Nhạc sĩ Nguyễn Hiền: “Ông tên Hiền và nhạc của ông cũng hiền lành như vậy!”
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã mang đến cho nền tân nhạc một làn gió mới, tươi vui, rộn ràng. Âm nhạc của Nguyễn Hiền cứ thế nhẹ nhàng đi vào tâm hồn người Việt tự bao giờ không biết...
- Nhạc sĩ Nguyễn Hiền là ai?
- Đời tư nhạc sĩ Nguyễn Hiền
- Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hiền: Nguyễn Hiền, nhạc, thơ tràn muôn lối
- Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc nhất của nhạc sĩ Nguyễn Hiền
- Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Nguyễn Hiền
- Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hiền – Nhân cách đi đôi cùng tài năng
HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ NGUYỄN HIỀN
- Tên thật: Nguyễn Hiền
- Nghệ danh: Nguyễn Hiền
- Ngày sinh: 1927 - 2005
- Quê quán: Hà Nội
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
- Thể loại sáng tác: Nhạc vàng, nhạc tiền chiến, tình khúc
- Ca khúc nổi tiếng: Anh cho em mùa xuân, Chuyện đêm mưa, Hoa bướm ngày xưa, Tiếng hát học trò,…
- Ca sĩ trình bày thành công nhất: Lệ Thu, Giao Linh, Hà Thanh, Phi Nhung,...
- Thời gian hoạt động: 1945 – 2005
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền là ai?
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền sinh năm 1927 tại Hà Nội. Năm 8 tuổi, ông bắt đầu học nhạc với một thầy giáo người Pháp. Đến năm 18 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Hiền cho ra đời tác phẩm đầu tay, là bài nhạc phổ thơ mang tên “Người em nhỏ” của tác giả Thiệu Giang.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền là một người chơi nhạc cụ rất giỏi, ông có thể sử dụng thành thạo 8 loại nhạc khí như vĩ cầm, dương cầm và đặc biệt là phong cầm.
Năm 1951, nhạc sĩ Nguyễn Hiền được mời làm nhạc trưởng của ban nhạc Hotel de Paris ở Hà Nội.
Năm 1953, ông lấy vợ do gia đình sắp đặt và cuộc hôn nhân này của ông kéo dài viên mãn tới cuối đời.
Tháng 9 năm 1954, cả gia đình nhạc sĩ Nguyễn Hiền di cư vào miền Nam. Tại Sài Gòn, ông công tác tại các đài phát thanh, đài truyền hình và các bộ thông tin. Nguyễn Hiền từng làm Chủ sự phòng Chương trình Đài phát thanh Sài Gòn và phụ tá Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền là một trí thức văn nghệ điển hình, được nhiều người tôn trọng và quý mến. Nhiều người nhận xét Nguyễn Hiền có dáng dấp của một nhà giáo nhiều hơn một nghệ sĩ bởi sắc diện nho nhã, trắng trẻo của ông. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền là người thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp, đặc biệt ông có một trí nhớ phi thường. Vào thập niên 1990, khi được gặp lại các ca sĩ sinh hoạt trước năm 1975, ông vẫn còn nhớ và thậm chí đọc lại được cả biển số xe của họ.
Năm 1988, nhạc sĩ Nguyễn Hiền và gia đình định cư tại Mỹ theo diện ODP. Tại đây, ông cùng nhạc sĩ Ngọc Bính và một số người bạn lập ra ban Saigon Band ở Little Saigon, Westminster, California. Ở vùng đất mới, nhạc sĩ Nguyễn Hiền vẫn tiếp tục hoạt động về văn hóa, văn nghệ dân tộc.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền qua đời vào ngày 23 tháng 12 năm 2005 tại Mỹ vì căn bệnh ung thư phổi.
Đời tư nhạc sĩ Nguyễn Hiền
Năm 1953, nhạc sĩ Nguyễn Hiền cưới vợ là bà Nguyễn Thị An (cháu gọi nhà thơ Tú Mỡ là chú). Dù cuộc hôn nhân này hoàn toàn là do cha mẹ sắp đặt, cả hai chỉ biết mặt nhau trước ngày cưới hai tuần. Thế nhưng, cuộc hôn nhân của họ vẫn hạnh phúc trọn vẹn cho đến tận lúc cuối đời.
Vợ của nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng kể rằng: “Vừa thấy anh ấy là tôi yêu ngay. Anh sinh viên Trường Bưởi trông rất đẹp trai và nghệ sĩ”.
Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hiền: Nguyễn Hiền, nhạc, thơ tràn muôn lối
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền là một người học nhạc từ nhỏ, năm 18 tuổi ông đã có sáng tác đầu tay của riêng mình. Dòng nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hiền mang đậm tình tự quê hương. Tên ông là Hiền và nhạc của ông cũng hiền lành như tên vậy. Lắng nghe các nhạc phẩm do Nguyễn Hiền sáng tác, khán giả luôn cảm nhận được một tình yêu thuần khiết và đầy đôn hậu. Quê hương trong các ca khúc ấy cũng hiện lên với nét đượm buồn, thanh bình, hiền hòa và đầy sâu lắng. Điều này được thể hiện rõ qua một vài câu hát trong bài “Về bến xưa” của ông: “Thuyền ơi, bến xưa ai đang ngóng chờ/ Dòng sông cũ đìu hiu nước trôi lững lờ/ Bóng con đò chèo khua trên sông vắng/ Xa bến bờ chập chùng một hàng cây…”.
Ngoài những ca khúc trữ tình mang đậm nét quê hương, nhạc sĩ Nguyễn Hiền còn là người chuyên phổ nhạc cho thơ. Trong số hàng trăm sáng tác của ông, số lượng ca khúc phổ từ thơ của các thi sĩ chiếm một con số đáng kể. Theo nhà thơ Lê Tử Du, cùng với nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Hiền được xem là một trong những người đem nhạc vào thơ nhiều nhất.
Một số ca khúc phổ nhạc cho thơ tiêu biểu của nhạc sĩ Nguyễn Hiền có thể kể đến là: “Anh cho em mùa xuân” thơ Kim Tuấn, “Mười hai câu của tuổi trẻ” thơ Song Hồ, “Hồ than thở” thơ Hà Dzũng, “Hoa bướm ngày xưa” thơ Thanh Nam, “Hương thề” thơ Hoàng Ngọc Liên,…
Giống như tác giả Lê Hữu có viết: “Nguyễn Hiền, nhạc, thơ tràn muôn lối”.
Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc nhất của nhạc sĩ Nguyễn Hiền
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của làng nhạc vàng miền Nam. Suốt một đời cống hiến hết mình cho âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã đóng góp hơn 100 ca khúc vào kho tàng âm nhạc Việt Nam.
Một số nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Hiền có thể liệt kê gồm: Anh cho em mùa xuân; Về đây anh; Mái tóc dạ hương; Tìm đâu; Ngàn năm mây bay; Hoa bướm ngày xưa; Tiếng hát học trò; Từ giã thơ ngây; Xuân vui ca; Thu may áo cưới; Tiếng hát học trò; Về bến xưa; Lá thư gửi mẹ; Lá rơi bên thềm; Kỷ niệm chúng mình; Hoa đào năm trước; Người em nhỏ;…
Trong đó, ca khúc “Anh cho em mùa xuân” được phổ nhạc từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của Kim Tuấn có thể nói là nổi tiếng nhất sự nghiệp của Nguyễn Hiền.
“…Trời sắp sang mùa xuân
Anh cho em tất cả
Tình yêu non nước này
Bài thơ còn xao xuyến
Nắng vàng trên ngọn cây”.
Năm 2007, trong một cuộc bình chọn do tòa soạn Báo Tuổi Trẻ Online thực hiện, “Anh cho em mùa xuân” được độc giả bình chọn là ca khúc hay nhất và được yêu thích nhất trong các nhạc phẩm viết về chủ đề mùa xuân. Dù đã ra đời từ hơn 60 năm trước, cho đến nay bài hát vẫn giữ được nét tươi mới, hân hoan.
Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Nguyễn Hiền
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu của nền tân nhạc Việt Nam, cùng thời với nhạc sĩ Lữ Liên, Phạm Duy, Xuân Tiên,… Theo nhà thơ Du Tử Lê đánh giá, ông là người mang đến cho nền tân nhạc thời kỳ ấy một làn gió mới, tươi vui, rộn ràng.
“Chọn đi đường riêng, một đường đi không cùng hướng với những người đồng thời, nhưng lại vô cùng phù hợp với cá tính, bản chất của mình, phải chăng nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã vô tình cho những thế hệ sau ông, biết rằng: Nền thi ca miền Nam hai mươi năm, không chỉ có nước mắt. Nền thi ca ấy, qua khúc ca của ông, còn có tiếng cười hân hoan của lục lạc thương yêu, tiếng reo ngân thánh thót của chuông khánh những mùa Xuân đã qua và, những mùa Xuân sẽ tới, nữa”, nhà thơ Du Tử Lê viết.
Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hiền – Nhân cách đi đôi cùng tài năng
Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nhà văn Việt Hải đã từng nhận xét như sau: “Ông là người có tính tình điềm đạm, giọng nói từ tốn và kiến thức rộng rãi. Tuy theo Tây học, nhưng ông luôn mang nặng hồn dân tộc. Ông cởi mở với mọi người, rộng lượng với đàn em, tử tế với bạn bè và là người biết trân quý gia đình. Nhưng tất cả những ưu điểm trên đều không lớn hơn trái tim nhân hậu mà ông dành cho tha nhân và xã hội”.
“Nếu ai có cơ hội hoạt động gần gũi với nhạc sĩ Nguyễn Hiền thì đó phải là người may mắn. Và chỉ cần học hỏi được một phần nhỏ trong thân thế và sự nghiệp bao quát của ông, thì đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao”, nhạc sĩ Nam Lộc chia sẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền rất đúng với câu: Người cũng như tên, tên cũng như nhạc. Ông hiền lành và nhạc cũng ông cũng hiền lành, đôn hậu như vậy. Với những giai điệu, lời ca đầy sự hiền hòa, giản dị âm nhạc mà Nguyễn Hiền mang đến cứ thế đi vào tâm hồn người Việt, từ già trẻ gái trai ai cũng đều yêu thích.
Tổng hợp
Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Dinh: Một đời tài hoa, sống trọn vẹn “kiếp tằm nhả tơ”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận