày mất: 1930 - 2009
  • Quê quán: Bình Định
  • Gia đình: vợ Nguyễn Thị Diệu Lý
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ; Nhà báo; Nhà soạn kịch
  • Thể loại sáng tác: Nhạc vàng, nhạc phản biến, nhạc đỏ,  nhạc kịch, ca vũ kịch
  • Ca khúc nổi tiếng: Bông hồng cài áo
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Duy Khánh
  • Thời gian hoạt động: Từ 1944 đến 2009

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là ai?

Nếu là người yêu nhạc xưa thì có lẽ không ai không biết tới nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Ông là cha để của nhiều nhạc phẩm bất hủ như: Bến duyên lành, Đan áo mùa xuân, Đường về hai thôn... Cuộc đời của ông là chuỗi những sự kiện có phần bí ẩn và sự nghiệp sáng tác cũng như đời tư để lại nhiều tranh luận cho hậu thế.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (15/11/1930 - 16/1/2009) sinh tại Đạp Đá, An Nhơn (Bình Định) trong gia đình trung lưu có 11 người con. Trên ông có hai người anh là nhà văn Phạm Văn Ký và nhà thơ Phạm Hổ. Khác với hai người anh ruột lựa chọn nghề văn thơ, ông theo nghiệp âm nhạc.

Năm lên 6 tuổi, ông rời quê nhà Bình Định ra Huế ở với người anh Phạm Văn Ký để đi học. Vì ông Ký thích nhạc và biết chơi vĩ cầm nên nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng bắt đầu học nhạc với người anh. Năm 8 tuổi, ông chơi thành thạo mandoline, 12 tuổi chơi được guitar. Cha ông từng không ủng hộ việc con trai chơi sáo vì cho rằng, chơi sáo dễ mắc bệnh lao và khuyên con trai chuyển sang chơi guitar. 

Sau này, nhạc Phạm Thế Mỹ học trung học tại Quy Nhơn. Ông cũng học thêm lý thuyết âm nhạc với sư huynh trường dòng tên Yersim ở trường Gagelin.

nhac-si-pham-the-my-la-ai-va-am-nhac-pham-the-my-huong-den-dieu-gi-7
Chân dung nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

Năm 14 tuổi, ông bén duyên với sự nghiệp sáng tác. Chỉ 2 năm sau, tức năm 16 tuổi, ông vinh dự nhận giải thưởng Phạm Văn Đồng. Giám khảo khi ấy là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.  

Năm  1950, ông về làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Năm 1954, ông được ở lại miền Nam. Năm 1959, ông theo học ở trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Sau đó, ông dạy Viết văn và âm nhạc tại trường trung học tư thục ở Đà Nẵng như Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Nguyễn Công Trứ.

Trong khoảng thời gian ở Đà Nẵng, ông học theo nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác những nhạc phẩm thuộc thể loại dân ca mới để kiếm tiền học thêm về nhạc. Tại đây, ông được học hòa âm với giáo sư Nguyễn Phụng (sau 1955 là hiệu trưởng trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn) và Nguyễn Khắc Cung.

Những năm từ 1965 - 1966, vì tham gia đấu tranh trong phong trào Phật giáo, ông đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam. Từ năm 1970 đến năm 1975, ông là trưởng phòng Văn - Mỹ - Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh. Cũng tại đây, ông gặp được "bến duyên lành" của đời mình là nàng Nguyễn Thị Diệu Lý.

Sau 1975, ông công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin Quận 4, TP Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ. 

Khi về hưu, ông sống âm thầm, thiếu thốn tại căn hộ chung cư ở Quận 4, TP Hồ Chí Minh. Sau thời gian chống chọi với bệnh tật, người nhạc sĩ tài hoa tại thế lúc 3h ngày 16/1/2009. Cho đến những ngày gần cuối, ông vẫn miệt mài sáng tác, để lại cho đời những nhạc phẩm hay.

Hơi thở của âm nhạc chân chính, âm nhạc vị nhân sinh, âm nhạc của tình yêu nước nồng nàn

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ - tài năng âm nhạc chân chính, yêu nước vô cùng nhưng ít được nhắc đến

Từ nhỏ, Phạm Thế Mỹ đã dành khá nhiều thời gian tập đoàn và nhanh chóng trở thành một tay đàn giỏi, nổi tiếng khắp vùng. Chẳng những thổi sáo hay đánh đàn giỏi mà còn sáng tác rất "nghệ". 

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bắt đầu sự nghiệp sáng tác vào năm 14 tuổi, nhưng khi đó mới chỉ ra cho đời một số ca khúc đơn giản. Năm 15 tuổi, có tác phẩm đầu tay khá hay mang tên "Nắng lên xóm nghèo". Ca khúc này có giai điệu truyền cảm, ca từ dễ thương. Nghe nhạc phẩm này, chẳng nghi ngờ tác giả là cậu thiếu niên 15 tuổi: "Đây bóng dừa xanh tôi mến thương/Chim trắng về vui reo ngàn hướng/Kìa cổng làng hàng cau nghiêng nắng xuống/Đàn em bé đùa hát ca quên sầu thương...".

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ từng có thời gian dạy học ở Đà Nẵng khoảng năm 1971. Thời gian này, ông học nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác các ca khúc thuộc thể loại dân ca mới để kiếm tiền học thêm nhạc. Nhưng lúc đó các nhà xuất bản tờ nhạc cho rằng thể loại dân ca mới đã lỗi thời, khó bán. Trong bài viết đăng Tạp chí Bách Khoa năm 1963, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ kể rằng, nhà xuất bản cho biết nhạc dân ca chính cống của Phạm Duy còn khó bán, huống hồ là nhạc cảu người mới vào nghề. Muốn xuất bản, muốn nhạc được phát hành trên đài phát thanh thì phải sáng tác các thể loại như mambo, bolero. Đó là lý do, Phạm Thế Mỹ cho ra đời những ca khúc "dân ca mambo" như: Bến duyên lành. Lúa về đêm trăng, Tình mùa hoa nở, Nắng lên xóm nghèo...

Trong giai đoạn từ 1965 - 1966, ông bị Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt vì đấu tranh cho phong trào Phật giáo. Đây là thời gian ông sáng tác lên tác phẩm "Bông hồng cài áo" lấy ý từ đoạn văn của Thiền sư Thích Nhất Hanh. 

Sau khi ra tù, ông tiếp tục sáng tác và cho ra đời nhiều nhạc phẩm hay như: Hoa vẫn ở trên đường quê hương, Người về thành phố, Những người không chết, Ngựa hồng trên đồi cỏ, Thương quá Việt Nam... Các nhạc phẩm này được phổ biến và yêu thích trong giới học sinh - sinh viên Sài Gòn lúc bấy giờ. 

Sau 1975, ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ như: Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng; Thắm đượm duyên quê; Lêna Belicova... 

nhac-si-pham-the-my-la-ai-va-am-nhac-pham-the-my-huong-den-dieu-gi-5
"Bông hồng cài áo" là một trong những nhạc phẩm xuất sắc nhất của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

Trong suốt những năm của thập niên 60,70... những nhạc phẩm của Phạm Thế Mỹ đã làm nên một dòng chảy khác biệt trong âm nhạc trữ tình Việt Nam. Đó là những ca khúc ngợi ca vẻ đẹ quê hương Việt Nam mà đến nhiều năm sau, người yêu nhạc vẫn còn nghe lại. 

Tuy là một tài năng âm nhạc, có nhiều đóng góp không hề nhỏ nhưng tên tuổi của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đường như "lép vế" hơn so với những nhạc sĩ cùng thời. Ca sĩ Ánh Tuyết từng có những chia sẻ về điều này.

Ánh Tuyết tâm sự, bà đã gặp Phạm Thế Mỹ nhiều lần trên Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh và cảm thấy yêu quý con người ông. Ông nổi tiếng nhưng thật thà, bình dị. Ông mang nụ cười hiền.

"Tôi hoàn toàn bất ngờ khi Phạm Thế Mỹ nổi tiếng như vậy mà chưa thấy ca sĩ nào ra album cho ông cả, dù tác phẩm của ông so nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam", ca sĩ Ánh Tuyết nói.

Xuất phát từ sự yêu quý người nhạc sĩ tài năng, ca sĩ Ánh Tuyết đã làm hai album: "Tôi tìm hiểu rất kỹ từng giai đoạn, ca từ, hiểu cách ông đặt tấm lòng vào từng nhạc phẩm. Ông sống thật, sống hết lòng nên mới có thể viết ra những ca khúc thật đến vô cùng. Ông sống tất cả vì quê hương đất nước".

Quả như vậy, chỉ cần nghe tên các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã thấy toát ra tình yêu nước, yêu quê hương xứ sở đằm thắm, giản dị mà thiết tha, sâu nặng. Âm nhạc củ ông đậm hồn dân tộc, thắm đượm hơi hướng của âm nhạc cổ truyền, rất gần gũi, thân quen với guu âm nhạc của bất kỳ người Việt nào. Cũng bởi thế mà những sáng tác của ông rất được bà con trong nước và quốc tế ưa chuộng. 

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tự nhận khuyết điểm trong sáng tác của mình

Sự nghiệp sáng tác và tư tưởng âm nhạc của Phạm Thế Mỹ từng được "giải mã" qua bài đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1963. Trong bài viết này, ông không ngần ngại chỉ trích những sáng tác của ông và đồng nghiệp cùng thời.

Cụ thể, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ không hài lòng về một số chi tiết nằm trong nhạc phẩm: Bến duyên lành, Lúa về đêm trăng, Nắng lên xóm nghèo, Tình mùa hoa nở của mình. Ông cũng không hài lòng về một số từ ngữ trong các sáng tác nổi tiếng của Lam Phương, Nguyễn Văn Đông, theo ông, cũng không chuẩn với nốt nhạc, như bài Tình anh lính chiến, Chiều mưa biên giới. 

Cần phải nhấn mạnh, quan điểm chỉ trích của Phạm Thế Mỹ ở đây là mang tính xây dựng chứ không phải chê bai, vùi dập. Ông mong muốn tân nhạc Việt Nam được phát triển, không bị đào thải khỏi dòng chảy của thị trường âm nhạc thời bấy giờ.

Trong bài viết đó, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ còn chỉ ra vài khuyết điểm của mình đã vấp phải trong một số nhạc phẩm đã xuất bản - đó cũng là khuyết điểm chung với nhạc sĩ ông quen biết nhưng không tiện nhắc tên. Ông viết: "Trong bài "Bến duyên lành" - đã xuất bản ra thu thanh vào dĩa - có 1 khuyết điểm chính không thể tha thứ được: Tôi đã dùng nhịp điệu 'mambo' để diễn tả nhịp mái chèo bơi và nói lên nếp sống của đôi vợ chồng chèo đò nơi quê nghèo. Thực ra tôi cũng không ngu đến mức đó, nhưng nhà xuất bản muốn thế tôi phải nghe theo. (Vì tôi quá cần tiền để trả tiền cơm tháng). Tôi chưa hề biết sông Đồng Nai ra sao, thế mà tôi dám viết: 'Mai về ngược sông Đồng Nai'... Tôi còn nhớ rõ tôi đã ngồi bên sông Sài Gòn và đã nhìn chiếc chiến hạm của Mỹ để viết đoạn này".

nhac-si-pham-the-my-la-ai-va-am-nhac-pham-the-my-huong-den-dieu-gi-4
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ từng tự chỉ ra khuyết điểm trong âm nhạc của mình

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tiếp tục chỉ ra khuyết điểm của mình trong bản nhạc đã xuất bản, đã được yêu cầu nhiều lần trên đài phát thanh Sài Gòn và Huế: "Lời ca xây dựng yêu đời - để được đài cho phổ biến, nhưng nét nhạc thì ủy mị, sâu khổ... (Lúa về đêm trăng - âm cung mi thứ). Lời ca của đoạn đầu và đoạn kết nói lên những tình cảm yêu đương của cá nhân, nhưng đến đoạn giữa tôi lại cố ý nhét vào một cách gò ép hình ảnh gian khổ hoặc hiên ngang của người lính chiến để che đậy hình ảnh lãng mạn trong toàn bài (Tình mùa hoa nở). Nết nhạc gò ép theo tiết điệu - nên khi đặt lời ca tôi đã bị lệ thuộc vào nét nhạc, gieo vần một cách gò bó nên khi hát nghe như hô vè:... đôi bướm vàng| nhởn nhơ| như quyến luyến... và cô gái làng| ngẩn ngơ| mơ tình duyên... (Nắng lên xóm nghèo)".

Không những chỉ ra khuyết điểm âm nhạc của chính mình và đồng nghiệp, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ còn gửi gắm những khát khao, mong ước vào nhạc Việt mai sau. Ông viết, nên mở cuộc thi sáng tác âm nhạc có tính cách quốc tế (như bên ngành Họa chẳng hạn), để khuyến khích và nâng đỡ các nhạc sĩ ra công sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật lâu dài (những tác phẩm trúng giải sẽ được đem ra trình diễn trước công chúng và sẽ được Văn hóa vụ xuất bản). 

Giảng đường Vạn Hạnh và "bến duyên lành" của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

"Bến duyên lành" của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bắt đầu từ ĐH Vạn Hạnh. Tại nơi này có một cô sinh viên đánh đàn hay, giọng ca mê hồn lại có tài sáng tác - tên Nguyễn Thị Diệu Lý. Lần đầu tiên được chọn vào Đội văn nghệ Vạn Hạnh, Diệu Lý đã thể hiện ca khúc "Bông hồng cài áo". 

Xem Diệu Lý thể hiện "Bông hồng cài áo", ông thầy nhạc sĩ ngồi ở hàng ghế khán giả mắt nhắm nghiền, giật dù thả hồn theo tiếng hát lên tận trời mây. Ông thầy đó là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Trước đó, Diệu Lý cũng được nhiều người, đặc biệt là học sinh - sinh viên Sài Gòn biết đến với hình ảnh quen thuộc là ôm đàn guitar đàn hát khá ấn tượng. Việc Diệu Lý chọn bài hát "Bông hồng cài áo" cũng rất tình cờ, vì cô thích bài há này cũng như đáp ứng tính công chúng thời đó. 

nhac-si-pham-the-my-la-ai-va-am-nhac-pham-the-my-huong-den-dieu-gi
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và người vợ tào khang - ca sĩ Diệu Lý

Năm đó, Diệu Lý chỉ biết tác giả của "Bông hồng cài áo" là người thầy lâu năm chỉ huy dàn nhạc hợp xướng Vạn Hạnh. Và điều bất ngờ là cả hai là đồng hương Bình Định (quê Diệu Lý ở Quy Nhơn). Dù kém thầy hơn 20 tuổi nhưng hai người có chung quan điểm sống, và dần dần tình cảm nảy nở. 

Tại chương trình "Chân dung cuộc tình", ca sĩ Diệu Lý đã tiết lộ, trong những ngày đầu làm với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, bà rất cảm phục và ngưỡng mộ ông. Nhạc sĩ cũng cảm nhận được sự đồng điệu trong tâm hồn và âm nhạc với bà. Nhưng việc lệch nhau hơn 20 tuổi khiến họ rơi vào tình cảnh "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Biết ông không thể mở lời, bà đã dùng bài hát tốt nghiệp lớp sáng tác do chính mình viết vừa để trả bài, vừa để tỏ tình. Từ đó hai người chính thức yêu nhau.

Họ về chung nhà vào năm 1975. Lúc bà Diệu Lý đến với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, ông đã qua một đời vợ. Bà Diệu Ly ấy luôn sống với tâm niệm trân trọng và biết ơn người vợ trước của chồng. Bà từng khẳng định, người cũ của nhạc sĩ Mỹ là người phụ nữ dễ thương, giỏi giang, đảm đang. Nhạc sĩ Mỹ may mắn khi có người vợ như thế đồng hành trong giai đoạn đầu tiên bước vào con đường âm nhạc. Nếu không có người vợ trước thì chưa chắc có ông thành danh sau này. 

Và đúng là hiếm có khó tìm khi bà Diệu Lý và vợ cũ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ thương nhau vô cùng. Họ đối xử với nhau một cách tộn trọng, trân quý như chị em.

Cũng theo bà Diệu Lý, khi hai người kết hôn, Phạm Thế Mỹ đang sống cùng mẹ của mình. Bà Diệu Lý cho rằng, việc sống cùng mẹ chồng trong những năm tháng cuối đời là một niềm may mắn. 

Bà Diệu Lý từng chia sẻ: "Khi mẹ còn sống, tôi may mắn tặng bà một chiếc áo bà ba lụa, loại lụa đẹp nhất Sài Gòn lúc đó. Hồi đó không có máy may, tôi phải may bằng tay. Tôi nghĩ tôi là người may mắn thứ hai, sau nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, bởi vì ông cho rằng ông là người may mắn thứ nhất vì ông đã viết được bài hát tặng mẹ đang còn sống của mình. mẹ được hưởng hạnh phúc đó trong lúc mẹ còn sống. Ông từng cho rằng ông là người hạnh phúc nhất".

nhac-si-pham-the-my-la-ai-va-am-nhac-pham-the-my-huong-den-dieu-gi-9
Bà Diệu Lý tâm sự về cuộc hôn nhân viên mãn với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ trong chương trình "Chân dung cuộc tình"

Trái ngọt của cuộc hôn nhân này là hai người con, một trai, một gái ( Phạm Bắc Đẩu và Phạm Nguyên Hạnh). Các con của nhạc sĩ Thế Mỹ đều chơi đàn piano rất cừ  nhưng chưa viết nhạc được như cha. Con trai lớn hiện là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hội B, quận 4và cô con dâu cũng là cô giáo. Con gái út hiện công tác trong ngành dược.

Sau này, lần được hỏi về nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, bà Diệu Lý thường tự hào nói: Ông ấy không chỉ là người yêu, người chồng, người thầy... mà còn là người tri kỷ. Tuy chênh lệch tuổi tác nhưng luôn có sự đồng cảm, đồng điệu rất lớn. 

Về phần nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, ông là người sống tình cảm, có trách nhiệm. Sau ngày cưới, cuộc sống khó khăn nhưng lúc nào ông cũng dành những lời ân cần để cộng viên vợ. Đêm nào ông cũng thỏ thẻ với bà Lý: "Thấy em đi dạy cực khổ, đồng lương lại không đủ sống nhưng em ráng đi”. Rồi ông lại đem những câu chuyện nghề nghiệp, những kỷ niệm vui, buồn kể cho vợ nghe rồi nhắn nhủ: "Nghề của mình là nghề làm đẹp cho đời, cho học trò chứ không phải để làm giàu”.

Những năm tháng về hưu, ông sống trong căn nhà nhỏ ở Sài Gòn. Tại đây, ông cũng có một góc âm nhạc, là nơi bạn bè thường tới chơi. Khi trí nhớ của ông kém đi, bạn bè nói chuyện đời, chuyện ngày xưa, đến đonaj nào không nhớ rõ thì ông hay bảo: "Để tui gọi 'từ điển sống' của tui hỗ trợ". "Từ điển sống" ở đây chính là bà Lý - vợ ông. Lúc cao hứng ông không gọi vợ là "Từ điển sống" nữa mà gọi bằng một câu đầy tình ý: "Em là nỗi nhớ của anh". 

Không chỉ là người nhạc sĩ chuẩn mực, người chồng yêu vợ mà Phạm Thế Mỹ còn là người cha mẫu mực. Sinh thời ông thường răn dạy các con: "Âm nhạc khó có thể nuôi sống mình nhưng phải có nó để làm đẹp cho mình, cho đời”.

Thầy Phạm Bắc Đẩu thường tâm sự với mẹ Lý: “Con cũng có thể kiếm thật nhiều tiền nhưng vì hình ảnh của ba mà con phải sống trong sạch”.

Kho tàng âm nhạc đậm sắc màu yêu quê hương đất nước của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

Dù ở thời kỳ nào, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng có những sáng tác nổi tiếng để ca ngợi quê hương và con người Việt Nam. Những nhạc phẩm thể hiện niềm chờ mong một ngày rạng đông hé dạng và xua đi đêm dài của lửa binh. 

nhac-si-pham-the-my-la-ai-va-am-nhac-pham-the-my-huong-den-dieu-gi-8
Khi về hưu, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vẫn chơi đàn, sáng tác nhạc

Suốt sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã kinh qua các thể loại âm nhạc: Nhạc vàng, nhạc phản chiến, nhạc đỏ, nhạc kịch, ca vũ kịch. Dưới đây là những sáng tác tiêu biểu của vị nhạc sĩ tài hoa:

Sáng tác Áo lụa vàng; Bão rớt; Bến duyên lành; Bóng mát; Bóng tre xanh; Bông hồng cài áo (ý văn Thích Nhất Hạnh); Bông trắng cài áo; Buổi chiều quê hương; Chiếc lá rơi; Chiều đến thăm anh; Cho cây rừng còn xanh lá (ý Nguyễn Ngọc Lan); Chuyến tàu về quê ngoại; Còn gì cho em; Dáng hồng; Dựng lại quê hương; Đan áo mùa xuân; Đàn chim trắng; Đôi mắt trẻ thơ; Đưa em về quê hương; Đường về hai thôn; Hoa vẫn nở trên đường quê hương; Hòa bình ơi hãy đến; Hỡi hồn mẹ Việt Nam; Huế của ta; Lêna Belicova; Lúa đẹp chiều hôm; Lúa về đêm trăng; Mai này tôi trở lại; Màu áo hoa sim; Mặt Trời vừa thức dậy; Mây đầu núi; Mẹ xưa; Một mình; Một sáng bình yên; Mưa trên cành yêu đương; Nắng lên xóm nghèo; Ngõ chiều; Ngựa hồng trên đồi cỏ non; Người về thành phố; Người yêu và con chim sâu nhỏ; Nhạc buồn đêm sao; Những ngày xưa thân ái; Những người không chết; Nước sông nào chẳng mát chẳng ngon; Qua bến đò xưa; Rạng đông trên quê hương Việt Nam; Rừng cây trút lá; Sẽ qua đi ngày gió lớn; Thắm đượm duyên quê; Thuyền hoa; Thương quá Việt Nam; Tiếng chim vườn cũ; Tình mùa hoa nở; Tóc mây; Trang sách mở ra; Trang sử mới; Trăng tàn trên hè phố; Vẫn Huế ngày xưa; Vườn dâu lá mới; Xin mẹ hãy ngủ yên.
Các tuyển tập nhạc Phạm Thế Mỹ đã xuất bản Hòa bình ơi, hãy đến (in chung Luân Hoán Lê Vĩnh Thọ, 1969); Trái tim Việt Nam (Đối Diện, 1971); Cho Trái Đất này vui (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1990); Trường ca Phạm Thế Mỹ (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1996); Trang sử mới (sinh viên Phật tử xuất bản tại Pháp).
Các sáng tác trường ca của Phạm Thế Mỹ Lửa thiêng (1963), Hàn giang dậy sóng (1960), Con đường trước mặt (1967), Những dòng sông anh em (1974), Thêm một lần hoa nở (Đại học Vạn Hạnh xuất bản), Những trang sử Việt Nam, Con đường thế kỷ, Gió Củ Chi, Thành phố trăng tròn,... (sau 1975) và tổ khúc Sự sống (1996).
Nhạc kịch, vũ kịch, tiểu ca kịch

Vũ kịch: Kim Trọng Thúy Kiều (1962–1966);

Tiểu ca kịch: Hoa bướm và thiếu nữ (1960), Nước mắt người yêu (1961);

Nhạc kịch: Sắc lụa trữ la (1958–1960), Tiếng hát dậy từ lòng đất, Miếu âm hồn.

  Xem thêm: Nhạc sĩ Nhật Trung: Nghệ thuật phải đi đôi với giải trí

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận