Bàn về "giọng ca vượt thời gian" của Thái Thanh: Khó ai có thể sánh kịp!
Danh ca Lệ Thu từng cảm thán, khó ai có thể trở thành một "giọng ca vượt thời gian" như Thái Thanh. Chất giọng, kỹ thuật xử lý bài hát của bà đến nay vẫn gây khó khăn cho rất nhiều sinh viên ở những học viên đào tạo thanh nhạc.
Xuất thân trong gia đình thiên phú về nghệ thuật
Danh ca Thái Thanh sinh năm 1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội, trong gia đình thiên phú về nghệ thuật. Tất cả các anh chị của bà đều là ca sĩ. Cha của bà là ông Phạm Đình Phụng, có 2 người vợ, vợ đầu sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm; vợ sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái (danh ca Thái Hằng), nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Phạm Thị Băng Thanh (tức Thái Thanh). Anh rể của Thái Thanh là nhạc sĩ Phạm Duy (chồng Thái Hằng). Nếu tìm hiểu sâu xa hơn về dòng họ Phạm thì sẽ thấy thêm hàng loạt cái tên đình đám như: Nhà văn Trúc Khê, nhà thơ Thế Lữ, nhạc sĩ Phạm Ngọc Cẩn, nhạc sĩ Phạm Văn Chung, họa sĩ Phạm Văn Đôn... Chính cha mẹ của Thái Thanh cũng là những người chơi đàn cổ, ả đào nổi tiếng ở Hà thành xưa.
Không chỉ sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, sở hữu tài năng thiên bẩm về ca hát, danh ca Thái Thanh còn được đào tạo bài bản về âm nhạc. Các anh chị trong gia đình cũng không tiếc công sức để bồi dưỡng.
Danh ca Thái Thanh từng chia sẻ, hai người có ảnh hưởng lớn nhất đến âm nhạc của bà chính là mẹ và anh trai Phạm Đình Chương. Từ nhỏ, Thái Thanh đã mê mẩn nghe mẹ hát ả đào. Bà yêu âm sắc truyền thống của Bắc Bộ xưa kia chính nhờ mẹ. Còn cha của bà thì lại có thú chơi đàn cổ. Anh trai Phạm Đình Chương đã dạy cho Thái Thanh cách hát nhạc Tây. Ông hướng dẫn, bồi dưỡng để giọng ca của bà ngày càng hay hơn.
Ngay từ năm 13 tuổi, Thái Thanh đã được theo chị gái là danh ca Thái Hằng đi biểu diễn ở các phòng trà. Cùng thời điểm, gia đình bà cũng mở quán phở tên Thăng Long - đây là địa điểm dừng chân của nhiều văn nghệ sĩ sáng tác, ca hát cho kháng chiến thời bấy giờ. Tại quán phở, Thái Thanh có cơ hội được gặp gỡ những người tài năng và được bồi dưỡng âm nhạc. Đặc biệt, Thái Thanh được "anh rể tương lai" (Phạm Duy) hỗ trợ sáng tác những ca khúc phù hợp với chất giọng. Sau này, Thái Thanh trở thành ca sĩ hát nhiều ca khúc nổi tiếng của Phạm Duy nhất.
Không chỉ được bồi dưỡng từ gia đình và những người quen xung quanh, Thái Thanh còn có tính tự đọc, tự học cao. Bà thường đặt mua các sách dạy thanh nhạc của Pháp về để tự ngâm cứu.
Yếu tố quan trọng nhất giúp Thái Thanh thành công chính là giọng ca đặc biệt, vừa mang tính chất của opera, vừa pha trộn âm hưởng của chầu văn, quan họ Bắc Ninh. Bài hát được nhiều thể loại khác nhau, giọng ca của bà có độ trầm, có độ cao, giúp bà dễ dàng được khán giả nhớ đến.
Một giọng ca vượt thời gian
Trong những năm 50 của thế kỷ trước, Thái Thanh nổi đình nổi đám và được coi là diva hàng đầu. Tên tuổi của bà gắn liền với ban nhạc Thăng Long - ban nhạc của những thành viên đầy tài năng với 3 cái tên chủ chốt là Thái Thanh, Hoài Bắc (nhạc sĩ Phạm Đình Chương) và Hoài Trung (Phạm Đình Viêm). Thỉnh thoảng ban Thăng Long còn có sự góp mặt của giọng ca Thái Hằng, ca sĩ Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương) và nhạc sĩ Phạm Duy. Mỗi lần ban Thăng Long trình diễn, người dân Sài Gòn náo nức đi xem. Họ mê mẩn cái lối trình diễn, bài vở, âm nhạc của các nghệ sĩ trẻ. Đa phần người xem là tri thức Tây học, người yêu nhạc tân thời.
Tên tuổi của Thái Thanh gắn liền với sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy. Bà đi hát với các chủ đề về quê hương, tình yêu đôi lứa. Giọng ca của bà rất hợp với các thể loại mà anh rể Phạm Duy sáng tác: Từ các bài nhạc kháng chiến, nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc xã hội cho tới bản trường ca... Bên cạnh đó, bà còn nổi tiếng với các ca khúc tiền chiến xưa hay nhạc tình đương thời của các nhạc sĩ trẻ.
Giọng ca oanh vàng của Thái Thanh được đánh giá rất cao. Nhạc sĩ Phạm Duy không tiếc lời khen dành cho Thái Thanh: "Giọng hát Thái Thanh, một giọng hát diễm tuyệt: tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước”.
Danh ca Khánh Ly cũng từng đánh giá về giọng ca Thái Thanh: "Tôi hiểu thế nào là diva nhưng tại sao tôi lại nghĩ đến làm gì cái điều sẽ chẳng bao giờ liên quan đến tôi. Kể ra, trên thế giới, diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là diva, đó là cô Thái Thanh”. Và, Khánh Ly gọi bà là “ngọn hải đăng” của đời mình.
Còn danh ca Lệ Thu - "giọng ca vàng mười" của nền tân nhạc quả quyết: “Chúng tôi không là giọng ca vượt thời gian được, nếu nói vượt thời gian chỉ duy nhất dành cho danh ca Thái Thanh mà thôi”.
Có không ít ý kiến cho rằng, Thái Thanh hát không theo bất cứ quy chuẩn thanh nhạc nào vì bà đã vượt qua cả những khuôn mẫu thông thường. Tiếng hát Thái Thanh là sự kết hợp của Đông Tây kim cổ, của những tinh tế, dân dã phương Đông, với những lộng lẫy, hào sảng phương Tây.
"Chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ"
Lúc sinh thời, danh ca Thái Thanh từng chia sẻ: "Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, miền Trung, miền Nam, miền Bắc”.
Dễ dàng nhận thấy, trong giọng ca Thái Thanh có những âm sắc rất Việt, được chắt lọc từ quan họ, chèo, ca trù và cả một số loại âm nhạc dân gian khác. Thái Thanh có cái e hiếm có của chèo, đôi khi có những đổ hột của ca trù và đặc biệt cũng thấp thoáng kỹ thuật "vàng, rền, nền, nảy" đặc trưng của quan họ.
Nếu để ý thì dễ dàng nhận thấy, hầu hết các ca khúc do Thái Thanh hát đều thổn thức, nồng nàn hơn nguyên bản bởi sự cường điệu hóa trong cách biểu hiện tác phẩm. Thông thường, nếu "đi quá giới hạn" sẽ gặp ngay phản tác dụng và làm mất tinh thần tác phẩm nhưng với Thái Thanh, khi bà đã "làm quá" chính tác giả cũng giật mình, rơi lệ tâm đắc và phát hiện ra những chiều kích ẩn sâu trong tác phẩm của mình.
Nhà phê bình Thụy Khê từng nói: Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Đạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả 4 vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ.
“Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ. Thái Thanh ngoài giọng hát điêu luyện phong phú mở rộng trên nhiều cung bậc, còn có nghệ thuật làm nổi bật lời ca trong nhạc khúc và tạo ra một khí hậu, một tâm cảnh chung quanh bài hát. Nghe Thái Thanh hát là thưởng thức một khúc nhạc, một bài thơ, trong một thế giới nghệ thuật trọn vẹn. Giọng hát xoắn sâu, xoáy mạnh vào tâm tư người nghe, khi lâng lâng, khi tê buốt, sai khiến tâm tư vươn lên, hay lắng xuống”, nhà phê bình Thụy Khuê cho biết.
Cũng theo nhà phê bình Thụy Khê, Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu trời xanh tiếng hát, hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang.
Danh ca Thái Thanh ra đi nhưng tiếng hát của bà như đóa hoa còn ở lại. Một tiếng hát của hạnh phúc và của cả những giận hờn khôn nguôi. Một tiếng hát vừa có những nhung nhớ của mảnh tình xa xôi vừa có những chân phương, gần gũi như tình hiện tại. Một tiếng hát của quá khứ và của cả những mộng đẹp ngày mai. Một tiếng hát “lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta”, sống mãi và còn mãi.
Xem thêm: Vì sao Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy thành công đến thế?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận