Nhạc sĩ Phạm Duy: Văn Cao trong tôi!
Đánh giá về âm nhạc của Văn Cao, có lẽ ít ai có thẩm quyền như nhạc sĩ Phạm Duy, người đã dành sự trọng thị ở mức cao nhất mỗi khi có dịp nhắc đến người bạn cũ của mình. Đó là “người viết tình ca số một”, “người đẻ ra thể loại hùng ca và trường ca Việt Nam”.
Vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao do Ánh Tuyết tổ chức, Phạm Duy đã có bài viết về người bạn tri kỷ, không chỉ vậy ông còn có mặt và dành những lời phát biểu tận tâm can về “chàng Văn” trong đêm nhạc ấy.
Sau này, trong dịp sinh nhật mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã tổ chức các chuỗi đêm nhạc “Văn Cao trong tôi” do chính ông làm MC để tưởng nhớ, tri ân, cũng như thắp một nén hương trước hương hồn nhạc sĩ Văn Cao – người “sang trọng như một ông hoàng” trong những tác ẩm âm nhạc “của thần tiên bay bổng” mà ông để lại.
Dưới đây là một phần nội dung trong 3 đêm nhạc “Văn Cao trong tôi” của nhạc sĩ Phạm Duy:
1. Sự đa dạng của Văn Cao
Trong 3 đêm “Văn Cao trong tôi” tại phòng trà Tình Ca, tôi nói ra được vài điều mà tôi nghĩ là sẽ bổ ích cho những người yêu nhạc và nhất là yêu nhạc Văn Cao.
Trước hết, tôi xin nói tới sự đa dạng trong nhạc tình của Văn Cao trong thời kỳ “bình minh” của tân nhạc. Lúc đó, những chàng thanh niên mới tập tễnh soạn ca khúc Việt Nam như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Hoàng Quý, Văn Cao,… thường dùng âm giai “mineure” hơi giống như âm giai của điệu Sa Mạc (re fa sol la do re). Những bài như “Buồn tàn thu”, “Cô Láng Giềng”, “Con Thuyền Không Bến”,… đều có chung một hơi hướng Việt Nam và mang phong cách buồn bã như nhau.
Duy chỉ có Văn Cao là muốn thay đổi phong cách, nên sau “Buồn tàn thu” ông đã buông cái “re mineure” thay vào đó là những âm giai “majeure” để diễn tả cái buồn. Dù Văn Cao có tuyên bố trong một cuốn video, đây là ca khúc của kẻ thất tình thì nhạc chủ thể Tây Phương (musique tonale) với những áp-âm (notes sensibles) trong “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa” đã làm cho nét nhạc mang nhiều cảm tính, với thể valse đầy lưu luyến.
Sau đó, trong hai bản nhạc tình về mùa thu và mùa xuân là “Suối mơ” và “Bến xuân”, bao giờ nhét nhạc mineure mở đầu cũng lâng lâng, rồi chuyển qua một nét nhạc majeure ngắn để diễn tả một niềm vui thoáng qua. Hình ảnh người tình trong cả hai bài hát này của Văn Cao đều lộng lẫy và cao sang. Tình cảm của hai bài nhạc không đưa con người ta chìm vào cõi u tối, ngược lại còn làm cho người ta thấy một chút hạnh phúc, mơ màng. Con suối trong rừng thu buồn muôn thuở là vì còn lưu luyến hương vị tình yêu. Đứng trên bến xuân để nhìn những cánh buồm xa xa và nghe tiếng chim ca như còn lưu luyến cuộc tình vừa qua…
Rồi khi vươn tới những tác phẩm lớn hơn như “Thiên Thai” và “Trương Chi” thì “ngữ nhạc” của Văn Cao đã đưa ta vào đỉnh cao nhất của cuộc tình tiên cảnh, vào cõi sâu thẳm nhất của tình buồn với hai câu chuyện cổ dân gian hóa thành hai bản tình ca muôn thuở.
Trong những đêm hát này, tôi còn được hân hạnh mời mọi người nghe hai bài hướng đạo ca của Văn Cao do các em thiếu nhi trong ban Văn nghệ quận Phú Nhuận hát.
“Anh Em Khá Cầm Tay -Văn Cao” được Phạm Duy sưu tập và chỉnh đốn
Anh em khá cầm tay
Mau đến cùng nhau hát nhé
Nơi đây chúng mình ca
Trong gió chiều thật êm êm
Bao nhiêu gió về đây
Chim chóc về đây hót nhé
A vui sướng làm sao
Ta ngó trời thật xanh êm
Mà ca hát cười nô
Không biết chi là u buồn
Ðời trần gian chắc là thắm tươi
Trời xanh ngắt tầng cao
Đang ngước nhìn chúng ta cười
Này này sao các người vui thế?
Này này sao các người vui thế?
Này này sao các người vui thế?
Này này sao… các… người… vui… thế?
“Gió Núi - Văn Cao” được Phạm Duy sưu tập và chỉnh đốn
Gió núi qua mái lều vi vu
Vừng trăng xế lu
Phía cách xa núi mờ ánh trăng
Lời ca hát rằng:
Cùng ngồi lại đây
Ta chờ hơi gió
Là tiếng hát phất phơ từ đâu?
Từ đồi cao tới nơi rừng sâu
Rừng cây với núi vấn vương máu hồng
Ngàn đời về xưa
Ngàn đời về xưa
Muôn quân thương tiếc
Muôn quân thương tiếc
Bao nhiêu thây chết nơi đây
Ngàn đời về sau
Ngàn đời về sau
Ầm vang gió núi
Ầm vang gió núi
Nấu nung máu hờn!
2. Ca từ trong những bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao
Về phần ca từ, ở thuở “bình minh” của tân nhạc, đa số các nhạc sĩ viết lời ca bằng thơ 5 chữ. Có thể họ bị ảnh hưởng bởi thi sĩ Lưu Trọng Lư trong bài “Tiếng thu”.
“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?”
Cũng có thể là bị ảnh hưởng của bài thơ này trong sách giáo khoa lớp 1:
“Cứ mỗi độ thu sang
Hoa cúc lại nở vàng
Ngoài vườn hương thơm ngát
Ong bướm bay rộn rang
Em cắp sách tới trường
Nắng tươi rải trên đường
Trời xanh thay áo mới
Đẹp sao lúc thu sang”.
Nhạc sĩ Văn Cao đã từng dùng thơ 5 chữ trong một bài hát hướng đạo, đó là bài “Anh Em khá cầm tay”, sau đó trong kháng chiến thì có bài “Ngày mùa”:
“Ngày mùa vui thôn trang
Lúa không lo giặc về
Khi mùa vàng thôn quê
Ngày mùa vui thôn xóm,
Đầy đồng giáo với gươm
Súng tì tay anh đứng,
Em ngừng liềm trông sang”.
Thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của tân nhạc chúng tôi, nghĩa là Lê Thương, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy,… cũng như các thi nhân tiền chiến, vào lúc thoát ra khỏi ách thực dân Pháp nhờ cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, trong sáng tác chúng tôi đều muốn kêu gọi, lắng nghe tiếng quê hương đất nước, mùa màng cây cỏ, tiếng mẹ, gọi em, gọi đồng bào ruột thịt, nghe Trời nghe Phật,…
Lúc tiến qua những bản tình khúc dài hơn “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa” như “Suối mơ”, “Bến xuân” thì ca từ trong âm nhạc của Văn Cao lại khác đi, theo hướng thơ 7 chữ, nhưng phần nhiều là thơ tự do đi theo những câu nhạc. Trong hai bài này, nhạc tính Văn Cao có tính mô tả nhiều hơn. Cho đến thời điểm này, chưa một nhạc sĩ nào có thể mô tả cái đẹp của con suối trong rừng thu hay mô tả người đẹp trong cảnh bến sông vào lúc xuân sang như Văn Cao.
3. Ba tuyệt phẩm của Văn Cao
Tôi muốn dành phần cuối của chương trình này để nói về 3 tuyệt phẩm của nhạc sĩ Văn Cao đó chính là “Thiên Thai”, “Trương Chi” và “Trường ca sông Lô”. Điều tôi muốn nói là về nhạc tính (caractere musicale) của ba tác phẩm này.
Ca khúc “Thiên Thai” của Văn Cao có tới 94 khuông nhạc (measures) chan chứa những giai điệu thần tiên với những lời ca thần diệu. Tuy viết ra một bản nhạc vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh – nghĩa là đã vượt qua hình thức đoản khúc, nhưng nhạc sĩ Văn Cao lại không tả thực trong bài “Thiên Thai” này! Bản nhạc này là một trường ca ấn tượng, tạo cảm xúc cho người nghe nhiều hơn là mô tả một câu chuyện. Tất cả những hình ảnh chính của câu truyện cổ như hai chàng Lưu Nguyễn, bầy thiên tiên hoặc những cảnh vật như suối hoa đào, chiếc thuyền lan, nước ngọc tuyền, đều được Văn Cao mô tả một cách rất mơ hồ… giống như trong một giấc mộng vậy. Lắng nghe “Thiên Thai” ta biết là có con thuyền chở Lưu Nguyễn tới cõi thiên thai, ta biết là có bầy thiên tiên múa hát dâng trái đào thơm… nhưng ta không thấy được họ.
Với hai tình khúc trước là “Bến xuân” và “Suối Mơ”, Văn Cao có thể mời đón người nghe bước vào căn nhà bên chiếc cầu soi nước để ngồi nhìn đàn nai đùa trên đống lá vàng tươi hay đứng trước bến sông để nhớ tiếc những ngày tha hương… nhưng trong “Thiên thai” – cõi mơ của Văn Cao, chúng ta không thể nào bước vào cái vườn cấm này được. Bởi đây là cõi riêng của “người sông Ngự”, cõi riêng của nhạc sĩ Văn Cao.
Nhạc phẩm “Trương Chi” cũng không hiện thực trong tính cách, không mô tả, chỉ gây ấn tượng cho người nghe về tiếng hát hay của anh lái đò, về hạnh phúc của Mỵ Nương mỗi lần nghe tiếng hát. Nhạc sĩ Văn Cao dùng “Trương Chi” để tỏ thái độ của chàng Trương sau khi thất tình, trước khi chết cũng như sau khi chết.
Tâm hồn tôi đẹp vì tôi hát hay, nhưng tôi nghèo và hình hài tôi xấu cho nên người ta không yêu tôi à? Dẫu có như thế tôi vẫn có thể đưa ra một tuyên ngôn rằng: Người đời có thể khinh ta, quên ta, nhưng ta vẫn còn mãi với đất trời này. Đó là ý nghĩa của bài “Trương Chi”.
Nhưng tới khi soạn bản trường ca “Sông Lô” thì Văn Cao đã không còn dùng phong cách gây ấn tượng trong tác phẩm nữa. Hiện thực cuộc sống và sự anh dũng của toàn dân tộc đã đưa anh ra khỏi chất mơ mộng trong việc mô tả con người, sự vật, sự việc trong một giai đoạn kháng chiến oai hùng.
Trường ca “Sông Lô” mở đầu với đoạn 1 là mô tả dòng sông Lô, con sông ngàn Việt Bắc với bãi ngô lau nơi núi rừng âm u, nơi có những ngôi nhà mờ biếc chìm trong màu khói thu. Đó cũng là nơi lửa kháng chiến đã làm cháy bờ lau thưa, cháy cả thôn làng. Sang đoạn 2, Văn Cao lại chuyển cung, chuyển nhịp để kể cho về đoàn người reo mừng trên sóng nước, trở về và thấy trên sông bao nhiêu là xác quân thù. Đó là người dân hân hoan trở về con sông hiền hòa, bát ngát, thân yêu. Qua đoạn 3, một lần nữa nhạc sĩ lại chuyển cung, chuyển điệu: “Đây dòng Lô, đây dòng Lô… “ với đoàn chiến sĩ sông Lô, thân rừng áo sương, vút cao lòng căm hờn khiến cho thây giặc nát tan.
Đoạn 4 của trường ca “Sông Lô” là đoạn “mineure” chậm rãi, là lời thề trong đêm gió rét chờ đợi ánh chiêu dương. Đoạn 5 của bản trường ca là đoạn “majeure” nhanh nhẹn nói lên niềm vui hân hoan hát ca của dân buông lưới, của bóng người sầm uất bến Then… Đoạn cuối chính là lời xưng tụng dòng sông Lô, dòng sông Lô vẫn trôi, mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ươm bóng tre…
Nếu như “Thiên Thai” chỉ nằm trong một giọng Re (mineure và majeure) và “Trương Chi” chỉ chuyển nhịp, chuyển điệu trong hai giọng Re và Sol thì Trường Ca “Sông Lô” của Văn Cao đã có tới SÁU LẦN chuyển âm (modulations) cũng như chuyển tiết tấu (changing rythmes).
Trường Ca “Sông Lô” là bản hát dài, bản trường ca đầu tiên của chúng ta, là một tuyệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giàu cho âm nhạc Việt Nam.
Tôi muốn được công khai tỏ lòng biết ơn thiên tài Văn Cao trong buổi nói chuyện này.
Phòng Trà TÌNH CA, TP HCM, ngày 5 tháng 10, 2007
Phạm Duy
Xem thêm: Nhạc sĩ Văn Cao – Bậc tài danh sống mãi trong hồn dân tộc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận