Cảm nhận về những bức tranh màu sắc trong âm nhạc Phạm Duy thập niên 1948 - 1958

Âm nhạc của Phạm Duy đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả phần nhạc lẫn phần lời đều khiến công chúng mê đắm.

Đỗ Thu Nga
17:00 10/09/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Nhìn vào gia tài âm nhạc của Phạm Duy, ai chẳng giật mình. Tổng cộng vượt quá con số ngàn. Những đứa con tinh thần của ông được nuôi lớn qua từng biến cố lịch sử và giai đoạn sống. Chúng được thai nghén từ những trải nghiệm đầy yêu thương, nhiệt tâm cũng như hùng tâm trên bước đường du ca của người nghệ sĩ. Những lời ca, những bản nhạc của Phạm Duy tựa như tấm tranh collage (cắt, dán) đa diện, đa thể, ngập tràn sắc màu: Đó là bé ca, bình ca, rong ca, tâm ca, ngục ca, đạo ca, nữ ca, hương ca... Âm nhạc của Phạm Duy tự như một khu vườn với muôn vàn loài cây, muôn vàn sắc hoa.

Âm nhạc của Phạm Duy có liên quan một chút đến hội họa cũng dễ hiểu thôi. Lúc sinh thời, ông mê hội họa và từng theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông từng là bạn đồng môn của Võ lăng, Bùi Xuân Phái. 

Hãy cùng xem lại vài bức tranh sắc màu trong các sáng tác của Phạm Duy giai đoạn 1948 - 1958. Đó là thời gian ông sáng tác "khỏe" nhất, cùng bầu nhiệt huyết thanh niên đầy ắp trong độ tuổi 27 đến 37. Những bản hùng ca, chiến ca, dân ca, tình ca quê hương lần lượt ra đời và được công chúng đón nhận.

Bức tranh đồng quê

Trước biến cố chia cắt đất nước năm 1954, nhạc sĩ Phạm Duy vào Nam (năm 1951). Khán giả phía Nam trước 1954 đã biết đến ông với vai trò một chàng du ca, theo gánh hát rong ruổi khắp muôn nơi. Nhờ những cuộc lưu diễn như thế mà ông có nhiều trải nghiệm để chắp bút viết nên những khúc tình ca.

Bản "Tình ca" (1953) đã làm nên tên tuổi của Phạm Duy. Có người gọi ca khúc này là 'Tiếng nước tôi". Bởi chỉ cần một tiếng nói Việt Nam cất lên, bất cứ ở đâu, tình yêu quê hương bừng bừng trỗi dậy. Quê hương là sông, là suối, là biển, là hồ, là tường vôi, là mái ngói, là mưa ngâu, là cánh diều, là triền đề mát... 

Đến "Tình hoài thương" là bức tranh nhuốm màu thương nhớ. Đó là nỗi nhớ nước, nhớ vòm tre non, nhớ làn khói ấm, nhớ cả sông Hương. Và tiếp đó là bức tranh uốn theo tấm bản đồ hình chữ S từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau bằng ca khúc "Trường ca con đường cái quan". 

nhung-buc-tranh-mau-sac-trong-am-nhac-pham-duy-thap-nien-1948--1958-0 (1)
"Tình hoài thương" hiện lên bức tranh làng quê thanh bình, thấm đậm nỗi nhớ của tác giả

Trong tâm thức Phạm Duy, ngoài tình yêu quê hương còn là tình yêu với phụ nữ, yêu nhất là mẹ. Ông sáng tác một loạt nhạc phẩm để tri ân người phụ nữ Việt Nam như: Bà mẹ Gio Linh, Bà mẹ quê, Mẹ trùng dương, Trường ca mẹ Việt Nam...

Nếu hội họa tây phương có bức tranh bộ ba (triptych) thì Phạm Duy cũng có ca khúc bộ ba về con người làng quê Việt Nam, đó là "Bà mẹ quê - Vợ chồng quê - Em bé quê". Thời kỳ đó, "Em bé quê" là ca khúc cực kỳ được ưa chuộng bởi Phạm Duy đã khép léo thi vị hóa cái thú chăn trâu của bọn trẻ thơ: "Ai bảo chăn trâu là khổ/Chăn trâu sướng lắm chứ/Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau/Và miệng hát nghêu ngao..".

Bước tranh về đô thị, con người, thân phận

Nhạc sĩ Phạm Duy có thời gian khá dài sống ở Sài Gòn phồng hoa đô thị (1951 - 1975). Trong thời gian này, ông cũng miệt mài sáng tác những giai khúc của phố phường, xóm khuya, phòng trà, kiếp nghèo... Những ca khúc như "Tình kỹ nữ", "Tiếng bước trên đường khuya", "Phố buồn" được người dân Sài Gòn đón nhận nhiệt thành. 

Nhạc sĩ Phạm Duy là người yêu cái đẹp, cái thơ và cũng là người dễ rung động trước những điều thi vị của cuộc đời. Lúc sinh thời, ông không chỉ miệt mài sáng tác mà còn chăm chỉ phổ nhạc cho thơ. Nhạc có thơ, nhạc như chứa chan vần điệu, ca từ thêm mượt mà, gợi hình, gợi cảnh. Thơ được phổ nhạc, thơ như giàu có, đầy âm điệu, tiết tấu khiến cho nhiều người nghe, nhiều người biết đến.

Phạm Duy phổ nhạc cho thơ của Cung Trầm Tưởng khá nhiều. Năm 1958, ông phổ hai bài thơ của Cung Trầm Tưởng và đều đổi nhan đề. Bài "Chưa bao giờ buồn thế" thành "Tiễn em", "Tương phản" thành "Bên ni bên nớ".

"Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố

Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá

Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa

Người xa vắng người, người xa vắng người..." (Bên ni, bên nớ, 1958)

Lời bài hát đã mở ra bức tranh về hai cảnh đời tương phản của xã hội. Một nghèo, một giàu, một bên thành thị xa hoa, một phía ngoại ô nghèo đói. Tiếng guốc gõ đêm vang vọng nơi này hoang liêu nghĩa địa, dội về nơi kia ồn ã thành đô hoa lệ. Tiếng bi ai ấp úng bên ni, hòa vào tiếng cốc pha lê vỡ và những trận cười giai nhân lõa thể thâu đêm bên tê...

nhung-buc-tranh-mau-sac-trong-am-nhac-pham-duy-thap-nien-1948-1958-i

Trong âm nhạc của mình, Phạm Duy còn khai thác về phận đời của con người. Đó là hình ảnh tương phản: Hạnh phúc gắn với khổ đau; sinh thành đi đôi với tử vong. Thân phận con người mong manh như chiếc lá, nối tiếp từ màu xanh đến màu vàng và cái chết đôi khi chỉ trong một sát na:

"Chiều rơi trên đường vắng, có ta rơi giữa chiều

Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu

Lá vàng bay! Lá vàng bay!

Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai

Lá vàng rơi! Lá vàng rơi!

Như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối..."

(Đường chiều lá rụng, 1958)

Nhạc sĩ Phạm Duy còn "họa" các bức hoạt cảnh thời đại qua nhiều giai đoạn. "Nương chiều" và "Gánh lúa' trong giai đoạn kháng chiến chính là không gian quen thuộc của trường phái hiện thực, đậm trữ tình. Phạm Duy không quên đi vào ấn tượng với "Chiều về trên sông", nhục tính với "Cỏ hồng", còn "Mẹ Việt Nam" chính là tượng trưng, "Tổ khúc bầy chim bỏ xứ" là ẩn dụ và "Trường ca Hàn Mặc Tử" chính là siêu thực...

Sức sáng tạo và sự đóng góp của Phạm Duy cho nền âm nhạc Việt Nam là vô cùng to lớn. Ông đã để lại kho tàng âm nhạc đa màu sắc, đa phương diện...

(Tóm lược bài viết của tác giả Trịnh Thanh Thủy)

Xem thêm: Nhạc sĩ Ngọc Chánh - nhạc sĩ Phạm Duy: Sự kết hợp ăn ý ở mảng nhạc phim với ca khúc "Vết thù trên lưng ngựa hoang"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận