Vì sao Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy thành công đến thế?
Danh ca Thái Thanh được xem là một trong những diva hàng đầu của tân nhạc Việt Nam. Bà cũng là người thể hiện thành công nhất các nhạc phẩm bất hủ của Phạm Duy.
Năm xưa, danh ca Thái Thanh được nhiều người gọi là "nàng Kiều" của phố Neo. Bà là con gái của ông bà Phạm Đình Phụng, em gái của ca sĩ Thái Hằng và là em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy (vợ ông là ca sĩ Thái Hằng).
Danh ca Thái Thanh là con út trong nhà, tên thật là Phạm băng Thanh. Việc chị em bà Thái Thanh đều trở thành nghệ sĩ tên tuổi không phải điều lạ vì song thân của họ là những người sành nhạc cổ: thân phụ là một nghệ sĩ chơi đàn có tiếng, trong khi thân mẫu thì đánh đàn tranh, đàn tỳ bà, hát ả đào nổi tiếng đất Bắc. Bởi vậy mà dòng máu văn nghệ cứ thế âm thầm chảy trong huyết của anh em Thái Thanh.
Thêm nữa, khi gia đình ông bà Phạm Đình Phùng tản cư về chợ Neo (Thanh Hóa) đã mở tiệm phở Thăng Long và chỗ này nhanh chóng trở thành nơi tụ họp của các văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến thời đó. Tiệm phở còn nổi tiếng hơn vì có bóng dáng của hai "nàng Kiều" Thái Hằng - Thái Thanh. Và cũng từ đây, hai "nàng Kiều" có cơ hội gặp gỡ các ca - nhạc sĩ nổi tiếng.
Trong số những người thường xuyên ghé quán Thăng Long không thể không nhắc đến Phạm Duy. Ông là nhạc sĩ đa tình và đa tài. Phạm Duy sáng tác rất khỏe, có không ít những ca khúc của ông đã trở thành nhạc phẩm bất hủ. Và nhờ mối duyên lành với bà Thái Hằng mà nhạc sĩ Phạm Duy và danh ca Thái Thanh trở nên thân thiết hơn. Sau này, bà Thái Thanh chính là một trong 2 người hát nhiều ca khúc của Phạm Duy nhất (người thứ hai là ca sĩ Duy Quang - con trai nhạc sĩ Phạm Duy).
Có không ít ý kiến thắc mắc, vì sao Thái Thanh lại hát nhiều ca khúc của anh rể đến vậy? Có phải vì mối quan hệ gia đình mà Phạm Duy ưu ái đưa các bài hát cho Thái Thanh thể hiện không? Câu trả lời KHÔNG! Danh ca Thái Thanh là một người rất tài năng, sở hữu chất giọng ngọt ngào, truyền cảm. Bà từng được nhiều thế hệ khán giả gọi đùa là "Tổ sư" (hoặc Sư bà) của trường phái âm nhạc cho riêng mình - trường phái Thái Thanh.
Danh ca Thái Thanh chính là người tiên phong và thành công xuất sắc trong việc kết hợp giữa lối hát Bel Canto (tạm gọi là lối hát mở, hát đẹp hay lối hát của Opera phương Tây) với lối hát truyền thống của dân tộc Việt Nam (tạm gọi là lối hát đóng, khép tiếng). Bằng lối hát này, bà thổi hồn vào tân nhạc Việt Nam một nét chấm phá độc đáo không giống bất kỳ thứ nhạc nào trước đó và sau này. Nói cách khác, danh ca Thái Thanh là người đầu tiên thành công trong việc dùng lối hát dân ca thể hiện tân nhạc, pha trộn với kỹ thuật hát Tây Phương, tạo nên một trường phái âm nhạc đậm nét văn hóa, nghệ thuật thuần Việt của thời đại mới.
Còn nhạc sĩ Phạm Duy, ông chính là người đã mở ra con đường đưa dân ca vào ngôn ngữ âm nhạc mới. Ông là người đầu tiên truyền tải dân ca Việt Nam vào nhạc mới một cách nhuần nhuyễn, đằm thắm... Phạm Duy đã phát triển dân ca trong âm nhạc của mình, đưa đến một màu sắc khác, cập nhật hóa, làm nó thoát khỏi thân phận cũ của nó. Giúp nó hiện đại hơn, gần gũi với giới trẻ thành phố hơn. Thậm chí, ông còn thêm cả giai điệu và lời cho dân ca.
Chỉ thông qua vài thông tin ít ỏi trên có thể thấy, âm nhạc của Phạm Duy và giọng ca của Thái Thanh có điểm giao nhau ở việc cả hai cùng đưa tinh túy của âm nhạc dân tộc xưa vào sự nghiệp của mình. Chính sự đồng điệu này đã khiến Thái Thanh trở thành người hiểu âm nhạc của Phạm Duy và nâng tầm âm nhạc Phạm Duy cũng như đưa âm nhạc của Phạm Duy đến gần công chúng hơn.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng khẳng định, ca sĩ thể hiện hay nhất các nhạc phẩm của ông chính là Thái Thanh. "Đệ nhất danh ca" của nền tân nhạc Việt Nam có 70 năm theo nghề và ghi dấu ấn với một loạt ca khúc bất hủ của Phạm Duy như:
Ca khúc "Dòng sông xanh"
"Dòng sông xanh" được Phạm Duy đặt lời Việt từ bản waltz Dòng Danube xanh của Johann Strauss II. Phạm Duy viết ca khúc này cho Thái Thanh, khi đó mới 14 tuổi, hát để "ghi điểm" với chị gái - Thái Hằng. Bài hát cũng gắn liền với tên tuổi của Thái Thanh trong lòng nhiều thế hệ yêu nhạc.
Ca khúc "Tình hoài hương"
"Tình hoài hương" được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1952 - đây là tác phẩm khởi xướng cho loạt tình ca quê hương. Thái Thanh cũng là ca sĩ được "chọn mặt gửi vàng" để thể hiện ca khúc này.
Với chất giọng truyền cảm cùng kỹ thuật pha lẫn âm hưởng dân ca của bà đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Trong đêm nhạc ở Mỹ năm 1999, Phạm Duy nói trong những người hát nhạc của ông, ông ưng ý nhất là Thái Thanh.
Ca khúc "Tình ca"
Ca khúc "Tình ca" là sự kết hợp dân ca Bắc Bộ và âm hưởng opera. Người đầu tiên hát là Anh Ngọc nhưng người thể hiện thành công nhất có lẽ là Thái Thanh.
Ca khúc "Nụ tầm xuân"
"Nụ tầm xuân" được Phạm Duy sáng tác năm 1952. Đây cũng là ca khúc mang âm hưởng dân gian và được thể hiện rất thành công qua giọng ca Thái Thanh.
Ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị"
"Ngày xưa Hoàng Thị" được Phạm Duy phổ nhạc năm 1971 từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Thanh Thúy là người đầu tiên hát ca khúc này. Nhưng "Ngày xưa Hoàng Thị" lại "viral" qua giọng ca của Thái Thanh.
Ngoài những ca khúc trên, danh ca Thái Thanh còn khiến nhiều nhạc phẩm khác của Phạm Duy trở nên nổi tiếng và sống cùng năm tháng như: Biệt ly, Hội trùng dương, Áo anh sứt chỉ đường ta, Nghìn trùng xa cách, Đường xưa lối cũ, Kiếp nào có nhau, Đưa em tìm động hoa vàng...
Xem thêm: Nhạc sĩ Ngọc Chánh - nhạc sĩ Phạm Duy: Từ sự kết hợp ăn ý đến tuyệt phẩm "Bao giờ biết tương tư"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận