Nhạc sĩ Anh Việt Thu và 20 năm sống trọn vẹn với âm nhạc
Nhạc sĩ Anh Việt Thu bắt đầu sáng tác từ năm 17 tuổi. Tròn 20 năm sau, ông vĩnh viễn an giấc ngàn thu vì một cơn bạo bệnh...
20 năm sống cùng âm nhạc
Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang (SN 1939 tại Campuchia). Đến năm 1940, ông được làm giấy khai sinh ở làng An Hữu, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông là anh cả trong gia đình, dưới ông còn 3 người em là: Huỳnh Hữu Phi Long, Huỳnh Thị Kim Phụng và Huỳnh Hữu Việt Thu.
Vì người em út tên Việt Thu nên sau này khi viết nhạc ông dùng bút danh Anh Việt Thu (tức anh của Việt Thu) như một cách tự nhắc nhở mình về trách nhiệm với các em, nhất là với người em út Việt Thu.
Từ ngày còn học trung học ở trường Nguyễn Công Trứ (Sài Gòn), Anh Việt Thu đã cùng với một người bạn cùng lớp tập tọe chơi đàn guitar. Thời đó, ông chỉ tự tập theo năng khiếu của mình chứ chưa học hành bài bản.
Đến năm 1956 (khi đó 17 tuổi), ông thi vào trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (vừa được thành lập). Anh Việt Thu trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của ngôi trường âm nhạc nổi tiếng này. Tại đây, ông lần lượt học các môn nhạc pháp, nhạc sử, hòa âm, đối âm, tấu âm, sáng tác và dương cầm với các giáo sư Hùng Lân, Nguyễn Phụng, Hải Linh, Võ Đức Thu...
Cũng ở tuổi 17 này, Anh Việt Thu bắt đầu bén duyên với nghiệp sáng tác. Ca khúc đầu tay của ông là "Giòng An Giang" nhanh chóng được công chúng yêu thích, giới phê bình đánh giá cao về cả giai điệu và lời ca.
Nhạc sĩ Anh Việt Thu có 20 năm chuyên tâm viết nhạc. Sau ca khúc đầu tay thành công, công cho ra đời rất nhiều ca khúc nhạc vàng khác như: Hai vì sao lạc, Đa tạ, Người ngoài phố, Nhớ nhau hoài, Cuốn theo chiều gió, Mùa xuân đó có em.... và đặc biệt là "Tám điệp khúc" - bài hát có nhắc đến cái mốc 20 năm định mệnh của ông: "Mẹ Việt Nam ơi, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về".
Trong 10 năm đầu của sự nghiệp sáng tác, Anh Việt Thu chưa thực sự tham gia sâu rộng trong làng nhạc Sài Gòn. Bởi lúc đó ông vẫn đi học. Sau khi học xong thì đi dạy học ở các tỉnh lẻ như Biên Hòa, Bình Dương, Tây Ninh.
Giai đoạn từ năm 1964 - 1965, khi còn đang dạy ở Tây Ninh, Anh Việt Thu sáng tác "Tám điệp khúc". Ca khúc trở nên nổi tiếng với giọng ca Hoàng Oanh. Liên tục các đài phát thanh phát sóng ca khúc này. Từ đó đưa tên tuổi của ông đến gần công chúng hơn. Ngoài ra, ca khúc này cũng đánh dấu dốc 10 năm đầu sự nghiệp của Anh Việt Thu.
Năm 1965, Anh Việt Thu trở lại Sài Gòn và lập gia đình. Từ đó, ông tham gia hoạt động nghệ thuật nhiều hơn. Đó cũng là năm ông thành lập đoàn du ca Phù Sa, quy tụ nhiều nhạc sĩ cùng quê là Anh Việt Thanh, Phạm Minh Cảnh, Hà Phương... để đi hát khắp nơi từ Huế đến Cần Thơ. Cùng thời điểm, ông còn thành lập chương trình Phù Sa (ca - ngâm - diễn - đọc) và Tuấn báo Văn nghệ truyền thanh trên làn sóng phát thanh.
Năm 1971, ông có riêng một chương trình mang tên "Giờ âm nhạc Anh Việt Thu" trên đài vô tuyến truyền hình Việt Nam. Đồng thời hợp tác với hãng dĩa Việt Nam để thực hiện một số băng nhạc. Song song với hoạt động âm nhạc, Anh Việt Thu còn dạy học ở trường Chu Văn An (Sài Gòn).
Cơn bạo bệnh cướp đi người nhạc sĩ tài năng ở tuổi 37
Anh Việt Thu là chàng nhạc sĩ tài hoa yểu mệnh. Ông sống vỏn vẹn có 37 năm trên cuộc đời này. Trong đó có 20 năm dành cho âm nhạc.
Những năm tháng cuối đời, Anh Việt Thu làm việc tại Phòng Văn nghệ Đài phát thanh quân đội chung với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh.
Bạn bè nhận xét, Anh Việt Thu là người hiền lành, ít nói, sống nhiệt tình. Trong thời gian còn dạy học ở Tây Ninh, tuy lương bổng rất khá nhưng do tính nghệ sĩ nên ông vẫn cứ túng thiếu, thậm chí còn bán cả radio để trả tiền thuê nhà. Có lẽ cũng vì vậy mà dù làm việc nhiều nhưng đến khi vĩnh biệt đời, ông không dành dụm được gì để lại cho vợ con,
Thi sĩ Thiên Hà - một người bạn thân, cũng là một trong những người chăm sóc Anh Việt Thu trong hơn 100 ngày nằm viện trước khi qua đời đã thuật lại rằng: “Sau này nếu khỏi bệnh, chắc tao không làm được gì ra tiền như trước đây. Tao chỉ mong có một mái nhà lá đơn sơ bên kia sông Tân Thuận, đường Trần Xuân Soạn hay Tân Quy Đông gì đó để tao được thảnh thơi. Con tao mỗi đứa trong bạn bè lo một thằng cho tao rảnh tay. Rồi tao đạp xe đạp đi làm cho hoạt động. chiều về có gì ăn nấy, với một khung trời xanh, một dòng sông nhỏ cho tâm hồn thảnh thơi với những thanh âm!”.
Trong những ngày ốm yếu như vậy, là một người khát sống, Anh Việt Thu vẫn còn mang chút hi vọng được kh0oir bệnh. Ông cũng biết rằng dù có khỏi thì cũng không trở lại được như xưa, không thể lo lắng cho vợ con nên chỉ mong có được chiếc xe đạp, chiều về có gì ăn nấy.
Dù là một nhạc sĩ với những tác phẩm lớn nhưng đến khi cuối đời ông chỉ dám mơ ước giản dị như vậy. Điều đó khiến bạn bè ai ai cũng xót lòng.
Và đương nhiên, phép màu không thể xảy ra. Theo lời kể của Thiên Hà, những ngày nằm việc của Anh Việt Thu là những cực hình đau đớn. Dù gia đình và bạn bè túc trực cạnh bên nhưng nỗi đau thể xác vì căn bệnh hoại thận thì chỉ có một mình nhạc sĩ gánh chịu, không ai có thể san sẻ được cùng.
Theo một số bài báo cũ, ban đầu, nhạc sĩ Anh Việt Thu nằm ở bệnh viện Đồn Đất (bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay), sau đó chuyển qua Tổng Y viện Cộng hòa (nay là Bệnh viện 175) để tìm kiếm chút hi vọng mong manh.
Tuy nhiên, lúc này, nhạc sĩ không còn đi được nữa, vào một buổi chiều Thiên Hà đẩy xe lăn cho nhạc sĩ được đi dạo quanh khuôn viên bệnh viện. Ông nói: "Mày thấy tao có sao không" Bác sĩ ở đây chê tao rồi". Thiên Hà cố gượng an ủi bạn: "Có đôi khi Tây y chào thua mà Đông y làm được, và ngược lại cũng nhiều lúc Đông y chạy mà Tây y cứu chữa như chơi".
Và khi Tây y "đầu hàng", Thiên Hà bàn với gia đình nhạc sĩ Anh Việt Thu chuyển ông sang Y viện Quảng Đông để tìm vận may với Đông Y. Nhưng chuyển qua không được bao lâu thì nhạc sĩ trút hơi thở cuối cùng vào 2h40 ngày 15/3/1975.
Thi hài của nhạc sĩ Anh Việt Thu được gia đình đưa về an táng tại quê hương An Hữu. Đi bên cạnh xe tang có người vợ trẻ cùng 2 đứa con thơ và một cậu em trai tật nguyền. Trong đoàn xe tang đấy còn có cha mẹ già khóc nghẹn tiễn con trai...
Với công chúng, nhạc sĩ Anh Việt Thu là một tên tuổi lớn. Còn với gia đình, ông là trụ cột (cả về tinh thần lẫn kinh tế). Sự ra đi của Anh Việt Thu là mất mát quá lớn với nền âm nhạc Việt Nam và với gia đình....
Xem thêm: Bì báo hiếm hoi về Anh Việt Thu - người khách lạ ngẩn ngơ trong làng nhạc Việt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận