Nhạc sĩ Văn Cao trong mắt người bạn đời: “Tôi gặp ông ấy trong âm nhạc, tôi biết ông ấy là trong âm nhạc”

Ở tuổi 94, bà Nghiêm Thúy Băng không còn thiết tha gì nữa. Nhưng khi nhắc đến nhạc, thơ của chồng thì bao nhiêu ký ức lại tràn về...

Diệu Nguyễn
16:11 23/10/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Lắng nghe những nhạc phẩm của Văn Cao, người nghe dễ dàng cảm nhận được khung trời lãng mạn, không vương bụi trần. Từ cõi “Thiên Thai” với “ánh trăng mơ tan thành suối trần gian” đến “Suối mơ” với “dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng”. Nên hầu hết mọi người yêu mến nhạc của vị nhạc sĩ này đều nghĩ ông là người có tâm hồn bay bổng, nên thơ.

Thế nhưng, vợ nhạc sĩ Văn Cao – bà Nghiêm Thúy Băng lại nói rằng: “Người sáng tác bao giờ cũng sống với trí tưởng tượng phong phú. Nhưng ông nhà tôi cũng rất thực tế, không như lời hát đâu”. Thậm chí, bà còn “bật mí” thêm, nhạc sĩ Văn Cao cũng như bao người chồng, người cha khác, ông không đứng ngoài chuyện cơm áo của gia đình: “Ông cũng kiếm tiền bằng cách vẽ tranh, làm trang trí sân khấu, làm nhạc phim, nhạc kịch, nhạc rối, nhạc chèo,… để nuôi gia đình”.

Cuộc sống vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao tuy vất vả song họ vẫn vượt qua được nhờ tình yêu chân thành dành cho nhau: “Dù hai đứa chúng ta/Chưa lúc nào sung sướng/Những ngày đau khổ ấy/Khuôn mặt em/Như mảnh trăng những đêm rừng cháy”.

nhac-si-van-cao-trong-mat-nguoi-ban-doi-ba-nghiem-thuy-bang
Nhạc sĩ Văn Cao chụp ảnh bên vợ con

Vợ nhạc sĩ Văn Cao kể về những năm tháng đất nước gian lao: “Gia đình tôi là gia đình tư sản. Tham gia cách mạng, chúng tôi mang kiềng vàng, xuyến vàng, dây chuyền vàng và cả lạng vàng để ủng hộ cho phong trào Tuần lễ Vàng. Nhà tôi để lại một ít vàng, đánh thành từng chiếc nhẫn tròn để khi cần dùng mang đi bán cho dễ. Đến khi tiêu hết vàng, chúng tôi bàn nhau nuôi gà để lấy trứng, trứng nở thành gà con, cứ vậy gà trở thành cơm gạo áo quần. Hồi ấy, Tây chiếm nhà, chúng tôi làm trại gà ở Việt Bắc. Những người theo cụ Hồ lên đây ai nấy đều hăng say lao động, trồng rau nuôi gà, chặt tre, đan thúng, đan mẹt,… chuyện gì cũng làm. Những người thợ may còn mang theo máy khâu lên để may quần áo cho bộ đội”.

Dù cuộc sống vật chất không đủ đầy, song cảm hứng âm nhạc trong Văn Cao luôn dồi dào. Ông không chỉ là chủ nhân của những ca khúc lãng mạn, man mác buồn mà còn là tác giả của những ca khúc hào hùng, rộn rã tình yêu quê hương xứ sở, hăng say lao động như: “Trường ca sông Lô”, “Bắc Sơn”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”,…

“Khi tôi sinh người con đầu lòng được một tháng thì bài “Trường ca sông Lô” của ông nhà tôi ra đời”, bà Thúy Băng nhớ lại.

Không kể ngày đêm, cứ có cảm hứng sáng tác là nhạc sĩ Văn Cao lại ngồi vào bàn. Nhưng chủ yếu ông làm việc về đêm: “Tôi có cái áo dài nhung, chồng tôi thường mang nó đệm vào cái đàn cho tiếng đỡ vang cho mọi người ngủ. Hồi đó, ông chỉ có đàn guitar, về sau mới sắm thêm đàn piano.”, bà Băng chia sẻ.

nhac-si-van-cao-trong-mat-nguoi-ban-doi-ba-nghiem-thuy-bang (1)
Bà Nghiêm Thúy Băng và bức tranh Văn Cao vẽ chân dung vợ

Những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao viết dù ra đời trong hoàn cảnh nào thì lời ca vẫn luôn đẹp đẽ và trau chuốt:

“Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u

Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu

Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang

Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước Sông Lô xưa”

(Trích Trường ca Sông Lô).

Văn Cao là một nhạc sĩ say mê sách vở. Theo vợ cố nhạc sĩ chia sẻ: “Ông ham đọc sách lắm. Ngày xưa ở Việt Bắc ông vẫn có tủ sách tiếng Pháp mang từ Hà Nội lên. Chồng tôi giỏi tiếng Pháp”.

Bà Thúy Băng còn chia sẻ thêm, cố nhạc sĩ Văn Cao là người chưa từng bi quan, chán nản hay than thở về cuộc đời sáng tạo nghệ thuật. Ông say mê thi ca, hội họa, âm nhạc: “Lúc nào không làm nhạc ông lại vẽ tranh, không thích vẽ tranh thì làm thơ”.

Khi được hỏi: “Nếu không viết nhạc, chỉ chuyên tâm vẽ tranh, có lẽ nhạc sĩ Văn Cao cũng thành họa sĩ nổi tiếng?”. Với bà Nghiêm Thúy Băng không có chuyện “nếu như”, bà bình thản đáp: “Tôi gặp ông ấy trong âm nhạc, tôi biết ông ấy là trong âm nhạc”.

Xem thêm: Chuyện tình nhạc sĩ Văn Cao: Trọn đời trọn kiếp chỉ một người!

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận